Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc[1] và Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế[2] nghiêm cấm việc thu lợi bất chính từ hoạt động cho nhận con nuôi, nước thành viên có nghĩa vụ thực hiện mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng việc cho trẻ em làm con nuôi quốc tế không dẫn đến sự trục lợi không chính đáng về tài chính, có các biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm công khai, minh bạch các khoản hỗ trợ tài chính cũng như tách bạch giữa hỗ trợ nhân đạo với việc giải quyết nuôi con nuôi quốc tế.
Trên thực tế, việc hỗ trợ nhân đạo đã góp phần nâng cao chất lượng, điều kiện sinh hoạt, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội trong khi ngân sách nhà nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Tuy nhiên, qua công tác quản lý nhà nước của Cục Con nuôi cho thấy, việc hỗ trợ nhân đạo (mà chủ yếu thông qua hình thức hỗ trợ tài chính) còn tồn tại một số bất cập như việc hỗ trợ dưới hình thức tặng cho phần lớn không có hóa đơn, chứng từ, không báo cáo các cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước khó theo dõi, kiểm tra và giám sát việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ, tặng cho này được bảo đảm đúng mục đích. Bên cạnh đó, thực trạng này có thể dẫn đến sự “cạnh tranh ngầm” giữa các tổ chức con nuôi để được địa phương “ưu tiên” giới thiệu trẻ. Thực trạng đó đã khiến cho các nước có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế với Việt Nam đặc biệt quan ngại.
Để bảo đảm cho việc hỗ trợ và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo minh bạch và đúng mục đích, tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế, khắc phục thực trạng như đã nêu trên, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (Nghị định số 24/2019/NĐ-CP) đã sửa đổi, bổ sung về vấn đề hỗ trợ nhân đạo được quy định tại Điều 4 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được giới thiệu những nội dung cơ bản của việc hỗ trợ nhân đạo theo quy định tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP và những điểm mới của Nghị định về vấn đề này.
1. Mục đích của việc hỗ trợ nhân đạo
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP quy định: Việc hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo nhằm mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
Như vậy, theo quy định trên, việc hỗ trợ nhân đạo, bên cạnh mục đích chính là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở nuôi dưỡng còn hướng tới mục đích tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở các cơ sở này.
Trên thực tế, những năm vừa qua, việc hỗ trợ nhân đạo chủ yếu tập trung vào mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và điều này đã góp phần nâng cao chất lượng, điều kiện sinh hoạt, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng. Tuy nhiên, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em sẽ không thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn nếu như đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ còn có những hạn chế về năng lực và không được thường xuyên cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới về những lĩnh vực có liên quan tới công tác này. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc trang bị kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng còn chưa thực sự được các cơ sở nuôi dưỡng quan tâm, chú trọng. Do vậy, việc bổ sung quy định “sử dụng hỗ trợ nhân đạo nhằm mục đích tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng” của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP là thực sự thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
2. Hình thức và nguyên tắc hỗ trợ nhân đạo
Về hình thức hỗ trợ nhân đạo, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP quy định: Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nhân đạo thông qua chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hoặc tài trợ cho Quỹ bảo trợ trẻ em.
Về nguyên tắc hỗ trợ nhân đạo, việc kêu gọi, khuyến khích vấn đề hỗ trợ nhân đạo là chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm huy động tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì “việc hỗ trợ nhân đạo không được ảnh hưởng đến việc cho nhận con nuôi” (Điều 7), điều này có nghĩa là cần tách bạch rõ vấn đề hỗ trợ nhân đạo với việc xin nhận trẻ em làm con nuôi, không được coi hỗ trợ nhân đạo như là điều kiện để xin trẻ em làm con nuôi. Trên tinh thần của Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ: “Khi hỗ trợ nhân đạo, cá nhân, tổ chức không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi; cơ sở nuôi dưỡng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì lý do đã nhận hỗ trợ nhân đạo”. Đây cần được coi là yêu cầu, là nguyên tắc quan trọng nhằm bảo đảm việc hỗ trợ nhân đạo không ảnh hưởng đến việc cho nhận con nuôi. Bên cạnh yêu cầu cần tách bạch rõ vấn đề hỗ trợ nhân đạo với việc xin nhận trẻ em làm con nuôi, để bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã bổ sung quy định về hình thức, cách thức thực hiện hỗ trợ nhân đạo nếu việc hỗ trợ đó là hỗ trợ về tài chính, theo đó, Nghị định quy định: Trường hợp cá nhân, tổ chức hỗ trợ nhân đạo bằng tiền thì phải thực hiện thông qua tài khoản của cơ sở nuôi dưỡng.
Nguyên tắc hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP cần được lưu ý:
- Việc hỗ trợ nhân đạo phải tách bạch với nuôi con nuôi, công khai và minh bạch về tài chính.
- Việc hỗ trợ nhân đạo phải đúng mục đích là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức hỗ trợ nhân đạo bằng tiền thì phải thực hiện thông qua tài khoản của cơ sở nuôi dưỡng.
3. Trách nhiệm của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi và cơ sở nuôi dưỡng khi thực hiện việc hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo
Như đã phản ánh, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của việc hỗ trợ nhân đạo mà cha mẹ nuôi và các tổ chức con nuôi nước ngoài thực hiện đối với các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, trong những năm vừa qua, việc hỗ trợ nhân đạo còn bộc lộ, tồn tại một số bất cập.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi, bảo đảm cho việc hỗ trợ và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo minh bạch và đúng mục đích, tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ nhân đạo và trách nhiệm của cơ sở nuôi dưỡng trong quá trình thực hiện việc tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo. Cụ thể:
- Đối với cha mẹ nuôi nước ngoài và tổ chức con nuôi nước ngoài: Cha mẹ nuôi nước ngoài có trách nhiệm thông tin cho tổ chức con nuôi nước ngoài về các khoản hỗ trợ nhân đạo đã thực hiện ở Việt Nam; định kỳ 06 tháng và hàng năm hoặc theo yêu cầu, tổ chức con nuôi nước ngoài báo cáo Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp các khoản hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi và của tổ chức.
- Đối với cơ sở nuôi dưỡng: Định kỳ 06 tháng và hàng năm hoặc theo yêu cầu, cơ sở nuôi dưỡng báo cáo việc tiếp nhận, sử dụng và quản lý các khoản hỗ trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật và báo cáo Cục Con nuôi về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
4. Yêu cầu khi thực hiện việc hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo
Cha mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hỗ trợ nhân đạo trên tinh thần tự nguyện, chỉ được hỗ trợ khi hoàn tất thủ tục nhận con nuôi ở Việt Nam.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP không chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc và trách nhiệm của các bên khi thực hiện việc hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo mà còn yêu cầu việc hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục và việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ.
Liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo cũng như việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ của các cơ sở nuôi dưỡng, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật sau[3]:
- Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài quy định phạm vi, đối tượng, thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục về việc tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Theo điểm d khoản 4 Điều 1 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài, các đối tượng được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài bao gồm cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ nhân đạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (điểm đ khoản 4 Điều 1 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài). Các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ gúp xã hội quy định cơ sở nuôi dưỡng sử dụng và quản lý các nguồn trợ giúp từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phải theo quy định của pháp luật, Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu của cơ sở trợ giúp xã hội. Cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm báo cáo kết quả tài chính theo quy định của pháp luật[4].
Tóm lại, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung khá toàn diện về các nội dung có liên quan đến vấn đề hỗ trợ nhân đạo, theo đó, Nghị định đã đặt ra những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản của việc hỗ trợ nhân đạo, trách nhiệm của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi và cơ sở nuôi dưỡng trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ và tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định liên quan đến vấn đề hỗ trợ nhân đạo sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu, đảm cho việc hỗ trợ và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo minh bạch, tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế, đồng thời, qua đó, hỗ trợ nhân đạo sẽ thực sự đạt được mục đích góp phần vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp
[1]. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước vào ngày 20/02/1990 và đến ngày 02/9/1990, Công ước có hiệu lực.
[2]. Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay năm 1993 vào ngày 01/02/2012.
[3]. Bài viết chỉ đề cập tới những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chủ yếu, trực tiếp tới việc hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam ở cơ sở nuôi dưỡng, ngoài ra không đề cập đến Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập…
[4]. Kinh phí hoạt động bao gồm cả nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP). Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 10 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP). Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, minh bạch và theo quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu của cơ sở (khoản 2 Điều 10 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP). Cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm báo cáo kết quả tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 10 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP).