Tóm tắt: Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng, tư vấn du học thực sự là yêu cầu cần thiết đối với người dân. Bài viết nêu lên thực trạng pháp luật đối với hoạt động tư vấn du học trong thời gian qua, vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động này, từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn đối với hoạt động tư vấn du học.
Abstract: Before the needs of socio-economic development in general and education and training development in particular, study abroad counseling is really a necessary requirement for people. The article outlines the legal status of study abroad counseling in the past time, the role of state management in this activity, from which, proposes some solutions to more effectively manage the study abroad consulting.
1. Dẫn nhập
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, giáo dục và đào tạo của các quốc gia, khu vực, thế giới có điều kiện giao lưu, hợp tác mở rộng quy mô, loại hình đào tạo. Điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho người học trong việc tiếp cận, lựa chọn, tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở các cấp học, bậc học, trình độ, ngành, nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục và của quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, tùy theo năng lực, sở thích, khả năng của mỗi cá nhân. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài (du học) đã trở thành nhu cầu của cư dân các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đối với nước ta, tổ chức hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học (TVDH) cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp được pháp luật thừa nhận, được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng khuôn khổ pháp lý và giải pháp quản lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, làm thế nào để quản lý hiệu quả các tổ chức kinh doanh dịch vụ TVDH, đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập để vừa đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của công dân, tổ chức, cá nhân, phát huy nguồn lực, trí tuệ con người Việt Nam tham gia đào tạo ở nước ngoài, đồng thời, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của hoạt động này.
2. Thực trạng công tác quản lý hoạt động dịch vụ tư vấn du học
2.1. Thực trạng quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta thể hiện sự công nhận hoạt động TVDH là một ngành nghề và quy định cụ thể các nội dung, điều kiện hoạt động của lĩnh vực này như: Phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất; người đứng đầu và đội ngũ nhân viên trực tiếp TVDH phải có trình độ đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TVDH; có nguồn lực tài chính để đảm bảo các trường hợp rủi ro... Đồng thời, tổ chức dịch vụ tư vấn du học chỉ được phép hoạt động cung ứng dịch vụ TVDH khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký dịch vụ TVDH và đã ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại. Đơn vị quản lý hoạt động của các tổ chức TVDH là Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Có thể nói, Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho công tác quản lý các tổ chức TVDH đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn; tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý cũng như hoạt động của các tổ chức TVDH.
Bên cạnh mặt tích cực thì công tác quản lý hoạt động TVDH trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống văn bản, quy định pháp luật của Nhà nước còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực này, các văn bản còn chồng chéo và khó thực hiện, gây lúng túng cho các cơ quan quản lý và tổ chức TVDH.
Cụ thể, khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư năm 2014 và Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, theo đó, tại khoản 3 Điều 74 có hai nội dung quan trọng nhất liên quan đến quy định về điều kiện cấp phép thành lập tổ chức TVDH: Việc cấp chứng chỉ hành nghề TVDH và ký quỹ (500 triệu đồng) tại ngân hàng theo quy định của khoản 2 Điều 10 Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg là không còn khả thi, vì Luật Đầu tư năm 2014 không xem hoạt động dịch vụ TVDH là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, các quy định có liên quan đến điều kiện cấp phép hoạt động của tổ chức kinh doanh TVDH của Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg sẽ không còn hiệu lực.
Đồng thời, để thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014, ngày 28/6/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3125/BGDĐT-ĐTVNN về việc quản lý hoạt động dịch vụ TVDH. Nội dung Công văn, ngoài việc chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ TVDH theo phân cấp, còn quy định: “Căn cứ khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014, các quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ TVDH tại Chương 3 Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2016”; Công văn cũng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo: “Hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết các thủ tục để các tổ chức dịch vụ TVDH rút tiền ký quỹ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2790/SGD&ĐT- GDCYTNN ngày 19/7/2016 có nội dung: “Các quyết định cho phép hoạt động của các tổ chức hoạt động TVDH do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp từ 10/3/2013 đến 30/6/2016 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016”. Từ đó, các tổ chức TVDH đã làm thủ tục xin rút tiền đã ký quỹ tại ngân hàng và không cần chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TVDH để xin giấy phép thành lập tổ chức TVDH. Các tổ chức này chỉ cần đăng ký hoạt động doanh nghiệp có chức năng TVDH tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó nộp giấy đăng ký doanh nghiệp cho Sở Giáo dục và Đào tạo để quản lý.
Tuy nhiên, đến ngày 22/11/2016, Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; theo đó lại bổ sung hoạt động kinh doanh dịch vụ TVDH thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong thời gian ngắn, các văn bản pháp quy liên tục thay đổi, từ công nhận là ngành, nghề được phép kinh doanh, đến việc rút ra khỏi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, rồi ngay sau đó lại bổ sung vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước và hoạt động của các tổ chức TVDH.
Để giải quyết những xáo trộn về thực tiễn pháp lý đối với quy định kinh doanh hoạt động TVDH được thống nhất, ngày 21/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định số 46/2017/NĐ-CP), trong đó có quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ TVDH là không đòi hỏi người đứng đầu tổ chức TVDH phải có trình độ đại học trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TVDH như Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mà chỉ yêu cầu: “Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo” (khoản 3 Điều 107). Đặc biệt, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP cũng không quy định việc ký quỹ tại ngân hàng thương mại như Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg trước đây.
Các quy định trong Nghị định số 46/2017/NĐ-CP là căn cứ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động TVDH. Tuy nhiên, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh TVDH và điều này đã được điều chỉnh bởi Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Thực trạng trên cho thấy, văn bản pháp luật quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động TVDH trong thời gian qua có sự chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ và ban hành chưa kịp thời.
2.2. Thực trạng việc quản lý hoạt động tư vấn du học của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức
Do hoạt động TVDH mang tính phức tạp, có liên quan đến yếu tố nước ngoài và lĩnh vực này cũng còn tương đối mới mẻ đối với các địa phương nên để quản lý chặt chẽ đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, quản lý mang tính liên ngành. Tuy nhiên, hiện nay, quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý lĩnh vực này cho thấy chưa có quy định cụ thể về sự chỉ đạo, phối hợp, quản lý chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Việc xử lý, kiểm tra các vi phạm về lĩnh vực TVDH vẫn còn bất cập, một phần cũng do thiếu các quy định, chế tài cụ thể, gây khó khăn trong công tác xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm. Một số địa phương nhìn chung vẫn chưa chủ động tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động TVDH trên địa bàn. Chưa có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành có liên quan (cơ quan truyền thông, tư pháp, ngoại vụ, công an…) trong quản lý các tổ chức TVDH và người đi học tự túc ở nước ngoài.
2.3. Đối với hoạt động của các tổ chức dịch vụ tư vấn du học
Xuất phát từ thực trạng công tác quản lý hoạt động TVDH như trên, các tổ chức dịch vụ TVDH hiện nay về cơ bản được quản lý, định hướng hoạt động vào nề nếp từ sau khi Nghị định số 46/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, ở một số địa phương, hoạt động của các tổ chức TVDH vẫn còn nhiều bất cập: Có tổ chức dịch vụ TVDH hành nghề khi chưa đủ điều kiện được cấp phép hoạt động; quảng cáo tuyển sinh, cung cấp thông tin không chính xác; một số cơ sở có dấu hiệu lừa đảo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức cho công dân ra nước ngoài học tập, gây bức xúc cho gia đình học sinh, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hợp tác và hoạt động trao đổi giáo dục với nước ngoài. Thực trạng này không những đã ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội, mà còn gây ra tâm lý hoài nghi, làm giảm lòng tin của người dân đối với các cơ sở TVDH nói chung, trong đó có cả những cơ sở làm ăn nghiêm túc, luôn giữ “chữ tín” và đạo đức nghề nghiệp.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn du học
Một là, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản điều chỉnh đối với hoạt động TVDH để tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực này tại các địa phương. Trước mắt, cần rà soát, ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức TVDH hoạt động đúng pháp luật, tránh việc ban hành các quy định chồng chéo, rào cản đối với hoạt động kinh doanh TVDH. Vấn đề khó nhất hiện nay đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh TVDH là hành lang pháp lý thiếu, chưa minh bạch, không đồng bộ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề đăng ký thành lập, cũng như hoạt động tuyển sinh. Quy định pháp lý hiện hành còn thiếu cơ chế xử phạt, cũng như quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh TVDH, những hành vi nào tổ chức TVDH được phép thực hiện, các hành vi nào không được phép, chế độ báo cáo, khen thưởng chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tự giác trong việc khai báo trung thực về tình trạng tuyển sinh, điều này cũng gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước đối với du học sinh. Ví dụ: Điều kiện để mở trụ sở của các công ty TVDH như thế nào cho hợp lý? Điều kiện cơ sở vật chất phải như thế nào là đúng và đủ? Có nhất thiết bắt buộc người đứng đầu phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương hay không? Hay vấn đề ký quỹ để được hoạt động có cần thiết hay không? Những câu hỏi đặt ra này điều thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh. Vì vậy, nên kịp thời bổ sung các quy định trên thật cụ thể, rõ ràng. Quán triệt cho các tổ chức TVDH hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định tại Điều 15 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP và kịp thời bổ sung các hình thức xử lý vi phạm cụ thể tương ứng với từng hành vi vi phạm về trách nhiệm của các công ty TVDH. Làm được điều này chắc chắn sẽ tạo được hành lang pháp lý đầy đủ và đảm bảo được tính răn đe đối với các công ty kinh doanh hoạt động dịch vụ TVDH, hướng các công ty hoạt động theo đúng, đủ và tuân thủ pháp luật, bổ sung những quy định khen thưởng cụ thể đối với các công ty TVDH tuân thủ tốt quy định pháp luật, có những đóng góp tạo hình ảnh quốc gia ra trường quốc tế, các công ty có sự kết nối, hỗ trợ tốt đối với du học sinh ở nước ngoài.
Hai là, cần quy định cụ thể, phân định rõ chức năng, trách nhiệm, cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp trong thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động TVDH từ trung ương đến địa phương theo đó quy định rõ thẩm quyền chủ trì quản lý thuộc về cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về giáo dục cấp trung ương, tỉnh. Các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp thực hiện tăng cường công tác phối hợp quản lý trên lĩnh vực này giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện việc cấp phép cho các tổ chức TVDH; kiểm tra chặt chẽ các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục để tổ chức kinh doanh dịch vụ TVDH. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương có liên quan (như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp) cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền pháp luật về TVDH cho người dân; giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi đăng ký, nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định; thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý; hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan đối với du học sinh và hoạt động TVDH. Sở Ngoại vụ kịp thời nắm thông tin đối với du học sinh để phản ánh với địa phương thông qua cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp huyện thường xuyên kiểm tra, nghiêm cấm việc triển khai các hoạt động TVDH như: Treo biển quảng cáo, thông báo tuyển sinh, tổ chức hội nghị, hội thảo chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài trái pháp luật trên địa bàn quản lý, kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.
Ba là, tăng cường công tác bồi dưỡng về quản lý và nghiệp vụ TVDH: Hoạt động TVDH là lĩnh vực tương đối mới và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Do đó, để việc quản lý lĩnh vực này đạt hiệu quả và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có trình độ được đào tạo ở nước ngoài cho đất nước, cần phải đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, nghiệp vụ TVDH. Cán bộ, công chức được phân công quản lý lĩnh vực này phải am hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TVDH; đồng thời, nắm vững các quy định có liên quan khi tổ chức cho học sinh du học ở nước ngoài để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng tiêu cực, sai phạm của cá nhân, tổ chức trong tham gia hoạt động TVDH. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chức năng do Nhà nước quy định cần phải xây dựng các chương trình bồi dưỡng phù hợp để đáp ứng nhu cầu về công tác quản lý của cán bộ, công chức cũng như nhu cầu về chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ kinh doanh dịch vụ TVDH. Đặc biệt, chú trọng về bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người tham gia hoạt động TVDH.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động TVDH: Các cơ quan quản lý giáo dục theo sự phân cấp về quản lý hoạt động TVDH trên địa bàn, tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động TVDH. Kịp thời phát hiện các vi phạm của các tổ chức TVDH và đình chỉ kinh doanh dịch vụ TVDH theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nếu các tổ chức TVDH không bảo đảm các điều kiện hoạt động cũng như không khắc phục tốt các nguyên nhân xảy ra vi phạm trong quá trình bị đình chỉ hoạt động.
Trong thực tế, không ít cơ sở TVDH đã lợi dụng nhu cầu du học để thực hiện các hoạt động lừa đảo, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức trong hoạt động tư vấn; gây thiệt hại về kinh tế, quyền lợi học tập, ảnh hưởng đến tương lai của người học. Xuất phát từ tình hình đó, xây dựng quy định pháp luật chặt chẽ và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TVDH là vấn đề cần thiết và có tính cấp bách trong thời điểm hiện nay. Quản lý tốt đối với hoạt động này, một mặt cần phải hướng các tổ chức TVDH vào hoạt động theo quy định của pháp luật, hạn chế những tiêu cực ảnh hưởng đối với người dân và xã hội; mặt khác, cần thúc đẩy các tổ chức TVDH phát triển, thực sự là nơi đáng tin cậy, có uy tín, có trách nhiệm trong việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao được đào tạo ở nước ngoài.
ThS. Trịnh Thị Bích Xuyên
Khoa Khoa học xã hội - Luật, Trường Đại học Hoa Sen
Tài liệu tham khảo:
[1]. Trần Kiểm (2014), Những vấn đề cơ bản của Khoa học quản lý giáo dục, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[2]. Thực trạng du học ở Việt Nam hiện nay, https://halo.edu.vn/thuc-trang-du-hoc-o-viet-nam-hien-nay.
[ ]3. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, http://www.baomoi.com/tang- cuong –cong- tac –quan- ly- kinh- doanh - dich- vu- tu-van-du –hoc/21666966.EPI.