
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang là xu thế lớn của thời đại. Từ những năm đầu của thập niên 1990, cùng với quá trình toàn cầu hoá, chủ nghĩa khu vực đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn về chất. Chủ nghĩa khu vực dưới hình thái tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do - FTA (Free Trade Agreement) song phương hoặc nhiều bên trở nên phổ biến hơn, với phạm vi hợp tác rộng hơn, không chỉ giới hạn trong việc thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn cả tự do hoá đầu tư; hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, xây dựng năng lực và nhiều nội dung mới khác như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững (lao động và môi trường) cạnh tranh….
Tiến trình hội nhập nhanh và sâu rộng của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - thương mại quốc tế đã làm gia tăng số lượng các FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục ký kết nhiều hiệp định FTA song phương và khu vực với các đối tác khác nhau. Với bài viết "Một số vấn đề pháp lý trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA)" đăng tải trên tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 6 (267) năm 2014 của Dân chủ và Pháp luật, tác giả Lê Thị Thu Hiền đã đưa ra bức tranh tổng thể, toàn diện về các vấn đề về pháp lý - thể chế trong hiệp định FTA như: Các điều khoản chung của hiệp định, các điều khoản về thể chế, các điều khoản về giải quyết tranh chấp, vấn đề về minh bạch hóa, các điều khoản về chống tham nhũng... để các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể tham khảo nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu cũng như tham gia đàm phán, ký kết. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm đón đọc.
Đình Nguyên