Tuy nhiên, nhiều trường hợp, tổ chức công chứng đã tiến hành công chứng hợp đồng, nhưng sau đó, hợp đồng bị Tòa án tuyên vô hiệu do có sự giả mạo (như giả giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giả là người chủ sở hữu tài sản). Vấn đề đặt ra là, trách nhiệm của tổ chức công chứng như thế nào khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu? Có trường hợp, Tòa án chỉ buộc trách nhiệm của bên lừa dối đối với bên bị lừa dối, nhưng cũng có trường hợp, Tòa án tuyên trách nhiệm của cả tổ chức công chứng phải liên đới bồi thường hay bồi thường thay. Trong bài viết này, tác giả nêu và phân tích những quan điểm từ thực tiễn xét xử về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức công chứng khi chứng nhận hợp đồng có yếu tố giả mạo bị Tòa án tuyên vô hiệu, đồng thời nêu lên quan điểm cá nhân và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật nhằm áp dụng thống nhất trong hoạt động xét xử của các Tòa án.
1. Quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử
Có thể thấy rằng, nhiều hợp đồng trong giao lưu dân sự, luật buộc các bên phải xác lập bằng văn bản, có công chứng nhằm bảo vệ bên yếu thế và tạo ra an toàn pháp lý cho các bên. Trong đó, có nhiều hợp đồng đã được công chứng nhưng bị Tòa án tuyên vô hiệu do một bên dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản giả, hay giả mạo chủ sở hữu. Theo quy định của pháp luật, khi hợp đồng vô hiệu thì bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại (khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể thấy, nhà làm luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa về lỗi trong quan hệ dân sự mà chỉ quy định lỗi cố ý và lỗi vô ý. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học pháp lý, có ý kiến cho rằng, lỗi được cho là trạng thái tâm lý của chủ thể nhận thức được hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra[1]. Trong hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối vì giả mạo thì bên lừa dối là bên có lỗi cố ý. Vậy tổ chức công chứng (mà cụ thể là công chứng viên) khi đã chứng nhận vào hợp đồng thì có lỗi không và có phải bồi thường không? Về vấn đề này cũng có những ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, tổ chức công chứng trong trường hợp này không phải bồi thường, công chứng viên không có lỗi vì khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 đã quy định những hành vi trái pháp luật trong đó nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi giả mạo người yêu cầu công chứng; người công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng… Tại Điều 38 của Luật này cũng quy định về bồi thường trong hoạt động công chứng là tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên[2]… Cùng quan điểm này, đại diện Phòng công chứng số 1, Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ba lý do để công chứng viên không bồi thường thiệt hại: (i) Công chứng viên đã làm đúng thủ tục, quy trình theo quy định tại các điều 40, 41 Luật Công chứng năm 2014. (ii) Trong việc có người đóng giả đối tượng chủ nhà, đất… để ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất, ở khía cạnh nào đó thì công chứng viên cũng chỉ là nạn nhân vì công chứng viên không thể phán đoán được ngay giấy tờ này là giả, người này là giả trong một thời gian ngắn… (iii) Pháp luật không có quy định bắt buộc công chứng viên phải có trách nhiệm phát hiện những giấy tờ giả tinh vi; người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về các giấy tờ mà mình xuất trình[3].
- Loại ý kiến thứ hai là của một số hội đồng xét xử đã buộc tổ chức công chứng phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường, vì tổ chức công chứng mà cụ thể là công chứng viên chưa làm hết trách nhiệm của mình, đã dẫn đến việc không phát hiện được yếu tố giả mạo. Theo quy định của pháp luật, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Việc công chứng viên không phát hiện được giấy tờ giả mạo là chưa làm hết trách nhiệm của mình dẫn đến hợp đồng bị tuyên vô hiệu, do đó, công chứng viên có lỗi.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các Tòa án đã gặp phải các vụ việc có tính chất tương tự nhưng lại đưa ra các cách tiếp cận khác nhau, không thống nhất, dẫn đến thiếu sự thuyết phục và nhất quán trong đường lối xét xử của hệ thống Tòa án. Ví dụ như:
- Vụ án thứ nhất: Tại Bản án số 56 ngày 30/10/2012 của Tòa án huyện CR, thành phố CT xét xử vụ bà L kiện Văn phòng công chứng yêu cầu bồi thường thiệt hại 300 triệu đồng với lý do Văn phòng công chứng đã không làm hết trách nhiệm để một trong ba người của bên chuyển nhượng tài sản là người giả mạo, khiến bà bị người thật tranh chấp khi làm thủ tục đăng ký sang tên. Tòa án huyện đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và buộc Văn phòng công chứng phải bồi thường[4].
- Vụ án thứ hai: Theo Bản án số 92/2019/HSST, bị cáo H đi thuê các căn hộ chung cư rồi làm giả hồ sơ giấy tờ, chứng minh mình là chủ sở hữu trong đó có căn hộ số 804 và bán cho anh Q giá 1,5 tỷ đồng, có công chứng của Văn phòng công chứng VX do công chứng viên D ký chứng nhận (thực tế việc công chứng hợp đồng tại căn hộ, nhưng không có công chứng viên mà chỉ có cán bộ Văn phòng công chứng). Để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại, Tòa án đã buộc bị cáo và Văn phòng công chứng VX phải liên đới bồi thường, trả cho anh Q 1,5 tỷ đồng. Số tiền này được chia theo kỷ phần. Văn phòng công chứng có trách nhiệm bồi thường 500 triệu đồng, bị cáo H phải bồi thường 1 tỷ đồng. Vì bị cáo H hưởng hết số tiền chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng nên buộc H phải hoàn trả cho Văn phòng công chứng VX 500 triệu đồng[5].
- Vụ án thứ ba: Sáng ngày 09/10/2019, Tòa án thành phố tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo MD. Tóm tắt vụ án như sau: Cuối năm 2016, biết bà TH rao bán một mảnh đất, một người tên M đến hỏi mua, lợi dụng sự sơ hở của chủ nhà đã tráo giấy tờ giả đổi lấy giấy tờ thật. Sau đó, MD cùng đồng phạm đã thuê người đóng giả chủ đất ký hợp đồng ủy quyền định đoạt quyền sử dụng đất nói trên cho HH; việc ký hợp đồng ủy quyền nói trên có chứng nhận của công chứng viên DT của Văn phòng công chứng PN. Sau đó, MD đưa HH đến Văn phòng công chứng TĐ ký hợp đồng chuyển nhượng với giá 7,5 tỷ đồng, sau khi ký hợp đồng đã nhận 6 tỷ đồng từ người mua, phần còn lại sẽ nhận khi làm thủ tục đăng bộ. Ngoài phần trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền giả mạo và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho người mua đất. Nếu bị cáo không đủ khả năng tài chính thì Văn phòng công chứng PN có trách nhiệm bồi thường thay, bởi lẽ, công chứng viên của Văn phòng công chứng chứng thực vào hợp đồng ủy quyền sử dụng đất[6].
- Vụ án thứ tư: Bản án dân sự phúc thẩm số 95/2013/DSPT ngày 28/6/2013, theo hồ sơ vụ án và trình bày của đương sự thì vào ngày 02/10/2010, Văn phòng công chứng CT do ông K là công chứng viên tiến hành công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên chuyển nhượng là các ông bà G, P, A với bên nhận chuyển nhượng là bà H; giá chuyển nhượng là 300 triệu đồng. Sau khi công chứng xong hợp đồng, bà H đã đưa hết cho ông P số tiền 300 triệu đồng. Sau đó, bà H làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì mới phát hiện người ký tên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 06/10/2010 tại Văn phòng công chứng CT là ông P giả mạo ông G bằng thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả, nhưng do sai sót trong việc kiểm tra, Văn phòng công chứng đã không phát hiện, tiến hành công chứng hợp đồng.
Xét thấy số tiền bà H bị chiếm đoạt đang được xem xét trong một vụ án hình sự, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì những người chiếm đoạt phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho người bị hại, ở đây là bà H, trong khi vụ án chưa được xử lý xong, bà H lại khởi kiện trong vụ án dân sự, án sơ thẩm buộc Văn phòng công chứng CT bồi thường số tiền bị chiếm đoạt là không đúng, vì số tiền 300 triệu đồng không phải bị thiệt hại mà là bị chiếm đoạt. Trong trường hợp này, với sai sót trong hoạt động công chứng nêu trên thì đây là lỗi vô ý, nên Văn phòng công chứng CT cũng phải bồi thường thiệt hại theo phần nhưng chỉ tính thiệt hại thực tế đối với thời gian bị chiếm dụng số tiền 300 triệu đồng hoặc các khoản thiệt hại thực tế khác hợp lý chứ không thể buộc bồi thường số tiền bị chiếm đoạt như án sơ thẩm đã tuyên. Theo đơn khởi kiện và tại tòa sơ thẩm, bà H có yêu cầu tính lãi đối với số tiền bị chiếm đoạt, có thể xem khoản lãi này là thiệt hại thực tế, nhưng án sơ thẩm không chấp nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của bà H đòi Văn phòng công chứng CT bồi thường thiệt hại số tiền 300 triệu đồng; bà H có quyền yêu cầu được hoàn trả tài sản đã bị chiếm đoạt và đòi bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự[7].
2. Quan điểm của tác giả
Trên đây là bốn vụ án liên quan đến việc giả mạo chủ sở hữu tài sản, giả mạo giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, có liên quan đến trách nhiệm của tổ chức công chứng đã được Tòa án giải quyết nhưng có cách tiếp cận khác nhau: Ở vụ án thứ nhất, Tòa án buộc tổ chức công chứng phải bồi thường khoản tiền mà bên lừa dối chiếm đoạt; ở vụ án thứ hai, Tòa án buộc tổ chức công chứng phải liên đới bồi thường; ở vụ án thứ ba, Tòa án buộc tổ chức công chứng phải bồi thường thay khoản tiền chiếm đoạt nếu người lừa dối không có khả năng tài chính; nhưng ở vụ án thứ tư thì Tòa án đã bác yêu cầu của bên bị lừa dối, không buộc tổ chức công chứng phải bồi thường khoản tiền mà bên lừa dối đã chiếm đoạt. Nhìn chung, khi xét xử ở các vụ án thứ nhất, thứ hai, thứ ba thì Tòa án có xu hướng bảo vệ tốt hơn cho bên bị lừa dối bằng việc tuyên tổ chức công chứng phải bồi thường hoặc bồi thường thay. Tuy nhiên, việc tuyên như vậy là chưa thuyết phục và thiếu cơ sở pháp lý, bởi khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, bên gây thiệt hại phải bồi thường. Qua các vụ án trên đặt ra những vấn đề pháp lý cần bàn luận như sau:
(i) Vấn đề thứ nhất: Căn cứ bồi thường buộc tổ chức công chứng bồi thường thiệt hại là gì? Thông qua những vụ án nói trên chúng ta thấy rằng, Tòa án áp dụng các quy định của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết vụ án. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức công chứng cho người bị lừa dối là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng bởi giữa bên yêu cầu công chứng và bên công chứng có tồn tại hợp đồng dịch vụ pháp lý. Về vấn đề này, “ở một số nước, trách nhiệm dân sự của công chứng viên là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và ở một số nước khác, trách nhiệm này là trách nhiệm trong hợp đồng. Cuối cùng, còn ở nhóm nước thứ ba, trách nhiệm này đôi khi là trách nhiệm trong hợp đồng, đôi khi là trách nhiệm ngoài hợp đồng tùy vào chức năng hoạt động mà công chứng viên chịu trách nhiệm”[8]. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, vấn đề trên không còn quan trọng, bởi lẽ, tổ chức công chứng phải bồi thường cho người yêu cầu công chứng khi công chứng viên có lỗi (khoản 1 Điều 38). Chúng ta có thể vận dụng quy định của Luật Công chứng với tư cách là luật chuyên ngành để áp dụng, khi luật chuyên ngành không có quy định thì mới áp dụng quy định của luật chung. Theo quy định tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014, chúng ta thấy trách nhiệm của tổ chức công chứng phát sinh khi có các dấu hiệu sau:
Một là, phải có lỗi của công chứng viên. Tuy nhiên, việc chứng minh yếu tố lỗi của công chứng viên là rất khó khăn, bởi lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể thông qua việc nhận thức, nhận thức là hiểu biết xã hội thông qua não bộ của con người, vì vậy, để chứng minh suy nghĩ của một con người là rất khó khăn và nhiều khi là không thể. Do đó, theo tác giả, nên bỏ quy định về lỗi trong căn cứ làm phát sinh bồi thường của tổ chức công chứng mà nên thay vào đó là hành vi vi phạm trình tự, thủ tục công chứng. Lỗi chỉ có ý nghĩa khi buộc công chứng viên bồi hoàn. Việc sửa đổi như vậy sẽ tương thích với Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hai là, phải có thiệt hại xảy ra, bao gồm thiệt hại về vật chất như tài sản bị mất, bị tiêu hủy, thu nhập bị mất, bị giảm sút… và những tổn thất về tính thần[9]. Về nguyên tắc, đây phải là những thiệt hại thực tế, khách quan, tính toán được bằng một đại lượng tiền tệ, những thiệt hại này phải được xác định trong một mối liên hệ giữa không gian và thời gian cụ thể.
Ba là, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của công chứng viên và thiệt hại thực tế xảy ra, cụ thể là hành vi trái pháp luật của công chứng viên phải là nguyên nhân quyết định dẫn đến thiệt hại đang được xem xét giải quyết, thiệt hại phải là hậu quả tất yếu của hành vi trái pháp luật do công chứng viên thực hiện việc chứng thực.
(ii) Vấn đề thứ hai là xác định thiệt hại.
Nếu căn cứ vào các dấu hiệu làm phát sinh trách nhiệm bồi thường như đã phân tích thì trong các vụ án thứ nhất, thứ hai và thứ ba nêu trên, Tòa án chưa chứng minh được hành vi của công chứng viên khi chứng nhận hợp đồng là hành vi gây ra những thiệt hại (khoản tiền mà bên bị lừa dối giao cho bên lừa dối). Thực chất, khoản tiền mà bên bị lừa dối giao cho bên lừa dối là tiền thanh toán trong hợp đồng nhưng số tiền trên bị bên lừa dối chiếm đoạt. Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại này của bên bị lừa dối là bên lừa dối đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi, không những lừa dối bên tham gia giao dịch xác lập hợp đồng với mình mà còn lừa dối cả công chứng viên khi chứng nhận hợp đồng. Hành vi lừa dối của bên lừa dối là nguyên nhân quyết định đến việc chuyển giao tiền của bên bị lừa dối, hành vi chứng nhận của công chứng viên chỉ là điều kiện mang tính thúc đẩy để việc lừa dối được diễn ra nhanh hơn mà không phải là nguyên nhân. Bản thân công chứng viên cũng không biết, không thể phát hiện việc có giả mạo. Vì vậy, việc Tòa án tuyên tổ chức công chứng phải bồi thường, liên đới bồi thường hay bồi thường thay không phù hợp với dấu hiệu về mối quan hệ nhân quả và không phù hợp với quy định của pháp luật về hậu quả của giao dịch vô hiệu. Theo đó, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận[10].
Thiệt hại mà tổ chức công chứng phải bồi thường khi công chứng viên có lỗi như đã phân tích ở trên, không phải là khoản tiền mà bên lừa dối chiếm đoạt được mà là những thiệt hại khác như thu nhập bị mất, bị giảm sút, chi phí bỏ ra do hợp đồng bị tuyên vô hiệu, thậm chí có thể là các khoản lãi, tiền phạt… mà người bị thiệt hại chứng minh được. Đối với các vụ án nêu trên, tác giả ủng hộ quan điểm của Hội đồng xét xử trong vụ án thứ tư.
(iii) Vấn đề thứ ba là về chủ thể phải bồi thường.
Trong vụ án thứ nhất, Tòa buộc tổ chức công chứng phải bồi thường cho người bị lừa dối khi họ bị chiếm đoạt 300 triệu đồng. Với quyết định như vậy, tác giả thấy băn khoăn khi chưa chứng minh được hành vi của công chứng viên là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Tòa án căn cứ vào quy định nào của pháp luật và trách nhiệm của người lừa dối sẽ như thế nào? Khoản tiền người lừa dối chiếm đoạt sẽ xử lý ra sao?
Tại vụ án thứ hai, Tòa đã tuyên tổ chức công chứng phải liên đới với người lừa dối bồi thường thiệt hại cho bên bị lừa dối theo kỷ phần. Việc Tòa án tuyên tổ chức công chứng phải liên đới bồi thường khoản tiền 1,5 tỷ đồng cho người mua do người này đã chuyển giao cho người lừa dối, trong đó, phần của tổ chức công chứng là 500 triệu đồng là không thuyết phục, bởi lẽ, Tòa án không chứng minh được giữa công chứng viên với người lừa dối đã cùng nhau gây thiệt hại như thế nào? Sự cùng nhau gây thiệt hại trong vụ việc này được thể hiện ở hành vi nào? Cơ sở nào để xác định tổ chức công chứng chịu trách nhiệm bồi thường 500 triệu đồng? Việc Tòa án tuyên bị cáo H phải hoàn trả cho tổ chức công chứng 500 triệu đồng sau khi tổ chức công chứng đã bồi thường xong cho người bị lừa dối thì suy cho cùng, tổ chức công chứng cũng không phải chịu hậu quả bất lợi nào về tài sản và cũng không đúng với tinh thần của khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 là khi hợp đồng dân sự vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trong vụ án thứ ba, Tòa đã buộc bên lừa dối phải chịu trách nhiệm là hợp lý và đúng pháp luật. Tuy nhiên, với phán quyết buộc tổ chức công chứng chịu trách nhiệm thay khi bên lừa dối không có khả năng tài chính thì lại mang tính khiên cưỡng và thiếu căn cứ pháp lý. Trách nhiệm bồi thường thay trong khoa học pháp lý gọi là trách nhiệm bổ sung. Cụ thể, trong trường hợp trách nhiệm chính không được thực hiện, thực hiện không đầy đủ thì trách nhiệm bổ sung được thực hiện nhằm bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm chính. Giải pháp này xem ra có vẻ “nhân văn” nhằm bảo vệ tốt hơn cho bên bị lừa dối và nâng cao trách nhiệm của công chứng viên trong quá trình thực hiện công việc của mình. Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy quy định nào trong pháp luật thực định quy định về vấn đề này, do đó, phán quyết này cũng khó thuyết phục.
Trong vụ án thứ tư, Hội đồng xét xử đã xác định bên lừa dối phải hoàn trả khoản tiền đã chiếm đoạt của bên bị lừa rối. Bên bị lừa dối có quyền yêu cầu tổ chức công chứng bồi thường những thiệt hại từ hành vi chứng nhận của công chứng viên có lỗi gây ra. Việc xác định chủ thể phải bồi thường như vậy là hợp lý và hợp pháp, mang tính thuyết phục cao.
(iv) Vấn đề thứ tư là về mức hoàn trả của công chứng viên. Vấn đề đặt ra là, công chứng viên phải hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức công chứng, nhưng mức là bao nhiêu và hoàn trả một phần hay toàn bộ thì luật chưa quy định rõ. Theo tác giả, việc hoàn trả này cần căn cứ vào mức độ lỗi của công chứng viên. Tuy nhiên, với quy định như hiện nay có thể hiểu là tổ chức công chứng có quyền yêu cầu hoàn trả toàn bộ số tiền mà mình đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
3. Hướng hoàn thiện pháp luật
Để việc xét xử được thực hiện thống nhất, tác giả kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hay có án lệ làm khuôn mẫu theo hướng:
- Cần xác định đúng căn cứ pháp lý.
- Cần xác định đúng thiệt hại mà công chứng viên gây ra với khoản tiền mà bên lừa dối chiếm đoạt.
- Cần xác định đúng chủ thể hoàn trả, chủ thể bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu do có yếu tố giả mạo.
- Sửa đổi bỏ yếu tố “lỗi” trong quy định về bồi thường tại khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng năm 2014; đồng thời bổ sung yếu tố lỗi vào quy định về bồi hoàn tại khoản 2 Điều 38, theo đó: “Công chứng viên… phải hoàn trả lại… nếu có lỗi theo quy định của pháp luật...”.
- Cần có quy định cụ thể về mức hoàn trả của công chứng viên cho tổ chức công chứng theo mức độ lỗi của công chứng viên.
ThS. Trần Ngọc Tuấn
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Nguyễn Xuân Quang - Lê Nết - Nguyễn Hồ Bích Hằng (2007), Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 414.
[2]. Kim Phụng - Nguyễn Quỳnh, Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, http://m.plo.vn./phap-luat/bat-cap-an-tuyen-cong-chung-vien-boi-thuong-870874.html, ngày 18/11/2019.
[3]. Kim Phụng - Nguyễn Quỳnh, Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, http://m.plo.vn./phap-luat/bat-cap-an-tuyen-cong-chung-vien-boi-thuong-870874.html, ngày 18/11/2019.
[4]. Kim Phụng - Nguyễn Quỳnh, Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường, Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, http://m.plo.vn./phap-luat/bat-cap-an-tuyen-cong-chung-vien-boi-thuong-870874.html, ngày 18/11/2019.
[5]. Minh Lộc, Hồ sơ giả “qua mặt” công chứng: Văn phòng công chứng Vạn Xuân phải bồi thường 500 triệu đồng, Báo điện tử Tiền Phong, www.tienphong.vn/ban-doc/van-phong-cong-chung-van-xuan-phai-boi-thuong-500-trieu-dong-1416044.amp.tpo, ngày 17/5/2019.
[6]. Di Lâm, Ngã ngũ vụ lập mưu bán đất người khác gây chấn động dư luận TP HCM, Báo Người lao động điện tử, https://nld.com.vn/phap-luat/nga-ngu-vu-lap-muu-ban-nha-nguoi-khac-gay-chan-dong-du-luan-tp-hcm-20191009144957958.htm, ngày 09/10/2019.
[7]. Đỗ Văn Đại (2017), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án, tập 2, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, tr. 173 - 174.
[8]. Đỗ văn Đại (2014), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam, tập 2, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 187.
[9]. Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[10]. Khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.