Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015) có tiền thân là tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 1985) và tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 1999). Mặc dù, hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống hoặc làm lây lan dịch bệnh đã được quy định từ lâu trong Bộ luật Hình sự, nhưng trên thực tế hầu như không được áp dụng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan khắp thế giới và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử nhân loại như hiện nay, việc nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này trong pháp luật hình sự Việt Nam và một số quốc gia là rất cần thiết, từ đó, chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục, đồng thời, những quy định của của Bộ luật Hình sự cần được hướng dẫn áp dụng để góp phần xử lý đúng hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19, hạn chế, ngăn ngừa tình trạng dịch bệnh.
Thông qua việc phân tích các dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và nghiên cứu thực tiễn xử lý hành vi này trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, qua bài viết “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” TS. Nguyễn Thị Thúy đã chỉ ra một số điểm còn hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó, kiến nghị sửa đổi quy định của Bộ luật Hình sự cũng như đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật liên quan đến tội danh này. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.