Theo quy định tại Điều 53 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 “Nhà nước Việt Nam thực hiện yêu cầu chuyển giao hàng hóa có kiểm soát trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội về ma túy. Việc quyết định áp dụng và tiến hành biện pháp này thực hiện theo thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước có liên quan”.
Quy định này là việc nội luật hóa Điều 11 Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988:
“1. Nếu những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật riêng mỗi nước cho phép các bên thực hiện các biện pháp cần thiết với khả năng của mình trong việc sử dụng kỹ thuật chuyển giao hàng hóa có kiểm soát ở mức độ quốc tế trên cơ sở những hiệp định hoặc thỏa thuận giữa các bên nhằm phát hiện có liên quan đến các hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 3 và pháp lý trừng phạt họ.
2. Những quyết định sử dụng biện pháp chuyển giao có kiểm soát này được tiến hành theo từng vụ cụ thể và khi cần thiết các bên liên quan có thể xem xét việc thỏa thuận về tài chính và những hiểu biết về việc thực hiện quyền tài phán của quốc gia hữu quan.
3. Khi có sự đồng ý của các bên liên quan thì những kiện hàng phải chịu sự kiểm soát gửi bất hợp pháp này có thể bị giữ lại và cho phép tiếp tục chuyển đi đối với các chất ma tuý hoặc chất hướng thần còn nguyên vẹn hoặc đã bị thay đổi hoặc bị thay thế toàn bộ hay từng phần”.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy cho thấy đối tượng tội phạm ma túy khi mua bán, vận chuyển ma túy thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm xóa dấu vết, trốn tránh trách nhiệm. Loại tội phạm này cũng thường tổ chức theo đường dây, ổ nhóm, sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi nhằm xóa dấu vết nên trong một số trường hợp theo yêu cầu nghiệp vụ cần phải theo dõi, mở rộng điều tra để truy bắt đúng đối tượng, nhằm triệt phá tận gốc đường dây ổ nhóm tội phạm ma túy.
Theo quan điểm của người nghiên cứu giao hàng có kiểm soát theo Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988 được hiểu là việc sử dụng kỹ thuật chuyển giao hàng hóa có kiểm soát ở mức độ quốc tế trên cơ sở cho phép lô hàng nghi ngờ chứa các chất ma túy tiếp tục chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác trên cơ sở hiệp định hoặc thỏa thuận giữa các bên nhằm phát hiện có liên quan đến các hành vi phạm tội.
Đối với việc theo dõi, giám sát lô hàng nghi ngờ chứa các chất ma túy trái phép từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan phải hiểu là một biện pháp nghiệp vụ của Cơ quan Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy áp dụng
Qua rà soát tác giả nhận thấy ngoài Điều 11 Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988 và Điều 53 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 thì chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể việc thực hiện các quy định về giao hàng có kiểm soát. Điều này gây khó khăn cho cơ quan Hải quan tổ chức thực hiện các quy định về giao hàng có kiểm soát đối với ma túy từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan.
Tuy nhiên, tại tiểu mục 3.2.2, mục 3.2 Chương III Quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý của lực lượng Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ ngày 01/12/2021 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng hải quan thay thế Quyết định số 2005/QĐ-TCHQ ngày 30/9/2011 ban hành Quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng hải quan (Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ) quy định việc chuyển giao hàng có kiểm soát: “Trong trường hợp cần phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện “chuyển giao hàng có kiểm soát” để tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tang vật, đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy nhằm triệt phá tận gốc đường dây ổ nhóm tội phạm ma túy thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chỉ quyết định cho thông quan hàng hóa nghi vấn liên quan đến ma túy khi có đề nghị bằng văn bản của Ban chuyên án hoặc cơ quan chức năng liên quan đến chuyên án, nghi vấn vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý”.
Đây là lần đầu tiên cơ quan Hải quan quy định về việc giao hàng có kiểm soát trong công tác phòng, chống ma tuý trong quy trình nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, với cách hiểu về giao hàng có kiểm soát nêu trên, tác giả cho rằng, quy định về giao hàng có kiểm soát ban hành theo Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ là chưa phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988 cũng như các quy định pháp luật tố tụng hình sự, luật phòng, chống ma túy, cụ thể:
Một là, tại khoản 2 Điều 11 Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988 và Điều 53 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 quy định việc áp dụng biện pháp chuyển giao hàng có kiểm soát phải được thực hiện dựa trên quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ thì việc thực hiện giao hàng có kiểm soát giao cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định dựa trên văn bản của Ban chuyên án hoặc cơ quan chức năng liên quan đến chuyên án, nghi vấn vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý.
Hai là, theo khoản 2 Điều 41, Điều 224, Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khoản 2, khoản 4 Điều 42 Luật Tổ chức cơ quan điều tra năm 2015 thì phải hiểu việc chuyển giao hàng có kiểm soát là một biện pháp điều tra đặc biệt và chỉ cơ điều tra mới có thẩm quyền quyết định và quyết định này phải được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn.
Để có cái nhìn toàn diện hơn, tác giả đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của Hải quan Trung Quốc qua đó cơ quan Hải quan Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện quy định về giao hàng có kiểm soát, cụ thể:
Để hướng dẫn thực hiện quy định về thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành văn bản, cụ thể: Quy định về thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát của cơ quan Hải quan năm 1994 và được sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Mục đích Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành văn bản để phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong việc điều tra, xử lý các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý xuyên quốc gia theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng chống ma tuý, theo đó:
Thứ nhất, mỗi Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ định một đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm xử lý nghiệp vụ giao hàng có kiểm soát dưới sự Lãnh đạo chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Điều tra chống buôn lậu và Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý.
Thứ hai, cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Hải quan liên quan đến việc chuyển giao hàng có kiểm soát phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước về bảo mật thông tin, công việc do mình thực hiện. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ ba, quyết định, lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý liên quan đến việc chuyển giao hàng có kiểm soát phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn[1].
Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu cơ quan Hải quan phối hợp thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát phải gửi kèm quyết định, lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra và phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Trường hợp cơ quan Hải quan nhận được yêu cầu phối hợp thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát nhưng không nhận được đầy đủ 02 loại tài liệu: Quyết định, lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra và phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thì phải có văn bản gửi ngay cơ quan đã yêu cầu để cung cấp bổ sung.
Trong vòng 03 ngày kể từ ngày cơ quan gửi văn bản thông báo mà không nhận được hồ sơ, tài liệu đầy đủ thì cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý như vụ việc buôn lậu thông thường.
Thứ tư, quyết định, lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu phối hợp thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát phải bảo đảm các nội dung sau đây:
- Tên, tuổi và thông tin của nghi phạm hoặc tội phạm.
- Loại và số lượng của thuốc, nơi chúng được giao.
- Ma túy, bị can, nghi phạm tội phạm và những người liên quan của họ, cũng như các chuyến xuất nhập cảnh, cảng, tên tàu, thời gian và phương thức.
- Thời gian cần thiết để thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát
- Các hành động được thực hiện bởi Hải quan.
- Các vấn đề khác liên quan đến ma túy, báo cáo và việc ra vào của các nghi phạm tội phạm.
Thứ năm, khi nhận được yêu cầu phối hợp thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát giao kiểm soát, cơ quan Hải quan phải vào sổ thụ lý và xử lý theo chế độ mật.
Quá trình thực hiện việc chuyển giao hàng có kiểm soát giao kiểm soát thì quy trình, thủ tục hải quan diễn ra bình thường và được hệ thống phê duyệt theo chế độ mật
Đối với Tờ khai Hải quan (thông quan khi kiểm tra, xác minh), cơ quan Hải quan thực hiện các thao tác quy định tại văn bản thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Thứ sáu, đối với các trường hợp cơ quan Hải quan có thông tin về việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua địa bàn hoạt động hải quan và đã được triển khai nhưng nhận được văn bản nêu tại mục 3 Bản hướng dẫn này thì xử lý theo trường hợp giao hàng có kiểm soát.
Thứ bảy, trường hợp cơ quan Hải quan xét thấy cần thực hiện việc giao hàng có kiểm soát và theo yêu cầu của cơ quan Hải quan nước ngoài, Interpol phối hợp thực hiện giao hàng có kiểm soát thì báo cáo Viện kiểm sát nhân dân (cấp tỉnh hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao) để xử lý theo quy định.
Thứ tám, đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm xử lý nghiệp vụ giao hàng có kiểm soát của cơ quan Hải quan có trách nhiệm theo dõi kết quả điều tra, xử lý vụ việc và báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan) để biện pháp xử lý khi cần thiết./.
ThS. Phạm Văn Bằng
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan
[1] Điều 224, 225 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử được áp dụng đối với nhóm tội phạm về ma túy.