Một trong những vướng mắc cần sửa đổi đó là vướng mắc về thời hạn xử lý tang vật vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đang diễn ra đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong việc áp dụng để xử lý tang vật vi phạm hành chính. Đặc biệt là, trong các trường hợp xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng mà chưa xác định được chủ sở hữu (vô chủ).
Tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính thì: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”. Như vậy, trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính chưa xác định được chủ sở hữu thì thời hạn để người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu theo quy định được xác định như thế nào cho chính xác và phù hợp?.
Nhóm ý kiến thứ nhất: Việc xác định thời hạn để xử lý đối với tang vật vi phạm thuộc trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu căn cứ theo thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 66, Luật Xử lý vi phạm hành chính: “1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản”. Có nghĩa là, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý tịch thu tang vật vi phạm hành chính sau 30 ngày nếu người vi phạm không đến nhận (tức sau thời hạn thông báo 30 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm giữ tang vật). Theo nhóm ý kiến này thì ngày mà người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm cũng đồng thời sẽ tiến hành thông báo niêm yết công khai theo quy định đối với tang vật vi phạm hành chính. Sau thời hạn thông báo trên, người có thẩm quyền sẽ tiến hành ban hành quyết định tịch thu đối vối tang vật vi phạm trên. Như vậy sẽ phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nhóm ý kiến thứ hai: Việc xác định thời hạn để xử lý đối với tang vật vi phạm thuộc trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu phải căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Có nghĩa là, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý tịch thu tang vật vi phạm hành chính sau 37 ngày nếu người vi phạm không đến nhận (tức sau thời hạn 07 ngày tạm giữ tang vật và sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định), bởi lẽ, quy định này đã rõ ràng. Như vậy, mới đảm bảo đúng với tinh thần của khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nhìn chung thì cả hai nhóm ý kiến đều có cơ sở và căn cứ pháp lý để bảo vệ quan điểm của mình.
Căn cứ vào quy định hành, nếu theo nhóm ý kiến thứ nhất thì sẽ chỉ đảm bảo được yếu tố thời gian xử phạt vi phạm vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định và phân tích cụ thể giữa việc xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính. Bởi lẽ, nội dung quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là quy định cụ thể đối với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, việc người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là quy định cụ thể cho việc xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác thì xử lý vi phạm hành chính là nội dung bao hàm, quy định chung hơn và toàn diện hơn so với xử phạt vi phạm hành chính. Theo tác giả, nếu chúng ta áp dụng thời hạn để ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính theo nhóm ý kiến thứ nhất là chưa đúng với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Vì vậy, chúng ta căn cứ theo thời hạn được nhóm ý kiến thứ hai đưa ra thì sẽ đúng với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, theo tinh thần và quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 126 là quá thời hạn tạm giữ nếu... trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày... Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh trong trường hợp này đó là theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Theo quy định này, thì tang vật vi phạm hành chính chỉ được cơ quan có thẩm quyền (người được giao nhiệm vụ bảo quản) tạm giữ và có trách nhiệm bảo quản trong thời hạn tối đa chỉ là 30 ngày. Như vậy, thời gian 07 còn lại (vì sau thời hạn 37 ngày thì người có thẩm quyền mới được ban hành quyết định tịch thu tang vật không xác định được chủ sỡ hữu) thì tang vật vi phạm hành chính nói trên sẽ được do ai bảo quản, trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân, tổ chức nào nếu xảy ra mất mát, hưu hỏng trong thời gian 07 ngày để chờ người có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý tịch thu tang vật. Đây là vấn đề rất “nhạy cảm” và gây khó khăn cho các cơ quan, cá nhân người có thẩm quyền liên quan trong các vụ việc này.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn ban hành quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định và tình hình thực tế. Có thể là quy định kéo dài thêm thời gian tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải thực hiện nhiệm vụ tạm giữ tang vật vi phạm cho đến khi người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu đối với tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu. Như vậy, sẽ hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế.
Nguyễn Xuân Viễn
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum