
Hoa Kỳ có một hệ thống pháp luật khá đặc thù mà nguyên nhân là do có sự phân chia giữa luật liên bang và bang[1]. Hiến pháp Hoa Kỳ (phê chuẩn năm 1788)[2] là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của Hoa Kỳ. Nhiều quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận, trong đó có quyền truy cập thông tin liên quan đến hoạt động của Chính phủ. Quyền truy cập thông tin của người dân và hoạt động minh bạch hóa của cơ quan chính quyền được quy định trong Đạo luật tự do thông tin (Freedom of Information Act - FOIA) ban hành ngày 4/7/1966[3]. Đạo luật này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quyền con người của nhân dân Hoa Kỳ cũng như có tác động tích cực vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Đạo luật quy định bất kỳ người nào cũng đều có quyền truy cập vào hồ sơ cơ quan liên bang, ngoại trừ các hồ sơ (hoặc một phần của các hồ sơ) được miễn trừ công khai bởi một trong chín trường hợp miễn trừ[4]. Bất kỳ một yêu cầu minh bạch thông tin nào cũng đều có thể áp dụng cho tất cả các loại hình hồ sơ và ở bất kì cơ quan công quyền nào (trừ những hồ sơ mật). Ở Hoa Kỳ, mỗi cơ quan có một trang web riêng và mỗi trang web đó sẽ chứa thông tin về các loại hồ sơ mà cơ quan đó đang nắm giữ. Điều này rất tiện lợi cho việc tìm kiếm thông tin cũng như đáp ứng các yêu cầu của người dân[5].
Vụ án nổi tiếng trên đất nước Hoa Kỳ liên quan đến tội xâm nhập hệ thống máy chủ của Strategic Forecasting Inc (Stratfor)
Nhân vật chính trong vụ án này đã bị kết án 10 năm tù giam và 3 năm giám sát quản chế vì tội xâm nhập hệ thống máy chủ của Strategic Forecasting Inc (Stratfor) - Tổ chức tình báo tư nhân chuyên nghiên cứu và phân tích các vấn đề địa chính trị trên toàn cầu ở Austin bang Texas. Bị cáo là Eremy Hammond (28 tuổi) bị bắt vào tháng 3/2012 tại Chicago, một trong những thành viên của nhóm tin tặc nổi tiếng thế giới LulzSec (chi nhánh của Anonymous) đã đánh cắp hàng triệu tài khoản email, trên 60.000 thông tin thẻ tín dụng, thông tin cá nhân của khoảng 860.000 khách hàng của Stratfor. Danh sách các khách hàng của Stratfor nằm trong các cơ quan đầu não của Mỹ như Bộ Quốc phòng, quân đội, không lực, các cơ quan hành pháp, các công ty công nghệ như Apple và Microsoft đã bị nhóm tin tặc Anonymous đánh cắp[6].
Theo như Hammond khai nhận, anh ta đã thông qua một người thứ ba có biệt danh là “Sabu” (từng lãnh đạo nhóm LulzSec của Anonymous trước khi trở thành chỉ điểm cho FBI) để thâm nhập vào hệ thống máy chủ của Stratfor, lấy đi những thông tin quan trọng như đã kể trên. Sabu cung cấp cho anh ta danh sách các website dễ bị tấn công, trong đó bao gồm hàng chục trang web của nước ngoài như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhằm mục đích thu thập thông tin cho FBI. Hammond đã cùng với Sabu cung cấp chi tiết về cách xâm nhập các trang web của một quốc gia giấu tên để các tin tặc khác tiến hành gây mất uy tín và phá hoại chúng. Tuy nhiên, Jeremy Hammond lại tố cáo Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã bí mật sử dụng anh thông qua "Sabu" để được tự do sau khi bị bắt giữ năm 2011 (6 tháng trước khi hệ thống máy chủ của Stratfor bị xâm nhập). Trước Toà án, Hammond khẳng định: “Tôi không biết thông tin mà tôi cung cấp cho Sabu được sử dụng như thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng hành động thu thập và sử dụng dữ liệu này của chính quyền Hoa Kỳ phải được điều tra. Chính quyền muốn buộc tội và bỏ tù tôi với hy vọng sẽ khép lại toàn bộ câu chuyện mờ ám liên quan đến họ. Tôi nhận trách nhiệm về hành động của tôi và nhận tội nhưng liệu đến khi nào chính quyền Hoa Kỳ mới có câu trả lời về những tội lỗi của họ?”. Hammond khẳng định hành vi của mình là nhằm phơi bày những thông tin liên quan đến tham nhũng của Chính phủ Hoa Kỳ. Anh cho rằng, án phạt 10 năm tù giam chính là “sự trả thù ác ý” của chính quyền Hoa Kỳ chống lại hacker có động cơ chính trị[7].
Ngày nay, tình trạng thông tin bị đánh cắp bởi tin tặc đang ở mức báo động cao mà không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng để ngăn chặn hiện tượng này. Những thông tin được coi là bí mật quốc gia ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, trị an đất nước… sẽ rất nguy hiểm nếu như bị tiết lộ ra ngoài. Bản án dành cho Hammond được coi là bản án cao nhất trong lịch sử nước Mỹ đối với một hacker. Điều này được Chính phủ Hoa Kỳ giải thích rằng, đây chính là những nỗ lực mà Chính phủ luôn cố gắng để vấn đề bảo mật thông tin được tốt hơn.
Minh bạch thông tin trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước không chỉ hiểu đơn thuần là công khai cho người dân biết hoạt động hay những quyết định của chính quyền đã đúng hay hợp lý chưa. Một mặt quan trọng hơn nữa của minh bạch hóa thông tin chính là bảo mật thông tin. Tất cả những hoạt động công khai, minh bạch hay bảo mật của cơ quan nhà nước đều nhằm một mục đích chung là tạo ra một cơ chế quản lý tốt, tránh lạm quyền, tham nhũng… Bởi vậy, dù không đề cập trực tiếp đến vấn đề minh bạch hóa thông tin, nhưng vụ án cũng đã đưa ra cho chúng ta một bài học về sự thống nhất trong cả hai hoạt động minh bạch và bảo mật. Đây là hai hoạt động trái ngược nhau nhưng lại bổ sung cho nhau, làm tốt cả hai mặt thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Vụ án đình đám liên quốc gia liên quan đến việc tiết lộ những thông tin tình báo giữa Hoa Kỳ và Israel
Vụ án này đã tốn không ít giấy mực của báo chí và được coi là “kỳ án tình báo” trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel. Người bị kết án tù chung thân cho tội danh bán các thông tin mật của Chính phủ Hoa Kỳ cho Israel là Jonathan Pollard.
Sinh ra ở Galveston, bang Texas, Pollard gia nhập ngành tình báo với công việc phân tích tình báo Hải quân Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học Stanford khoa Chính trị học, Pollard bắt đầu làm chuyên gia phân tích cho Trung tâm Cảnh báo chống khủng bố (ATAC) thuộc Tình báo Hải quân Mỹ từ tháng 6/1979[8]. Theo tài liệu mới được công bố, Pollard bị đánh giá là người không ổn định về cảm xúc, có hành vi không nhất quán, có những vấn đề về tài chính, sử dụng ma túy. Do đó, vào tháng 8/1980, Pollard bị tước quyền sử dụng thông tin tuyệt mật và cấp trên gửi ông đến một chuyên gia tâm thần. Tuy nhiên, chưa đến 8 tháng sau đó, chuyên gia này kết luận Pollard hoàn toàn có khả năng thi hành bổn phận và "không có nguy cơ về an ninh". Quyền sử dụng thông tin mật của Pollard được phục hồi vào tháng 1/1982 và đến tháng 6/1984, ông bắt đầu bán các bí mật tình báo cho Israel cho tới khi bị bắt giữ vào ngày 21/11/1985[9]. Pollard bị bắt sau khi đã chuyển gần 800 ngàn trang tài liệu bí mật quân sự của nước Mỹ cho các điệp viên Israel ở nước Mỹ.
Hai năm sau, Pollard bị Tòa án tối cao Mỹ tuyên án tù chung thân cho các tội danh phản quốc và chuyển giao bí mật quốc gia cho nước ngoài[10]. Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Pollard là một trong những kẻ phản bội gây nên tổn thất lớn nhất cho ngành tình báo và an ninh quốc phòng nước Mỹ. Từ thông tin của Pollard, khoảng 150 điệp viên Mỹ ở khu vực Trung Đông đã chuyển sang làm việc cho Mossad, trong khi mạng lưới hàng trăm điệp viên bí mật của Mỹ cài trong khối Đông Âu cũng bị bóc gỡ từng mảng. Nhiều điệp vụ bị thất bại do KGB (Cục Tình báo An ninh Liên Xô) nắm được mật mã liên lạc của điệp viên Mỹ, từ đó nhiều điệp viên CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) chủ chốt bị lật tẩy, khiến CIA điên đầu không hiểu vì sao.
Tai hại hơn, Pollard đã lấy cắp những trang tài liệu chứa đựng nội dung về những bí mật quốc phòng liên quan chương trình răn đe hạt nhân của Chính phủ Mỹ đối với Liên Xô rồi chuyển chúng cho Israel[11]. Khi Pollard bị bắt giam, Chính phủ Israel không hề thừa nhận việc mình thông qua Pollard để thu thập các thông tin bí mật liên quan đến quốc phòng của nước Mỹ. Sau hơn 10 năm Pollard bị tuyên án và giam giữ, Chính phủ Israel lại chính thức công khai thừa nhận rằng Pollard đã làm gián điệp cho mình. Cũng chính từ hành động thừa nhận này, Chính phủ Israel còn công bố rằng, sẽ ghi công Pollard bằng cách trao cho anh ta quốc tịch Israel, công nhận anh ta là dân Do Thái. Chính phủ Israel còn vận động Chính phủ Mỹ trả tự do cho Pollard nhưng ý định này đã không được Chính phủ Mỹ chấp thuận[12]. Tờ New York Times dẫn lời một quan chức FBI cho rằng, ít nhất hơn 10 vụ các quan chức chính quyền Mỹ bán thông tin mật cho Israel nhưng Bộ Tư pháp không xử lý. Như vậy, vấn đề minh bạch thông tin dường như chưa được đảm bảo ở Mỹ.
Dù là vụ án liên châu lục, liên quốc gia hay trong nước, nước Mỹ đang tự đưa mình vào một “mớ bòng bong” của những vấn đề về minh bạch thông tin. Chính phủ Mỹ có quá nhiều những thông tin giấu kín dư luận, vì vậy mà có những cá nhân như Pollard hay Hammond muốn phá vỡ bức tường rào cản, che chở cho những bí mật quốc gia của Mỹ. Chính phủ luôn cho rằng, những thông tin họ giữ bí mật là hoàn toàn hợp lý, nhưng người dân lại mong muốn Chính phủ Mỹ công khai những thông tin cần thiết, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin nói chung và minh bạch thông tin nói riêng.
Minh bạch thông tin trong quản lý hành chính nhà nước là một vấn đề quan trọng và đang được dư luận quan tâm. Hiện nay, Việt Nam chưa có luật quy định về tiếp cận thông tin cũng như minh bạch thông tin; nhưng không phải vậy mà người dân Việt Nam chưa từng được tiếp cận với thông tin trong quản lý hành chính nhà nước. Vấn đề công khai thông tin của các cơ quan nhà nước được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các văn bản pháp luật đó mới chỉ dừng ở việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm công khai một số loại thông tin; còn thiếu quy trình, thủ tục, cách thức cho tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin. Pháp luật hiện hành cũng chưa xác định và phân loại các thông tin mà Nhà nước cần chủ động công khai hoặc thông tin mà người dân có thể tiếp cận theo yêu cầu. Hoạt động minh bạch thông tin của Việt Nam còn rất nhiều thiếu sót, những bài học mà châu Mỹ đã trải qua là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong tiến trình xây dựng Luật về quyền tiếp cận thông tin.
ThS. Bùi Thị Hải
Học viện Hành chính
[1] Giới thiệu hệ thống pháp luật Hoa kỳ - Ấn phẩm của chương trình thông tin quốc tế, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2004, đăng tải trên trang web của đại sứ quán hợp chủng quốc Hoa Kỳ - Hà Nội – Việt Nam
[2] Giới thiệu hệ thống pháp luật Hoa kỳ - Ấn phẩm của chương trình thông tin quốc tế, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2004, đăng tải trên trang web của đại sứ quán hợp chủng quốc Hoa Kỳ - Hà Nội – Việt Nam