
Ở Việt Nam hiện nay, pháp điển được hiểu là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ Pháp điển; Bộ Pháp điển được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Theo đó, công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ở Việt Nam đã được khẳng định tại Điều 169 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Hiện nay, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành rất lớn; nhiều chủ thể ban hành nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật trong khi chưa có cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật nào tập hợp đầy đủ, bảo đảm chính xác và độ tin cậy cao; các văn bản chưa được rà soát, phân loại, sắp xếp một cách hệ thống theo những nhóm lĩnh vực quan hệ xã hội nhất định. Thực trạng trên ảnh hưởng đến việc tiếp cận, tra cứu để áp dụng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các quyền dân sinh, đầu tư kinh doanh…
Trước thực trạng hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay, nhiệm vụ pháp điển được đặt ra với nhiều mục tiêu, mang lại nhiều lợi ích cho quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vai trò của công tác pháp điển trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật, kính mời độc giả đón đọc bài viết “Vai trò của công tác pháp điển trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật” của tác giả Mạc Thị Hoa & Trần Thanh Loan đăng trên Số chuyên đề 32 trang “Công tác pháp điển” tháng 11/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Thu Hằng