1. Khái quát chung về cấp dưỡng sau khi ly hôn
Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc người gặp khó khăn túng thiếu theo quy định của Luật này”.
1.1. Những đặc điểm cơ bản trong quan hệ cấp dưỡng
Thứ nhất, quan hệ cấp dưỡng là loại quan hệ tài sản đặc biệt, không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác (khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 3 Điều 377 Bộ luật Dân sự năm 2015), vì nó gắn liền với nhân thân của chủ thể (người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng) và nghĩa vụ cấp dưỡng là loại nghĩa vụ không được bù trừ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng; nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng (Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Thứ ba, quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản có đi có lại nhưng không mang tính chất đồng thời và tuyệt đối. Sự chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người ruột thịt bên cạnh nhu cầu vật chất còn là ý nghĩa tình cảm cần được thực hiện nhằm bảo đảm sự gắn bó khăn khít giữa các chủ thể. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ đặt ra trong những hoàn cảnh luật định.Vì vậy, nó không mang tính đền bù, không có tính chất tuyệt đối và không diễn ra đồng thời.
Thứ tư, nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bổ sung, nó chỉ phát sinh khi nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
1.2. Điều kiện làm phát sinh quan hệ cấp dưỡng
- Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng phải có một trong các quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng.
- Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc là người túng thiếu khó khăn.
- Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng không cùng sống chung với nhau. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng vì lý do nhất định không thể trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người kia; do đó, họ có nghĩa vụ phải chu cấp tiền hoặc những tài sản nhất định để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được nuôi dưỡng, chăm sóc để bảo đảm sự sống của người đó.
- Người cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ có thể thực hiện được khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng kinh tế đủ để đảm bảo cuộc sống của chính mình. Nghĩa vụ cấp dưỡng phải căn cứ vào khả năng, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Sau khi ly hôn, nếu bên vợ hoặc chồng lâm vào hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng mà bên còn lại có khả năng cấp dưỡng thì có quyền yêu cầu vợ hoặc chồng cũ cấp dưỡng cho mình.
1.3. Căn cứ chấm dứt quan hệ cấp dưỡng
Theo quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quan hệ cấp dưỡng chấm dứt khi có một trong các điều kiện sau:
Một là, người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình. Nhưng trường hợp nếu người được cấp dưỡng là con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì mặc dù con có tài sản, cha mẹ vẫn có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc thế nên vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Hai là, người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi. Khi được nhận làm con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và người được cấp dưỡng sẽ làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con, cha mẹ nuôi có nghĩa vụ nuôi dưỡng con nuôi nên không cần có người khác cấp dưỡng nữa.
Ba là, người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng. Quan hệ cấp dưỡng chỉ hình thành khi người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không trực tiếp nuôi dưỡng người mà mình có nghĩa vụ nuôi dưỡng do hai bên không cùng chung sống. Khi đã trực tiếp nuôi dưỡng người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng thì nghĩa vụ này được chấm dứt.
Bốn là, người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản gắn liền với nhân thân nên không thể chuyển giao cho người khác. Do đó, khi một bên (người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết) thì quan hệ cấp dưỡng không thể tiếp tục.
Năm là, bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn nghĩa là họ đã có nghĩa vụ vợ chồng với một người khác nên không cần chồng hoặc vợ cũ phải cấp dưỡng để đảm bảo cuộc sống nữa nên quan hệ cấp dưỡng sẽ chấm dứt.
Sáu là, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
1.4. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng
- Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình thì mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó. Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, thông thường thực tế, mức cấp dưỡng sẽ dao động từ 15% -30% mức thu nhập của người cấp dưỡng. Vì vậy, mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con Tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị Tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.
- Phương thức cấp dưỡng được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, sau khi ly hôn một bên không trực tiếp nuôi con, bên vợ hoặc chồng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu và có lý do chính đáng thì có quyền yêu cầu bên kia cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án xác định căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của con cũng như mức thu nhập của người cấp dưỡng.
2. Các quan hệ cấp dưỡng khi ly hôn
- Quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ với con:
Thông thường cha mẹ và con cùng chung sống thì họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau nên nghĩa vụ cấp dưỡng không được đặt ra. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ với con xảy ra khi cha mẹ ly hôn. Khi cha mẹ ly hôn người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân mình (Điều 110).
Cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ của cha mẹ, do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Trong trường hợp khi cha mẹ ly hôn, mà người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó, thì Tòa án nên giải thích cho họ hiểu rằng, việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
- Quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn:
Xuất phát từ mục đích xây dựng gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ, chồng phải có nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau. Đây là nghĩa vụ cơ bản và là đạo lý của quan hệ vợ chồng. Kế thừa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và năm 2000, Điều 115 Luật Hô nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Quy định cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn nhằm giúp cho bên gặp khó khăn có thể bảo đảm cuộc sống trong một thời gian hợp lý để họ tìm kiếm công việc bắt đầu một cuộc sống mới.
Đây là một quy định của pháp luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và nâng cao giá trị đạo đức xã hội, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thể hiện tình nghĩa vợ chồng ngay cả khi quan hệ vợ chồng đã không còn được pháp luật bảo hộ.
3. Một số bất cập trong quy định của luật và kiến nghị hoàn thiện
Việc áp dụng các quy định của Luật Hô nhân và gia đình về chế định cấp dưỡng trong thực tiễn xét xử còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm:
Thứ nhất, còn tồn tại rất nhiều trường hợp sau khi ly hôn mà vấn đề cấp dưỡng chưa bảo đảm quyền lợi của con. Ngoài ra, khoản tiền cấp dưỡng sau khi ly hôn còn là “nợ khó đòi” đối với một số trường hợp; cả trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện việc cấp dưỡng theo đúng quy định của bản án mà Tòa án đã tuyên thì cũng chưa đáp ứng được “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Cụ thể:
Trường hợp Tòa án công nhận sự thỏa thuận của vợ, chồng về việc một bên trực tiếp nuôi con và bên không trực tiếp nuôi con không phải cấp dưỡng cho con. Thực chất đây là sự thỏa thuận trái pháp luật nhưng vẫn được nhiều cặp vợ chồng thực hiện vì xuất phát từ nguyện vọng muốn được nuôi con nên một bên thỏa thuận với bên kia là chấp nhận cho họ được nuôi con thì họ sẽ không yêu cầu cấp dưỡng cho con.
Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con thuộc diện cần được cấp dưỡng trong trường hợp ly hôn do một bên mất tích hoặc một bên vắng mặt chưa thực sự thỏa đáng. Bởi khi giải quyết ly hôn, Tòa án chỉ quyết định giao con cho bên ở nhà trực tiếp nuôi mà không quyết định bên kia phải cấp dưỡng. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của con không được đảm bảo.
Thứ hai, về mức cấp dưỡng: Tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Quy định này bảo đảm tính khả thi của việc cấp dưỡng. Tuy nhiên, việc tạm ngừng cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người được cấp dưỡng nên cần được Tòa án xem xét thận trọng và chỉ nên cho phép tạm ngừng cấp dưỡng khi sự khó khăn về kinh tế là có lý do chính đáng.
Đằng sau bản án ly hôn là số phận của mỗi con người nhưng để đảm bảo cho các “nhu cầu thiết yếu” trong cuộc sống của những đứa trẻ sau khi cha, mẹ chúng ly hôn có thể “phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần” thì Nhà nước cần quy định cụ thể về mức cấp dưỡng. Theo đó, nên quy định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người phải cấp dưỡng hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu tại từng thời điểm làm định khung để quy định mức cấp dưỡng. Khi có sự thay đổi về mức lương thì căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án áp dụng vào từng thời điểm thi hành án thì mới có thể đảm bảo quyền lợi cho người được cấp dưỡng và tránh thiệt thòi cho người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Để đảm bảo quyền lợi trẻ em, nhất là những đứa trẻ đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì không được hưởng sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, trong thực thi pháp luật cần có những điều chỉnh để khắc phục những hạn chế nói trên.
Thứ ba, về việc cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn: Ngoài quy định cấp dưỡng cho con, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn (Điều 115). Tuy nhiên, khác với việc cấp dưỡng nuôi con, cấp dưỡng giữa vợ, chồng khi ly hôn được quy định chặt chẽ là người được cấp dưỡng phải là người có khó khăn, túng thiếu và bản thân họ phải có yêu cầu và yêu cầu đó phải có lý do chính đáng. Thế nhưng trên thực tế, quy định này cũng không được thực hiện vì lý do đương sự không biết có quy định như vậy hoặc biết có yêu cầu nhưng bên kia chỉ đồng ý cấp dưỡng nuôi con chứ không cấp dưỡng cho vợ hoặc chồng. Đây cũng là quy định khó thực hiện vì thiếu chế tài ràng buộc.
Từ những bất cập nêu trên có thể thấy, các quy định về cấp dưỡng vẫn còn rất chung chung, thiếu cụ thể. Điều này khiến cho Tòa án khi phán xét chỉ còn biết căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trường hợp cụ thể. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà mức cấp dưỡng mỗi nơi khác nhau. Mặc khác, việc thiếu các chế tài cứng rắn hơn để ràng buộc những người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phải có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan tư pháp thực hiện cũng là một cản trở không nhỏ, biến cấp dưỡng nuôi con thực sự trở thành “món nợ khó đòi”./.
Viện kiểm sát nhân dân thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005