1. Đặc điểm người chưa thành niên và những chính sách hình sự đối với người chưa thành niên
NCTN là người chưa ổn định về sinh lý, tâm lý, còn bị hạn chế về nhận thức, thiếu kinh nghiệm sống, chưa có khả năng đánh giá đúng đắn sự việc, nhất là đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì chưa nhận thức được đầy đủ tính chất của nó, không lường hết được hậu quả của nó. Trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tuy chúng ta đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào, nhưng cũng còn rất nhiều thiếu sót, nhất là việc giáo dục ở cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ em phạm tội có phần trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Dựa vào những đặc điểm trên, mà chính sách hình sự đối với NCTN cũng đã được pháp luật quy định rất cụ thể và mang tính đặc thù, nó thực sự phản ánh được chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người chưa đến tuổi trưởng thành.
Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và Việt Nam phê chuẩn ngày 20/02/1990 quy định: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Ở Việt Nam, độ tuổi NCTN được xác định thống nhất trong Hiến Pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính... và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của NCTN là dưới 18 tuổi và pháp luật hình sự cũng có những quy định riêng về trách nhiệm hình sự của NCTN trong từng lĩnh vực và từng hành vi mà pháp luật hình sự quy định là tội phạm[1]. Về mặt nguyên tắc, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Tuy nhiên, đối với trường hợp người phạm tội là NCTN, Nhà nước có chính sách xử lý riêng căn cứ vào đặc điểm đặc thù của sự phát triển tâm sinh lý con người ở độ tuổi này cũng như đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2. Tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm gần đây
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Công an tỉnh Sơn La về các vụ án mà đối tượng là NCTN phạm tội (trong đó có các vụ án đã bị khởi tố về hình sự, xử lý vi phạm hành chính và đưa vào các trường giáo dưỡng), trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra 91 vụ, trong đó có 129 đối tượng phạm tội; năm 2014 xảy ra 47 vụ, trong đó có 94 đối tượng phạm tội; năm 2015 xảy ra 61 vụ, trong đó 110 đối tượng phạm tội. Cũng theo thống kê về tình hình xét xử của toàn tỉnh Sơn La trong những năm gần đây, có rất nhiều bị cáo là NCTN phạm tội, cụ thể:
- Năm 2013, tổng số toàn tỉnh xét xử 1.145 vụ án với 1.805 bị cáo trong đó có 74 bị cáo là NCTN chủ yếu về các loại tội phạm như: Tội trộm cắp tài sản có 24 bị cáo; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác có 13 bị cáo; tội tàng trữ vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt ma túy; tội giết người có 1 bị cáo và các tội phạm khác.
- Năm 2014, toàn tỉnh đã xét xử 1.256 vụ án với 2.065 bị cáo trong đó có 78 bị cáo là NCTN chủ yếu về các loại tội phạm như: Tội trộm cắp tài sản có 41 bị cáo; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt ma túy có 10 bị cáo; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có 9 bị cáo và các loại tội phạm khác.
- Năm 2015, toàn tỉnh đã xét xử 1.019 vụ án với 1.608 bị cáo trong đó có 61 bị cáo là NCTN chủ yếu về các tội như: Tội trộm cắp tài sản 26 bị cáo; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt ma túy với 15 bị cáo; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có 5 bị cáo; tội hiếp dâm có 2 bị cáo; tội hiếp dâm trẻ em có 2 bị cáo; tội cướp tài sản có 4 bị cáo; tội đánh bạc có 2 bị cáo và các loại tội phạm khác.
Dựa vào các con số thống kê nêu trên, có thể thấy rằng, tình hình tội phạm do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La là rất cao. Nếu như trước đây NCTN thường phạm một số ít những loại tội như: Trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích với tính chất đơn lẻ, thủ đoạn đơn giản, thì hiện nay, xu hướng phạm nhiều loại tội với tình chất côn đồ, ổ nhóm, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp và manh động hơn. Không chỉ có vậy, đối tượng này còn nhúng tay vào hầu như tất cả các hình thức phạm tội của người lớn có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như cướp tài sản, hiếp dâm, thậm chí cả giết người. Điều đáng nói ở đây là tính chất hành vi vi phạm ngày càng táo bạo, liều lĩnh hơn và nghiêm trọng hơn.
3. Nguyên nhân của tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La
Thứ nhất, do hạn chế về nhận thức: Sơn La là địa bàn biên giới, nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí của một bộ phận bà con vùng sâu vùng xa, vùng biên giới còn chưa cao. Hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, trình độ nhận thức còn lạc hậu, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, nhưng chưa thực sự làm chuyển biến được nhận thức của người dân, nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa đi sâu vào nhóm đối tượng chính là NCTN.
Thứ hai, do thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình: Đa phần trẻ em phạm tội thường là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em thiếu sự quan tâm của gia đình (bố mẹ ly hôn, thiếu tình thương yêu của gia đình), các bậc cha mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ các em, nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, họ phải lăn lộn để mưu sinh, nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái. Những em thiếu sự quan tâm của bố mẹ sẽ dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp. Hoặc các em sẽ dễ tái phạm tội nếu sau khi hết thời gian giáo dục cải tạo về địa phương, mà không được quan tâm, quản lý. Những yếu tố tiêu cực trong gia đình cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ các em thấy con mình hư hỏng, thì mắng chửi, nên trẻ hoặc cãi lại, hoặc càng tái phạm tội với mức độ cao hơn. Bố mẹ trẻ cho rằng, đưa các em vào những trung tâm giáo dưỡng với suy nghĩ gia đình không giáo dục được trẻ thì để các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đó chính là những việc làm như giọt nước làm tràn ly, chỉ khiến những tư tưởng phá phách của trẻ phát triển với cường độ mạnh hơn, tính chất cũng phức tạp hơn rất nhiều.
Thứ ba, do sự thay đổi quá nhanh của xã hội, sự bùng nổ của công nghệ thông tin: Sự phát triển của các tệ nạn xã hội khiến trẻ không kịp thích ứng, tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi, thích tự lập, thích được thể hiện mình, nên dễ dẫn đến thái độ sống không đúng đắn, dễ bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo vào những hành vi xấu, trong khi đó người lớn dần ít quan tâm hơn đến đời sống con cái mà chạy theo sự chuyển biến của xã hội. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển đa dạng của các trò chơi bạo lực, đẫm máu, những trang web thiếu lành mạnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn các em đến việc thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ tư, do sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường ở nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là các xã, các huyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
4. Một số giải pháp phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên thực hiện
Một là, cần đưa nội dung pháp luật hình sự đối với NCTN vào chương trình học chính khóa tại các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nên đưa các tội danh cụ thể mà NCTN phải chịu TNHS khi có hành vi vi phạm, các tội danh cụ thể mà ở lứa tuổi của các em có thể nhận biết được tính chất nguy hiểm cho xã hội về hành vi đó như: Giết người, cướp của, hiếp dâm... Bản thân các em khi được tiếp cận các thông tin đó sẽ hiểu được tác hại của việc vi phạm pháp luật giúp các em tránh không thực hiện những điều mà pháp luật ngăn cấm. Bên cạnh đó, còn giúp cho gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục các em có hiệu quả hơn, chỉ ra cho các em những điều mà pháp luật ngăn cấm, khuyên bảo các em không thực hiện những hành vi đó.
Hai là, xây dựng hệ thống giáo dục pháp luật tốt, trong đó giáo dục của các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể và gia đình đóng vai trò cốt lõi. Lứa tuổi chưa thành niên cần có sự quan tâm cả về mặt vật chất và tinh thần, có sự giáo dục đầy đủ, từ đó hạn chế tội phạm do NCTN phạm tội thực hiện. Ở tuyến cơ sở xã, phường, thôn, bản cần có đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn, công tác xã hội tìm hiểu và quan tâm tới những gia đình và thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, các gia đình có xung đột, mâu thuẫn đã diễn ra lâu ngày, nhưng chưa thể giải quyết được. Các tổ chức đoàn thể và xã hội này cần phải tiếp cận, tìm cách hạn chế, ngăn chặn xu hướng thiếu tích cực xảy ra. Đồng thời, giáo dục trẻ em hướng các em thành người có ích cho xã hội. Điều này rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa ba mắt xích quan trọng: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Ba là, có chính sách giáo dục thanh thiếu niên thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng; xét xử công khai, xét xử lưu động đối với những vụ án phức tạp, điển hình có tính chất nổi cộm nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, đồng thời có tính răn đe đối với các em.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Xây dựng các “tủ sách pháp luật tại địa phương”, thường xuyên cập nhật những văn bản pháp luật mới giúp các em có khả năng tiếp cận với các thông tin về pháp luật nhanh nhất, qua đó nâng cao được nhận thức về tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội của lứa tuổi mình qua đó sẽ hạn chế được việc thực hiện tội phạm, bảo đảm tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.
Năm là, Nhà nước có chính sách tạo việc làm cho người lao động, ổn định kinh tế - chính trị - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, nâng cao chất lượng gia đình, bởi lẽ, gia đình chính là tế bào của xã hội. Giáo dục trong gia đình chính là giáo dục đầu tiên, quan trọng nhất đối với mỗi con người. Đồng thời, ở mỗi địa phương cần đẩy lùi những tụ điểm xấu của xã hội, có môi trường cho trẻ được tham gia vui chơi, học tập sinh hoạt tập thể lành mạnh…
Sáu là, Nhà nước cần có chính sách quản lý hệ thống thông tin mạng internet, vì trẻ em hiện nay là đối tượng thường tiếp xúc sớm, nhanh với các thông tin văn hóa phẩm độc hại, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng.
Bảy là, đào tạo đội ngũ giáo viên, tuyên truyền viên có kiến thức về pháp luật để kịp thời cập nhật những văn bản pháp luật mới để đưa vào giảng dạy cũng như tuyên truyền, phổ biến đến người dân.
Trẻ em là tương lai của đất nước, vì vậy, việc giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng đối NCTN là một đòi hỏi cấp thiết. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân của tỉnh Sơn La trong việc giáo dục pháp luật cho NCTN, hi vọng thời gian tới sẽ hạn chế được tình trạng NCTN phạm tội, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ vùng Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc.
Trường Trung cấp Luật Tây Bắc
[1]. Xem: Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.