Tóm tắt: Bài viết đi sâu phân tích một số vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có mối quan hệ phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và những vấn đề còn vướng mắc trong xử lý vi phạm, từ đó, đưa ra một số kiến nghị để khắc phục tình trạng này, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án.
Abstract: This article analyzes in depth a number of violations by agencies, organizations and individuals having coordination relationship with civil judgment execution agencies, execution officers and problems still encountered in handling violations, thereby giving some recommendations to overcome this situation, contributing to improving the efficiency of judgment execution.
Thi hành án dân sự là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực thi các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Xuất phát từ tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự, bên cạnh vai trò chủ đạo của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên, hoạt động thi hành án dân sự luôn có sự tham gia của rất nhiều chủ thể khác là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và sự phối hợp của các chủ thể này có tác động rất lớn đến quá trình tổ chức thi hành án. Bên cạnh những thuận lợi trong công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì cũng phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, thậm chí ngày càng nhiều những vi phạm của chủ thể này trong hoạt động thi hành án dân sự.
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự
Hoạt động thi hành án dân sự có liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, mỗi chủ thể có vị trí, vai trò khác nhau nhưng đều có những tác động nhất định đến hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự, trong đó, có nhóm chủ thể bị cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ về tài sản và nhân thân là đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; có nhóm chủ thể phối hợp với các quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trong hoạt động tổ chức thi hành án; có nhóm chủ thể kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên… Trong phạm vi bài viết, tác giả đi sâu phân tích một số vi phạm của nhóm chủ thể có mối quan hệ phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên.
Ngoài chức năng, nhiệm vụ tổ chức thi hành án được giao cho hệ thống cơ quan thi hành án dân sự chuyên trách (Cục và Chi cục Thi hành án dân sự) còn có hệ thống cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội cũng tham gia và đóng vai trò nhất định vào hoạt động thi hành án dân sự ở các mức độ khác nhau, trong đó có các nhóm cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự; cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên; cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp chủ yếu với cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên có thể kể đến đầu tiên đó là Tòa án nhân dân các cấp. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản pháp luật về thi hành án dân sự; tổng kết công tác thi hành án dân sự; chỉ đạo Tòa án các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự; giải quyết yêu cầu, kiến nghị và chỉ đạo Tòa án các cấp giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn theo quy định của pháp luật… Trong thi hành án dân sự, trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định là bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế, có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu[1].
Bên cạnh đó, các cơ quan Công an cũng giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự. Điều 169 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022 (Luật Thi hành án dân sự) quy định, Bộ Công an có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự và tổng kết công tác thi hành án dân sự. Ngoài ra, Bộ Công an có nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết; chỉ đạo trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án; chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Tòa án xét, quyết định miễn, giảm hình phạt cho những người phải thi hành án có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án… Để có thể thực hiện được các công việc này, cơ quan thi hành án dân sự cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhóm các cơ quan này được quy định tại Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Một số vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án dân sự
2.1. Đối với các chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước
Theo Báo cáo số 195/BC-VKSTC ngày 31/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Báo cáo số 195/BC-VKSTC) thì thông qua hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính của Tòa án, chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan để ban hành kiến nghị, kháng nghị.
Đối với Tòa án, các vi phạm chủ yếu như: Chưa chuyển và chậm chuyển giao bản án, quyết định đến cơ quan thi hành án dân sự; chuyển giao bản án, quyết định chưa có hiệu lực đến cơ quan thi hành án dân sự; không gửi thông báo đính chính đến cơ quan thi hành án dân sự; không giải thích; chậm giải thích, đính chính, bổ sung bản án, quyết định theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; sai sót trong các quyết định miễn, giảm khoản nghĩa vụ thi hành án nộp ngân sách nhà nước; chậm mở phiên họp xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định xét miễn, giảm khoản nộp ngân sách nhà nước…
Đối với các cơ quan liên quan, có các vi phạm phổ biến như: Cơ quan tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa kịp thời cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai đúng thời hạn cho cơ quan thi hành án dân sự; cơ quan bán đấu giá tài sản thi hành án không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc thông báo, niêm yết công khai việc bán đấu giá tài sản, gây cản trở cho người muốn tham gia đấu giá không được nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá; cơ quan điều tra chậm thực hiện việc chuyển giao vật chứng vụ án cho cơ quan thi hành án dân sự; Ủy ban nhân dân cấp xã vi phạm trong việc niêm yết quyết định chưa có điều kiện thi hành án; Ủy ban nhân dân cấp huyện vi phạm trong việc ra quyết định thành lập hội đồng định giá khi tiếp nhận xử lý tài sản sung công quỹ nhà nước…
Qua đó, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phát hiện 47.883 việc có vi phạm[2], trong đó: Có 5.765 bản án, quyết định của Tòa án vi phạm thời hạn chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự; 57 việc vi phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu thi hành án; 3.317 việc vi phạm trong việc thông báo, niêm yết công khai các quyết định về thi hành án; 10.753 quyết định về thi hành án dân sự có vi phạm; 94 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án có vi phạm; 13.301 quyết định thi hành án gửi cho Viện kiểm sát nhân dân vi phạm về thời hạn; 5.254 việc vi phạm về việc phân loại, xác minh điều kiện thi hành án; 220 việc vi phạm trong việc ủy thác và nhận ủy thác thi hành án; 102 việc vi phạm trong việc hoãn thi hành án; 05 việc vi phạm trong việc tạm đình chỉ thi hành án; 87 việc vi phạm trong việc đình chỉ thi hành án; 498 việc vi phạm trong việc cưỡng chế thi hành án; 447 việc vi phạm trong việc kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản; 1.053 việc vi phạm trong việc xử lý tài sản, vật chứng; 334 việc vi phạm trong việc lập hồ sơ xét miễn, giảm tiền thi hành án; 97 việc Tòa án có vi phạm trong việc xét miễn, giảm tiền thi hành án; 981 việc vi phạm trong việc thu, quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án; 5.518 việc có vi phạm khác trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Từ việc phát hiện các vi phạm nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã ban hành 4.567 kiến nghị, 442 kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
2.2. Đối với các chủ thể kinh doanh
Tổ chức tín dụng: Công tác phối hợp giữa tổ chức tín dụng với cơ quan thi hành án trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người phải thi hành án tại nhiều nơi còn chưa kịp thời. Một số trường hợp tại thời điểm cơ quan thi hành án nhận công văn cung cấp thông tin thì trong tài khoản vẫn còn số dư, nhưng khi chấp hành viên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thì người phải thi hành án đã thực hiện xong việc rút tiền khỏi tài khoản. Những hành vi như: Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho cơ quan thi hành án dân sự; không phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế… ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tổ chức thi hành án nhưng việc xử lý mới chỉ ở mức xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điều 64, Điều 85 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tuy nhiên, mức phạt trên vẫn còn là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành án.
Công ty định giá: Thực tiễn thi hành án cho thấy, tại nhiều địa phương, việc thẩm định giá tài sản còn quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thật của tài sản (giá giao dịch trên thị trường)[3], điều này được thể hiện gián tiếp thông qua số liệu các vụ việc bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không có người mua, cụ thể: Có 7.535 vụ việc bán đấu giá không thành với giá trị hơn 15,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc bán đấu giá không thành từ lần thứ 3 trở lên chiếm đa số với 5.225 vụ việc, tương ứng với số tiền là hơn 11,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, theo báo cáo của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thì công tác thẩm định giá còn nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó có nội dung phản ánh tổ chức thẩm định giá khi thực hiện việc thẩm định giá ở các địa bàn khác nhau, trong một số vụ việc cụ thể thẩm định chưa phù hợp với giá trị thật của tài sản kê biên; chưa thực hiện việc khảo sát tài sản thực địa mà vẫn ban hành chứng thư thẩm định giá…. điều này dẫn đến việc bán đấu giá tài sản kéo dài, gây tốn kém về chi phí thi hành án cũng như làm chậm quá trình tổ chức thi hành vụ việc.
Công ty đấu giá: Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ) thì “người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm”. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn trường hợp cơ quan bán đấu giá chậm chuyển giao số tiền đặt cọc trả cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài[4].
Công tác phối hợp với địa phương và các cơ quan hữu quan trong tổ chức thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể như: Chưa có sự đồng thuận của các cơ quan, chính quyền địa phương ảnh hưởng đến việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá; chính quyền địa phương có quan điểm không nhất trí với nội dung bản án, quyết định… dẫn đến việc tổ chức thi hành án gặp trở ngại.
3. Quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án dân sự và một số đề xuất, kiến nghị
Trong thực tiễn, các hành vi vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính, với mức xử phạt còn thấp, cụ thể như:
- Những hành vi tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố hoặc có hành vi khác nhằm chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản bị hạn chế giao dịch theo quy định; hủy hoại tài sản đã kê biên; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; không thực hiện quyết định thi hành án về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay của Tòa án; tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án: Mức phạt là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Những hành vi không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án: Mức phạt tiền là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng[5].
Theo tác giả, mức phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi nêu trên cần có sự phân biệt rõ ràng hơn nữa trên cơ sở mức độ hành vi. Với những hành vi nghiêm trọng, cần xem xét có chế tài nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe, nâng cao hơn nữa hiệu quả tổ chức thi hành án.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định một số hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự có thể bị xem xét xử lý hình sự như Điều 379 quy định về tội không thi hành án; Điều 380 quy định về tội không chấp hành án; Điều 381 quy định về tội cản trở việc thi hành án… nhưng việc xử lý hình sự đối với các hành vi này còn hạn chế. Ví dụ, điểm c khoản 1 Điều 381 quy định về việc người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”. Trong lĩnh vực tài chính, Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự quy định: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản của người phải thi hành án hoặc tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện truy tố đối với những hành vi này là rất khó khăn, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như khó chứng minh được hành vi phạm tội, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng… nhưng về mặt thủ tục, cần có các quy định hướng dẫn về thủ tục thiết lập hồ sơ cũng như các bước thực hiện nhằm truy tố đối với một số tội danh liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự để thuận lợi hơn cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật.
Luật Thi hành án dân sự còn thiếu các quy định xử lý đối với những trường hợp vi phạm trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành án, chẳng hạn như: Về chế tài buộc tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức kinh tế phải thực hiện khấu trừ tiền trong tài khoản, khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án. Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xử lý đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức kinh tế trong việc không phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong thực hiện khấu trừ tiền trong tài khoản, khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án còn khó khăn. Ngoài việc xử lý hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án” thì chưa có một hình thức xử lý nào khác. Việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) đối với các trường hợp này cũng không dễ dàng.
Theo quan điểm của tác giả, đối với một số hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, ngoài chế tài hành chính, cần bổ sung các chế tài xử phạt khác như đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không chấp hành quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án… Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả thiệt hại xảy ra, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm để nâng cao tính răn đe và hiệu quả áp dụng pháp luật. Mặt khác, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục điều tra, truy tố đối với các tội danh liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự để thuận lợi hơn trong quá trình thực thi pháp luật.
Thực trạng hành vi vi phạm và quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự đang đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm trong thi hành án dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, từng bước đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, đồng thời, tạo ra cơ sở pháp lý hữu hiệu cũng như nền tảng vững chắc cho hoạt động xử lý vi phạm trong lĩnh vực thi hành án dân sự ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì vấn đề quan trọng trước tiên là cần thực hiện hệ thống hóa và pháp điển hóa hệ thống quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự, kịp thời sửa đổi, bổ sung các chế tài hiệu quả để xử lý vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức tư tưởng của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự; tăng cường vai trò, năng lực của cơ quan thi hành án dân sự và đội ngũ cán bộ pháp lý trong tổ chức hoàn thiện pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát việc tổ chức hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự.
NCS.ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa
Khoa Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự, Học viện Tư pháp
[1]. Điều 170 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022).
[2]. Báo cáo số 195/BC-VKSTC.
[3]. Tổng cục Thi hành án dân sự, Tài liệu tập huấn nghiệp vụ thi hành án dân sự năm 2017, tr. 64.
[4]. Tổng cục Thi hành án dân sự, Tài liệu tập huấn nghiệp vụ thi hành án dân sự năm 2017, tr. 144.
[5]. Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.