Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Bộ, ngành, địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Lê Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có một số bài viết, phát biểu quan trọng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, trong đó, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị cần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, để kịp thời phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chú trọng, lồng ghép, gắn với quán triệt, phổ biến, truyền thông sâu rộng các nội dung cốt lõi thể hiện tinh thần quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Tọa đàm, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, các cơ quan báo chí chủ lực như Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam... đã làm tốt công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật. Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp để truyền thông về pháp luật, thông tin kịp thời các dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
Trao đổi tại Tọa đàm, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện công tác truyền thông chính sách, pháp luật, hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, được người dân đón nhận nhất đó là truyền thông qua hình thức đồ họa. Loại hình đồ họa đã chuyển tải nội dung văn bản quy phạm pháp luật từ dài, khó hiểu sang hình thức ngắn gọn, dễ hiểu hơn.
Theo đồng chí Phạm Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là công tác thường xuyên, liên tục, không chỉ nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam. Đồng chí Phạm Thị Thu Hoài nhấn mạnh, công tác tuyên truyền cần toàn diện, truyền thông “trước, trong, sau” khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, nên tuyên truyền song song với tình hình xử lý vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Phát biểu tại Tọa đàm, nhà báo Lê Thu Hằng đại diện Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng, để làm tốt công tác truyền thông trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan báo chí, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng cần phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan báo chí, có kế hoạch truyền thông song song với quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho nhà báo thực hiện nhiệm vụ.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thông tin, định hướng, truyền thông, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng, thi hành pháp luật. Thông tin, định hướng công tác triển khai truyền thông, phổ biến các luật được Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Minh Trí