1. Thường xuyên phát huy vai trò nêu gương, đồng hành, sâu sát trong công việc chuyên môn trong giải quyết việc thi hành án
Theo quy định tại Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, tuy nhiên nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất. Để lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác do ngành dọc, chính quyền địa phương giao, người lãnh đạo đơn vị trước hết phải lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn về thi hành án, cụ thể là kết quả tổ chức thi hành án của các chấp hành viên.
Thông thường, sau khi được phân công tổ chức thi hành một vụ việc, chấp hành viên phải chịu trách nhiệm về tiến độ cũng như kết quả giải quyết của mình trước lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, với vai trò là người lãnh đạo, quản lý, Chi cục trưởng cần nêu gương trong công tác để các chấp hành viên tin tưởng, làm theo. Bên cạnh đó, còn thường xuyên đồng hành cùng các chấp hành viên giải quyết việc thi hành án như giải thích các quy định pháp luật, vận động, thuyết phục đương sự và người thân của các đương sự, phối hợp với các cơ quan hữu quan và chỉ đạo giải quyết đối với các trường hợp phải cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Qua nhiều năm đồng hành cùng với các chấp hành viên trong các vụ việc có giá trị lớn hoặc có tính chất phức tạp cho thấy, các đương sự đều có chung đặc điểm tâm lý muốn được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo đơn vị đặc biệt là với Chi cục trưởng, từ đó đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể, bảo đảm luôn thấu tình, đạt lý, hạn chế thấp nhất các khiếu nại, tố cáo phát sinh. Chính vì vậy, đã tạo được sức mạnh, niềm tin cho các chấp hành viên vững tâm trong xử lý các vụ việc thi hành án.
Thực tiễn công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Lào Cai những năm gần đây cho thấy, số lượng thụ lý việc, tiền luôn chiếm khoảng 40 - 50% trên toàn tỉnh, kết quả tổ chức thi hành án của các chấp hành viên tuy đã đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao song việc duy trì, phát huy những kết quả đó là rất khó. Với vai trò là người lãnh đạo, quản lý điều hành, Chi cục trưởng cần động viên, khích lệ để các chấp hành viên thực sự có tâm huyết, nhiệt huyết với nghề, từ đó hoàn toàn chủ động, tự giác trong công việc, đồng thời Thủ trưởng đơn vị cũng cần đặt ra các kế hoạch, biện pháp để các chấp hành viên tổ chức thực hiện. Để làm được điều này, người lãnh đạo đơn vị cần có tư duy, tầm nhìn chiến lược, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, từ đó xây dựng cho mình các kế hoạch, giải pháp trong quản lý, chỉ đạo điều hành, tổ chức thi hành án dân sự.
2. Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác cho các chấp hành viên không thấp hơn mức mà cấp trên giao cho đơn vị, đồng thời xác định thời gian thực hiện từng vụ việc có giá trị lớn hoặc những vụ việc có tính chất phức tạp
Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao của toàn đơn vị, tiến hành phân công, phân nhiệm, giao chỉ tiêu cho các chấp hành viên không thấp hơn mức giao của cấp trên và tùy theo năng lực, sở trường công tác của từng chấp hành viên nhưng cơ bản đều phải tập trung thực hiện đạt chỉ tiêu được giao chung của toàn đơn vị. Việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các chấp hành viên một mặt để bảo đảm cho việc hoàn thành các chỉ tiêu chung của toàn đơn vị, một mặt để các chấp hành viên ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác, từ đó xây dựng kế hoạch, phương thức thực hiện nhiệm vụ đạt được hiệu quả cao nhất. Nếu chỉ giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho các chấp hành viên mà không xác định thời gian thực hiện thì người lãnh đạo đơn vị sẽ luôn ở thế bị động và đơn vị sẽ rất khó khăn nếu một hoặc một số chấp hành viên không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác. Chính vì vậy, sau khi phân công tổ chức thi hành vụ việc, phải thường xuyên yêu cầu chấp hành viên kịp thời báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết vụ việc. Qua đó, các chấp hành viên phải thực sự chủ động với công việc được giao, kịp thời phân loại, giải quyết việc thi hành án.
Bằng kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, bên cạnh việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, Chi cục trưởng phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra các chấp hành viên thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục từ tống đạt, xác minh đến thuyết phục, vận động giải quyết thi hành án. Hàng tuần, hàng tháng yêu cầu các chấp hành viên báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết các vụ việc có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, tổ chức các cuộc họp giao ban công tác để nắm bắt tình hình, tiến độ giải quyết của các chấp hành viên, từ đó kịp thời đưa ra các định hướng, phương án giải quyết cho từng vụ việc cụ thể. Ví dụ, trong năm 2020, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Lào Cai thụ lý giải quyết vụ việc ông Trần Văn H - chủ Doanh nghiệp tư nhân Hậu Giang phải thi hành số tiền là hơn 40 tỷ đồng. Ngay sau khi hết thời hạn hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm (tháng 5/2020), thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thành phố Lào Cai đã chỉ đạo, yêu cầu chấp hành viên khẩn trương xác minh điều kiện thi hành án, xây dựng kế hoạch cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để giải quyết việc thi hành án. Đến tháng 6/2020, chấp hành viên đã cưỡng chế thành công tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Hậu Giang và đến tháng 8/2020 tổ chức bán đấu giá tài sản. Kết quả đã giải quyết xong được số tiền là hơn 20 tỷ đồng, số còn lại sau khi xác minh chuyển chưa có điều kiện thi hành án, giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về việc, về tiền được giao.
3. Chỉ đạo biện pháp thi hành án cụ thể, sâu sát đối với từng vụ việc, đặc biệt là các vụ việc thi hành khó khăn, phức tạp, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương
Trên cơ sở các vụ việc phải thi hành án được thụ lý giải quyết, hàng tuần, hàng tháng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ đạo các chấp hành viên báo cáo tiến độ, kết quả thi hành, đồng thời rà soát, lập danh sách các vụ việc phức tạp, có giá trị lớn, khó thi hành hoặc có ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Từ đó, kịp thời nắm bắt các thông tin, phân tích các điều kiện, tính chất cụ thể của từng vụ việc để chỉ đạo biện pháp thi hành hiệu quả. Cụ thể, trong năm công tác 2020, đơn vị thụ lý giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, có giá trị lớn. Với vai trò là người lãnh đạo, Chi cục trưởng đã luôn đồng hành cùng các chấp hành viên trong việc giải quyết các vụ việc đó, đồng thời chỉ đạo chấp hành viên thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ vận động, thuyết phục đến cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản… bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Kết quả là các vụ việc đã được giải quyết triệt để, kịp thời bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, công tác thi hành án của các chấp hành viên nói riêng cũng như của cơ quan thi hành án dân sự thành phố Lào Cai những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, có giá trị lớn đã được giải quyết hiệu quả. Kết quả công tác thi hành án trong 05 năm từ 2016 - 2020 đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Cụ thể: (i) Năm 2019, giải quyết xong 1.484 việc/1.563 việc có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 95% (vượt 21% so với chỉ tiêu được giao), giải quyết xong số tiền 50.414.413.000 đồng/71.626.368.000 đồng có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 70% (vượt 35.5% so với chỉ tiêu được giao, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm trước); (ii) Năm 2020, giải quyết xong 1.244 việc/1.334 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 94% (vượt 12,5% so với chỉ tiêu được giao), giải quyết xong số tiền là 48.830.313.000 đồng/84.254.846.000 đồng có điều kiện giải quyết, đạt 58% (vượt 19.5% so với chỉ tiêu được giao); (iii) Hơn 02 tháng đầu năm công tác 2021, các chấp hành viên đã tập trung tổ chức xong được hơn 60 tỷ đồng, vượt 120% so với cả năm 2020. Đây là con số ấn tượng, tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị và các chấp hành viên vẫn quyết tâm tạo đột phá thi hành vượt cao so với chỉ tiêu cấp trên và chính quyền địa phương giao.
Trong những năm qua, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Lào Cai đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, tặng Cờ thi đua Ngành Tư pháp các năm 2016, 2017, 2019 và 2020. Nhiều cá nhân trong đơn vị được công nhận các thành tích cao như Chiến sỹ thi đua Ngành Tư pháp, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020… Kết quả đó, càng khẳng định vị trí, vai trò của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong công tác thi hành án. Họ không chỉ là người lãnh đạo chỉ huy, mà còn là điểm tựa vững chắc để các chấp hành viên yên tâm trong quá trình tác nghiệp, góp phần xây dựng Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.
Chi cục Thi hành án dân sự TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai