1. Quy định pháp luật về xác định cha, mẹ, con tại Tòa án trong trường hợp không có tranh chấp
Trong hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới, thẩm quyền của Tòa án trong việc xác định quan hệ cha, mẹ, con là rất quan trọng. Tuy nhiên, thẩm quyền cụ thể của Tòa án trong vấn đề này có thể khác nhau tùy theo quốc gia và hệ thống pháp luật cụ thể mà quốc gia đó áp dụng.
Ở Việt Nam, việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án, đây là một loại yêu cầu về hôn nhân và gia đình, được thực hiện theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Trình tự, thủ tục xác định cha, mẹ, con tại Tòa án theo thủ tục giải quyết việc dân sự được quy định tại khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong 03 trường hợp: Có tranh chấp; người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết; trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này. Cụ thể, Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, kết hợp các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có thể hiểu, trường hợp xác định quan hệ cha, mẹ, con có tranh chấp là một loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình được giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Trong khi đó, thủ tục giải quyết việc dân sự liên quan đến xác định cha, mẹ, con có thể hiểu là sẽ được áp dụng trong 02 trường hợp còn lại là không có tranh chấp và người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết, do đó, người thân thích của người yêu cầu sẽ thay người đó yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết. Cần lưu ý là, tranh chấp hay yêu cầu về xác định cha, mẹ, con bao gồm việc thừa nhận hoặc không thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con.
Sở dĩ, việc xác định cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ đối với trường hợp không có tranh chấp vẫn được giao cho Tòa án giải quyết, vì việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này có tính chất phức tạp hơn so với thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con tại cơ quan hành chính (cơ quan đăng ký hộ tịch, Ủy ban nhân dân). Thủ tục đăng ký hộ tịch về nhận cha, mẹ, con do cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện là trường hợp xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch làm phát sinh quan hệ cha, mẹ, con[1], nếu người yêu cầu cung cấp đầy đủ giấy tờ theo thủ tục hộ tịch, bao gồm hai trường hợp: Khai sinh cho trẻ trên cơ sở nguyên tắc suy đoán cha mẹ cho con dựa trên sự kiện sinh đẻ; hoặc sự kiện nhận cha, mẹ, con dựa trên ý chí tự nguyện của các bên, nếu giữa các bên chưa có quan hệ pháp luật cha, mẹ, con đang hiện hữu. Trường hợp giữa các bên đã có quan hệ cha, mẹ, con hiện hữu và sau đó thay đổi về quan hệ này thì cơ quan hộ tịch chỉ có thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền[2].
Trong khi đó việc xác định cha, mẹ, con khi một bên đã chết hoặc trường hợp một người nhận một người khác là con, nhưng theo quy định của pháp luật thì người con đó đang là con của người cha, mẹ hợp pháp khác (mặc dù người đang là cha mẹ đó đồng ý) thì người nhận cha, mẹ con cần xuất trình chứng cứ để chứng minh và cần phải thực hiện quy trình đánh giá để xem xét tính hợp pháp của chứng cứ và giá trị chứng minh của nó mới có cơ sở để xác định quan hệ huyết thống đó. Tòa án với vai trò là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp[3], Tòa án sẽ làm sáng tỏ sự thật khách quan của sự việc đó là có hay không có, tồn tại hay không tồn tại các sự kiện, tình tiết mà các bên nêu ra làm cơ sở cho yêu cầu của mình trước Tòa án.
Để thực hiện điều này, Tòa án tiến hành một số hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ như lấy lời khai của đương sự, tiến hành giám định AND - xác định huyết thống bằng di truyền học... Những quy trình này chỉ được thực hiện bởi Tòa án, vì cơ quan đăng ký hộ tịch không có những chức năng trên. Mặt khác, cơ quan đăng ký hộ tịch không có quyền tước bỏ quyền đang làm cha, mẹ, con của một người rồi lại xác định một người khác là cha, mẹ, con cho dù tất cả các chủ thể có liên quan đều tự nguyện và không có tranh chấp[4]. Do vậy, pháp luật quy định Tòa án có quyền xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp và giải quyết theo thủ tục việc dân sự là hoàn toàn hợp lý.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về xác định cha, mẹ, con tại Tòa án trong trường hợp không có tranh chấp
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ ghi nhận về mặt thẩm quyền và căn cứ vào việc có hay không có tranh chấp để xác định thủ tục giải quyết là vụ hay việc, chứ không quy định rõ thế nào là có tranh chấp khi có yêu cầu về xác định cha, mẹ, con, dẫn đến thực tiễn áp dụng đôi khi Tòa án chưa thống nhất trong thụ lý giải quyết đối với các trường hợp có Tòa án thụ lý vụ án dân sự, có Tòa án lại thụ lý việc dân sự đối với những vụ việc tương tự nhau[5].
Bên cạnh đó, do chưa thống nhất khi xác định thế nào là có tranh chấp, tranh chấp về vấn đề gì, các bên trong quan hệ tranh chấp này là ai (chỉ giữa những người là cha, mẹ, con hay bất kỳ ai có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc xác định cha, mẹ, con - ví dụ như những người thừa kế…) dẫn đến có những trường hợp Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu xác định quan hệ cha, mẹ con theo thủ tục giải quyết việc dân sự do nhận định không có tranh chấp, do xem đây là một loại yêu cầu thuộc khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, nếu chiếu theo khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp đó lại không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Tình huống thứ nhất - Việc dân sự[6]: Năm 1993, bà Vũ Thị H (Vũ Thị Ngân H) và chồng là ông Vũ Văn Đ nhận chị Vũ Thị N làm con nuôi lúc chị N còn nhỏ, mặc dù nhận nuôi con nuôi nhưng khai sinh ghi con đẻ. Chị N chung nhà với ông Đ, bà H từ đó đến nay. Năm 2006, giữa bà H và chị N phát sinh mâu thuẫn, bà H không cho chị N chung nhà nữa. Bà H yêu cầu xác định chị N không phải là con đẻ của bà H. Tòa án nhân dân Thành phố V đã xác định đây là về yêu cầu: “Xác định một người không phải là con” để thụ lý giải quyết việc dân sự, mở phiên họp sơ thẩm công khai giải quyết việc dân sự. Trong vụ việc này, chị N và bà H đã làm xét nghiệm ADN, theo kết quả xét nghiệm ADN, bà H và N không cùng quan hệ huyết thống mẹ con; đồng thời chị N có bản tự khai và tại phiên họp giải quyết việc dân sự chị N cũng thừa nhận chị N không phải là con đẻ của bà H và đồng ý với yêu cầu của bà H đưa ra. Tòa án đã áp dụng khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu xác định người đó không phải là con mình” để ra quyết định chấp nhận yêu cầu của bà H, theo đó tuyên bố chị N không phải là con của bà H.
Tình huống thứ hai - Vụ án dân sự[7]: Anh Phan Linh T và chị Nông Thị M quen nhau được khoảng một năm thì chị M có thai nên anh chị kết hôn và đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã PT ngày 07/8/2017. Tháng 3/2018, chị M sinh con trai và đặt tên là Phan Thế H. Vợ chồng đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân xã PT và được cấp giấy khai sinh. Trong quá trình nuôi dưỡng cháu H, anh T nhận thấy cháu không có điểm nào giống anh nên đã quyết định đưa cháu H đi giám định ADN. Theo phiếu kết quả phân tích ADN đã xác định, anh Phan Linh T và cháu Phan Thế H không có quan hệ huyết thống cha - con. Anh T khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định cháu Phan Thế H không phải là con ruột của anh. Tòa án xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp xác định con cho cha” theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý vụ án. Đồng thời, trên cơ sở chứng cứ anh T cung cấp cho Tòa án là phiếu kết quả phân tích ADN xác định anh T và cháu H không có quan hệ huyết thống, Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình” để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T.
Nhận xét:
Thứ nhất, cả hai trường hợp việc dân sự và vụ án trên đều có điểm chung là con được khai sinh trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của cha mẹ, nhưng cha/mẹ không thừa nhận con và đều có chứng cứ là kết quả giám định ADN theo đó khẳng định giữa cha/mẹ và con không có quan hệ huyết thống. Việc Tòa án giải quyết theo hướng chấp nhận yêu cầu của đương sự về việc không công nhận quan hệ cha/mẹ và con là phù hợp. Tuy nhiên, trong cả hai vụ việc trên Tòa án đều áp dụng khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là chưa đúng, bởi cần phải hiểu là, điều luật này để điều chỉnh việc không thừa nhận con trong trường hợp con ngoài giá thú khi người mẹ pháp lý và người cha pháp lý không có quan hệ hôn nhân hợp pháp nhưng vì lý do nào đó đã được khai sinh có cha mẹ đầy đủ. Trong hai vụ việc trên, chị N và cháu H đều được cha mẹ pháp lý khai sinh trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của cha mẹ (cho dù việc khai sinh này có thể vi phạm pháp luật hộ tịch như trường hợp của bà H không có sự kiện sinh đẻ), thì việc không thừa nhận con trong trường hợp này phải áp dụng khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.
Thứ hai, trong hai vụ việc nêu trên chỉ có một bên cha/mẹ pháp lý yêu cầu Tòa án xác định người con pháp lý không phải là con đẻ để chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con; người yêu cầu đều cung cấp được chứng cứ là kết quả giám định AND của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về việc không có quan hệ huyết thống, tuy nhiên ở trường hợp thứ nhất, Tòa án lại thụ lý việc dân sự, trong khi trường hợp thứ 2 được thụ lý vụ án dân sự để giải quyết. Theo nhóm tác giả, trường hợp này cần phải xác định là có tranh chấp và phải thụ lý vụ án để giải quyết như tình huống thứ hai là hợp lý, bởi vì chưa có sự thống nhất của cả hai bên, bên cha/mẹ từ chối con và người con bị từ chối, chỉ có một bên đưa ra yêu cầu thì chưa thể coi là có sự thỏa thuận của các đương sự để có thể có cơ sở cho Tòa án tiến hành thụ lý theo trình tự việc.
Thứ ba, xác định việc dân sự để thụ lý theo khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong hai tình huống trên cần thiết phải trên cơ sở có sự thống nhất của các bên (cha, mẹ, con) trong việc xác định này (phải có minh chứng để nộp cho Tòa án ngay thời điểm nộp đơn tại Tòa án) và đồng thời phải có kết luận của cơ quan chuyên môn giám định cho kết quả ADN tương ứng với sự thỏa thuận xác định cha, mẹ, con thì khi đó mới có thể có cơ sở cho Tòa án tiến hành thụ lý theo trình tự việc. Nếu chưa có sự thống nhất (trong trường hợp do một bên yêu cầu và không có tài liệu minh chứng có sự thừa nhận) hoặc có sự thống nhất hoặc kể cả các bên cùng yêu cầu nhưng chưa có kết luận giám định ADN thì không thể xem đây là trường hợp không có tranh chấp để thụ lý theo việc. Nói cách khác, Tòa án thụ lý theo trình tự giải quyết vụ án theo khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nếu các bên không có sự thống nhất về việc xác định cha, mẹ, con dù đã có kết luận giám định ADN của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền; hoặc trường hợp có sự thống nhất xác định cha, mẹ, con nhưng chưa có kết luận giám định ADN.
Như đã phân tích ở trên, việc xác định cha, mẹ, con có thể tiến hành giải quyết theo thủ tục vụ án hôn nhân và gia đình hoặc việc hôn nhân và gia đình tùy thuộc vào có tranh chấp hay không. Để tránh những trường hợp áp dụng không đúng thủ tục giải quyết về xác định cha, mẹ, con, thiết nghĩ, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn rõ khi nào thì việc xác định cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền của Tòa án quy định tại khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bởi vì, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là luật chung về tố tụng, nhưng được ban hành sau Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 dẫn đến một số quy định của Luật này chưa được thống nhất về việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ xác định thuộc thẩm quyền của Tòa án nếu việc xác định cha, mẹ, con có tranh chấp hoặc có yêu cầu xác định cha, mẹ, con nhưng một bên đã chết. Ngoại trừ trường hợp nhận cha, mẹ, con tự nguyện, các bên còn sống tại thời điểm nhận cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch theo khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong thực tiễn vẫn còn trường hợp từ chối quan hệ cha, mẹ, con mà các bên thỏa thuận được tại thời điểm yêu cầu, có minh chứng để nộp cho Tòa án ngay thời điểm nộp đơn tại Tòa án, có kết luận của cơ quan chuyên môn giám định cho kết quả ADN tương ứng với sự thỏa thuận xác định cha, mẹ, con. Trường hợp này không có tranh chấp và thuộc khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình” nhưng lại không được đưa vào khoản 2 của Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, cần điều chỉnh khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bảo đảm tính logic và tính bao quát của phạm vi xác định cha, mẹ, con.
3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về xác định cha, mẹ, con tại Tòa án trong trường hợp không có tranh chấp
Hiện nay, việc xác định cha, mẹ, con tại Tòa án giải quyết theo thủ tục việc dân sự còn bất cập và hạn chế nên cần khắc phục để bảo đảm thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn việc xác định cha, mẹ, con trong những trường hợp cụ thể thuộc thẩm quyền của Tòa án quy định tại khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng: Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục việc dân sự về xác định cha, mẹ, con khi không có tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể bao gồm các trường hợp: (i) Trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết; (ii) Trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết; (iii) Trường hợp nhận cha, mẹ, con mà người được nhận là cha, mẹ, con còn sống nhưng người con đang có người cha, người mẹ hợp pháp khác (theo giấy khai sinh); (iv) Trường hợp từ chối quan hệ cha, mẹ, con mà các bên đều còn sống, tự nguyện, không có tranh chấp.
Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền xác định cha, mẹ, con. Để bảo đảm sự việc được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và thống nhất trong việc xác định thẩm quyền giải quyết, cần sửa đổi, bổ sung Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 theo hướng quy định bao quát hết các trường hợp xác định cha, mẹ, con giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự hoặc việc dân sự. Như vậy mới bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể, khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết về xác định cha, mẹ, con trong trường hợp cha, mẹ, con còn sống trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều luật này, hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này”.
TS. Hoàng Thị Hải Yến
ThS. Nguyễn Sơn Hải
Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Điểm a, d khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014.
[2]. Điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014.
[3]. Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Nguyễn Biên Thùy, Đặng Thanh Hoa, Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con, https://tapchitoaan.vn/tham-quyen-xac-dinh-cha-me-con, truy cập ngày 17/5/2023.
[5]. Nguyễn Biên Thùy, Đặng Thanh Hoa, tlđd.
[6]. Quyết định số 141/2017/QĐST-DS ngày 19/07/2017 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh B về không công nhận một người là con đẻ, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta11315t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 22/5/2023.
[7]. Bản án số 74/2019/HNGĐ-ST ngày 17/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện TP về tranh chấp xác định con cho cha, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-742019hngdst-ngay-17102019-ve-tranh-chap-xac-dinh-con-cho-cha-115930, truy cập ngày 22/5/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)