Tại Việt Nam, thi hành án hành chính là một nhiệm vụ phức tạp, được đặt ra chính thức từ khi có Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, được quy định cụ thể, đầy đủ hơn và bổ sung quyền hạn đôn đốc thi hành án hành chính của cơ quan thi hành án dân sự tại Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Sau 05 năm thực hiện và trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010, ngày 25/11/2015, Quốc hội thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trong đó cũng dành riêng một chương - Chương XIX gồm 07 điều quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Triển khai thi hành Luật này, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 bỏ thủ tục đôn đốc thi hành án hành chính vốn gây nhiều bức xúc trong thời gian qua và thay thế bằng cơ chế chủ động thi hành án với việc tự nguyện thi hành của người phải thi hành án và thẩm quyền ban hành quyết định buộc thi hành án của Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành án hành chính tại Việt Nam qua một năm kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nội dung về đội ngũ chấp hành viên làm công tác thi hành án hành chính. Pháp luật hiện hành quy định chấp hành viên thi hành án dân sự là một chức danh tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm theo quy trình, thủ tục nhất định khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành hoặc trực tiếp thi hành các bản án, quyết định theo quy định của pháp luật; được sử dụng quyền lực nhà nước để tổ chức thi hành án dân sự và thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chỉ tuyên xử công nhận, hủy bỏ hoặc sửa một phần quyết định của cơ quan hành chính, không tuyên rõ về phần nghĩa vụ tài sản như quyết định hành chính đã ban hành của cơ quan hành chính nhà nước. Trong những trường hợp như vậy, trách nhiệm của chấp hành viên không được quy định rõ ràng và được đánh giá là khá mờ nhạt trong hoạt động tổ chức thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự vốn dĩ lúc nào cũng trong tình trạng quá tải về công việc, nay thêm nhiệm vụ thi hành án hành chính nhưng cơ chế lại thiếu rõ ràng, nên cơ quan này thực tế vẫn chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là thi hành án dân sự và thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập đến trách nhiệm của đội ngũ chấp hành viên thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành án hành chính đối với những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử công nhận, hủy bỏ hoặc sửa một phần quyết định của cơ quan hành chính, cụ thể như sau:
(i) Sau khi nhận được bản án, quyết định của Toà án, cơ quan thi hành án dân sự phân công chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính. Chấp hành viên sau khi được phân công có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi; cập nhật và bổ sung đầy đủ các tài liệu vào hồ sơ vụ việc.
Hồ sơ gồm: Bản án, quyết định của Tòa án; văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án; thông báo kết quả thi hành án hành chính; quyết định buộc thi hành án hành chính (nếu có); các văn bản chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án (nếu có); quyết định xử lý do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án (nếu có); các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ thi hành án hành chính phải thể hiện toàn bộ quá trình theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ hiện hành.
(ii) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án. Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản.
(iii) Chấp hành viên chứng kiến và ký tên vào biên bản trong trường hợp cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc tiếp nhận người bị buộc thôi việc trở lại làm việc hoặc cơ quan, tổ chức chấm dứt thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật; sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri hay thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(iv) Trường hợp có căn cứ xác định việc người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án, chấp hành viên thực hiện (trường hợp chấp hành viên đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự) hoặc tham mưu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án.
(v) Chấp hành viên thực hiện (trường hợp chấp hành viên đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự) hoặc tham mưu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.
(vi) Trường hợp vụ việc đã có Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, chấp hành viên tham mưu cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức đăng tải công khai Quyết định buộc thi hành án hành chính trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc, đồng thời đề nghị tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ đối với các vụ việc người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ[2].
(vii) Ngoài ra, trong từng trường hợp thi hành án hành chính cụ thể, Chấp hành viên thực hiện hoặc tham mưu cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Để đội ngũ chấp hành viên thi hành án dân sự có thể thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác thi hành án hành chính thì ngoài những phấn đấu trong công tác của bản thân chấp hành viên về phía cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền cũng cần phải làm tốt những công tác sau:
Thứ nhất, củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ chấp hành viên làm công tác thi hành án hành chính tại các cơ quan ở Trung ương và địa phương trên cơ sở các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi hành án hành chính nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong cả nước; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo chấp hành đúng pháp luật và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án hành chính.
Thứ ba, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về công tác thi hành án hành chính, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương; nên sớm xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án hành chính.
Trên đây chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời trong việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ chấp hành viên trong thi hành án hành chính, thiết nghĩ về lâu dài chúng ta cần có một Luật Thi hành án hành chính riêng bên cạnh Luật Tố tụng hành chính. Quy định về thi hành án hành chính bằng một văn bản luật riêng sẽ đảm bảo được tính đồng bộ và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đội ngũ chấp hành viên, vì thực tế trong lĩnh vực thi hành án dân sự và thi hành án hình sự đều đã có luật thi hành án riêng biệt. Và xa hơn, nên xem xét xây dựng một Bộ luật về thi hành án dành cho tất cả các lĩnh vực dù biết đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với công tác lập pháp tại Việt Nam hiện nay.
Khoa Luật, Đại học Đà Lạt
[1]. Điều 106 Hiến pháp năm 2013.
[2]. Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án