Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng rất nhiều quan hệ có yếu tố nước ngoài phát sinh như quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Khi các bên chủ thể hoặc cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ phải tuân thủ những nội dung nhất định. Bài viết trình bày khái quát và thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế của Việt Nam và một số quốc gia, từ đó đề xuất một số khuyến nghị trong việc quy định và áp dụng pháp luật nước ngoài ở Việt Nam.
1. Khái quát về quy định áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế
Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia, các quan hệ pháp luật sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật quốc gia. Nhưng cùng với sự phát triển của hội nhập quốc tế, nhiều quan hệ có yếu tố nước ngoài xoay quanh các cá nhân, tổ chức được thiết lập như quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ lao động, quan hệ kinh doanh thương mại và quan hệ dân sự... Lúc này, các cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia sẽ xem xét áp dụng pháp luật để giải quyết cho các quan hệ đó. Thông thường, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sẽ xem xét các quy phạm xung đột trong pháp luật nước mình hoặc sự lựa chọn của các bên để từ đó áp dụng pháp luật nước ngoài giải quyết vụ việc. Khi áp dụng pháp luật nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý nhất định. Mỗi quốc gia sẽ có các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý về áp dụng luật nước ngoài khác nhau. Tuy nhiên, phạm vi cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài phải được xác định trên cơ sở chủ quyền quốc gia và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; đồng thời, bảo đảm hiệu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ xã hội và pháp luật của nước mình[1].
Áp dụng pháp luật nước ngoài là việc cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia sẽ xem xét áp dụng quy định của pháp luật nước ngoài giải quyết cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, quan hệ tố tụng dân sự quốc tế.
Ở Việt Nam, các quy định của tư pháp quốc tế được thể hiện ở nhiều văn bản như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Lao động năm 2019… Quy định áp dụng pháp luật nước ngoài nằm trong văn bản chung nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015 tại các điều 664, 667, 669 và 670. Cụ thể, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó. Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp: Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Như vậy, việc áp dụng pháp luật nước ngoài ở Việt Nam được chia thành 03 trường hợp: (i) Khi có các quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế quy định; (ii) Khi quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia quy định áp dụng pháp luật nước ngoài; (iii) Khi các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài và đáp ứng điều kiện.
Tham khảo pháp luật của các quốc gia khác thấy rằng, Trung Quốc là quốc gia đã ban hành đạo luật chuyên biệt về tư pháp quốc tế, đó là Luật Áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được thông qua vào ngày 28/10/2010, có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2011. Theo đó, Luật này quy định: Các bên có thể chọn luật áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của luật này (Điều 3). Trường hợp việc áp dụng pháp luật nước ngoài gây phương hại đến xã hội và lợi ích công cộng của pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ được áp dụng (Điều 5). Trong trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng cho mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và luật khác được thực hiện ở các khu vực khác nhau của quốc gia đó thì luật của nước có mối liên hệ chặt chẽ nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ được áp dụng (Điều 6). Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật nước ngoài cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không bao gồm các quy tắc xung đột của quốc gia đó (Điều 9) và pháp luật nước ngoài áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định bởi tòa án nhân dân có liên quan, trọng tài hoặc cơ quan hành chính. Trường hợp các bên đã chọn một pháp luật nước ngoài để áp dụng thì các bên sẽ cung cấp pháp luật của nước đó. Trường hợp pháp luật nước ngoài không thể được xác định hoặc pháp luật của quốc gia đó không có điều khoản liên quan thì pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ được áp dụng (Điều 10).
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế ở một số quốc gia
Trong thực tiễn, có rất ít trường hợp Tòa án Trung Quốc áp dụng pháp luật nước ngoài vì đa số đều bị dựa vào đoạn 2 Điều 10 Luật Áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đơn cử như những trường hợp sau đây[2]:
Trường hợp 1: Tranh chấp giữa Haicheng Bangda International Logistics Co., Ltd. và Appellee Yantai Zhonglian Industrial Co., Ltd trong hợp đồng vận tải hàng hóa hàng hải. Các bên đã thể hiện trong vận đơn đồng ý áp dụng pháp luật Hoa Kỳ. Về vấn đề này, tòa sơ thẩm tuyên bố rằng, mặc dù bị đơn ủng hộ việc áp dụng luật của Hoa Kỳ, nhưng bị đơn đã không tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ và không nêu rõ luật nào của Hoa Kỳ nên được áp dụng. Tòa án phúc thẩm cũng cho rằng, mặc dù bị đơn trong phiên sơ thẩm ủng hộ việc áp dụng luật của Hoa Kỳ, nhưng không cung cấp các quy định của luật pháp Hoa Kỳ cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, do đó các quy định của luật pháp Hoa Kỳ không thể được xác định.
Trường hợp 2: Trong trường hợp tranh chấp hợp đồng lao động giữa Long Zhongyong, Yongya Enterprise và Banghu Shipping Co., Ltd. Tòa sơ thẩm xác định rằng, mặc dù hợp đồng quy định rằng luật Singapore được áp dụng, bị đơn không xuất hiện tại tòa để tham gia vụ kiện. Nguyên đơn yêu cầu áp dụng luật pháp Trung Quốc, vì vậy luật pháp Trung Quốc nên được áp dụng để giải quyết các tranh chấp thực chất.
Trường hợp 3: Trong trường hợp vụ việc Zhejiang Shao Shangwai Chuzi số 76 năm 2010. Tòa án tuyên bố: Các bên đồng ý áp dụng luật của Bang New York, Hoa Kỳ và các bên nên cung cấp luật có liên quan. Hiện tại, nguyên đơn và bị đơn chưa cung cấp cho Tòa án này các luật nước ngoài đã thỏa thuận, luật Trung Quốc nên áp dụng cho trường hợp này.
Như vậy, đây là các trường hợp điển hình của việc pháp luật nước ngoài không thể xác định được để từ đó tòa án sẽ áp dụng pháp luật của Trung Quốc. Tháng 5/2015, Trung Quốc đã thành lập các trung tâm nghiên cứu về pháp luật nước ngoài như Trung tâm nghiên cứu chứng nhận luật nước ngoài do Tòa án nhân dân tối cao cùng với Đại học Khoa học chính trị và luật thành lập. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong việc cung cấp pháp luật nước ngoài, chứng nhận nội dung pháp luật nước ngoài.
Tương tự như Trung Quốc, ở Philippines, nếu luật pháp nước ngoài không được chứng minh thì các Tòa án Philippines sẽ áp dụng pháp luật của Philippines và cho rằng luật pháp nước ngoài tương tự như luật pháp của Philippines theo học thuyết giả định. Các quy tắc lựa chọn luật luôn bao gồm một mối quan hệ thực tế (chẳng hạn như quyền tài sản, yêu cầu hợp đồng) và một sự kiện hoặc địa điểm, chẳng hạn như nơi cử hành, nơi biểu diễn hoặc nơi xảy ra sai phạm.
Ở Hoa Kỳ, Tòa án không bắt buộc phải áp dụng pháp luật nước ngoài khi đương sự không khởi xướng (nêu ra). Thông báo việc khởi xướng áp dụng pháp luật nước ngoài cho bên đối tụng là nghĩa vụ bắt buộc. Nếu đương sự khởi xướng vi phạm nghĩa vụ này, vụ việc sẽ được giải quyết bởi luật quốc nội. Trong trường hợp không bên đương sự nào khởi xướng áp dụng pháp luật nước ngoài, Tòa án suy đoán rằng các bên từ bỏ quyền yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài. Như vậy, đương nhiên luật nơi xét xử được áp dụng. Trong vụ Clarkson Co. v. Shaheen, 660 F.2d 506, 512 n.4 (2d Cir. 1981), Tòa án áp dụng luật của bang New York vì không đương sự nào đặt vấn đề luật của Canada được áp dụng để giải quyết vụ việc. Nếu nội dung của pháp luật nước ngoài không được chứng minh, cũng giống như các Tòa án ở Anh, Tòa án ở Hoa Kỳ áp dụng nguyên tắc suy đoán các hệ thống pháp luật tương tự. Trong vụ Loebig v. Larucci 572 F.2d 81 (2d Cir. 1978), cả nguyên đơn và bị đơn đều là công dân Hoa Kỳ, nguyên đơn gặp tai nạn tại Đức khi đang là hành khách trên xe mô tô được sở hữu và vận hành bởi bị đơn. Mặc dù, trong trường hợp này Tòa án xác định luật áp dụng là luật Đức. Tuy nhiên, do cả hai bên không thể chứng minh được nội dung của pháp luật Đức nên thẩm phán đã hướng dẫn bồi thẩm đoàn áp dụng pháp luật của bang New York[3].
Trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam, việc áp dụng pháp luật nước ngoài rất ít được Tòa án áp dụng. Tòa án ở Việt Nam sẽ tiến hành áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết hầu hết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật quy định mới chỉ dừng lại ở quy định chung, khung khuôn mẫu khi xác định các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài.
3. Một số khuyến nghị về việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế ở Việt Nam
Để bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài một cách hợp lý, Việt Nam cần phải ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có hướng dẫn quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung quy định về cách thức xác định, tìm kiếm pháp luật nước ngoài dựa vào các nguồn như: Do các bên cung cấp; được cung cấp bởi các tổ chức dịch vụ pháp lý; được cung cấp bởi cơ quan trung ương của bên ký kết khác đã tham gia điều ước quốc tế với Việt Nam; được cung cấp bởi Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam tại các quốc gia liên quan; được cung cấp bởi Đại sứ quán của nước liên quan ở Việt Nam.
Thứ hai, bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể về các trường hợp “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” và “nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng” tại Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, Tòa án nên có sự giải thích về nội dung về việc không áp dụng pháp luật nước ngoài để đảm bảo tính hợp lý, công bằng, rõ ràng hơn nữa của bản án.
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có đặc trưng khác biệt với các quan hệ thông thường trong nước. Cho nên, pháp luật nước ngoài sẽ có thể được áp dụng đề điều chỉnh quan hệ đặc biệt này. Vì thế, việc quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài cần được xem xét, bổ sung, đánh giá để việc áp dụng được hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên chủ thể. Để làm được điều này, trong thời gian tới, cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về pháp luật áp dụng điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Khoa Luật - Đại học Sài Gòn
[1] Bộ Tư pháp (2016), Áp dụng pháp luật nuớc ngoài tại Việt Nam - Những lợi ích và bất lợi của Việt Nam khi tham gia Công ước Viên năm 1980
[2] Đinh Xiaowei, Wang Jiwen (2016), Về vấn đề không cung cấp luật nước ngoài trong việc điều tra luật nước ngoài
[3] Đỗ Minh Tuấn (2014), Xác định nội dung pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp dân sự quốc tế bởi Tòa án, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 70.