Thứ sáu 20/06/2025 17:34
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Hoàn thiện các quy định của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Theo quy định tại Điều 5 Dự thảo lần hai Luật Thanh tra (sửa đổi) (Dự thảo Luật), chủ thể có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra bao gồm: (i) Thủ tướng Chính phủ; (ii) Tổng Thanh tra Chính phủ; (iii) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (iv) Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc bộ và tương đương; (v) Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; (vi) Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện).

1. Chủ thể tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra và cơ quan thanh tra ở đơn vị hành chính cấp huyện


Theo quy định tại Điều 5 Dự thảo lần hai Luật Thanh tra (sửa đổi) (Dự thảo Luật), chủ thể có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra bao gồm: (i) Thủ tướng Chính phủ; (ii) Tổng Thanh tra Chính phủ; (iii) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (iv) Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc bộ và tương đương; (v) Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; (vi) Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện). Việc xác định chủ thể có thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra đối với các chức danh trên dựa vào mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra (CQTT) trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Điều 14 Dự thảo Luật bao gồm: (i) Thanh tra Chính phủ; (ii) Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; (iii) Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ và tương đương; (iv) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (v) Thanh tra sở; (vi) Thanh tra quận, huyện, thành phố thuộc cấp tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Nghĩa là, đồng thời với các CQTT sẽ có các thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tương ứng thực hiện việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra.


Tuy vậy, thông qua hai điều luật trên, có thể thấy, việc liệt kê các chủ thể có thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra ở cấp huyện cũng như các CQTT được tổ chức trong cơ quan hành chính nhà nước ở cấp huyện chưa thực sự đầy đủ. Bởi lẽ, quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã xác định đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: “Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”. Do đó, trong trường hợp xác định rõ về mặt nguyên tắc, thanh tra huyện được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện[1] thì cần liệt kê một cách đầy đủ nhằm bảo đảm sự tương thích giữa quy định của Dự thảo Luật với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Vì vậy, Điều 5 Dự thảo Luật cần được chỉnh lý bằng cách bổ sung thêm cụm từ “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, quy định tại khoản 6 Điều 14 cần bổ sung thêm cụm từ “thị xã”. Bên cạnh đó, cần loại bỏ từ “cấp” trong quy định tại khoản 6 Điều 14 do quy định này đang liệt kê các đơn vị hành chính cấp huyện và từ “cấp” ở đây không phản ánh đúng nghĩa các đơn vị hành chính được liệt kê tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.


2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở, Thanh tra huyện và thời gian gửi Kế hoạch thanh tra


Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật trong việc xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra (KHTT) so với pháp luật thanh tra hiện hành[2] là KHTT của Thanh tra sở và Thanh tra huyện sẽ được gửi đến Thanh tra tỉnh để tổng hợp thành một KHTT chung của tỉnh, sau đó sẽ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành (điểm a khoản 1 Điều 28). KHTT của Thanh tra bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục thì tập hợp thành KHTT của bộ và trình Bộ trưởng ban hành (điểm b khoản 1 Điều 20). Điều này nhằm bảo đảm sự thống nhất, tránh việc trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các CQTT với nhau, thậm chí là hoạt động thanh tra với kiểm toán và với hoạt động kiểm tra. Vì vậy, Dự thảo Luật đã triển khai theo hướng chỉ có KHTT của Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh sẽ do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp (Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) phê duyệt và ban hành, còn KHTT của các cơ quan khác thì không bắt buộc. Điều này được khẳng định dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 24 Dự thảo Luật về xây dựng KHTT của Thanh tra Tổng cục, Cục; khoản 1 Điều 32 về xây dựng KHTT của Thanh tra sở và điểm a khoản 1 Điều 36 về KHTT của Thanh tra huyện. Từ đó, dẫn đến KHTT của Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở, Thanh tra huyện không nhất thiết phải được Tổng Cục trưởng, Cục trưởng; Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt trước khi gửi cho chủ thể có thẩm quyền tổng hợp và ban hành.


Tuy nhiên, quy định này rõ ràng chưa cho thấy được bản chất của hoạt động thanh tra là luôn gắn với hoạt động quản lý nhà nước cũng như chưa phù hợp với tinh thần, ý nghĩa của KHTT. Thực chất, “thanh tra luôn gắn liền với quản lý nhà nước, với tư cách là một chức năng, một giai đoạn của chu trình quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra không thể tách rời hoạt động quản lý nhà nước”[3], “thanh tra không có mục đích tự thân mà là để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của nhà nước ngày càng có hiệu quả, hiệu lực, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”[4]. Mặt khác, quy định tại khoản 5 Điều 2 Dự thảo Luật xác định: “Kế hoạch thanh tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong 01 năm do cơ quan thanh tra xây dựng để thực hiện Định hướng hoạt động thanh tra hằng năm và yêu cầu quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp”. Như vậy, KHTT được xây dựng nhằm đáp ứng đồng thời hai mục tiêu, đó là để thực hiện Định hướng hoạt động thanh tra hằng năm và theo yêu cầu quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Theo Dự thảo Luật thì Tổng cục trưởng, Cục trưởng; Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện chính là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở và Thanh tra huyện. Vì vậy, nếu không trao thẩm quyền, ít nhất là phê duyệt KHTT của Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở; Thanh tra huyện đối với Tổng cục trưởng, Cục trưởng; Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện thì khả năng bảo đảm KHTT đạt được đồng thời hai mục tiêu như trên sẽ kém khả thi. Rõ ràng, xuất phát từ yêu cầu của hoạt động quản lý, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong chừng mực nào đó sẽ nảy sinh nhu cầu thanh tra đối với các đối tượng quản lý nhất định, vì vậy, để bảo đảm hoàn thành được mục tiêu đó, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về mặt hình thức, ít nhất phải có thẩm quyền phê duyệt KHTT nhằm điều hướng, bảo đảm hoạt động thanh tra phục vụ cho hoạt động quản lý của mình đạt được hiệu quả. Không những vậy, Điều 23 Dự thảo Luật đã khẳng định: “Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng, Cục trưởng”. Điều này cũng lặp lại tương tự đối với Thanh tra sở và Thanh tra huyện. Vì vậy, nếu không trao quyền được phê duyệt KHTT cho 03 chức danh trên đối với các CQTT giúp việc cho họ, sẽ khó bảo đảm được tính chỉ đạo, điều hành của chủ thể này đối với hoạt động thanh tra.


Bên cạnh đó, theo lôgíc, khi đặt ra vấn đề Tổng cục trưởng, Cục trưởng; Giám đốc sở; Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt KHTT của Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở và thanh tra huyện trước khi trình Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành thì cũng cần phải điều chỉnh thời gian xây dựng KHTT so với Dự thảo Luật bằng cách lùi lại 05 ngày nhằm bảo đảm thời gian tiến hành việc xây dựng, phê duyệt và gửi KHTT tổng hợp. Như vậy, thông qua các phân tích ở trên, quy định tại khoản 1 Điều 24 cần bổ sung Tổng cục trưởng, Cục trường phê duyệt KHTT; khoản 1 Điều 32 bổ sung Giám đốc sở phê duyệt KHTT; điểm a khoản 1 Điều 36 cần bổ sung Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt KHTT và Điều 49 Dự thảo Luật cần điều chỉnh như sau:
“3. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 hằng năm, Chánh thanh tra Tổng cục, Cục, Chánh Thanh tra sở, Chánh thanh tra huyện… xây dựng kế hoạch thanh tra của mình trình Tổng cục Trưởng, Cục trưởng; Giám đốc sở; Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.
Tổng cục Trưởng, Cục trưởng; Giám đốc sở; Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 20 tháng 10 hằng năm.


Chậm nhất vào ngày 25 tháng 10 hằng năm, Chánh thanh tra Tổng cục, Cục gửi cho thanh tra bộ để tổng hợp vào Kế hoạch thanh tra của bộ trình Bộ trưởng ban hành;...”.


3. Thời hạn thanh tra và gia hạn thời hạn thanh tra


Thứ nhất, cần phân hóa thời hạn thanh tra hành chính và thời hạn thanh tra chuyên ngành. So với pháp luật thanh tra hiện hành, quy định tại Điều 51 Dự thảo Luật cho thấy sự thay đổi rất lớn khi không phân định thời hạn thanh tra hành chính và thời hạn thanh tra chuyên ngành mà áp dụng chung. Từ đó, dẫn đến các chủ thể khi tiến hành hoạt động thanh tra sẽ áp dụng thống nhất một loại thời hạn thanh tra, bất kể vụ việc đó được tiến hành dưới loại hình thanh tra như thế nào. Sự điều chỉnh này rõ ràng là thiếu phù hợp và tạo nên thách thức không nhỏ khi tiến hành triển khai trên thực tế. Một mặt, Dự thảo Luật vẫn tiếp tục phân định hoạt động thanh tra thành hai loại là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Hai loại này mặc dù tồn tại những điểm giao thoa nhưng khác nhau về bản chất. Điều này không những được chỉ rõ về mặt lý luận[5] mà còn được minh thị trong khái niệm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật. Mặt khác, việc phân định giữa thời hạn thanh tra hành chính và thời hạn thanh tra chuyên ngành cũng như tách ra để quy định riêng biệt là có cơ sở. Bởi lẽ, “trong quản lý nhà nước, mỗi ngành, lĩnh vực có những đặc thù khác nhau nên yêu cầu về thời hạn thanh tra không thể quy định giống nhau được”[6]. Một điểm đáng lưu ý là, thực tiễn hoàn toàn không đặt ra nhu cầu về việc xóa bỏ ranh giới giữa hai loại thời hạn thanh tra như trên, sự phân định của pháp luật hiện hành đã và đang được các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra vận dụng một cách tương đối hiệu quả. Trong Báo cáo tổng kết 09 năm thi hành Luật Thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng không đề cập đến việc chia tách thời hạn thanh tra như trên của pháp luật hiện hành là bất cập. Thậm chí, định hướng sửa đổi về thời hạn thanh tra cũng không bàn đến vấn đề này. Có chăng, đó chỉ là vấn đề liên quan đến việc chậm ban hành báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra[7]. Vì lẽ đó, theo tác giả, Dự thảo Luật cần kế thừa sự hợp lý trong quy định về thời hạn thanh tra của Luật Thanh tra năm 2010 và có sự điều chỉnh theo hướng phân định giữa thời hạn thanh tra hành chính và thời hạn thanh tra chuyên ngành. Qua đó, bảo đảm được tính đặc thù của từng loại hình thanh tra và tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật thanh tra.


Thứ hai, cần ghi nhận căn cứ gia hạn thời hạn thanh tra đang thanh tra ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn đối với tất cả các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và bổ sung căn cứ này vào Điều 73 của Dự thảo Luật.Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 51 Dự thảo Luật, có thể hiểu, căn cứ để Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục quyết định gia hạn thời hạn thanh tra chỉ dựa vào tính chất phức tạp của vụ việc. Còn đối với Thanh tra sở, Thanh tra huyện, điểm c khoản 1 Điều 51 Dự thảo Luật xác định căn cứ để gia hạn thanh tra bao gồm hai căn cứ là đang thanh tra ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn và vụ việc phức tạp. Thực tế, khi tiến hành hoạt động thanh tra, xác suất để chủ thể thanh tra gặp phải những vụ việc có tính chất phức tạp hoặc phải tiến hành thanh tra ở những khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn hoặc cả hai lý do trên là ngang nhau[8]. Do đó, không thể tránh khỏi hiện tượng các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục khi thanh tra sẽ tiến hành ở những khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, từ đó dẫn đến việc thu thập các tài liệu, chứng cứ cũng bị ảnh hưởng, kéo dài hơn. Vì vậy, việc chưa ghi nhận căn cứ được gia hạn thời hạn thanh tra là đang thanh tra ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn đối với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục là chưa toàn diện và sát với thực tiễn.


Một điều cũng cần nói đến là lý do để gia hạn thời hạn thanh tra tại Điều 51 sẽ được viện dẫn đến quy định tại Điều 73 Dự thảo Luật nhưng Điều 73 Dự thảo Luật lại chưa liệt kê đến căn cứ đang thanh tra ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn để các CQTT có thể gia hạn thời hạn thanh tra. Vì thế, một khi đã đề cập đến căn cứ này làm cơ sở cho việc gia hạn thời hạn thanh tra thì tối thiểu phải được đưa vào Điều 73 Dự thảo Luật bên cạnh căn cứ vụ việc phức tạp và đặc biệt phức tạp. Sự ghi nhận này sẽ bảo đảm sự đồng bộ nội tại giữa các quy định khi cùng điều chỉnh về một vấn đề, tránh sự thiếu nhất quán không đáng có. Hơn thế nữa, khi đã ghi nhận căn cứ này vào Điều 73 thì cũng cần phải có sự diễn giải rõ ràng như khi giải thích căn cứ phức tạp và đặc biệt phức tạp, từ đó mới bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được minh thị, thống nhất và đồng bộ. Từ những cơ sở trên, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 51 Dự thảo Luật cần bổ sung thêm căn cứ thanh tra ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn để gia hạn thời hạn thanh tra và Điều 73 Dự thảo Luật cần chỉnh lý như sau: “1. Gia hạn thời hạn thanh tra trong trường hợp phức tạp và ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, bao gồm: …d) Miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra là địa bàn các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được chủ thể có thẩm quyền công nhận[9]”.


4. Về công bố Quyết định thanh tra và báo các chủ thể có liên quan khi thanh tra ngoài giờ hành chính


Một là, cần xác định rõ, UBND cấp xã thực hiện xác nhận trong thủ tục công bố Quyết định thanh tra (QĐTT) và điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều 68 Dự thảo Luật. Công bố QĐTT là một thủ tục có ý nghĩa quan trọng, một mặt, đây là “mốc thời gian để tính thời hạn tiến hành thanh tra trực tiếp tại cơ sở”[10]. Mặt khác, việc công bố QĐTT không nằm ngoài mục đích nhằm xác lập tư cách chính thức của chủ thể thanh tra với đối tượng thanh tra cũng như giá trị pháp lý của hoạt động thanh tra và công khai các thông tin cần thiết về hoạt động thanh tra cho đối tượng thanh tra biết. Qua đó, bảo đảm sự hợp tác của đối tượng thanh tra, hợp pháp hóa việc thực hiện quyền của chủ thể thanh tra trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra nếu có. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống nào, chủ thể thanh tra cũng phải có trách nhiệm công bố QĐTT. Thậm chí, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì sau khi lập biên bản vi phạm của đối tượng thanh tra, chủ thể thanh tra cũng phải tiến hành việc công bố QĐTT (Điều 67 Dự thảo Luật). Chỉ loại trừ trường hợp trên, hầu hết các trường hợp khác chủ thể thanh tra đều phải thực hiện công bố QĐTT trước khi tiến hành hoạt động thanh tra trên thực tế với đối tượng thanh tra. Một điểm đáng lưu ý là, “trong trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi chống đối, cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của UBND cấp xã và tiếp tục thực hiện thanh tra theo kế hoạch” (khoản 2 Điều 67 Dự thảo Luật). Quy định này được xem là hợp lý vì trong trường hợp đối tượng thanh tra bất hợp tác, rõ ràng không thể thực hiện việc công bố QĐTT theo thủ tục thông thường với đầy đủ thành phần như Đoàn thanh tra, Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Tuy vậy, quy định trên cần làm rõ, nếu như lấy xác nhận của UBND cấp xã thì đó là UBND xã nào (nơi tiến hành hoạt động thanh tra, hay là trụ sở của đối tượng thanh tra, nơi cư trú của cá nhân[11]). Bởi lẽ, không phải trong mọi trường hợp, trụ sở của đối tượng thanh tra và nơi cần tiến hành hoạt động thanh tra đều đồng nhất. Chẳng hạn, trong hoạt động thanh tra an toàn lao động đối với công trình xây dựng là nhà ở, nhà cao tầng…[12] thì rõ ràng địa điểm thanh tra với trụ sở của doanh nghiệp, công ty có thể khác nhau. Về mặt pháp lý, địa điểm công bố QĐTT không được định danh rõ, điều này nhằm bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp của Đoàn thanh tra khi quyết định công bố QĐTT nhằm đáp ứng nhu cầu của hoạt động thanh tra nhưng cũng không gây phiền hà cho đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, để tránh việc áp dụng pháp luật trở nên lúng túng, không đồng bộ, thống nhất, dễ phát sinh hiện tượng khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra, Dự thảo Luật cần xác định rõ khi rơi vào trường hợp trên thì Trưởng đoàn thanh tra sẽ lấy xác nhận của UBND cấp xã nào.


Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 67 Dự thảo Luật khẳng định: “Việc công bố Quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản, có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra”. Quy định này tuyệt đối hóa trong mọi trường hợp, việc công bố QĐTT phải lập biên bản và có chữ ký của đầy đủ các thành phần là Trưởng đoàn thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Tuy vậy, điều này là thiếu logic và chặt chẽ khi khoản 2 đã dự liệu trường hợp đối tượng thanh tra bất hợp tác thì lấy xác nhận của UBND cấp xã thay thế. Điều này cũng không loại trừ hiện tượng cho dù kết thúc việc thanh tra đi chăng nữa thì đối tượng thanh tra cũng không ký vào biên bản công bố QĐTT. Vì lẽ đó, để bảo đảm tính chính danh của Đoàn thanh tra, tính hợp pháp của hoạt động thanh tra, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ thanh tra, việc công bố QĐTT phải lập biên bản nhưng nếu đối tượng thanh tra không thiện chí, thiếu sự hợp tác, cố tình không ký vào biên bản thì có thể thay thế bằng xác nhận của UBND cấp xã.


Hai là, điều chỉnh quy định về việc báo các chủ thể có liên quan khi Đoàn thanh tra quyết định thanh tra ngoài giờ hành chính. Khoản 2 Điều 68 Dự thảo Luật quy định: “Đoàn thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính. Trong trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định về thời gian cụ thể, báo cho các bên có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Như vậy, Dự thảo Luật thanh tra chính thức luật hóa việc thanh tra ngoài giờ hành chính đối với hoạt động thanh tra[13], điều này là hoàn toàn phù hợp vì trong rất nhiều trường hợp, để bảo đảm hoạt động thanh tra đạt được chất lượng, có hiệu quả, Đoàn thanh tra phải tiến hành hoạt động thanh tra ngoài giờ hành chính mới có thể phát hiện ra sai phạm của đối tượng thanh tra. Đặc biệt là những ngành nghề có thời gian hoạt động chủ yếu ngoài giờ hành chính như karaoke, vũ trường, khách sạn… thì việc thanh tra ngoài giờ hành chính trong nhiều trường hợp là hợp lý. Tuy vậy, Dự thảo Luật xác định trong mọi tình huống khi thanh tra ngoài giờ hành chính, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cho các bên có liên quan dường như chưa thực sự phù hợp về mặt thực tiễn cũng như pháp lý. Bởi lẽ, khi thanh tra ngoài giờ hành chính và đặc biệt là trong trường hợp thanh tra đột xuất, rõ ràng, Đoàn thanh tra không cần phải báo cho các bên liên quan biết vì việc lộ, lọt thông tin có thể diễn ra và không bảo đảm được hiệu quả của hoạt động thanh tra nếu vấn đề này xuất hiện. Chẳng hạn, để bảo đảm việc thanh tra an toàn lao động đối với công trình xây dựng là nhà ở, nhà cao tầng… Đoàn thanh tra quyết định sẽ thanh tra ngoài giờ hành chính theo hình thức thanh tra đột xuất và nơi làm việc là tại công trình xây dựng. Từ đó, Đoàn thanh tra không nhất thiết phải báo cho các bên liên quan biết trước mà chỉ cần thực hiện việc công bố QĐTT khi đến thanh tra thì đã bảo đảm tính chính danh và hợp pháp của hoạt động thanh tra. Về mặt pháp lý, điều này cũng làm nảy sinh mâu thuẫn nội tại với quy định về hình thức thanh tra đột xuất của Dự thảo Luật và xuất hiện hiện tượng xung đột pháp luật giữa Luật Thanh tra với pháp luật có liên quan, chẳng hạn như Bộ luật Lao động năm 2019. Bởi lẽ, quy định tại khoản 2 Điều 216 Bộ luật Lao động năm 2019 xác định: “Khi thanh tra đột xuất theo quyết định của người có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc thì không cần báo trước”. Ngược lại, nếu không phải là thanh tra đột xuất, để bảo đảm sự hợp tác của đối tượng thanh tra, việc báo cho các bên liên quan, đặc biệt là đối tượng thanh tra biết là điều cần thiết. Vì lẽ đó, quy định tại khoản 2 Điều 68 cần điều chỉnh theo hướng báo cho các bên có liên quan biết, trừ trường hợp thanh tra đột xuất.


5. Một số nội dung khác


Thứ nhất, cần loại bỏ một số quy định tồn tại sự trùng lặp
- Bỏ điểm b khoản 1 Điều 29 Dự thảo Luật về nhiệm vụ của Chánh thanh tra tỉnh “quyết định thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật”, do đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 29 Dự thảo Luật. Mặt khác, loại bỏ quy định này trong phần “nhiệm vụ” thay vì “quyền hạn” vì các chủ thể khác như Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tổng cục, Cục và Chánh thanh tra huyện đều ghi nhận ở quyền hạn (Điều 18, Điều 22, Điều 25, Điều 37).
- Bỏ quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 91 Dự thảo Luật: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký Kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai Kết luận thanh tra” vì quy định này đã được quy định tại khoản 3 của chính điều luật này trong Dự thảo Luật.
Thứ hai, cần điều chỉnh một số quy định dẫn chiếu còn sai sót
- Khoản 2 Điều 51 Dự thảo Luật viện dẫn Điều 73 đổi thành Điều 74 vì quy định về tạm dừng cuộc thanh tra được quy định tại Điều 74 Dự thảo Luật.
- Khoản 3 Điều 51 Dự thảo Luật viện dẫn Điều 72 đổi thành Điều 73 vì quy định về gia hạn thời hạn thanh tra được quy định tại Điều 73 Dự thảo Luật.
- Điểm o khoản 1 Điều 61 Dự thảo Luật viện dẫn khoản 3 Điều 70 đổi thành khoản 3 Điều 71 vì quy định chuyển hồ sơ, tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 71 Dự thảo Luật.
- Điểm e khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật viện dẫn Điều 57 đổi thành Điều 56 vì quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp để dẫn đến cuộc thanh tra bị đình chỉ được quy định tại Điều 56 Dự thảo Luật.
- Khoản 1 Điều 98 Dự thảo Luật viện dẫn điểm b khoản 2 Điều 96 đổi thành điểm b khoản 2 Điều 97 vì quy định cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, khách quan thông tin, tài liệu được quy định điểm b khoản 2 Điều 97 Dự thảo Luật.

ThS. Võ Tấn Đào
Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh


[1] Theo tinh thần của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần hai thì chỉ những đơn vị hành chính cấp huyện đáp ứng các điều kiện luật định mới được tổ chức thanh tra huyện (tức không phải bất kỳ đơn vị hành chính cấp huyện nào cũng tổ chức thanh tra huyện).

[2] Pháp luật thanh tra hiện hành thiết kế nguyên lý xây dựng kế hoạch thanh tra dựa trên việc CQTT cấp trên xây dựng trước rồi đến CQTT cấp dưới xây dựng thông qua việc đối chiếu với KHTT của CQTT tra cấp trên đã ban hành. Vì vậy, mỗi một cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đều có KHTT riêng cho cơ quan mình và được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt/phê duyệt và ban hành (Điều 36 Luật Thanh tra năm 2010).

[3] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Tập bài giảng Pháp luật thanh tra, khiếu nại và tố cáo, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, tr. 23.

[4] Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Đặc san tuyên truyền pháp luật số 6/2012 - Chủ đề Thanh tra và pháp luật về thanh tra, Hà Nội, năm 2012, tr. 11.

[5] Xem thêm: Đinh Văn Minh, Phân định thanh tra hành chính - thanh tra chuyên ngành: Những vướng mắc đặt ra cho việc sửa đổi Luật Thanh Tra, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số chuyên đề 9 (146), năm 2009, tr. 23.

[6] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 376/BC-UBTVQH12 ngày 15/10/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi),Hà Nội, năm 2011, tr. 11.

[7] Thanh tra Chính phủ, Báo cáo tổng kết 09 năm thi hành Luật Thanh tra, Hà Nội, năm 2019, tr. 25.

[8] Võ Tấn Đào & Hồ Quang Chánh, Thời hạn thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2010, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 02, năm 2018, tr. 13.

[9] Có thể tham khảo: Quyết định số 01/2007/QĐ-UBDT ngày 31/5/2007 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao do điều chỉnh địa giới hành chính…

[10] Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tự pháp) & Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), Đề cương giới thiệu Luật Thanh tra năm 2010, Hà Nội, năm 2011, tr. 16.

[11] Địa điểm thanh tra theo Dự thảo luật xác định cũng có thể là trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, trụ sở CQTT hoặc tại nơi tiến hành kiểm tra, xác minh theo Kế hoạch tiến hành thanh tra (khoản 1 Điều 68 Dự thảo Luật).

[12] Xem thêm Điều 15 Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ về Tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

[13] Luật Thanh tra năm 2010 chưa ghi nhận về vấn đề này và thanh tra ngoài giờ hành chính chỉ được đề cập tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (được thay thế bởi Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra).

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Thực hiện phân quyền, phân cấp trong bối cảnh xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Thực hiện phân quyền, phân cấp trong bối cảnh xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới là điều cần thiết. Các địa phương sau sắp xếp đứng trước những yêu cầu cấp thiết về đổi mới, vận hành hiệu quả mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Bài viết đề xuất một số kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong hoạt động chính quyền địa phương, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ trong bối cảnh mới.
Hoàn thiện chế định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Hoàn thiện chế định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ngày 05/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Bài viết nghiên cứu, phân tích về những nội dung cần bổ sung vào chế định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân xã ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân xã ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang lấy ý kiến nhân dân để thực hiện các chủ trương của Đảng về việc sắp xếp lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, không tổ chức cấp huyện. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi bộ máy hành chính phải được tổ chức khoa học, tinh, gọn, minh bạch, hiệu quả nhằm tạo đà cho đất nước phát triển càng trở lên cấp thiết. Xuất phát từ thực trạng tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân xã và đòi hỏi của thực tiễn, bài viết đề xuất một số gợi mở về đổi mới tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân xã trong thời gian tới.
Xây dựng chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Góc nhìn từ cơ sở

Xây dựng chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Góc nhìn từ cơ sở

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, việc tổ chức lại bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) là yêu cầu tất yếu. Điều này đòi hỏi phải cải cách toàn diện cả về cấu trúc chiều ngang (sáp nhập địa giới hành chính) và chiều dọc (rút gọn cấp chính quyền trung gian) nhằm mở rộng không gian phát triển, tăng cường tính liên kết giữa trung ương và cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Bài viết nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền địa phương gắn với địa bàn cụ thể dưới góc nhìn từ cơ sở (Tây Nguyên) để đưa ra những phân tích, nhận định và đề xuất giải pháp cho việc cải cách chính quyền địa phương theo dự thảo Nghị quyết.
So sánh mô hình chính quyền địa phương giữa Cộng hòa Pháp với Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam

So sánh mô hình chính quyền địa phương giữa Cộng hòa Pháp với Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam

Bài viết phân tích, nghiên cứu thiết chế chính quyền địa phương ở Cộng hòa Pháp và Việt Nam; so sánh một số điểm tương đồng, khác biệt về tổ chức, hoạt động chính quyền địa phương theo hiến pháp của hai nước. Trên cơ sở mô hình tổ chức, hoạt động chính quyền địa phương của Cộng hòa Pháp, bài viết đề xuất một số kiến nghị để Việt Nam nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy theo các chủ trương, chính sách của Đảng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam - Thực trạng pháp lý và khuyến nghị hoàn thiện

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam - Thực trạng pháp lý và khuyến nghị hoàn thiện

Bài viết tập trung phân tích thực trạng pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và thực tiễn áp dụng trí tuệ nhân tạo vào xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc, bài viết đề xuất các khuyến nghị để xây dựng khung pháp lý toàn diện, hiệu quả hơn trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trách nhiệm hữu hạn trong các loại hình công ty và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Bài viết phân tích, đánh giá một số khía cạnh pháp lý, kinh tế của chế độ trách nhiệm hữu hạn trong các loại hình công ty, từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về chế độ trách nhiệm hữu hạn trong pháp luật doanh nghiệp hiện hành ở Việt Nam.

Hoàn thiện quy định pháp luật về căn cứ chấm dứt sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng

Bài viết nghiên cứu, phân tích các quy định pháp luật về căn cứ chấm dứt sử dụng di sản dung vào việc thờ cúng qua các thời kỳ và thực tiễn áp dụng pháp luật qua công tác xét xử của Tòa án đối với tranh chấp liên quan đến chấm dứt sử dụng di sản dung vào việc thờ cúng, từ đó, đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện chế định này.
Bảo đảm cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương

Bảo đảm cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ngày 05/5/2025, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Bảo đảm trách nhiệm và cơ chế giải trình khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Bảo đảm trách nhiệm và cơ chế giải trình khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một sự kiện chính trị và pháp lý trọng đại, dù ở phạm vi, quy mô nào cũng là một công việc rất hệ trọng, thiêng liêng. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể Nhân dân theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính  – bổ sung nhiều quy định mới

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính – bổ sung nhiều quy định mới

Trên cơ sở phát biểu đề dẫn của đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật, phát biểu của đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính về sự cần thiết, quá trình soạn thảo và định hướng xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm pháp luật hành chính, Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi pham hành chính” đã tiếp nhận được gần 20 ý kiến phát biểu và hơn 10 bài nghiên cứu chuyên sâu. Các bài viết và ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính tổng hợp, xem xét để gửi tới cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong quá trình xây dựng, quyết định chính sách.
Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp

Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu toàn văn Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp.
Dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp  nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu toàn văn dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV - xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV - xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng ngày 05/5/2025. Đây là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Theo dõi chúng tôi trên:

mega story

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm