1. Bối cảnh ra đời, mục tiêu và phạm vi điều chỉnh của Công ước
1.1. Bối cảnh ra đời
Tham gia bỏ phiếu thông qua Công ước gồm có các nước Úc, Áo, Bỉ, Ca-na-da, Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ai-zơ-len, Nhật Bản, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Bắc Ai Len, Hoa Kỳ, Vê-nê-zu-ê-la và Nam Tư cũ. Các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị cũng đã ký biên bản thông qua Phiên họp lần thứ 14 của Hội nghị trong đó bao gồm cả Công ước và mẫu khuyến nghị sử dụng đối với yêu cầu trao trả trẻ bị mang đi hoặc giữ lại trái phép. Cũng ngay tại Hội nghị, đại diện 04 quốc gia ký Công ước là Pháp, Ca-na-da, Hy Lạp và Thụy Sĩ đã tham gia Công này. Công ước mở rộng cho tất cả các quốc gia gia nhập kể cả các quốc gia không phải là thành viên Công ước. Hiện nay, tổng số thành viên của Công ước là 99 quốc gia.
Nếu dịch đúng sang tiếng Việt thì từ “abduction” trong tên tiếng Anh của Công ước có nghĩa là “bắt cóc”. Nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì rất dễ lầm tưởng Công ước điều chỉnh vấn đề “bắt cóc” trẻ em dưới góc độ hình sự như là một loại phạm tội. Tuy nhiên, theo Từ điển Oxford, từ “abduction” trong Công ước được định nghĩa là việc giữ hoặc mang trẻ em đi một cách trái pháp luật khỏi sự quản lý của cha/mẹ hoặc người giám hộ. Cũng phải khẳng định, Công ước không điều chỉnh việc xác định quyền nuôi dưỡng trẻ em mà chỉ áp dụng để đạt được việc trả lại trẻ nhanh nhất về quốc gia nơi trẻ thường trú trước khi trẻ bị mang đi hoặc lưu giữ trái phép bởi chính cha/mẹ hoặc những thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định về các biện pháp bảo đảm quyền thăm nom của cha/mẹ đối với trẻ.
1.2. Mục tiêu của Công ước
Mục tiêu cụ thể của Công ước là đảm bảo việc nhanh chóng trả lại trẻ em đã bị mang đi khỏi cha/mẹ, người thân hoặc bị giữ lại trái phép ở bất kỳ quốc gia thành viên nào thông qua một thủ tục hợp tác giữa các quốc gia thành viên để trao trả, đưa trẻ em quay lại quốc gia nơi trẻ cư trú (Điều 1 Công ước). Đồng thời, Công ước cũng đảm bảo rằng, các quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom trẻ theo pháp luật của một quốc gia thành viên được tôn trọng tại các quốc gia thành viên khác.
Như vậy có thể thấy rằng, mục tiêu chung của Công ước là bảo vệ quyền trẻ em, đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết, bảo đảm trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi cha/mẹ những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trẻ em và được sinh sống trong môi trường quen thuộc, từ đó, trẻ em phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Mục tiêu này của Công ước sau đó được ghi nhận, cụ thể hóa tại Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1993[2].
1.3. Phạm vi điều chỉnh của Công ước
Công ước giải quyết các vấn đề liên quan đến các khía cạnh dân sự của hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép, cụ thể là: (i) Công ước giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với hành vi cha/mẹ hoặc người thân giữ hoặc mang trẻ em ra nước ngoài trái pháp luật; (ii) Đối tượng thực hiện hành vi giữ hoặc mang trẻ ra nước ngoài trái pháp luật theo quy định của Công ước thường là cha/mẹ hoặc người thân của trẻ em; (iii) Công ước nhấn mạnh tới sự dịch chuyển ra nước ngoài hoặc giữ trẻ em lại một cách trái phép. Do vậy, Công ước không chỉ điều chỉnh đối tượng là người nước ngoài mà bao gồm cả trường hợp cha/mẹ trẻ em có cùng quốc tịch, kết hôn và sinh sống tại nước ngoài; (iv) Công ước đưa ra cơ chế hợp tác giữa cơ quan trung ương của các quốc gia thành viên. Thông qua cơ chế hợp tác này, các quốc gia thành viên có thể giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ em bị giữ hoặc đưa đi trái pháp luật hoặc đảm bảo quyền thăm nom của cha/mẹ trẻ em một cách nhanh chóng và hiệu quả.
2. Nội dung chính của Công ước
Công ước gồm Lời nói đầu, 06 chương và 45 điều, với các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, Công ước xác định rõ các khái niệm về “hành vi mang đi hoặc giữ lại trẻ em trái phép”, “quyền nuôi dưỡng” và “quyền thăm nom”. Theo đó: (i) “Hành vi mang đi hoặc giữ lại trẻ em trái phép” là việc vi phạm quyền nuôi dưỡng đã được trao cho cá nhân, một cơ quan, một tổ chức cùng nhau hoặc riêng rẽ theo pháp luật quốc gia nơi trẻ cư trú trước khi bị mang đi và tại thời điểm mang đi hoặc giữ lại quyền này đã được thực hiện cùng nhau hoặc riêng rẽ hoặc đáng lẽ đã được thực hiện nếu không có việc trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại; (ii) “Quyền nuôi dưỡng” bao gồm các quyền liên quan đến việc chăm sóc trẻ, đặc biệt là quyền quyết định nơi cư trú của trẻ em; (iii) “Quyền thăm nom” bao gồm quyền đưa trẻ em tới một nơi khác nơi thường trú của trẻ em trong khoảng thời gian xác định.
Thứ hai, về độ tuổi của trẻ em, Công ước áp dụng đối với bất kỳ trẻ em nào thường trú tại quốc gia thành viên có độ tuổi từ 16 tuổi trở xuống bị xâm phạm quyền nuôi dưỡng hoặc quyền thăm nom.
Thứ ba, Công ước xác định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc trao trả trẻ em bị giữ hoặc đưa đi trái pháp luật và đảm bảo quyền thăm nom. Theo đó, Công ước quy định trong phạm vi lãnh thổ của mình các quốc gia phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Công ước. Công ước quy định các quốc gia ký kết phải sử dụng các thủ tục hiện có một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất để đảm bảo quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom đối với trẻ em.
Thứ tư, về cơ quan trung ương quy định tại Chương II (gồm Điều 6 và Điều 7), theo đó, các quốc gia thành viên phải chỉ định một cơ quan trung ương thực hiện các nghĩa vụ do Công ước quy định. Trách nhiệm của cơ quan trung ương là: (i) Tiếp nhận yêu cầu trao trả trẻ em bị giữ hoặc đưa đi trái pháp luật từ các nước thành viên khác hoặc gửi yêu cầu trao trả trẻ đến các nước thành viên nơi trẻ em đang bị giữ trái phép; (ii) Áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm nhanh chóng trả lại trẻ em và đảm bảo đạt được các mục tiêu của Công ước như để tìm kiếm nơi ở của trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại trái phép, ngăn chặn tổn hại khác có thể xảy ra với trẻ em thông qua việc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời, đảm bảo việc tự nguyện trả lại trẻ trong hòa bình, trao đổi thông tin liên quan đến hoàn cảnh xã hội của trẻ em, thiết lập các thủ tục tư pháp hoặc hành chính cho việc trao trả trẻ em hay thu xếp tổ chức thực hiện quyền thăm nom trẻ em, cung cấp tư vấn và trợ giúp pháp lý trong các trường hợp cần thiết, cung cấp thông tin về pháp luật của quốc gia có liên quan đến việc áp dụng Công ước…
Thứ năm, về thủ tục trả lại trẻ em, Chương III Công ước (từ Điều 8 đến Điều 20) quy định về quyền yêu cầu, cơ quan tiếp nhận yêu cầu, trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu:
- Quyền yêu cầu: Bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cho rằng việc trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại vi phạm quyền nuôi dưỡng có thể yêu cầu cơ quan trung ương nơi trẻ em thường trú hoặc cơ quan trung ương của bất kỳ quốc gia thành viên nào trợ giúp để bảo đảm việc trả lại trẻ em. Để yêu cầu trợ giúp việc trao trả lại trẻ em, cá nhân, tổ chức phải có đơn yêu cầu và nộp cho cơ quan trung ương của quốc gia đó. Khi nhận được đơn yêu cầu, nếu có lý do để cho rằng trẻ em đang ở một quốc gia thành viên khác, cơ quan trung ương đã tiếp nhận đơn phải trực tiếp và không được trì hoãn chuyển đơn yêu cầu tới cơ quan trung ương của quốc gia ký kết đó và thông báo tới cơ quan trung ương có yêu cầu hoặc người, tổ chức yêu cầu.
- Thủ tục trao lại trẻ em: Công ước quy định cụ thể về nội dung yêu cầu, quy trình, thủ tục nộp và giải quyết yêu cầu trả lại trẻ em. Theo đó, trong vòng 06 tuần, cơ quan tư pháp hoặc hành chính có liên quan phải ra quyết định có trao trả lại trẻ hay không. Trong trường hợp các cơ quan này không ra quyết định nào thì người nộp đơn hoặc cơ quan trung ương của quốc gia được yêu cầu tự mình quyết định hoặc theo yêu cầu của cơ quan trung ương của quốc gia yêu cầu đề nghị giải thích về lý do của sự chậm trễ. Nếu cơ quan trung ương của quốc gia được yêu cầu nhận được phản hồi, tùy từng trường hợp cơ quan đó phải gửi phản hồi đó tới cơ quan trung ương của quốc gia yêu cầu hoặc người nộp đơn (Điều 11 Công ước).
- Thời hạn quyết định trao trả trẻ em: Công ước quy định trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại trái phép, cơ quan hành chính hoặc tư pháp của quốc gia ký kết nơi trẻ em bị chuyển đến phải ra quyết định trao trả trẻ em ngay lập tức. Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định ngay cả khi trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại trái phép quá thời hạn 01 năm thì cơ quan hành chính hoặc tư pháp quốc gia được yêu cầu cũng phải ra quyết định trả lại trẻ em trừ khi có căn cứ chứng minh rằng trẻ em đã ổn định tại môi trường mới hoặc các cơ quan này có thể quyết định trao trả trẻ em bất cứ khi nào (Điều 12, Điều 18 Công ước). Quyết định trao trả lại trẻ em hay bất kỳ quyết định nào được ban hành theo quy định của Công ước không được coi là sự xác định về nội dung đối với quyền nuôi dưỡng (Điều 19 Công ước).
- Thẩm quyền của cơ quan hành chính hoặc tư pháp của quốc gia được yêu cầu trong quá trình giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ em: Cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính của quốc gia được yêu cầu có thẩm quyền áp dụng pháp luật, yêu cầu bổ sung để xem xét việc trả lại hoặc không trả lại trẻ em (từ Điều 13 đến Điều 17, Điều 20 Công ước). Cơ quan hành chính hoặc tư pháp của nước được yêu cầu có trách nhiệm ra quyết định trao trả trẻ em như đề cập tại phần trên nhưng cơ quan này không bị buộc phải ra quyết định nếu cá nhân, tổ chức khác phản đối việc trả lại trẻ em chứng minh được cá nhân, tổ chức yêu cầu không thực hiện quyền chăm sóc trẻ em tại thời điểm trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại hoặc việc trả lại trẻ em khiến trẻ bị tổn hại về thể chất, tâm lý hoặc đưa trẻ em vào tình trạng xấu hơn hiện tại; trẻ em không đồng ý với việc quay trả lại khi vào thời điểm giải quyết trẻ em đã đạt độ tuổi hoặc trưởng thành phù hợp để được cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính xem xét nguyện vọng (Điều 13 Công ước); việc trao trả trẻ không đảm bảo nguyên tắc liên quan đến bảo vệ quyền con người và quyền tự do cơ bản.
Thứ sáu, về đảm bảo quyền thăm nom, Công ước quy định quyền thăm nom được đảm bảo trên cơ sở có đơn yêu cầu dàn xếp việc tổ chức hoặc đảm bảo thực thi hiệu quả quyền thăm nom. Đơn yêu cầu phải được nộp cho cơ quan trung ương của các quốc gia ký kết theo cùng một cách thức như nộp đơn yêu cầu trả lại trẻ em. Trên cơ sở đơn yêu cầu, cơ quan trung ương có nghĩa vụ hợp tác để thúc đẩy việc hưởng quyền thăm nom một cách hòa bình và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi thực thi quyền này và phải loại bỏ các trở ngại liên quan. Việc đảm bảo thực thi quyền thăm nom có thể được thực hiện trực tiếp bởi cơ quan trung ương hoặc cơ quan trung gian (Điều 21 Công ước).
Thứ bảy, bên cạnh các nội dung chính, Công ước đưa ra các quy định chung như:
- Nghĩa vụ tài chính (Điều 22, Điều 26): Cá nhân, tổ chức yêu cầu trao trả trẻ không phải thanh toán chi phí đối với các thủ tục được giải quyết tại quốc gia được yêu cầu kể cả chi phí cho sự tham gia của luật sư hoặc tư vấn viên pháp lý trừ chi phí phát sinh cho việc thực hiện trả lại trẻ em;
- Về hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ (Điều 23): Công ước không đặt ra yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự hoặc hình thức tương tự;
- Về ngôn ngữ hồ sơ yêu cầu (Điều 24): Đơn yêu cầu, thông tin liên lạc hoặc tài liệu phải kèm theo bản dịch sang ngôn ngữ chính thức của quốc gia được yêu cầu hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp nếu nước được yêu cầu không tuyên bố phản đối;
- Áp dụng pháp luật về quyền nuôi dưỡng trẻ em tại quốc gia có hai hay nhiều hệ thống pháp luật (Điều 31, Điều 32).
Thứ tám, về trình tự, thủ tục gia nhập Công ước của các nước thành viên mới và thời điểm có hiệu lực của Công ước đối với các quốc gia xin gia nhập (Điều 38): Để gia nhập Công ước, quốc gia xin gia nhập gửi văn kiện gia nhập cho Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan kèm theo các tuyên bố, bảo lưu (nếu có), sau đó, Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan thông báo cho các quốc gia ký kết và quốc gia đã tham gia Công ước. Ngày đầu tiên của tháng thứ ba sau khi lưu chiểu văn kiện gia nhập, Công ước sẽ có hiệu lực đối với quốc gia xin gia nhập. Tuy nhiên, Công ước chỉ có hiệu lực giữa quốc gia xin gia nhập và quốc gia thành viên khi quốc gia thành viên tuyên bố chấp thuận sự gia nhập đó và tuyên bố này được gửi cho Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan để lưu chiểu.
Thứ chín, về tuyên bố và bảo lưu (Điều 41, Điều 42): Khi gia nhập Công ước, quốc gia xin gia nhập có quyền đưa ra tuyên bố: (i) Công ước áp dụng mở rộng với các vùng lãnh thổ mà quyết gia đó chịu trách nhiệm trong các mối quan hệ quốc tế; (ii) Công ước áp dụng mở rộng cho tất cả các đơn vị lãnh thổ hoặc một vài trong số đó nếu quốc gia xin gia nhập có hai hay nhiều đơn vị lãnh thổ. Về bảo lưu, quốc gia xin gia nhập được đưa ra bảo lưu đối với việc không chấp nhận hồ sơ yêu cầu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và bảo lưu về không chịu chi phí phát sinh từ sự tham gia của luật tư hoặc tư vấn viên hoặc từ thủ tục tố tụng tại Tòa án.
3. Quyền và nghĩa vụ chính của quốc gia thành viên
Nghiên cứu các quy định chung của Công ước có thể nêu ra quyền, nghĩa vụ cụ thể của quốc gia thành viên như:
- Về quyền: Quốc gia gia nhập sẽ có các quyền được quy định trong Công ước như các quốc gia thành viên khác, đó là: (i) Yêu cầu các quốc gia thành viên khác thực hiện các thủ tục cần thiết để trao trả trẻ em đã bị đưa đi hoặc giữ lại tại quốc gia đó một cách trái phép; (ii) Yêu cầu các quốc gia thành viên thông qua cơ quan trung ương đảm bảo thực hiện quyền thăm nom của cha/mẹ trẻ em; (iii) Quyền đưa ra tuyên bố, bảo lưu khi gia nhập cũng như rút tuyên bố, bảo lưu để đảm bảo việc áp dụng, thực thi Công ước hiệu quả, phù hợp pháp luật và thực tiễn tại quốc gia mình; (iv) Quyền đưa ra tuyên bố chấp thuận hoặc không chấp thuận việc gia nhập Công ước đối với thành viên mới gia nhập Công ước.
- Về nghĩa vụ: Song song với quyền, quốc gia xin gia nhập sẽ thực hiện các nghĩa vụ cụ thể như: (i) Chỉ định cơ quan trung ương khi tham gia Công ước; (ii) Trao trả trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại trái phép một cách nhanh nhất theo cơ chế của Công ước khi nhận được yêu cầu từ quốc gia thành viên; (iii) Đảm bảo quyền thăm nom trên cơ sở yêu cầu từ quốc gia thành viên, yêu cầu của cá nhân, tổ chức thuộc quốc gia thành viên Công ước.
Qua nghiên cứu những nội dung nêu trên, có thể thấy rằng, Công ước có vị trí, vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ trẻ em và là cơ sở pháp lý quốc tế để các quốc gia là thành viên của Công ước giải quyết những yêu cầu liên quan đến trao trả trẻ em đối với hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái pháp luật của cha/mẹ hoặc người thân của trẻ em cũng như đảm bảo quyền thăm nom của cha/mẹ đối với trẻ em. Lợi ích mà Công ước mang lại cho các quốc gia tham gia là có cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo cho các lệnh, phán quyết của Tòa án quốc gia thành viên liên quan đến bảo đảm quyền nuôi dưỡng, thăm nom trẻ được thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc, hiệu quả, đặt mục tiêu quyền và lợi ích của trẻ em lên hàng đầu.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện đã là thành viên một số Công ước quan đến quyền trẻ em như: Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1993; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi… tác giả cho rằng, việc nghiên cứu, xem xét khả năng gia nhập Công ước này là cần thiết đối với Việt Nam.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. “Explanatory Report - Báo cáo giải thích Công ước,” 427, accessed November 5, 2018, https://assets.hcch.net/upload/expl28.pdf.
[2]. Điều 11 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1993 (CRC) quy định: “1. Các quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp chống việc mang trẻ em ra nước ngoài bất hợp pháp và không đưa trẻ trở lại; 2. Để đạt được mục đích này, các quốc gia thành viên phải thúc đẩy việc ký kết những điều ước song phương hoặc đa phương hay tham gia các điều ước hiện có”.