1. Thực trạng về hàng giả, hàng nhái
Nạn hàng giả, hàng nhái là chủ đề “cũ”, quen thuộc, là vấn đề vẫn gây “nhức nhối” đối với cơ quan quản lý nhà nước. Hàng giả có thể khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính phải “điêu đứng”, bị thiệt hại nghiêm trọng, có doanh nghiệp phải “kêu cứu” bởi hàng loạt sản phẩm giả thương hiệu của hãng được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử khiến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề[1]. Đồng thời, hàng giả cũng tác động xấu đến quyền lợi, thậm chí là sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Theo tin tức từ Báo Hà Nội mới thì Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 72.031 vụ, phát hiện, xử lý 52.390 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 16% so với năm 2022)[2]; từ ngày 15/12/2023 đến ngày 25/4/2024, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng[3]. Sản phẩm hàng giả, hàng nhái, nhất là giả mạo các thương hiệu nổi tiếng ngày càng tinh vi, gần như không thể phân biệt với hàng thật. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu cũng có sự tìm hiểu kỹ pháp luật và biện pháp chống hàng giả của Nhà nước, doanh nghiệp đưa ra để tìm đường “lách”, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ xử phạt. Đặc biệt, với sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái càng có thêm “chỗ đứng” để hoạt động. Chẳng hạn như thời gian gần đây, hình thức livestream bán hàng trực tuyến đang trở nên sôi động, thu hút nhiều người tham gia, trở thành kênh phân phối, bán hàng hiệu quả, tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra thách thức cho các nhà quản lý trong việc kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…[4].
Chính bởi sức “nóng” của hàng giả trên thị trường mà vấn đề này đã trở thành nội dung được quan tâm trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 21/8/2024. Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này[5].
Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ nhiều khía cạnh như: Pháp luật về hàng giả, hàng nhái chưa đầy đủ, còn chồng chéo, chưa thống nhất, khó khăn khi áp dụng, hiệu quả thi hành chưa cao; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực hàng giả còn thiếu về số lượng, năng lực, trách nhiệm; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động, thiếu quyết liệt, tích cực trong phòng, chống hàng giả; người tiêu dùng còn thiếu thông tin, thiếu cảnh giác và còn tình trạng thích dùng hàng “hiệu” giá rẻ...
2. Khó khăn trong thực tiễn thi hành một số quy định pháp luật về hàng giả, hàng nhái
2.1. Phân biệt hàng giả, loại hàng giả
Về khái niệm hàng giả, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào đưa ra một định nghĩa khái quát hàng giả là gì, tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tìm hiểu khái niệm này thông qua một số quy định như sau: Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng...”. Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), Điều 226 quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có phần mô tả “người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý...”. Tại các điều 192, 193, 194, 195 của Bộ luật này tuy không mô tả cụ thể nhưng có sử dụng thuật ngữ “hàng giả”, chẳng hạn như “người nào sản xuất, buôn bán hàng giả...”. Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019, 2022) quy định: “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu”. Điều 5 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ (Nghị định số 119/2017/NĐ-CP), theo đó có mô tả về vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường: “Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán chất chuẩn, chuẩn đo lường không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan quản lý về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng”.
Đặc biệt, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ (Nghị định số 98/2020/NĐ-CP) đã liệt kê, mô tả khá đầy đủ, chi tiết các yếu tố, dấu hiệu về hàng giả, theo đó hàng giả gồm: (i) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; (ii) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (iii) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016; (iv) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng; (v) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; (vi) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Như vậy, tựu trung lại, có thể phân định hàng giả thành hai loại, đó là hàng giả về hình thức và hàng giả về nội dung. Trong khoa học pháp lý không có quy định rõ ràng nào để phân biệt hai loại hàng giả nhưng qua tìm hiểu các nghiên cứu của chuyên gia và thực tiễn áp dụng pháp luật, có thể phân biệt như sau:
Thứ nhất, hàng giả về hình thức chủ yếu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ (giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, sao chép lậu), hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi này thường nhằm mục đích lợi dụng uy tín của doanh nghiệp có thương hiệu để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nhưng không nhằm mục đích lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng. Hàng hóa vẫn được sản xuất tương đối bảo đảm chất lượng, đạt được cơ bản công dụng, giá trị sử dụng vốn có của nó.
Thứ hai, hàng giả về nội dung là hàng giả về chất lượng, công dụng, đây là loại không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng với tiêu chuẩn đã công bố. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm đồng thời nhằm mục đích lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng. Chất lượng, giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa không được đảm bảo ngay từ khi sản xuất (bởi có những hàng hóa bị mất chất trong quá trình lưu thông thì có thể không thuộc loại hàng giả).
Việc phân biệt thế nào là hàng giả và hàng giả đó thuộc loại nào có ý nghĩa quan trọng bởi mức độ ảnh hưởng của mỗi loại là khác nhau nên cũng có chế tài áp dụng khác nhau. Tuy nhiên, qua các quy định nêu trên có thể thấy, pháp luật còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong các quy định liên quan đến hàng giả. Ở đó, nhiều trường hợp rất khó phân định quy định đó có phải áp dụng cho hàng giả hay không (bởi không sử dụng từ “hàng giả” nhưng nội dung quy định lại có những dấu hiệu giống hàng giả); hay mặc dù quy định “hàng giả” nhưng quy định đó được hiểu là một loại hay cả hai loại hàng giả;... Việc quy định thiếu thống nhất, gây khó khăn trong quá trình phân biệt dễ dẫn đến việc tùy nghi áp dụng pháp luật của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền dù là vô tình hay hữu ý.
Ngoài hàng giả, thực tế còn xuất hiện một loại với tên gọi “hàng nhái” và hiện nay chưa có quy định pháp luật nào đề cập đến “hàng nhái”. Tham khảo các nghiên cứu khoa học và từ thực tiễn thì có thể hiểu “hàng nhái” là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường.
2.2. Chế tài xử lý đối với hàng giả, hàng nhái
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân hàng giả vẫn “lộng hành” bởi chế tài xử phạt những hành vi này còn thiếu, chưa đủ mạnh, cũng có ý kiến cho rằng vấn đề là ở chỗ hiệu quả thực thi chế tài chưa cao. Dưới đây là một số quy định xử phạt và khó khăn khi áp dụng:
(i) Về xử phạt vi phạm hành chính:
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (từ Điều 9 đến Điều 12) quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3; hành vi sản xuất, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3. Trong đó, tùy thuộc vào từng trường hợp mà mức phạt có thể từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đồng thời, nếu hành vi vi phạm được thực hiện đối với một số loại hàng đặc biệt thì mức phạt tiền có thể gấp hai lần. Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Đây là văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp, đầy đủ nhất để tạo cơ sở xử phạt vi phạm hành chính hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, việc sản xuất, buôn bán hàng giả thông qua các phương thức, hình thức nào đó, nhất là qua website thương mại điện tử, ứng dụng điện thoại di động thì có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm kinh doanh qua ứng dụng, như: Phạt vi phạm về hành vi “cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet” (điểm c khoản 3 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP); hành vi “lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động” (điểm a khoản 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP)...
Có thể nhận thấy, trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, Điều 9 và Điều 10 (hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng) là quy định xử phạt đối với hàng giả về nội dung, còn Điều 11 và Điều 12 (hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa) là quy định xử phạt đối với hàng giả về hình thức. Trên thực tế có một vấn đề khó khăn vì dễ gây nhầm lẫn đối với quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, cụ thể: Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán chất chuẩn, chuẩn đo lường “không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường” đã được tổ chức, cá nhân công bố. Quy định này tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP không được áp dụng đối với hàng giả mà chỉ áp dụng đối với sản phẩm “không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường” được công bố. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP lại có mô tả hàng giả là “có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng” hay “có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng” đã công bố. Điều này dễ dẫn đến sự nhầm lẫn áp dụng pháp luật giữa xử lý về hàng giả và xử lý về hàng không phù hợp yêu cầu kỹ thuật đo lường.
Hiện nay, dự thảo Nghị định[6] về sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Dự thảo được xây dựng hướng tới mục tiêu quan trọng là bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc hạn chế hàng giả, hàng nhái. Một trong những quy định được bổ sung tại dự thảo đó là Điều 46b - hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Điều khoản này quy định hành vi “không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng” có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đây là mức phạt hơi thấp. Quy định này nhằm lấp vào chỗ trống đối với việc xử phạt bán hàng nói chung và bán hàng giả nói riêng qua trang cá nhân không đăng ký kinh doanh. Hi vọng rằng, những sửa đổi, bổ sung tại dự thảo sẽ góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, nếu các hành vi vi phạm về hàng giả có các dấu hiệu liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh thì cũng có thể bị xử lý căn cứ theo quy định tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
(ii) Về xử lý hình sự:
Hành vi vi phạm về hàng giả có thể truy cứu về các tội như sau:
- Truy cứu về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192, Điều 193, Điều 194, Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tùy thuộc từng trường hợp mà cá nhân có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, phạt tù chung thân; pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 03 năm. Có thể thấy, đây là mức phạt tương đối cao dành cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
- Truy cứu về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, cá nhân có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm, phạt tù đến 03 năm; pháp nhân có thể bị phạt đến 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 02 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 03 năm.
- Truy cứu về tội lừa dối khách hàng tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nội dung quy định “người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác...”.
Thực tiễn áp dụng các quy định trên của Bộ luật Hình sự có một số khó khăn như sau:
Một là, khó khăn trong việc xác định tội danh liên quan đến hàng giả[7]:
- Xác định là tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay là tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở đây là hành vi chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể xác định “hàng giả” và “hàng hóa giả mạo” đề cập trong hai tội này có phần trùng nhau bởi “hàng giả” có giả mạo về hình thức mà giả mạo về hình thức có giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Có thể thấy, mức xử phạt đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả cao hơn nhiều so với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Do đó, việc xác định tội danh thuộc loại nào là hết sức quan trọng.
- Xác định là tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Hai loại tội này có động cơ, mục đích có phần tương tự nhau, đó là đều đưa ra thông tin giả mạo để người khác tin tưởng nhằm trục lợi. Tuy nhiên, cần phân biệt là, người bị hại trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định trước, người thực hiện hành vi phạm tội dùng hàng giả để lừa đảo những cá nhân xác định nhằm chiếm đoạt tài sản; còn người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không hướng đến một đối tượng cụ thể, xác định mà hướng đến việc tiêu thụ hàng hóa chung để thu lợi.
Hai là, khi truy cứu đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, khó khăn trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành, tức là tội phạm hoàn thành khi nào, khi sản phẩm giả đã được sản xuất xong hay chỉ cần đang trong một giai đoạn nào đó của quy trình sản xuất?
Ba là, qua tìm hiểu thông tin trên báo chí cho thấy, mặc dù các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng bị xử lý rất nhiều nhưng chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự. Trong thực tế thi hành thì việc xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không áp dụng Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong khi đó, Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ áp dụng đối với hành vi “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” (tức là hành vi chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ) mà không áp dụng đối với hành vi “sản xuất, buôn bán” hàng giả. Ngoài ra, để xử phạt được bằng Điều 192 đối với những trường hợp hàng giả tương đương trị giá hàng thật dưới 30 triệu đồng thì cần có điều kiện kèm theo (như đã bị xử phạt vi phạm hành chính, gây thương tích, gây thiệt hại, thu lợi bất chính...). Trong khi đó, nếu có các dấu hiệu vi phạm mà có thể xử lý theo Điều 226 thì tội này lại là một trong những trường hợp chỉ bị khởi tố theo yêu cầu của bị hại, tức là nếu bị hại không yêu cầu thì không thể khởi tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Bốn là, về tội lừa dối khách hàng, ở đây, mặt khách quan của tội chủ yếu là hành vi “cân, đong, đo, đếm, tính gian” hàng hóa, dịch vụ, nên nếu chỉ xét ở khía cạnh này thì không thể sử dụng để truy cứu về hành vi bán hàng giả. Tuy nhiên, tại điều luật còn một nội dung mở đó là “dùng thủ đoạn gian dối khác” mà nội dung này cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, điều khoản này rất khó áp dụng để xử phạt vi phạm về hàng giả .
3. Giải pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Một là, thời gian tới, cần hoàn thiện quy định pháp luật tập trung một số nội dung sau: (i) Xây dựng khái niệm về hàng giả một cách khái quát, thống nhất để tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh gây nhầm lẫn; (ii) Hoàn thiện để sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP; bổ sung vào dự thảo nội dung sửa đổi khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để tránh gây nhầm lẫn với trường hợp quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; (iii) Hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tạo thuận lợi cho việc truy cứu tội về sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... theo các điều 192, 193, 194, 195 về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả; (iv) Hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định hoàn thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả; (v) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023).
Hai là, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số biện pháp sau: Nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật về phòng, chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sớm vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; tuyên truyền, phổ biến các thông tin về phòng, chống hàng giả (pháp luật, các website vi phạm, cách nhận biết hàng giả...) bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện để tăng cơ hội tiếp cận, nhận thức của doanh nghiệp, người dân; tăng cường hợp tác quốc tế về chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin với các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, đặc biệt là hoạt động thông qua môi trường thương mại điện tử.
Ba là, đối với doanh nghiệp, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái, cụ thể như: Đăng ký sở hữu trí tuệ đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và thông tin đến cơ quan chức năng; sử dụng các biện pháp như tem chống hàng giả, tem xác thực, tem truy xuất nguồn gốc...;.
Bốn là, đối với người dân, cần nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao cảnh giác bằng việc kiểm tra tem, nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; nói “không” với hàng giả, hàng nhái; lựa chọn nơi, kênh mua sắm uy tín; thông tin cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng (đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về hàng giả.
Uyên Nhi
Ảnh: Internet
[1] Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-dieu-dung-vi-hang-gia-long-hanh-10128819.html, truy cập ngày 24/8/2024.
[2] Nguồn: https://hanoimoi.vn/phat-hien-xu-ly-52-390-vu-hang-gia-hang-nhai-trong-nam-2023-653593.html, truy cập ngày 24/8/2024.
[3] Nguồn: https://hanoimoi.vn/phat-hien-xu-ly-17-584-vu-vi-pham-hang-gia-hang-nhai-665658.html, truy cập ngày 24/8/2024
[4] Tham khảo thêm các thông tin tại nguồn: Gia Minh, Ngăn chặn hàng giả trên kênh bán hàng livestream, https://nhandan.vn/ngan-chan-hang-gia-tren-kenh-ban-hang-livestream-post817076.html, truy cập ngày 24/8/2024.
[5] Tham khảo thêm các thông tin tại nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=88714, truy cập ngày 26/8/2024.
[6] Toàn văn dự thảo tham khảo tại nguồn: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-98-2020-nd-cp-ngay-26-thang-8-nam-6347.
[7] Tham khảo nguồn: https://tapchitoaan.vn/toi-san-xuat-buon-ban-hang-gia-va-nhung-bat-cap-giai-phap8801.html, truy cập ngày 24/8/2024.