Ngay từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự (THADS). Do đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế THADS luôn được quan tâm, chú trọng. Đến nay, hệ thống pháp luật thi hành án cơ bản đầy đủ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khả thi. Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu cấp thiết về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Chính phủ điện tử và nhu cầu của xã hội ngày càng cao, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung 2014 (Luật Thi hành án dân sự) và các văn bản hướng dẫn thi hành cần tiếp tục được rà soát, tổng kết, nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, trên cơ sở đó, đề ra những định hướng, chính sách lớn để sửa đổi nhằm đáp ứng và bắt kịp yêu cầu của thực tiễn.
1. Bối cảnh
Việc nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự được đặt ra trong bối cảnh như sau:
1.1. Về chính trị
Việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về THADS được tiến hành trong một giai đoạn quan trọng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế để thực hiện thành công các quan điểm, tư tưởng và chỉ đạo đổi mới phát triển đất nước thể hiện đậm nét qua các văn bản như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (năm 1995), Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1997), Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (năm 2004) và nhất là trong Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW (Kết luận số 84-KL/TW).
Việc đề xuất nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật THADS cũng phù hợp với chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển đất nước.
1.2. Về pháp lý
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, quá trình thi hành cho thấy, Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập xuất phát từ trong nội tại các quy định của Luật chưa theo kịp để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong thực tiễn phát triển của đất nước; mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với các pháp luật khác liên quan. Những vướng mắc thể hiện ở tất cả các giai đoạn tổ chức thi hành án, tập trung chủ yếu về quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên; tài sản cưỡng chế, các trường hợp cưỡng chế cụ thể; thủ tục cưỡng chế tài sản chung; thủ tục thi hành án có yếu tố nước ngoài và ủy thác tư pháp...
Bên cạnh các vướng mắc cụ thể trên thì còn những nội dung vướng mắc, lúng túng trong lý luận dẫn đến chưa rõ ràng, nhầm lẫn về nguyên tắc khi ban hành các quy định và thực hiện trên thực tiễn như việc xác định cơ quan THADS là cơ quan nhà nước thực hiện các yêu cầu dịch vụ công hay tư; hoặc việc chưa xác định bản chất của hoạt động THADS là hoạt động hành chính, hành chính - tư pháp hay là tư pháp dẫn đến các định hướng, chính sách còn chưa rõ ràng, “trung dung”. Có thể thấy, việc nhận thức đúng bản chất của THADS cũng chính là cơ sở khoa học để xây dựng pháp luật về THADS cho phù hợp.
1.3. Về thực tiễn
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, các vụ việc tranh chấp kinh tế, dân sự ngày càng nhiều, dẫn đến số lượng vụ việc cơ quan THADS phải thụ lý ngày một tăng, trong đó, phải kể đến các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay chưa có định hướng, chính sách riêng để áp dụng cho những việc THADS có yếu tố nước ngoài, dẫn đến trên thực tế, việc tổ chức thi hành án đối với những vụ việc này không đạt hiệu quả.
Khoa học - công nghệ, đặc việt là lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ mới phát triển nhanh chóng khiến cho các cơ chế chính sách về phương thức đăng ký, công khai, minh bạch tài sản cũng thay đổi theo, các cơ quan nhà nước sẽ quản lý các thông tin về tài sản, chủ sở hữu tài sản thông qua hệ thống dữ liệu liên thông trong toàn quốc. Do đó, tư duy ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác THADS cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
2. Một số định hướng, chính sách hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự
2.1. Định hướng rõ mô hình thi hành án dân sự Việt Nam
Hiện nay, trên thế giới, tùy theo đặc điểm truyền thống, môi trường pháp lý, điều kiện kinh tế - xã hội mà mỗi quốc gia có mô hình tổ chức THADS khác nhau, thể hiện dưới hình thức thi hành án công, thi hành án bán công và thi hành án tư nhân: (i) Tổ chức thi hành án công là tổ chức thi hành án bao gồm hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, các chấp hành viên là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, một số nước có tổ chức THADS công tiêu biểu là Thụy Điển, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Mỹ và phần lớn các nước trong cộng đồng chung châu Âu (Đức, Thụy Điển...). (ii) Tổ chức thi hành án bán công là tổ chức thi hành án vừa do công chức thực hiện đối với một số việc thi hành án nhất định như thu thuế, thi hành án đối với bất động sản và quyền tài sản, tịch thu tài sản sung công quỹ, phạt tiền…, vừa do viên chức thừa hành đảm nhiệm phần lớn các công việc THADS trên nguyên tắc tự lấy thu bù đắp chi phí thi hành án. Điển hình cho mô hình thi hành án bán công là Pháp, Nhật Bản, Đức , Hà Lan, Áo, Thụy Sỹ… (iii) Tổ chức thi hành án tư nhân là mô hình tổ chức chủ yếu theo quy chế thừa phát lại. Thừa phát lại do Nhà nước bổ nhiệm, là người hành nghề theo quy chế tự do, Nhà nước không trả lương mà hưởng thù lao do luật định. Thừa phát lại vừa thực hiện chức năng công quyền theo luật định (chức năng độc quyền), vừa thực hiện chức năng không độc quyền (lập các văn bản, thu hồi nợ, làm đại diện…) và chức năng trợ giúp khác cho người được thi hành án. Các nước có tổ chức thi hành án tư nhân như: Hy Lạp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Hungary...
Bên cạnh đó, tại một số quốc gia Đông Âu, Trung Âu (Bungari, Hungary, Cộng hòa Séc...) và Campuchia ở Đông Nam Á có nền kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã thực hiện xã hội hóa, chuyển đổi mô hình thi hành án nhà nước thành thừa phát lại hành nghề tự do, độc lập, có sự phân định phạm vi thẩm quyền thi hành án giữa thừa phát lại và thi hành án nhà nước.
Tại Việt Nam, trước khi thí điểm mô hình thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì THADS được tổ chức theo mô hình tổ chức công, độc lập. Sau khi chế định thừa phát lại được áp dụng, THADS tại Việt Nam được thực hiện theo mô hình thi hành án tư nhân song song tồn tại cùng với thi hành án nhà nước nhưng chỉ có chấp hành viên có đầy đủ quyền hạn tổ chức THADS. Việc xây dựng và phát triển mô hình thừa phát lại nhằm hai mục tiêu lớn là thực hiện chủ trương xã hội hóa THADS, góp phần giảm tải công việc cho cơ quan THADS và thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của thừa phát lại chưa đồng đều ở các địa phương và ở từng hoạt động cụ thể (trong số 04 hoạt động của thừa phát lại thực hiện thì hoạt động tống đạt văn bản và lập vi bằng chiếm tỷ lệ 99,21% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức THADS)[2]. Việc thực hiện hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án của thừa phát lại còn hạn chế, chiếm tỷ lệ 0,79% tổng doanh thu và gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, có thể thấy, mục tiêu xã hội hóa THADS chưa đạt được kết quả như mong muốn, trong khi đó, số lượng các việc thi hành án hằng năm là rất lớn, tỷ lệ án chưa có điều kiện thi hành án và có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được còn cao[3]. Do đó, theo tác giả, cần có khảo sát, đánh giá tổng thể thực tiễn, tìm ra nguyên nhân của thực tiễn thừa phát lại hoạt động kém hiệu quả để có cơ sở đề xuất khắc phục kịp thời.
Tại Kết luận số 84-KL/TW, Bộ Chính trị đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách tư pháp là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan thi hành án bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như vậy, việc xác định những định hướng về mô hình tổ chức THADS phục vụ sửa đổi Luật Thi hành án dân sự là rất cần thiết.
Hiện nay, có các quan điểm như sau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần giữ nguyên mô hình THADS hiện nay là THADS công song song tồn tại cùng với mô hình THADS tư nhân do thừa phát lại đảm nhiệm nhưng cần có các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình thi hành án tư nhân; đồng thời, xây dựng lộ trình, các bước cụ thể để dần chuyển từ mô hình thi hành án công sang mô hình THADS tư nhân. Theo quan điểm thứ hai, với kết quả đạt được của thừa phát lại về tổ chức THADS trong những năm qua đạt thấp, còn nhiều vấn đề pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu, do đó, nên giữ nguyên mô hình tổ chức THADS công do cơ quan THADS đảm nhiệm như trước khi có Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại và cần hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự cho phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Theo tác giả, mô hình THADS trong giai đoạn trước mắt cần theo quan điểm thứ hai để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật chung hiện nay.
2.2. Khôi phục chế định trả lại đơn yêu cầu thi hành án
Việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bị bãi bỏ bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Theo đó, những trường hợp trước đây thuộc diện trả lại đơn yêu cầu thì hiện nay đang được xếp vào diện việc chưa có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, bản chất của vụ việc là đương sự chưa có điều kiện thi hành án nếu xếp vào diện chưa có điều kiện thì sẽ xuất hiện rất nhiều vụ việc tồn từ năm này sang năm khác khiến cho lượng việc tồn rất lớn, đồng thời, việc theo dõi, quản lý rất tốn kém. Việc trả lại đơn không làm mất đi hiệu lực của bản án và quyền của đương sự. Như vậy, theo tác giả, cần thiết khôi phục chế định trả lại đơn yêu cầu theo như Luật Thi hành án dân sự năm 2008, bởi lẽ: Sau khi ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thì trách nhiệm của người được thi hành án phải theo dõi, phát hiện người phải thi hành án có tài sản, điều kiện thi hành án thì tiếp tục yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án để bảo đảm quyền và lợi ích của mình; cơ quan THADS không thể sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện thay đương sự về việc này.
2.3. Điều chỉnh phù hợp quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự; quyền hạn, trách nhiệm của chấp hành viên
- Điều chỉnh các quyền, tăng trách nhiệm, nghĩa vụ của đương sự
Về quyền thỏa thuận thi hành án, theo nguyên lý, khi tài sản đã bị cưỡng chế tức là đương sự sẽ bị hạn chế quyền về tài sản và các quyền khác liên quan đến tài sản. Việc quy định cho đương sự được thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá là không phù hợp bởi trong các trường hợp này, người phải thi hành án hoặc những người có tài sản bảo đảm sẽ tìm mọi cách chống đối, gây khó khăn cho việc cưỡng chế, xử lý tài sản. Do vậy, nên quy định khi đã có quyết định cưỡng chế tài sản thì các đương sự không còn các quyền này để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thi hành án.
Ngoài ra, quy định chỉ có đối tượng là người phải thi hành án được quyền chuộc lại tài sản là chưa đầy đủ bởi nhiều trường hợp chấp hành viên xử lý tài sản là của người khác dùng tài sản của mình để bảo lãnh cho khoản nghĩa vụ phải thi hành án. Do đó, cần quy định bổ sung đối với đối tượng là người có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ đã được tuyên trong bản án, quyết định của Tòa án.
- Điều chỉnh trách nhiệm, quyền hạn của chấp hành viên
Tiếp cận dưới góc độ Nhà nước tạo mọi điều kiện cho các đương sự, những việc đương sự không làm được Nhà nước sẽ thay mặt thực hiện. Ví dụ, quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật Thi hành án dân sự đã quy định cho chấp hành viên phải thực hiện thay đương sự đối với việc khởi kiện ra Tòa án phân chia tài sản chung trong trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu Tòa giải quyết. Theo tác giả, việc quy định vậy là chưa hợp lý bởi phần nào đã vi phạm nguyên tắc việc dân sự phải do cá nhân tự bảo vệ quyền lợi. Chính các đương sự mới biết về nguồn gốc hình thành tài sản, giá trị pháp lý của tài sản, nguồn gốc của sự tranh chấp, từ đó mới có căn cứ xuất trình cho Tòa án để giải quyết đối với vụ việc. Chấp hành viên không thể thực hiện việc cung cấp thông tin trên cho Tòa án theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, việc ngân sách nhà nước bỏ tiền chi trả các khoản phải nộp trong khi Tòa án xét xử như chi phí thẩm định giá, phí, lệ phí khác… (đáng lẽ các đương sự phải trả để bảo vệ quyền lợi cá nhân) là chưa phù hợp. Do vậy, nên quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên; quyền và nghĩa vụ của đương sự cho phù hợp với nguyên tắc đương sự phải tự bảo vệ quyền lợi và thực hiện các quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Trường hợp đương sự đã được chấp hành viên hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án mà không thực hiện để bảo vệ quyền lợi thì vụ việc sẽ tạm dừng giải quyết.
2.4. Về xác minh điều kiện thi hành án dân sự
Theo Điều 44, Điều 73 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nghĩa vụ xác minh điều kiện THADS của người phải thi hành án trước hết thuộc về người được thi hành án. Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh và người được thi hành án phải chịu chi phí xác minh.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã sửa đổi các quy định trên theo hướng, chấp hành viên có trách nhiệm xác minh điều kiện THADS của người phải thi hành án và ngân sách nhà nước chi trả chi phí xác minh. Việc sửa đổi này được xây dựng dựa trên cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được THADS nhưng lại chưa đúng với bản chất của quan hệ dân sự. Bởi lẽ, bản chất của THADS theo yêu cầu là việc Nhà nước tổ chức, cung cấp “dịch vụ công” để bảo vệ lợi ích tư của các chủ thể nên đương sự phải có trách nhiệm đối với yêu cầu và lợi ích của mình. Vì vậy, theo tác giả, cần sửa Luật Thi hành án dân sự theo hướng như quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
2.5. Khắc phục những vướng mắc, khó khăn của pháp luật hiện hành
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của pháp luật hiện hành, trong đó, tập trung một số nội dung:
- Về ủy thác thi hành án: Điều 57 Luật Thi hành án dân sự quy định, trước khi ủy thác, cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Quy định này dẫn đến mất nhiều thời gian để tổ chức thi hành đối với một vụ việc, nhất là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn vừa được xét xử trong những năm vừa qua bởi đối với loại án này thì đa số người phải thi hành án có nhiều tài sản lớn ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau và phải thi hành trả cho ngân sách nhà nước với số tiền rất lớn. Do đó, cần thiết sửa đổi quy định này. Theo tác giả, để khắc phục những hạn chế nêu trên, bên cạnh cơ chế ủy thác thi hành án (ủy thác toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án) như hiện nay, cần bổ sung chế định về ủy thác xử lý tài sản trên địa bàn khác.
- Đối với thủ tục cưỡng chế: Cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với tài sản là cổ phần, cổ phiếu; tài sản hình thành trong tương lai. Đây là những loại tài sản ngày càng có xu hướng nhiều lên do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
2.6. Xây dựng chính sách pháp luật đặc thù trong công tác thi hành án dân sự
Thứ nhất, quy định về thi hành án có yếu tố nước ngoài còn nhiều vướng mắc như:
- Chưa xác định rõ khái niệm THADS có yếu tố nước ngoài: Chưa có quy định khái niệm THADS có yếu tố nước ngoài mà cơ bản các cơ quan THADS phải vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành như khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền tổ chức thi hành án: Theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự thì địa chỉ, nơi cư trú của đương sự là một trong những căn cứ xác định cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, có rất nhiều tình huống trên thực tế có thể dẫn đến sự thay đổi về thẩm quyền tổ chức thi hành án. Do đó, có thể đưa ra các tình huống khác nhau để xác định thẩm quyền tổ chức thi hành án.
- Luật Thi hành án dân sự chưa phân biệt và quy định các phương thức tống đạt, thông báo cho đương sự ở nước ngoài đối với những trường hợp cụ thể. Quy định về thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp kéo dài như hiện nay làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án.
Vì vậy, cần nghiên cứu toàn diện để xây dựng một chương riêng về thi hành án có yếu tố nước ngoài để thống nhất thực hiện, phù hợp với xu thế hội nhập, tuân theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, về bán đấu giá tài sản thi hành án: Hiện nay, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Tuy nhiên, về bản chất, việc đấu giá tài sản thi hành án có tính chất cưỡng chế, bắt buộc để thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, khác với tính chất đấu giá tài sản tự nguyện trong quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, cần nghiên cứu những định hướng, chính sách riêng đối với việc bán đấu giá tài sản thi hành án có tính chất đặc thù này để hạn chế một số quyền của đương sự cũng như giảm số lần bán đấu giá.
2.7. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự
Hiện nay, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan THADS cũng cần thay đổi đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội như: Yêu cầu thi hành án, giao văn bản về thi hành án, thông tin về việc tổ chức thi hành án cho các đương sự, các tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi liên quan theo các hình thức trực tuyến như các phần mềm hỗ trợ trực tuyến, các trang mạng xã hội phổ biến như zalo, email hay trang fanpage chính thức của các tổ chức, cá nhân, cơ quan THADS; truy cập các phần mềm quản lý của các cơ quan chuyên ngành về bất động sản, động sản, tài khoản, giấy tờ có giá... để xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về việc thi hành án có liên quan đối với các loại tài sản này, làm cho mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với người dân, doanh nghiệp ngày càng gần gũi, thân thiện, phục vụ có hiệu quả hơn. Thúc đẩy cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, công sở điện tử. Để bảo đảm thực hiện khả thi trên thực tiễn cần phải có sự hoàn thiện đồng bộ của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu thì khi sửa Luật Thi hành án dân sự cũng cần có quy định có tính dự báo dài cho tiến trình tất yếu của sự phát triển.
Trên đây là những phân tích, nhận định ban đầu về bối cảnh và những định hướng, chính sách hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự của tác giả. Việc nghiên cứu, xây dựng những định hướng, chính sách phục vụ việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia nghiên cứu, phối hợp của quý học giả, bạn đọc để việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung được thiết thực, hiệu quả, đạt chất lượng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng những định hướng, chính sách lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự” của Bộ Tư pháp, năm 2021.
[2]. Bộ Tư Pháp (Cục Bổ trợ tư pháp), Báo cáo chuẩn bị một số nội dung phục vụ cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hà Nội ngày 01/9/2020, tr. 5.
[3]. Bộ Tư pháp, Báo cáo tổng kết công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.