1. Nội dung của quyền thanh tra
Một là, quyền thanh tra là một loại quyền lực nhà nước và là quyền hành pháp, bởi theo Điều 94 Hiến pháp năm 2013, “Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp”; và quyền hành pháp là “quyền năng trực tiếp trong hoạch định chính sách, đề xuất đường hướng phát triển kinh tế - xã hội; ban hành chính sách, pháp luật theo thẩm quyền hoặc được ủy quyền lập pháp; tổ chức đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật; áp dụng pháp luật trong những trường hợp cần thiết”[2]. Do đó, việc thực thi quyền thanh tra của các chủ thể thanh tra là quá trình nhân danh nhà nước nói chung, nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để sử dụng quyền năng của nhà nước trong tiến hành thanh tra.
Hai là, quyền thanh tra là một bộ phận của quyền hành chính, được phái sinh từ quyền hành chính. Do đó, quyền thanh tra có đặc điểm là ban hành mệnh lệnh và yêu cầu phục tùng mệnh lệnh. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước (QLNN), các chủ thể thanh tra thể hiện quyền lực của chủ thể QLNN đối với đối tượng QLNN thông qua các quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị - những văn bản mang tính mệnh lệnh, đòi hỏi này có thể làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật hay hoạt động quản lý, điều hành; có khả năng làm dịch chuyển, thay đổi quyền và lợi ích của các đối tượng thuộc phạm vi QLNN theo hai hướng tích cực và bất lợi - thậm chí trong rất nhiều trường hợp có thể làm xâm hại đến quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp, chẳng hạn các quyền về sở hữu tài sản.
Ba là, quyền thanh tra được quy định và giới hạn bởi hiến pháp, pháp luật. Các bản Hiến pháp Việt Nam đều quy định nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, kiểm tra của Chính phủ. Ở mức độ khác nhau, Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật liên quan đều cụ thể hóa nội dung, phương thức thực thi quyền thanh tra, giới hạn và kiểm soát quyền của các chủ thể có chức năng thanh tra.
Bốn là, quyền thanh tra luôn có khả năng bị tha hóa. Các chủ thể thanh tra luôn có nguy cơ lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, xung đột lợi ích trong tất cả các giai đoạn thanh tra. Chẳng hạn việc ban hành, đề xuất ban hành kế hoạch, kết luận, quyết định, yêu cầu về thanh tra trái pháp luật, thiếu khả thi, thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, người dân.
Năm là, nội dung quyền thanh tra: Căn cứ pháp luật hiện hành, có thể tổng hợp các nhóm quyền, trách nhiệm chủ yếu của các chủ thể tiến hành thanh tra qua các giai đoạn trước, trong và sau hoạt động thanh tra trực tiếp như sau: (i) Quyền xây dựng, ban hành định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm; (ii) Quyền ra quyết định thanh tra song cùng với việc xác định đối tượng, nội dung, phạm vi, kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra; (iii) Quyền tổ chức, thành lập đoàn thanh tra; phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn thanh tra; (iv) Quyền tổ chức cuộc thanh tra, thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra (KLTT); (v) Quyền kiểm tra, xác minh, làm rõ những vấn đề thuộc nội dung thanh tra; (vi) Quyền giám định, chưng cầu giám định tư pháp, giám định chuyên môn về các vấn đề thuộc nội dung thanh tra; (vii) Quyền giám sát, kiểm tra hoạt động thanh tra/hoạt động của đoàn thanh tra; (viii) Quyền thẩm định dự thảo KLTT; (ix) Quyền báo cáo kết quả thanh tra; dự thảo và ban hành KLTT; (x) Quyền quyết định và kiến nghị xử lý về thanh tra, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính; thu hồi tiền, tài sản của đối tượng thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật; xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi vi phạm.
2. Nội dung thực thi quyền thanh tra
Để thực hiện chức năng thanh tra thì các chủ thể thanh tra phải được pháp luật trao quyền lực. Do đó, việc thực thi quyền thanh tra cần được tiếp cận đồng thời trên 02 phương diện: (i) Tiềm năng, khả năng về quyền đã được luật định hoặc theo nguyên tắc của QLNN; (ii) Quá trình chuyển hóa, hiện thực hóa khả năng, tiềm năng đó vào thực tiễn hoạt động thanh tra. Theo đó, nội dung thực thi quyền thanh tra có thể được phân tích qua các giai đoạn của hoạt động thanh tra như sau:
2.1. Giai đoạn xây dựng, phê duyệt định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm
Chủ thể chính thực thi quyền lực là thủ trưởng cơ quan QLNN, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Phương thức thực thi quyền lực trong giai đoạn này được thể hiện qua hình thức tham mưu - đề xuất, chỉ đạo, phê duyệt, quyết định định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm. Trong quá trình này, khả năng về quyền theo luật định và quyền theo các nguyên tắc của QLNN được các chủ thể như thủ trưởng cơ quan QLNN, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành thể hiện/vật chất hóa qua các hành vi cụ thể thông thường bằng văn bản như chỉ đạo, tham mưu - đề xuất, quyết định. Trong giai đoạn này, việc thực thi quyền lực chủ yếu mang tính nội bộ giữa cấp trên và cấp dưới trong hệ thống cơ quan QLNN và cơ quan thanh tra nhà nước.
2.2. Giai đoạn xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra trực tiếp
Chủ thể chính thực thi quyền lực là người ra quyết định thanh tra, đơn vị được giao theo dõi thực hiện kế hoạch thanh tra, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, người dự dự kiến được phân công làm trưởng đoàn thanh tra. Quyền lực của chủ thể được thể hiện qua quyền tham mưu - đề xuất, yêu cầu; quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận. Trong giai đoạn này, việc thực thi quyền của các chủ thể chủ yếu mang tính nội bộ hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước; giữa cấp trên và cấp dưới của chủ thể có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra trực tiếp.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, quyền lực trong hoạt động thanh tra cũng có thể phát sinh trong mối quan hệ giữa các chủ thể sẽ tiến hành thanh tra trực tiếp và “đối tượng thanh tra tiềm năng” trong hoạt động khảo sát, nắm tình hình trước khi xây dựng kế hoạch, đề cương thanh tra trực tiếp - đây là hoạt động chưa được luật hóa. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, việc thực thi quyền lực của các chủ thể có thể được chuyển hóa từ quyền năng luật định thành các hành vi cụ thể tùy theo địa vị pháp lý của mình, bao gồm các hành vi tham mưu, chỉ đạo, quyết định về: Nhân sự tham gia đoàn thanh tra; điều kiện tài chính - kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động thanh tra; thời gian, thời hạn, thời kỳ thanh tra; phạm vi đối tượng và nội dung thanh tra; biện pháp pháp lý - nghiệp vụ áp dụng trong tiến hành thanh tra; quan hệ phối hợp trong hoạt động thanh tra; phân công tổ, nhóm, người giám sát hoạt động thanh tra; cơ chế thông tin - báo cáo trong hoạt động thanh tra; xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra...
2.3. Giai đoạn tiến hành hoạt động thanh tra trực tiếp
Giai đoạn này chính là “môi trường, điều kiện” để chuyển hóa tiềm năng về quyền được luật định đối với từng chủ thể thanh tra thành hành vi cụ thể. Về cơ bản, quyền của các chủ thể trong giai đoạn này sẽ được thực hành từ sau khi quyết định thanh tra được công bố và kế hoạch thanh tra được phê duyệt, ban hành đến khi kết thúc hoạt động thanh tra trực tiếp, bao gồm hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra. Cụ thể là:
- Đối với người ra quyết định thanh tra: Người ra quyết định thanh tra có thể là thủ trưởng cơ quan QLNN, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Căn cứ quy định của pháp luật, người ra quyết định thanh tra thực thi quyền lực thông qua các hành vi: Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; yêu cầu đối với đối tượng thanh tra; yêu cầu nghiệp vụ liên quan đến nội dung thanh tra; kiến nghị đối với chủ thể có liên quan đến hoạt động thanh tra; quyết định hay kiến nghị xử lý đối với thành viên đoàn thanh tra...
- Đối với trưởng đoàn thanh tra: Trưởng đoàn thanh tra là người có vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức thanh tra trực tiếp. Quyền của trưởng đoàn thanh tra được pháp luật quy định và theo sự phân công, ủy quyền của người ra quyết định thanh tra trước hết thể hiện qua các hành vi chỉ đạo, điều hành đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra do người ra quyết định thanh tra giao phó thể hiện tập trung trong kế hoạch thanh tra. Trong quá trình thanh tra trực tiếp, trưởng đoàn thanh tra được sử dụng các quyền yêu cầu, quyết định, quyền kiến nghị đối với thành viên đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, đối tượng có liên quan; quyền báo cáo, kiến nghị, đề xuất với người ra quyết định thanh tra.
- Đối với thành viên đoàn thanh tra. Thành viên đoàn thanh tra là người có vai trò trực tiếp cùng trưởng đoàn thanh tra tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu, nội dung của quyết định thanh tra và kế hoạch thanh tra. Quyền của thành viên đoàn thanh tra được pháp luật quy định và theo sự phân công, ủy quyền của trưởng đoàn thanh tra.
- Đối với thủ trưởng cơ quan QLNN, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong giai đoạn tiến hành thanh tra, các chủ thể này có thể thực hiện các hành vi như: Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc quá trình tiến hành thanh tra; giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với hoạt động thanh tra; yêu cầu đối với trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra; yêu cầu, đề nghị đối tượng thanh tra và chủ thể có liên quan phối hợp trong hoạt động thanh tra...
3. Biểu hiện tha hóa của quyền thanh tra
Quá trình theo dõi, thống kê, tổng kết hoạt động thanh tra thời gian qua đã cho thấy các biểu hiện thực tiễn của tha hóa quyền thanh tra gây khó khăn, vướng mắc, tổn thất cho các chủ thể thanh tra nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Sau đây là một số ví dụ điển hình và hậu quả của nó:
Một là, trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra:
- Trong xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm, có lúc, có nơi các chủ thể thanh tra vì lợi ích cá nhân đã tham mưu hoặc quyết định, phê duyệt, ban hành các văn bản này thiếu khách quan, minh bạch, không xuất phát từ mục tiêu nâng cao hiệu quả QLNN đối với ngành, lĩnh vực; chưa thực sự căn cứ vào các dấu hiệu sai phạm của cơ quan, tổ chức được người dân và cơ quan báo chí khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...
- Có trường hợp các chủ thể thanh tra không khảo sát, nắm tình hình chưa đầy đủ, khách quan hoặc thiếu thông tin về đối tượng thanh tra dẫn đến thiếu căn cứ ban hành quyết định thanh tra; điều kiện về nhân sự, tài chính, kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ của đoàn thanh tra chưa được bảo đảm; kế hoạch tiến hành thanh tra chưa cụ thể, chưa xác định rõ đối tượng, phạm vi, mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, thời hạn tiến hành thanh tra; việc xác định cơ cấu, số lượng, nhân sự đoàn thanh tra và phân công nhiệm vụ cho thành viên chưa thực sự khách quan...; có lúc, có nơi người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra chưa dự liệu được hết những khó khăn sẽ gặp phải dẫn đến bị động, lúng túng hoặc không thể hoàn thành nhiệm vụ...
- Đôi khi sự trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và các cơ quan khác làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra không chỉ có các cơ quan thanh tra mà còn có cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan kiểm tra của Đảng, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và hoạt động kiểm tra theo chức năng của các cơ quan QLNN[3].
Hai là, trong giai đoạn tiến hành thanh tra:
- Tham nhũng, tiêu cực là biểu hiện phổ biến của tha hóa quyền lực. Các chủ thể thanh tra đều có thể là chủ thể, tác nhân hoặc nạn nhân của hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nguyên nhân của sự tha hóa này đến từ nhiều phía, chẳng hạn: Sự thiếu liêm chính trong hoạt động công vụ của công chức thanh tra; tâm lý của đối tượng thanh tra luôn mong muốn đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, người ban hành KLTT... giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm nên thường dùng nhiều chiêu thức “quan tâm, chăm sóc”, thậm chí là mua chuộc, đưa hối lộ, gây sức ép, đe dọa thành viên đoàn thanh tra và các chủ thể tiến hành thanh tra...
- Chủ thể thanh tra cố ý tiết lộ, “rò rỉ” thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật công tác trong quá trình thanh tra; đánh cắp, tiêu hủy, cố tình làm sai lệch các tài liệu, chứng cứ, vật chứng, mẫu giám định, tang vật vi phạm thu thập được trong quá trình thanh tra, các biên bản làm việc, nhật ký đoàn thanh tra, biên bản xác minh, dự thảo KLTT, dự kiến phương án xử lý vi phạm, báo cáo, tờ trình cấp trên về kết quả thanh tra và phương án xử lý... Những thông tin, tài liệu này khi bị tiết lộ ra bên ngoài có thể dẫn đến khả năng “khủng hoảng truyền thông” và có thể kéo theo các hệ lụy phức tạp, nguy hiểm như tài liệu chứng cứ, hiện trường bị ngụy tạo, đánh tráo, bị mất; tạo cơ hội để đối tượng thanh tra và các chủ thể có liên quan bao che, chống đối, đe dọa hoặc “tiếp cận” với người có trách nhiệm trong hoạt động thanh tra để mua chuộc, cầu cạnh, nhờ vả, can thiệp hoặc tung tin thất thiệt nhằm làm giảm uy tín cơ quan và đoàn thanh tra...
- Có trường hợp chủ thể thanh tra không thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ; bỏ qua các ý kiến, quan điểm của đối tượng thanh tra và đối tượng có liên quan; không bảo quản tài liệu, chứng cứ, tang vật, mẫu giám định dẫn đến sự thất thoát, hư hỏng; không kiểm tra, xác minh, giám định tài liệu, chứng cứ, vật chứng hoặc việc kiểm tra, xác minh, tài liệu, chứng cứ, vật chứng qua loa, thiếu khách quan... dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá, kết luận và xử lý các vấn đề thuộc nội dung thanh tra.
- Có lúc, có nơi chưa có sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định chuyên môn, đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can… dẫn đến sự chậm trễ, thiếu chính xác trong thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ và trong kết luận, xử lý hành vi vi phạm.
- Tồn tại cùng lúc sự chỉ đạo, sự can thiệp từ nhiều phía - cơ quan và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan và người đứng đầu cơ quan QLNN, các cấp ủy Đảng với nội dung và yêu cầu khác nhau, thậm chí là xung đột nhau có thể gây hoang mang, mất phương hướng đối với cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; có thể dẫn đến hiện tượng các chủ thể thanh tra buông bỏ trách nhiệm, từ chối, đùn đẩy việc ký KLTT hay quyết định xử lý về thanh tra.
- Còn có trường hợp chủ thể tiến hành thanh tra chưa tuân thủ thời gian, thời hạn thanh tra theo kế hoạch; trình tự, thủ tục thanh tra và thời hiệu xử lý về thanh tra chưa được bảo đảm theo quy định của pháp luật.
- Có một số trưởng đoàn thanh tra chưa quản lý, điều hành và kiểm soát tốt mọi công việc của đoàn thanh tra theo kế hoạch, đề cương thanh tra; còn có sự xung đột về quan điểm công việc và phương pháp công tác giữa đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra với tổ hoặc công chức được phân công giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.
Ba là, trong giai đoạn kết thúc cuộc thanh tra:
- Trong một số trường hợp, đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra không hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra và KLTT đúng hạn theo luật, gây tâm lý căng thẳng, nghi ngại cho đối tượng thanh tra và các chủ thể có liên quan; gây khó khăn cho việc xem xét, đánh giá hay thu thập, xác minh bổ sung tài liệu, chứng cứ nhằm hoàn tất các văn bản quan trọng này khi đoàn thanh tra đã kết thúc thời gian tác nghiệp thực địa, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính xác, khách quan của KLTT.
- Có trường hợp các chủ thể có liên quan đã cố tình áp đặt ý chí cá nhân trong ban hành KLTT, quyết định, kiến nghị xử lý về thanh tra mà không quan tâm đến việc giải quyết các xung đột về quan điểm chuyên môn, nghiệp vụ và quan điểm áp dụng pháp luật giữa các chủ thể có liên quan (giữa thủ trưởng cơ quan QLNN, thanh tra nhà nước; giữa cơ quan QLNN với cơ quan của Đảng; giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm toán nhà nước, điều tra, giám định, luật sư, trợ giúp pháp lý; giữa đoàn thanh tra với cơ quan thẩm định dự thảo KLTT).
- Có trường hợp các chủ thể thanh tra đưa ra kết luận, quyết định, kiến nghị xử lý về thanh tra còn thiếu chính xác, khách quan và khả thi nên không được đối tượng thanh tra và các chủ thể có liên quan tôn trọng, thực hiện, tuân thủ; hoặc KLTT, quyết định xử lý về thanh tra bị khiếu nại hoặc bị khởi kiện ra tòa hành chính yêu cầu bồi thường nhà nước, buộc cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả...
4. Bản chất của kiểm soát quyền thanh tra
Các biểu hiện về tha hóa quyền thanh tra nói trên cho thấy, việc kiểm soát quyền thanh tra là tất yếu xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Đây cũng là đòi hỏi khách quan của kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền nhằm chống lại sự tha hóa, lạm quyền của nhánh hành pháp và duy trì kỷ luật, kỷ cương nhà nước. Về bản chất, kiểm soát quyền thanh tra là một trong những nội dung của kiểm soát quyền hành pháp, đó là tổng thể những phương tiện tổ chức - pháp lý được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân sử dụng nhằm ngăn chặn, loại bỏ những hành vi lạm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm cho quyền hành pháp được thực hiện đúng với Hiến pháp và pháp luật; thiết lập trật tự trong quản lý, bảo vệ các quyền, tự do, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, nhà nước và xã hội. Căn cứ các đặc điểm pháp lý và thực tiễn của hoạt động thanh tra, theo tác giả: Kiểm soát quyền thanh tra là quá trình các chủ thể nhà nước và xã hội áp dụng các cơ chế, phương thức, biện pháp chính trị - pháp lý nhằm xem xét, theo dõi, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện quyền lực của các chủ thể thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực; bảo đảm quyền thanh tra được thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Với quan niệm trên, tác giả cho rằng, kiểm soát quyền thanh tra có những dấu hiệu bản chất sau:
- Về chủ thể kiểm soát: Chủ thể của kiểm soát quyền thanh tra là các chủ thể nhà nước và xã hội, bao gồm: Các cơ quan quyền lực nhà nước; cơ quan hành chính nhà nước; cơ quan tư pháp; kiểm toán nhà nước; Đảng và các cơ quan của Đảng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội, báo chí, người dân, doanh nghiệp.
- Về đối tượng kiểm soát: Đối tượng của kiểm soát quyền thanh tra là các chủ thể của quyền thanh tra, bao gồm: Cơ quan và thủ trưởng cơ quan QLNN; cơ quan và thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan và thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; người ra quyết định thanh tra; trưởng đoàn thanh tra; thành viên đoàn thanh tra.
- Về khách thể/mục tiêu của kiểm soát: Là các quy định của Hiến pháp, pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra. Mục tiêu của kiểm soát quyền thanh tra là nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực; bảo đảm quyền thanh tra được thực hiện trong khuôn khổ/giới hạn của Hiến pháp, pháp luật và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
- Về mặt khách quan của kiểm soát: Kiểm soát quyền thanh tra được thực hiện thông qua việc áp dụng, thực hiện các cơ chế, phương thức và biện pháp chính trị - pháp lý được Hiến định, luật định hoặc theo Điều lệ, quy định của Đảng, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của các tổ chức thành viên của Mặt trận, điều lệ và quy tắc hoạt động của các tổ chức xã hội, báo chí, doanh nghiệp, nhóm xã hội... để xem xét, theo dõi, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện quyền lực của các chủ thể thanh tra./.
TS. Nguyễn Quốc Văn
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra
[1]. Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia: “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, Mã số: ĐTĐL.XH-05/21.
[2]. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-sua-oi-hien-phap-nam-1992/-/2018/23777/quyen-hanh-phap-va-vai-tro-cua-chinh-phu-trong-thuc-hien-quyen-luc-nha-nuoc.aspx, truy cập ngày 06/01/2024.
[3]. Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chỉ thanh tra một lần/doanh nghiệp trong năm trừ lý do đột xuất là một trong những giải pháp có ý nghĩa kiểm soát quyền thanh tra, nhằm hạn chế rủi ro trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024)