1. Quy định của pháp luật về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
Theo Điều 1 Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 thì: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó có quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Tuy nhiên, cũng tại điều này, Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 cũng chỉ ra rằng: “Căn cứ đặc điểm lịch sử, phong tục tập quán và các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia để quy định về độ tuổi của trẻ em, nhưng không được quá 18 tuổi”. Vì vậy, Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam (Điều 1) quy định độ tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi là không trái với quy định của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.
Cùng với sự phát triển về thể chất, thông qua hoạt động thực tiễn, nhận thức của con người cũng dần được hoàn thiện hơn. Chỉ đến khi đạt độ tuổi nhất định thì con người mới có đầy đủ năng lực nhận thức trách nhiệm về hành vi của mình. Ở độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi sẽ chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và trí tuệ, chưa có đủ kiến thức xã hội, vì vậy, cần phải được quan tâm chăm sóc đặc biệt và được bảo vệ về mặt pháp lý.
Chính vì trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần nên rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội hoặc dễ bị xâm hại bởi hành vi phạm tội. Một trong những hành vi xâm hại mang tính chất nguy hiểm cao, ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của trẻ em là các hành vi hiếp dâm hoặc dâm ô.
Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định cụ thể về các tội xâm phạm tình dục, đặc biệt là các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 146, đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, sự phát triển bình thường về thể chất, tâm sinh lý của người dưới 16 tuổi.
Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Như vậy, các hành vi của người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải là chưa hoặc không có mục đích giao cấu. Nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng không giao cấu hoặc không thực hiện hành vi đó được thì không phải là hành vi dâm ô, mà tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Việc tự nguyện của nạn nhân không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, bởi lẽ, độ tuổi và nhận thức của nạn nhân còn rất non nớt, chưa được xem là đủ hiểu biết, đủ trưởng thành, đủ chín chắn để nhìn nhận được việc bản thân đang bị xâm hại. Vì vậy, việc xử lý hành vi dâm ô không xem xét về yếu tố tự nguyện của nạn nhân mà điều quan trọng nhất là độ tuổi của nạn nhân.
Đối tượng của hành vi dâm ô ở tội này là trẻ em. Trẻ em có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể nhưng cũng có thể chỉ bị chứng kiến những hành vi dâm ô. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là tội có cấu thành hình thức, nghĩa là không căn cứ vào hậu quả và những tổn hại của nạn nhân từ hành vi dâm ô gây ra mà chỉ xét về hành vi vi phạm của người thực hiện tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự. Trường hợp người có ý định dâm ô nhưng chưa có hành vi cụ thể nào thể hiện ý định dâm ô thì không cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng không mô tả cụ thể hành vi của tội phạm mà chỉ quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi…”. Việc không mô tả cụ thể hành vi phạm tội của tội phạm này thể hiện văn hóa pháp lý của Nhà nước ta. Theo đó, nhà làm luật tránh mô tả các từ ngữ nhạy cảm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 mà sẽ mô tả, giải thích trong các văn bản hướng dẫn. Theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP) thì hành vi dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Chủ thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi phạm tội gây ra mà người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 01 trong 04 khung hình phạt tương ứng với 01 trong 04 khoản được quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Thực trạng tội phạm dâm ô đối với người dưới 16 tuổi ở Việt Nam hiện nay
Theo Báo cáo của Bộ Công an từ năm 2018 đến năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 55.127 vụ xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn cả nước. Trong đó, có 14.501 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi (chiếm 26,30%); trung bình mỗi năm phát hiện 1.450 vụ, cụ thể: Năm 2018, phát hiện 1.011 vụ, điều tra, khám phá 731 vụ (chiếm 71,95%); năm 2019, phát hiện 1.969 vụ, điều tra, khám phá 1.284 vụ (chiếm 64,91%); năm 2020, phát hiện 1.471 vụ, điều tra, khám phá 975 vụ (chiếm 66,10%); năm 2021, phát hiện 1.830 vụ, điều tra, khám phá 1.103 vụ (chiếm 60,17%); năm 2022, phát hiện 1.118 vụ, điều tra, khám phá 879 vụ (chiếm 78,41%). Điều này cho thấy, tội phạm dâm ô đối với người dưới 16 tuổi xảy ra ở mức cao, cần phải có biện pháp đủ mạnh để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Qua nghiên cứu điển hình 620 đối tượng phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cho thấy: (i) Về cư trú: Các đối tượng phạm tội chủ yếu có địa bàn cư trú trong các tỉnh, có 513 đối tượng, chiếm 82,74%; 107 đối tượng thường trú ở ngoài tỉnh, chiếm 17,26%. (ii) Về giới tính: Số đối tượng là nam giới có 94,52%, là nữ giới có 5,48%. (iii) Về độ tuổi: Dưới 18 tuổi chiếm 6,29%, từ 18 đến 35 tuổi chiếm 71,77%, từ 36 đến 45 tuổi chiếm 16,29%, trên 45 tuổi chiếm 5,65%. (iv) Về trình độ học vấn: Tiểu học và không biết chữ chiếm 15,48%, trung học cơ sở chiếm 50,97%, trung học phổ thông trở lên chiếm 33,55%. (v) Về tiền án, tiền sự: Đối tượng có tiền án chiếm 13,23%, đối tượng có tiền sự chiếm 17,42%. (vi) Về nghề nghiệp: Có 31,94% đối tượng là người không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, có 10,97% số đối tượng nghiện ma tuý. (vii) Về hoàn cảnh kinh tế: Người có hoàn cảnh kinh tế nghèo, khó khăn chiếm 31,13%, kinh tế trung bình chiếm 39,19%, kinh tế giàu có, khá giả chiếm 29,68%.
Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này, tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn xảy ra và có chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu xuất phát từ một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, một số quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập:
- Về bản chất, hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là các hành vi tình dục, có tính chất kích thích, khêu gợi, thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội hoặc kích thích, khêu gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi. Việc quy định cụ thể những hành vi không phải dâm ô mặc dù là cần thiết để thống nhất về đường lối xử lý, tuy nhiên, trong Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP lại quy định đối tượng của những trường hợp này phải là người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật (cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...). Vậy, trường hợp cha mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con trên 10 tuổi thì có phải là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi hay không thì chưa được quy định và còn có các quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này.
- Việc phân hóa trách nhiệm hình sự để cá thể hóa hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em là rất cần thiết trong quá trình đấu tranh phòng, chống các tội phạm này. Có thể thấy, các hình phạt đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi là vô cùng nghiêm khắc, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, khung hình phạt đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm còn khá nhẹ, khung hình phạt cơ bản quy định ở các tội này mức cao nhất của khung hình phạt chỉ đến 03 năm tù hoặc 05 năm tù giam. Mức hình phạt như vậy chưa bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là trong tình hình các tội phạm giao cấu hoặc hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thứ hai, công tác tuyên truyền về giới tính cho người dưới 16 tuổi và chia sẻ những kỹ năng cho đối tượng này còn hạn chế và chưa thực sự đi vào chiều sâu. Người lớn vẫn còn tâm lý ngại chia sẻ, không nhắc đến vấn đề này với trẻ em, trong khi đó, hiện nay, các hình ảnh đồi trụy đang ngày càng tràn ngập trên internet mà trẻ em thì rất hiếu kỳ và dễ bị lợi dụng.
Bên cạnh đó, trong công tác điều tra các vụ án dâm ô đối với người dưới 16 tuổi của lực lượng Cảnh sát hình sự, một bộ phận điều tra viên có tâm lý “gói gọn”, ít mở rộng điều tra vụ án để phát hiện các tổ chức, băng, nhóm và đối tượng phạm tội khác; còn một số ít trường hợp thu thập tài liệu, chứng cứ theo hướng buộc tội nhiều hơn so với theo hướng gỡ tội cho đối tượng.
Ngoài ra, quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự với các lực lượng khác khi tiến hành công tác điều tra các vụ án dâm ô đối với người dưới 16 tuổi trong một số trường hợp còn chưa thực sự chặt chẽ và phát huy hết hiệu quả, chỉ mới dừng lại ở từng giai đoạn, từng vụ việc nhất định mà chưa bảo đảm tính thường xuyên nên chưa phát huy thế mạnh tổng hợp, chưa khai thác được nguồn tài liệu và nguồn lực của mỗi lực lượng.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm dâm ô người dưới 16 tuổi, theo tác giả, cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp theo hướng:
Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật:
- Sửa đổi Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP theo hướng, cần quy định dâm ô là hành vi có tính chất tình dục để phân biệt hành vi dâm ô với những hành vi khác không phải là tội phạm (chăm sóc, điều trị cho trẻ em...); đồng thời, theo đó, cũng cần xác định trường hợp cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con trên 10 tuổi không phải là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
- Đề nghị tăng mức khung hình phạt đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và bổ sung một số tình tiết định khung hình phạt để làm cơ sở phân hóa trách nhiệm hình sự đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như người thực hiện hành vi là cha mẹ, thầy cô giáo… dẫn đến nạn nhân bị hoảng loạn về tâm lý, bỏ học...
Hai là, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính cho người dưới 16 tuổi. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm soát trên môi trường không gian mạng, kịp thời bật tường lửa các trang web đen để không thể truy cập và thường xuyên đưa ra các lời cảnh báo về sự nguy hiểm của loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra vụ án dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, cơ quan điều tra cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị hại trên các lĩnh vực: Bảo đảm việc tham gia của người bảo vệ quyền lợi của người bị hại từ khi lấy lời khai; cung cấp những thông tin cần thiết về quá trình tố tụng cho người bị hại cùng người đại diện hợp pháp; giải thích để người bị hại (đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý) biết về quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của pháp luật; nơi lấy lời khai người bị hại cần được bố trí theo cách thích hợp để họ thấy an toàn, thoải mái; hạn chế thấp nhất số lần và thời lượng lấy lời khai đối với họ. Trong quá trình lấy lời khai, phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quyền giữ bí mật thông tin cá nhân về danh dự, nhân phẩm của họ. Ngoài người đại diện hợp pháp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Trung tâm và Chi nhánh trợ giúp pháp lý cử cán bộ trợ giúp pháp lý giúp cho người bị hại, đặc biệt là những trẻ em không có gia đình, lang thang, cơ nhỡ, trẻ em không nơi nương tựa hoặc gia đình họ có yêu cầu trợ giúp về mặt pháp lý, tâm lý trong quá trình tố tụng hoặc khi xét xử.
ThS. Nguyễn Thanh Dũng
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)