1. Một số phương thức, thủ đoạn điển hình của tội phạm buôn lậu trên địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong hai vùng tam giác kinh tế lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được về kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm và tội phạm kinh tế, đặc biệt là tội phạm buôn lậu tại khu vực này đang có xu hướng diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt.
Theo Báo cáo tổng kết từ năm 2010 đến năm 2020 của Cục Cảnh sát Kinh tế (CSKT), Bộ Công an, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, Bộ Công an và Công an 03 địa phương Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, lực lượng CSKT đã tập trung lực lượng, sử dụng linh hoạt các biện pháp theo quy định của pháp luật và của Ngành Công an, có sự phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài Ngành để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý 18.588 vụ buôn lậu/85.441 vụ việc vi phạm và tội phạm kinh tế (chiếm 21,75%), với 33.402 đối tượng; trong đó, đã khởi tố 940 vụ với 2.006 bị can (chiếm 5,06% số vụ và 6,01% số đối tượng trên tổng số vụ phạm tội kinh tế).
Qua nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn điều tra vụ án buôn lậu trên 03 địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2020 đã cho thấy một số thủ đoạn phạm tội buôn lậu phổ biến như sau:
Thứ nhất, thủ đoạn lợi dụng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Thực tiễn cho thấy, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thương mại, trao đổi, buôn bán hàng hóa, tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực mới nên trong quá trình quản lý còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót. Chính vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự thuận lợi của thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, thương mại điện tử trên nền tảng facebook, google, youtube... để buôn bán, kinh doanh hàng hóa với các mặt hàng đa dạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các đối tượng rao bán các mặt hàng với các tên miền, các website, mạng xã hội, thậm chí sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử với hình thức online. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm và thời trang không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn, chứng từ. Các đối tượng thông qua kho bãi, địa điểm tập kết, cơ sở kinh doanh những dịch vụ gắn kết với thương mại điện tử như kho hàng của bưu chính, chuyển phát nhanh, logistics… để tàng trữ và kinh doanh hàng lậu. Qua khảo sát 210 vụ buôn lậu trên địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh từ năm 2010 đến hết năm 2020, có tới 61 vụ buôn lậu (chiếm 29,04%) mà các đối tượng sử dụng phương thức nhập hàng lậu hoặc phân phối hàng lậu thông qua các kênh thương mại điện tử (theo Báo cáo tổng kết từ năm 2010 đến năm 2020 của Cục CSKT, Bộ Công an).
Có thể dẫn chứng một vụ việc điển hình như sau: Theo Báo cáo tổng kết năm 2020 của Phòng CSKT, Công an TP. Hà Nội, ngày 21/5/2020, Phòng CSKT Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 01, số 06 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Tổ 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử, Tổng Cục Quản lý thị trường) đã tiến hành kiểm tra Cơ sở Dịch vụ bưu chính Thuận Phong (thuộc Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội) nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội phát hiện một kho tập kết hàng lậu quy mô lớn để chuẩn bị chuyển phát. Người đứng đầu Chi nhánh là Fang Hong Yuan, quốc tịch Trung Quốc. Qua hoạt động thương mại trên nền tảng facebook và các trang thương mại điện tử, các đối tượng nhập lậu hàng về tập kết tại kho hàng Thuận Phong, sau đó sử dụng các đơn vị chuyển phát nhanh để giao hàng đến người tiêu dùng. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn được đóng trong các thùng cát-tông, bao tải, túi ni-lông, bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng như: Tổng kho Thanh Vân, Shop Hồng Thắm, Shop Hương Ngát… Tổng số hàng hóa hơn 100.000 sản phẩm và 20 bao hàng hóa doanh nghiệp này chỉ cung cấp được một hóa đơn giá trị gia tăng mà thực tế đối chiếu đối với hàng hóa cụ thể thì không trùng khớp về chủng loại, kích thước. Đối tượng chủ kho đã khai nhận toàn bộ hành vi nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử và các đơn vị vận chuyển của Trung Quốc về Việt Nam để tiêu thụ, chủ yếu cũng tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam và hệ thống mạng xã hội.
Thứ hai, mua chuộc tình cảm, dùng tiền, vật chất hối lộ, khống chế một số cán bộ có chức, quyền, điều kiện công tác liên quan đến các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa... để thực hiện hành vi buôn lậu
Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, đây là thủ đoạn khá phổ biến, đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp thường dùng thủ đoạn này nhiều nhất. Thông qua quá trình đấu tranh tội phạm buôn lậu, lực lượng CSKT Công an Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng đã xử lý 12 trường hợp cán bộ có các hành vi bao che, cấu kết với các đối tượng buôn lậu.
Thứ ba, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp, điều kiện công tác để buôn lậu hoặc tiếp tay buôn lậu
Qua nghiên cứu 210 vụ buôn lậu điển hình trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2020 trên 03 địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thì có 35/362 đối tượng (chiếm 9,67% tổng số đối tượng) có liên quan đến một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước, lực lượng có chức năng đấu tranh chống buôn lậu. Thông thường, những cán bộ này không trực tiếp đứng ra buôn lậu mà chủ yếu chỉ đứng ra tổ chức các hoạt động kinh doanh, buôn bán để thông qua đó, cho người thân “núp bóng” hoạt động buôn lậu, chẳng hạn như kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh buôn bán tại các cửa hàng vùng biên... Trong quá trình hoạt động buôn lậu, đối tượng điều hành thông qua quan hệ, uy tín, quyền lực, giá trị vật chất... Điển hình như vụ buôn lậu 06 container máy điều hòa, tủ lạnh, đồng hồ... đã qua sử dụng do Nguyễn Thị H (sinh 1985, trú ở xã Đồng Thái, huyện An Dương, TP. Hải Phòng), nguyên là cán bộ tại Phòng Thanh tra pháp chế, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng. H có chồng từng làm Phó Bí thư Đoàn thanh niên của TP. Hải Phòng, gia đình bên chồng đều là những người có trình độ và làm trong cơ quan nhà nước. H không trực tiếp đứng ra buôn lậu mà chủ yếu chỉ đứng ra tổ chức các hoạt động kinh doanh, buôn bán để thông qua đó cho người thân “núp bóng” hoạt động buôn lậu (theo Báo cáo tổng kết năm 2020 của Phòng CSKT, Công an TP. Hải Phòng, tên đối tượng đã được viết tắt).
Thứ tư, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót và khó khăn trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để buôn lậu
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn này phần lớn là số đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp hoặc số đối tượng có điều kiện thường xuyên qua lại biên giới, như: Cư dân vùng biên, thủy thủ viễn dương, người làm nghề trên biển... Lợi dụng đặc điểm địa bàn thị xã Móng Cái, cả trên biển tuyến đường từ bến tàu Dân Tiến, Móng Cái đi Hạ Long, Hải Phòng và trên đất liền có đường biên giới hiểm trở, nhiều sông ngòi, rừng rậm, núi cao, sự kiểm tra giám sát của hải quan, bộ đội biên phòng gặp khó khăn để bí mật vận chuyển trái phép hàng qua biên giới. Trên đất liền, hoạt động buôn lậu thường diễn ra ban đêm hoặc trà trộn vào các hoạt động buôn bán bình thường khác đường biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam - Trung Quốc với địa hình bằng phẳng, quan hệ thương mại phát triển, dân cư đông đúc sinh sống sát đường biên giới. Hàng lậu khi vận chuyển về Việt Nam thường được “xé nhỏ”, cất giấu trong các chợ, các khu vực dân cư, khi có điều kiện thuận lợi sẽ vận chuyển vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Thứ năm, làm giả giấy tờ, sử dụng các giấy tờ không hợp lệ hoặc gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu
Để hợp thức việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới, trong nhiều trường hợp, đối tượng buôn lậu làm giả hoặc đưa vào sử dụng một số giấy tờ không hợp lệ để xuất nhập khẩu hàng hóa trái phép.
Điển hình như, trên địa bàn Hải Phòng, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu là dùng hóa đơn giá trị gia tăng quay vòng nhiều lần, hàng hóa chủ yếu là đồ gỗ, đồ nội thất, quần áo, vải, thiết bị điện tử, phụ tùng xe đạp, xe máy do nước ngoài sản xuất. Ngoài ra, còn lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý để buôn bán, xuất nhập cảnh tài nguyên trái phép qua biên giới; thu gom than, quặng không rõ nguồn gốc để sơ chế xuất khẩu ra nước ngoài.
Trên địa bàn Quảng Ninh, dựa vào đặc thù của khu vực cửa khẩu Móng Cái vừa có hoạt động xuất, nhập khẩu chính ngạch, vừa có hoạt động buôn bán tiểu ngạch, đối tượng buôn lậu hoạt động chủ yếu trên địa bàn này thông qua con đường buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc. Theo quy định, cư dân sinh sống tại khu vực biên giới được đăng ký kinh doanh, được cấp giấy thông hành để thực hiện các hoạt động buôn bán qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc, hàng hóa nhập về được bán trong các chợ vùng biên.
Qua khảo sát 210 vụ buôn lậu trên địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, theo Báo cáo tổng kết từ năm 2010 đến năm 2020 của Cục CSKT, Bộ Công an, có tới 112 vụ buôn lậu (chiếm 29,04%) mà các đối tượng sử dụng các giấy tờ không hợp lệ hoặc gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu.
Thứ sáu, thủ đoạn tạo vốn, gom hàng và thiết lập đường dây buôn lậu
Các đối tượng lợi dụng tâm lý “hám lời” hoặc những khó khăn về điều kiện kinh doanh, kiếm việc làm của một số người, để tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo, huy động họ cùng bỏ vốn buôn lậu. Từ đó, tạo lập thành các đường dây buôn lậu. Những đối tượng tham gia trong đường dây buôn lậu thường là có quan hệ tình cảm mật thiết, có cùng quyền lợi được hưởng từ hoạt động buôn lậu, những đối tượng được thuê để thực hiện các công đoạn khác nhau trong quá trình buôn lậu, từ các hoạt động gom hàng ở nước ngoài, tập kết, vận chuyển qua biên giới, cất giấu, vận chuyển vào thị trường nội địa, tiêu thụ... Bên cạnh đó, để đối phó với công tác đấu tranh của các cơ quan chức năng, việc gom hàng của đối tượng buôn lậu cũng được tiến hành bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Đối tượng buôn lậu, một mặt câu kết với “đầu nậu” nước ngoài tổ chức các điểm tập kết hàng ở sát đường biên, thuận tiện cho việc “đột kích” qua biên giới. Mặt khác áp dụng phương thức “cộng đồng trách nhiệm”, huy động đông đảo cư dân cùng bỏ vốn, tự thu gom quản lý hàng. Sau đó, bí mật hẹn ngày, giờ, địa điểm để mọi người tự vận chuyển bảo vệ hàng đến nơi tập kết.
Theo Báo cáo tổng kết năm 2015, 2016 của Phòng CSKT, Công an tỉnh Quảng Ninh, ngày 23/12/2015, Phòng CSKT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh tạm giữ phương tiện tàu Minh Thắng, biển kiểm soát HP-30088 do ông Bùi Văn H (thuyền trưởng) và 07 thuyền viên quê ở Hải Phòng điều khiển chở 4000 tấn than cám không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy tờ thủ tục hải quan theo quy định. Tại cơ quan cảnh sát điều tra, đối tượng khai nhận số than trên được ông thu gom ở các tàu nhỏ đang trên đường sang Trung Quốc tiêu thụ với số lượng than trên khoảng 04 tỷ đồng. Qua công tác điều tra mở rộng vụ án, lực lượng CSKT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá được đường dây buôn lậu than với sự tham gia của một mạng lưới các tàu biển hoạt động trên khu vực biên giới biển giữa Trung Quốc - Việt Nam.
Thứ bảy, thủ đoạn trong cất giấu, vận chuyển hàng lậu
Thông thường, để hạn chế những yếu tố bất lợi trong cất giữ, vận chuyển hàng lậu, đối tượng buôn lậu thường áp dụng những thủ đoạn sau: Gia cố, chế tạo thêm nơi giấu hàng bí mật trên các phương tiện vận chuyển, như ca-nô hai đáy hầm chứa dầu, mui xe hai ngăn, lốp xe... hoặc xếp hàng hợp pháp, hàng nặng, hàng bẩn, nặng mùi để lẫn với hàng lậu; “xé nhỏ” hàng hóa, thuê các phương tiện vận chuyển có tính cơ động cao, khó đuổi bắt như xe máy, mang vác bộ... để vận chuyển; sử dụng nhiều phương tiện đi thành đoàn nhằm cản trở sự kiểm tra, bắt giữ hàng lậu của các lực lượng chức năng; sử dụng các phương tiện chuyên dụng để vận chuyển hàng lậu, sử dụng các bộ hồ sơ, chứng từ giả hoặc không còn giá trị để vận chuyển hàng lậu...
Có thể nêu một ví dụ điển hình, theo Báo cáo tổng kết năm 2015, 2016 của Phòng CSKT, Công an tỉnh Quảng Ninh, vào hồi 21 giờ ngày 16/6/2015, tại khu vực phao số 11, luồng tàu biên Cái Lân, Cửa Dứa, lực lượng CSKT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra và phát hiện tàu QN 5224 chờ khoảng 4.800 tấn than cám không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tại thời điểm bắt quả tang, con tàu này không hề treo biển kiểm soát. Qua khai nhận, thuyền trưởng là ông Tô Đăng Bình đã ký hợp đồng thuê tàu trên của ông Bùi Huy May, hộ khẩu thường trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với giá tiền 70 triệu đồng một tháng để thu mua than không có hóa đơn, chứng từ với giá rẻ của các tàu nhỏ gần đó để tìm đầu mối Trung Quốc bán kiếm lời. Trên đường di chuyển đến khu vực Cái Lân, Cửa Dứa thì bị bắt giữ, toàn bộ số than trên trị giá khoảng gần 06 tỷ đồng.
Thứ tám, thủ đoạn trong khai báo khi bị bắt giữ
Thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu cho thấy, các đối tượng có thủ đoạn không thừa nhận, bỏ hàng khi bị bắt giữ; ở những vụ buôn lậu lớn, đối tượng buôn lậu phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thường không chịu khai báo; khai báo sai, quanh co, cầm chừng, đổ lỗi cho những đối tượng đã bỏ trốn hoặc những đối tượng người nước ngoài; vừa khai báo vừa thăm dò; đối tượng thường khai là vận chuyển thuê hoặc mới tham gia buôn lậu lần đầu. Theo Báo cáo tổng kết từ năm 2010 đến năm 2020 của Cục CSKT, Bộ Công an, qua khảo sát 420 biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung đối tượng phạm tội buôn lậu trên địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong thời gian từ năm 2010 đến hết năm 2020 cho thấy, chỉ có 87 lượt các đối tượng thành khẩn khai báo (chiếm 14,76%), chủ yếu là các đối tượng khai báo gian dối, chối tội, khai nhỏ giọt (335 lượt, chiếm 79,76%), cá biệt có nhiều trường hợp từ chối khai báo, từ chối tiếp xúc với điều tra viên (23 lượt, chiếm 5,48%).
2. Một số kiến nghị
Để đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu trên địa bàn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, theo tác giả, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan công tác điều tra, phòng, chống tội phạm buôn lậu. Để bảo đảm pháp luật được thống nhất, cụ thể và thuận lợi cho quá trình chứng minh, xử lý hành vi buôn lậu, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn một số vấn đề sau đây:
- Thống nhất khái niệm “biên giới” theo quy định của Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Về thời điểm hoàn thành của hành vi buôn lậu, theo tác giả, đối với hành vi nhập lậu, chỉ khi chủ thể buôn lậu đã đưa hàng hóa trái pháp luật qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa thì mới cấu thành tội buôn lậu.
- Bổ sung các quy định đối với chủ sở hữu, đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử về bảo đảm các điều kiện pháp lý (nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ liên quan) của các sản phẩm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử nhằm phòng ngừa các hành vi buôn lậu qua kênh giao dịch này.
- Tăng mức xử phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu bằng nửa giá trị hàng hóa vi phạm vào nội dung quy định trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ hai, chú trọng công tác tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu về tội phạm buôn lậu. Trong quá trình điều tra các vụ án buôn lậu, hoạt động điều tra ban đầu có vai trò quan trọng. Chú trọng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác, các thông tin ban đầu về tội phạm buôn lậu từ công an cấp cơ sở và các lực lượng khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có ý nghĩa nghiệp vụ sâu sắc, định hướng, sàng lọc, tập trung điều tra án.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa lực lượng CSKT, Công an Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với các cơ quan chức năng trong nước và hợp tác quốc tế trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu. Tội phạm buôn lậu thường hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi phạm tội và đối phó việc điều tra, xử lý. Vì thế, cần phải có được sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng nghiệp vụ, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội nhằm nhanh chóng tìm được phương pháp để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm buôn lậu.
Thứ tư, nâng cao chất lượng hỏi cung bị can, công tác bắt, khám xét trong điều tra vụ án buôn lậu. Việc nâng cao chất lượng việc thực hiện các biện pháp điều tra, hay nói cách khác là nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra trực tiếp tiến hành điều tra vụ án buôn lậu, đặc biệt là trong các khâu trọng yếu như bắt, khám xét và hỏi cung bị can sẽ giúp cơ quan điều tra xác định được chính xác bản chất của vụ án, làm rõ các phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong quá trình thực hiện hành vi buôn lậu cũng như che giấu tội phạm.
Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội