
Tồn tại với tính chất là một nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, suy đoán vô tội đã có quá trình hình thành và phát triển từ lâu trong lịch sử nhân loại và được thể hiện ở những hình thức, mức độ khác nhau, từ những tư tưởng tiến bộ, dần dần phát triển thành một nguyên tắc với nội dung phong phú, mang tính nhân đạo sâu sắc. Suy đoán vô tội đã được luật hình sự của nhiều nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự.
Tuy còn có những quan điểm khác nhau, nhưng cần bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) nhằm thực hiện mục đích của tố tụng hình sự, là xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, bảo vệ quyền con người trong các hoạt động tố tụng hình sự.
Một trong những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 là khẳng định các quyền của con người. Việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (trong đó có nội dung về nguyên tắc suy đoán vô tội) để sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 là việc làm bắt buộc.
Bên cạnh việc quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, cũng cần sửa đổi, bổ sung Điều 9 BLTTHS năm 2003 và một số điều luật khác của BLTTHS năm 2003 nhằm tạo cơ chế hữu hiệu để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc này trong thực tiễn tố tụng.
Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả Phạm Ngọc Hòa đề cập tại bài viết “Nguyên tắc suy đoán vô tội và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hính sự”, độc giả có thể tham khảo bài viết trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 7 (268) năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Việt Tiến