Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về cơ sở lý thuyết và cơ sở pháp lý quốc tế của thị trường tín chỉ các-bon, đồng thời chỉ ra một số vấn đề pháp lý vướng mắc liên quan đến bản chất tín chỉ các-bon và hướng giải quyết để có thể vận hành thị trường tín chỉ các-bon an toàn và hiệu quả.
Abstract: The article introduces the theoretical basis and international legal basis of the carbon credit market, and points out some legal problems related to the nature of carbon credits and orientation solutions to be able to safely and efficiently operate the market for carbon credits.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề cập đến tín chỉ các-bon và thị trường tín chỉ các-bon[1]. Sau đó, ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn[2], trong đó, Nghị định quy định chi tiết Điều 91 (Giảm phát thải khí nhà kính), Điều 92 (Bảo vệ tầng ô-dôn) và Điều 139 (Thiết lập và phát triển thị trường các-bon) của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Đối với thị trường các-bon, Nghị định cũng chỉ rõ, sau khi trải qua các hoạt động thí điểm, thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon sẽ chính thức ra mắt vào năm 2028.
Cũng giống như các tài sản khác, việc hiểu bản chất pháp lý của tín chỉ các-bon là rất quan trọng để đánh giá và ghi nhận cách chúng có thể được giao dịch, nhận diện những rủi ro đối với các bên giao dịch. Bản chất pháp lý của tín chỉ các-bon cũng ảnh hưởng đến giải quyết vấn đề về thuế với hoạt động chuyển nhượng có liên quan. Với các giao dịch các-bon toàn cầu trị giá khoảng 273,3 triệu USD vào năm 2020 và các thị trường các-bon tự nguyện ước tính trị giá lên tới 50 tỷ USD vào năm 2030 cho thấy, quy mô của thị trường tín chỉ các-bon là rất lớn. Vì vậy, các quốc gia, cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường cần phải có sự thống nhất trong việc xác định bản chất pháp lý của tín chỉ các-bon.
1. Cách tiếp cận trên cơ sở kinh tế học của thị trường tín chỉ các-bon
Vào cuối những năm 1960, Ronald Coase bắt đầu thúc đẩy ý tưởng đối với việc mua bán ô nhiễm. Ronald Coase cho rằng, ô nhiễm nên được coi là một phần của chi phí sản xuất. Nếu ô nhiễm được định giá như là một phần của quá trình sản xuất và được cộng vào chi phí của sản phẩm thì người dùng cuối của thị trường sẽ ngăn cản các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, bởi vì, càng gây ô nhiễm sẽ càng làm cho giá thành sản phẩm cao hơn, từ đó, hoạt động của doanh nghiệp trở nên ít hiệu quả hơn.
Lý thuyết của Ronald Coase sau đó được phát triển bởi nhà kinh tế khác. Nhà kinh tế J.H. Dales và Thomas Crocker đề xuất rằng, mặc dù giá cả và mức độ ô nhiễm phần lớn nên được kiểm soát bởi thị trường, giới hạn ô nhiễm tổng thể cần phải được thiết lập bởi cơ quan nhà nước. Vì vậy, “mua bán ô nhiễm” chính là một cách hiệu quả về chi phí nhất để các doanh nghiệp phải tuân thủ mục tiêu phát thải do Nhà nước đặt ra[3].
Trên cơ sở tiếp cận cách giải quyết ô nhiễm từ góc độ kinh tế, năm 1976, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã áp dụng khái niệm “mua bán ô nhiễm” để giảm mức độ của một số chất gây ô nhiễm không khí. Theo đó, các công ty được cấp phép xây dựng nhà máy gây ô nhiễm ở một số khu vực chỉ khi công ty đó bảo đảm giảm ô nhiễm nhiều hơn ở những nơi khác[4]. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công[5]. Mặc dù vậy, quan điểm tiếp cận giải quyết ô nhiễm dưới góc độ chế tài về kinh tế đã phát huy giá trị của nó bằng rất nhiều điều ước quốc tế sau này.
2. Cơ sở pháp lý quốc tế của thị trường tín chỉ các-bon
2.1. Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)
Trong những năm 1980, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về Bảo vệ khí hậu toàn cầu cho các thế hệ hiện tại và tương lai[6]. Tháng 6/1992, tại Rio de Janeiro, Brazil, các quốc gia của Liên Hợp quốc đã tham gia vào UNFCCC. Công ước này là cơ sở cho tất cả các đàm phán khác về vấn đề khí hậu sau này. Trong khi thừa nhận rằng, các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của khí nhà kính trong khí quyển và điều này sẽ dẫn đến sự nóng lên ngày càng tăng của trái đất cùng với biến đổi khí hậu, mục tiêu của UNFCCC được tuyên bố là đạt được, phù hợp với các điều khoản liên quan của Công ước, ổn định nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển ở mức có thể ngăn chặn sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Mức độ như vậy phải đạt được trong một khung thời gian đủ để cho phép các hệ sinh thái thích ứng một cách tự nhiên với biến đổi khí hậu, để đảm bảo rằng sản xuất lương thực không bị đe dọa, và để cho phép phát triển kinh tế diễn ra một cách bền vững[7].
Về các cam kết thực tế, Điều 4 của Công ước quy định về những gì các quốc gia Liên Hợp quốc phải hoàn thành. Một trong những điều quan trọng nhất là các nước phát triển phải thông qua các chính sách và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu biến đổi khí hậu, bằng cách hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ các bể chứa khí nhà kính[8]. Công ước được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc chung nhưng có trách nhiệm khác biệt và khả năng tương ứng, đồng thời thừa nhận trách nhiệm của các nước phát triển trong việc giảm lượng khí thải toàn cầu của khí nhà kính. UNFCCC đã thành lập Hội nghị các bên tham gia Công ước để thực hiện công việc và thông qua, đưa ra các quyết định cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện Công ước một cách hiệu quả[9].
Việt Nam đã ký Công ước khung về biến đổi khí hậu ngày 11/6/1992, phê chuẩn ngày 16/11/1994[10].
2.2. Nghị định thư Kyoto và Hiệp định Marrakesh
Cuộc họp đầu tiên của Hội nghị các bên (COP) được tổ chức tại Berlin, Đức. Tại đây, các bên đã đạt được thỏa thuận về việc xây dựng một lịch trình để các nước phát triển giảm phát thải khí nhà kính. Sau đó, COP 3, Nghị định thư Kyoto được ban hành vào ngày 11/12/1997 tại Kyoto, Nhật Bản và đến ngày 16/02/2005 thì đủ số lượng quốc gia phê chuẩn. Các nguyên tắc chung của Nghị định thư Kyoto giải quyết vấn đề cắt giảm khí nhà kính của các nước phát triển và khả năng xây dựng các khoản tín chỉ cho cắt giảm phát thải, các giao dịch trên phạm vi quốc tế. Những điều khoản này dẫn đến sự xuất hiện của “thị trường các-bon” quốc tế, được đặt tên theo giao dịch các khoản tín chỉ được đo bằng lượng tương đương carbon dioxide. Từ đó, luật pháp quốc tế xuất hiện thuật ngữ “tín chỉ các-bon”. Có thể nói Nghị định thư Kyoto chính là nơi mở đường cho việc tạo ra các chương trình kinh doanh khí thải, tạo ra một thị trường hàng hóa mới, cho phép mua bán các khoản phụ phát thải để tuân thủ giới hạn khí thải[11]. Các quy tắc thực hiện Nghị định thư được đưa ra vào năm 2001, tại COP 7, được gọi là Hiệp định Marrakesh.
Việt Nam ký Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002. Là một trong các bên không thuộc Phụ lục I, chưa có nghĩa vụ phải cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Nghị định thư Kyoto nhưng Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác có một số nghĩa vụ chung trong việc đóng góp về chống biến đổi khí hậu[12].
2.3. Hiệp định Paris
Trong khi Nghị định thư Kyoto chỉ đặt mục tiêu giảm phát thải cho các nước đã công nghiệp hóa, Hiệp định Paris kêu gọi cả quốc gia phát triển và đang phát triển thiết lập và đáp ứng mục tiêu phát thải. Hiệp định Paris phản ánh tính cấp bách ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu và công nhận rộng rãi rằng, để có hiệu quả, phải có biện pháp chống biến đổi khí hậu. Biện pháp này phải được tuân thủ bởi tất cả các nguồn phát thải các-bon. Mỗi quốc gia phải đệ trình các kế hoạch của mình cho Chương trình Hành động vì khí hậu (NDC), theo chu kỳ 05 năm một lần. Điều 6 Hiệp định Paris cung cấp các cơ chế thị trường để tạo và giao dịch bù đắp các-bon, là cơ chế SDM và cơ chế ITMO. Cách tiếp cận dựa trên thị trường tại Điều 6 đã cho phép các quốc gia đáp ứng nghĩa vụ bằng cách mua bán các-bon thu được từ các dự án đủ điều kiện giảm khí nhà kính tạo ra.
Việt Nam đã cùng với hơn 170 quốc gia ký Thỏa thuận Paris về khí hậu tháng 4/2016 tại New York, Mỹ và cam kết thực hiện NDC. NDC của Việt Nam bao gồm hai hợp phần chính là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu[13].
3. Khái quát về tín chỉ các-bon và thị trường tín chỉ các-bon
Các điều ước quốc tế nhìn chung yêu cầu mỗi quốc gia phải thiết lập giới hạn về lượng khí thải trong một khoảng thời gian cụ thể và cấp giấy phép cố định cho những người xả khí thải. Các thực thể gây ô nhiễm phải có đủ giấy phép đối với lượng khí thải mà họ thải ra. Nếu một người không phát thải hết mức cho phép tại giấy phép của họ, người đó có thể bán hạn mức này cho đối tượng khác - những người đã sử dụng hết giới hạn phát thải tại giấy phép của mình nhưng vẫn cần phát thải nhiều hơn, do đó, cần thêm giấy phép để tiếp tục phát thải một cách hợp pháp.
Như vậy, tín chỉ các-bon là một loại “giấy phép” có thể giao dịch được, giống như một phiếu cấp phép, đại diện cho quyền thải ra một tấn carbon dioxide hoặc các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Tín chỉ các-bon được tạo ra và phát hành bởi một cơ quan quản lý chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát một thị trường bắt buộc trong một khu vực tài phán cụ thể. Trong cách hiểu đơn giản nhất, tín chỉ các-bon đại diện cho quyền phát thải một lượng khí nhà kính nhất định.
Như vậy, Điều 17 Nghị định thư Kyoto đã tạo ra một loại “hàng hóa” mới, dưới hình thức giảm hoặc loại bỏ phát thải. Tín chỉ các-bon hiện được theo dõi và giao dịch giống như bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Thị trường này gọi là thị trường tín chỉ các-bon. Hiện tại, có nhiều sàn giao dịch các-bon quy mô lớn trên thế giới, chẳng hạn như Sàn giao dịch Các-bon ở London, ở Sydney, Sàn giao dịch AirCarbon và Sàn giao dịch Climate Impact X (CIX) ở Singapore[14].
Mục đích chính của giao dịch tín chỉ các-bon là giảm lượng khí thải theo cách hiệu quả về chi phí, bằng cách tạo ra giấy phép phát thải khí nhà kính và tạo điều kiện thương mại trong các giấy phép đó. Đây là mục tiêu tổng thể của thị trường các-bon quốc tế, thành lập theo Nghị định thư Kyoto và tất cả các hệ thống thương mại các-bon mới nổi ở phạm vi các quốc gia. Tuy nhiên, để các thị trường các-bon đạt được các mục tiêu này, chúng phải được hỗ trợ bởi khuôn khổ pháp luật phù hợp và tương thích.
4. Các vấn đề pháp lý cần giải quyết liên quan đến tín chỉ các-bon
4.1. Phân loại tài sản cho tín chỉ các-bon
Thứ nhất, hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý khẳng định tín chỉ các-bon là loại tài sản nào. Để có giá trị cho người nắm giữ, tín chỉ các-bon phải được công nhận và bảo vệ như một loại tài sản. Có nghĩa là, tín chỉ các-bon phải cung cấp cho chủ sở hữu các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Tại Việt Nam, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” và tài sản bao gồm “bất động sản và động sản”. Theo các quy định từ Điều 110 đến Điều 114 Bộ luật Dân sự năm 2015, tín chỉ các-bon không thể là vật. Tín chỉ các-bon không phải là tiền theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tín chỉ các-bon cũng không phải là giấy tờ có giá vì không đáp ứng tiêu chí của pháp luật về ngân hàng[15]. Như vậy, nếu căn cứ theo pháp luật hiện hành, tín chỉ các-bon chỉ có thể tạm thời được phân loại là một quyền tài sản, dưới dạng “quyền tài sản khác”[16].
Thứ hai, chưa có cơ sở pháp lý khẳng định tín chỉ các-bon là tài sản hữu hình hay vô hình. Mặc dù về bản chất, có thể thấy, tín chỉ các-bon là thứ tuy có thể được sở hữu và mua bán nhưng không tồn tại vật chất nên giống như một loại tài sản vô hình[17]. Cơ quan Thuế (I.R.S) đã đề cập đến bản chất của các khoản cho phép phát thải các-bon được giao dịch trên Sàn giao dịch Khí hậu châu Âu[18]. Trong đó, I.R.S. kết luận rằng, tín chỉ các-bon là tài sản vô hình, được sử dụng trong thương mại hoặc kinh doanh.
Có thể thấy, hiện tại, tình trạng pháp lý của tín chỉ các-bon là mơ hồ và không chắc chắn. Thậm chí, một số tình huống tranh chấp trên thực tế còn cho rằng, tín chỉ các-bon chỉ là một quyền phát sinh từ hợp đồng. Ví dụ, trong tranh chấp giữa Kaiser International và South Coast Air Quality Management[19], Tòa trích dẫn Bộ luật Sức khỏe và An toàn phần 40710, trong đó nêu rõ rằng, “chứng chỉ chứng minh quyền sở hữu các khoản giảm thải đã được phê duyệt sẽ không cấu thành các công cụ, chứng khoán hoặc bất kỳ hình thức nào khác của tài sản”. Tương tự như vậy, Bộ luật Hành chính của Bang Florida quy định rằng, loại giấy phép liên quan đến tài nguyên, môi trường sẽ “không chuyển đến người được cấp phép hoặc tạo cho người được cấp phép bất kỳ quyền tài sản nào, hoặc bất kỳ lợi ích nào trên tài sản thực tế”[20].
Do tình trạng mơ hồ của các khoản tín dụng các-bon và tính chất giống như tài sản và hợp đồng của chúng, giải quyết sự không chắc chắn này điều cần thiết để tạo ra một hệ thống hiệu quả của lợi ích được bảo đảm trong các khoản tín dụng các-bon.
4.2. Thuế đối với giao dịch tín chỉ các-bon
Tín chỉ các-bon có thể được chuyển nhượng với giá trị cụ thể. Điều này làm phát sinh vấn đề về thuế liên quan đến các khoản lãi hoặc lỗ của các giao dịch, ví dụ như khả năng áp dụng thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khu vực pháp lý khác nhau có cách giải quyết không giống nhau, chẳng hạn, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch tín chỉ các-bon, trong khi nguồn cung cấp các tín chỉ các-bon đủ hợp pháp ở Úc được lại được miễn loại thuế này. Hoặc tại Úc, chi phí để có được tín chỉ các-bon sẽ được khấu trừ thuế, với khoản khấu trừ được giữ lại cho đến năm mà tín chỉ các-bon đó được bán đi. Ngược lại, ở New Zealand, chi phí này không được khấu trừ[21]. Ở cả Úc và New Zealand, lợi nhuận từ việc bán các khoản tín chỉ các-bon là thu nhập chịu thuế doanh thu. Tuy nhiên, phương pháp định giá ở New Zealand được quy định là chi phí, trong khi ở Úc có các phương pháp thay thế (ví dụ như phương pháp định giá thị trường)[22]. Với sự phát triển của thị trường các-bon và ngày càng có nhiều giao dịch xuyên biên giới do sự liên kết của các thị trường, việc cân nhắc xác định chế độ pháp lý về thuế là quan trọng.
4.3. Vấn đề an toàn trong giao dịch
Nguy cơ gian lận là phổ biến trong thị trường các-bon. Mối quan tâm hàng đầu trong tâm trí của nhà giao dịch là rủi ro đối tác[23]. Tín chỉ các-bon có thể giao dịch, điều này có nghĩa là quyền sở hữu hợp pháp có thể được nắm giữ và chuyển giao cho một bên khác. Tuy nhiên, với tư cách là tài sản vô hình, điều này làm phát sinh sự phức tạp xung quanh việc bảo mật và khả năng có thể tiếp quản được chúng. Những người tham gia thị trường muốn bảo đảm rằng họ có được quyền sở hữu đối với tài sản khi chuyển nhượng và tài sản sẽ không bị thu hồi trong một số trường hợp nhất định. Vì vậy, thị trường tín chỉ các-bon cần được vận hành trên nền tảng cơ sở vững chắc để cung cấp sự bảo đảm về những vấn đề này.
Điều này làm phát sinh nhu cầu về một hệ thống đăng ký thông tin người sở hữu, kiểm soát việc chuyển giao quyền sở hữu. Ngoài ra, cũng cần thiết lập một cơ chế nhằm bảo đảm bên nhận chuyển nhượng kiểm soát được tình trạng sở hữu của tín chỉ các-bon một cách thuận tiện. Một hệ thống như vậy sẽ giúp thúc đẩy niềm tin và tăng tính thanh khoản trên thị trường tín chỉ các-bon.
Có thể nói, tín chỉ các-bon là một giấy phép có thể giao dịch được, giấy phép này đại diện cho quyền thải ra một tấn carbon dioxide hoặc các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Tín chỉ các-bon được tạo ra và phát hành bởi cơ quan có thẩm quyền. Mục tiêu tổng thể của thị trường tín chỉ các-bon là làm giảm lượng khí thải một cách hiệu quả về chi phí, thông qua việc tạo ra các giấy phép và cho phép thương mại hóa loại giấy phép này. Tuy nhiên, để một thị trường các-bon hoạt động hiệu quả thì các yếu tố của thị trường này phải được điều chỉnh bởi một chế độ pháp lý phù hợp và tương thích. Như với bất kỳ tài sản hoặc công cụ pháp lý nào, việc hiểu bản chất pháp lý của tín chỉ các-bon là rất quan trọng để đánh giá và kiểm soát cách chúng có thể được giao dịch và những rủi ro có thể xảy ra đối với các bên giao dịch. Bản chất pháp lý của tín chỉ các-bon cũng ảnh hưởng đến việc đánh thuế với các giao dịch mua bán loại tài sản này.
TS. Lê Thị Minh
Trường Đại học Thủ Dầu Một
[1]. Khoản 35 Điều 3 và Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[2]. Nghị định có hiệu lực thi hành vào ngày 07/01/2022.
[3]. Lohmann L, Carbon Trading: A Critical Conversation on Climate Change, Privatisation and Power, Development Dialogue, 2006, 48, https://www.daghammarskjold.se/publication/carbon-trading-critical-conversation-climate-change-privatisation-power/, truy cập gần nhất ngày 15/1/2023.
[4]. Reitze AW, Air Pollution Control Law: Compliance and Enforcement, Environmental Law Institute, 2001, tr.79 - 80.
[5]. Reitze AW, Air Pollution Control Law: Compliance and Enforcement, Environmental Law Institute, 2001, tr.79 - 80.
[6]. UN General Assembly, Protection of Global Climate for Present and Future Generations of Mankind (New York: United Nations) (A/RES?43/53), 70th plenary meeting, 1988.
[7]. Điều 2 Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, bản tiếng Anh tại https://unfccc.int/files/essential_background/background_publications_htmlpdf/application/pdf/conveng.pdf, truy cập ngày 15/01/2023.
[8]. Điều 4 (2) (a), Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, bản tiếng Anh tại https://unfccc.int/files/essential_background/background_publications_htmlpdf/application/pdf/conveng.pdf, truy cập ngày 15/01/2023.
[9]. Điều 7 (2) (a), Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, bản tiếng Anh tại https://unfccc.int/files/essential_background/background_publications_htmlpdf/application/pdf/conveng.pdf, truy cập ngày 15/01/2023.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (2020), Công ước UNFCCC và sự tham gia của Việt Nam, https://monre.gov.vn/Pages/cong-uoc-unfccc-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx, truy cập ngày 15/01/2023.
11. Julien Chevallier, Econometric Analysis of Carbon Markets, Nxb. Springer, 2012, tr. 4.
12. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Công ước UNFCCC và sự tham gia của Việt Nam, 2020, https://monre.gov.vn/Pages/cong-uoc-unfccc-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx, truy cập ngày 15/01/2023.
13. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Công ước UNFCCC và sự tham gia của Việt Nam, 2020, https://monre.gov.vn/Pages/cong-uoc-unfccc-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx, truy cập ngày 15/01/2023.
14. Rachel Eng, Yap Pei Yin, Tracking the growth of carbon credits in Singapore and beyond, 2021, https://www.iflr.com/article/2a646mpixhlq5fibkaj9c/tracking-the-growth-of-carbon-credits-in-singapore-and-beyond, truy cập ngày 15/01/2023.
15. Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2012/TT-NHNN ngày 16/02/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
16. Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
17. Mục 3.1, Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13, Thẩm định giá tài sản vô hình (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính giải thích tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế. Tài sản vô hình được đề cập trong tiêu chuẩn này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau: (i) Không có hình thái vật chất; tuy nhiên, một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình; (ii) Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính…); (iii) Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu; (iv) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.
18. Lauren M. Janosy và Alexandra K. Helou, Initial IRS Guidance Addressing EU Cap-and-Trade Systems, Subpart F Rules, 2009, https://www.thetaxadviser.com/issues/2009/jul/initialirsguidanceaddressingeucap-and-tradesystems-subpartfrules.html, truy cập ngày 15/01/2023.
19. George M. Padis (2011), “Carbon Credits as Collateral”, Journal of Technology Law & Policy, 2011, số 16, tr. 2, https://scholarship.law.ufl.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1129&context=jtlp, truy cập ngày 15/01/2023.
20. Sate of Florida Division of Administrative Hearings, 2011, http://flrules.elaws.us/Gateway/CourtOrders/2010/10-010767/100010767.pdf, truy cập ngày 15/01/2023.
21. Black, C, “Tax Accounting for Transactions under an Emissions Trading Scheme: An Australasian Perspective”, Carbon & Climate Law Review, 2011, 98.
22. Black, C, “Tax Accounting for Transactions under an Emissions Trading Scheme: An Australasian Perspective”, Carbon & Climate Law Review, 2011, 98.
23. K., & Lin, J, “Carbon Credits as EU Like It: Property, Immunity, TragiCO₂medy?” Journal of Environmental Law, 2015, 27(3), 377 - 404.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)