Abstract: The protection of consumer interests has been a national actual issue and concerned by the entire society. Beside the agency in charge of consumer interest protection, social organizations are very important. This article analyzes and points out the role of social organizations in the consumer interest protection.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã dành một chương quy định về vai trò, vị trí của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan, nên trên thực tế, hoạt động của các tổ chức xã hội đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa thực sự trở thành chỗ dựa đối với NTD.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD là tổ chức xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ nghề nghiệp và là tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định của pháp luật[1]. Tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ hoặc đại diện cho NTD bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD không vì mục đích lợi nhuận và tuân thủ các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật liên quan về hoạt động của các tổ chức xã hội[2]. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam gồm: Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ở trung ương và các Hội bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương.
Để phù hợp với nguyên tắc bảo vệ NTD là trách nhiệm của toàn xã hội, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định rõ trách nhiệm của mọi tổ chức xã hội bao gồm các Hội bảo vệ NTD và cả các tổ chức như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các hiệp hội ngành nghề… tham gia vào công tác bảo vệ NTD. Các tổ chức xã hội nói chung và Hội bảo vệ NTD nói riêng sẽ thực hiện các hoạt động để giúp NTD bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng; hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng… Có thể thấy, pháp luật nước ta xác định tổ chức xã hội là một thiết chế quan trọng trong công tác bảo vệ NTD.
Cùng với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của NTD bằng các hoạt động sau đây: (a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn NTD khi có yêu cầu; (b) Đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; (c) Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; (d) Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho NTD về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; (đ) Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi NTD... (e) Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao theo quy định của pháp luật; (g) Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng[3].
Vai trò của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi của NTD được thể hiện qua việc phản biện xã hội. Khi phản biện về các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tổ chức bảo vệ NTD không chỉ căn cứ vào quyền và lợi ích của NTD, mà còn căn cứ vào luật lệ hiện hành, thực trạng nền kinh tế trong nước, tập quán xã hội, trình độ văn hóa, cân bằng lợi ích với các nhóm lợi ích khác, sao cho những lập luận của mình phù hợp với thực tế, hợp tình, hợp lý, có sức thuyết phục.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội còn có vai trò tuyên truyền phổ biến cho NTD biết về quyền và trách nhiệm của họ, giáo dục về phong cách và kỹ năng tiêu dùng lành mạnh, hợp lý, tiêu dùng xanh, không làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường; đưa ra các thông tin cảnh báo cho NTD về những vi phạm pháp luật bảo vệ NTD của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong giải quyết khiếu nại của NTD. Để thực hiện quyền khiếu nại của mình, NTD có thể trực tiếp khiếu nại hoặc thông qua các tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội cũng có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ hoặc đại diện NTD đưa khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều NTD, lợi ích công cộng thì NTD, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về NTD cấp huyện nơi thực hiện việc giao dịch để giải quyết[4]. Hiện nay, Hội Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) và các Hội bảo vệ NTD địa phương là tổ chức thực hiện chủ yếu vai trò giải quyết khiếu nại của NTD ở Việt Nam. Trong những năm qua, với những lợi thế của mình, nhiều tổ chức bảo vệ NTD đã tham gia quá trình giải quyết khiếu nại của NTD một cách có hiệu quả. Hội Bảo vệ NTD Việt Nam và nhiều Hội bảo vệ NTD địa phương đã thành lập được Văn phòng khiếu nại của NTD với những phương pháp giải quyết chủ yếu thông qua thương lượng, hòa giải... Hàng năm, các Hội bảo vệ NTD đã tiếp nhận và giải quyết hàng nghìn khiếu nại của NTD trên khắp cả nước.
Các tổ chức xã hội cũng đã thông qua phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin cần thiết về các quy định của pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, pháp luật bảo vệ NTD, nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, về giá cả thị trường cho NTD. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã đạt được những hiệu quả nhất định và tiếp cận đến mọi tầng lớp tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi. NTD đã có nhận thức đúng đắn hơn về quyền và trách nhiệm, cũng như vai trò, vị trí của họ trong xã hội, qua đó, họ có ý thức và có khả năng tự bảo vệ mình trong mọi tình huống. Các tổ chức xã hội cũng tham gia và tổ chức trực tiếp nhiều hội thảo, hội nghị về vấn đề bảo vệ NTD. Đặc biệt là các tổ chức bảo vệ NTD đã tiến hành tập huấn cho các Hội ở các địa phương (trung bình mỗi năm khoảng 4 - 5 hội thảo) nhằm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động bảo vệ NTD, tổ chức và vận hành các văn phòng khiếu nại của NTD, phát triển các tổ chức bảo vệ NTD ở địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi phải đăng ký theo quy định. Nhiều trang website do các tổ chức xã hội lập ra, là kênh giao lưu giữa NTD và tổ chức xã hội, qua các trang website đó, NTD sẽ nhanh chóng tiếp cận được những thông tin mới, thông tin về những sản phẩm dịch vụ có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh, cảnh báo cho NTD về những vi phạm pháp luật bảo vệ NTD của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… Tại đây, NTD có thể tìm hiểu các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD cũng như sử dụng các tiện ích khác. Đây là một công cụ quan trạng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay; hay AFCA đã triển khai khá thành công trang mạng xã hội Facebook bảo vệ NTD với 1.861 thành viên truy cập, kết hợp thực hiện chương trình Góc Luật sư của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV9), để tuyên truyền các hoạt động chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi NTD… Trong công tác phản biện, giám định xã hội, Hội Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) cũng phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội các ngành nghề… tiến hành khảo sát các chỉ tiêu kim loại nặng và vi sinh trong dầu gội đầu; khảo sát tình hình tiêu thụ và các chỉ tiêu an toàn của dây điện lưỡng kim CCA; tổ chức 03 đợt khảo sát nhóm hóa chất beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi lợn và gà; khảo sát, điều kiện vệ sinh an toàn sản xuất nước uống đóng chai; khảo sát, xác định dư lượng hóa chất nhóm beta-agonist trong thịt lợn tại TP. Hồ Chí Minh...
Hoạt động của các tổ chức xã hội bảo vệ NTD mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, vẫn đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thực sự thể hiện được vai trò cũng như trở thành địa chỉ tin cậy đối với NTD. Mặc dù đã đưa ra chủ trương xã hội hóa việc bảo vệ NTD, nhưng sự tham gia của các tổ chức xã hội lại khá mờ nhạt. Ngay cả hoạt động của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) và các Hội bảo vệ NTD địa phương cũng bị đáng giá chưa xứng với vai trò của nó trong xã hội nói chung và lĩnh vực bảo vệ NTD nói riêng. Theo quy định tại Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 của Chính phủ, Hội có quyền “đại diện cho NTD tiến hành khiếu nại tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tố cáo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Nhưng thành lập hơn 20 năm, Hội lại chưa bao giờ khởi kiện một vụ việc nào để bảo vệ quyền lợi cho NTD, dù rất nhiều vụ xâm phạm quyền lợi đã bị phanh phui. Thay vì việc chủ động giải quyết vấn đề từ cơ sở, Hội lại thụ động chờ đợi NTD đến khiếu nại mới tham gia vào. Bởi vậy, hoạt động của Hội vẫn còn mang tính hình thức, chưa góp phần xử lý vi phạm và bảo vệ hiệu quả quyền lợi NTD.
Đối với các tỉnh có Hội bảo vệ NTD thì hoạt động của Hội chủ yếu là ở khu vực thị xã, tỉnh lỵ mà chưa phân bố rộng khắp đến các địa bàn hành chính cấp huyện, xã hay vùng sâu, vùng xa - những nơi người dân có trình độ thấp, là đối tượng của các hành vi gian lận tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều Hội ở địa phương được thành lập nhưng không hoạt động thường xuyên, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa ra những cảnh báo để bảo vệ quyền lợi NTD. Thậm chí, có những Hội bảo vệ quyền lợi NTD chỉ tồn tại về mặt hình thức và hầu như không có hoạt động nào nổi bật. Số lượng Hội bảo vệ quyền lợi NT hoạt động không hiệu quả còn chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng số 54 Hội bảo vệ NTD đã thành lập.
Trong việc thực hiện công tác bảo vệ NTD các tổ chức xã hội không những phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cần phối hợp với các hội địa phương nhằm trao đổi thông tin, kiến thức, hỗ trợ nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt với những vụ kiện cần sự phối hợp như lên tiếng phản đối, tẩy chay hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD và ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hội bảo vệ NTD với các tổ chức trong nước không chặt chẽ, ngoài việc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, thì chưa có những chương trình hành động thống nhất. Với tư cách là tổ chức hoạt động trên phạm vi cả nước, VINASTAS được coi như là “Hội Trung ương” nhưng lại không có sự chỉ đạo về phương hướng hoạt động cũng như các hỗ trợ khác cho Hội địa phương. Các hoạt động của Hội địa phương vì vậy nhìn chung vẫn mang nhiều yếu tố tự phát và thiếu tính tổ chức, hoạt động manh mún, không có hiệu quả.
Bảo vệ quyền lợi NTD luôn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân phải có trách nhiệm đối với phong trào bảo vệ NTD, trong đó các tổ chức xã hội đặc biệt là tổ chức bảo vệ NTD có vai trò rất quan trọng trong phong trào bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam. Do đó, để các tổ chức xã hội thực sự trở thành một thiết chế quan trọng có hiệu quả trong việc bảo vệ NTD thì các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, bản thân NTD phải thực sự quan tâm nhận thực được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ NTD. Các hội bảo vệ NTD phải đổi mới phương thức hoạt động, hợp tác giúp đỡ nhau để thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của NTD trong phạm vi cả nước và ở từng địa phương.
Viện Nhà nước và Pháp luật
[1]. Điều 24, Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[2]. Điều 12 Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[3]. Điều 29, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
[4]. Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.