1. Khái quát về hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện
1.1. Khái niệm
Trong những thập kỷ gần đây, đóng góp từ thiện ở Việt Nam thường được huy động qua các kênh chính thức hoặc các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Việc kêu gọi, quyên góp cứu trợ thường tập trung vào một số lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, cứu trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, cứu trợ trẻ em, người già neo đơn, hỗ trợ người tàn tật, nạn nhân của các vụ bạo hành, lạm dụng hay tổ chức truyền thông, vận động các chiến dịch, tình nguyện viên trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, môi trường…
Có thể thấy rằng hoạt động từ thiện nói chung bao gồm rất nhiều hoạt động như: Kêu gọi, quyên góp, tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp… Như vậy, hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện là gì?
Hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện xuất phát từ tính nhân đạo - một bản tính sẵn có trong mỗi con người, đó vừa là nhu cầu, là tình cảm, vừa là xu thế hướng thiện của con người.
Theo Từ điển tiếng Việt thì “kêu gọi” là lên tiếng yêu cầu, động viên làm việc gì[1]; còn “quyên góp” là đóng góp hoặc vận động mọi người đóng góp tiền của để làm việc nghĩa, việc có ích chung[2]. Cứu trợ là sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội về vật chất cho mọi người trong xã hội khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, không đủ khả năng để lo được các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, của bản thân và gia đình.
Hoạt động cứu trợ bao gồm hai nội dung là cứu tế và trợ giúp. Cứu tế xã hội là sự giúp đỡ bằng tiền mặt hoặc hiện vật có tính khẩn thiết “cấp cứu” ở mức “tối cần thiết” cho những người bị lâm vào cảnh bần cùng, không còn khả năng có thể tự lo liệu cho cuộc sống thường ngày của bản thân và gia đình. Còn trợ giúp xã hội là sự giúp đỡ thêm vật chất bằng tiền hoặc các điều kiện, phương tiện sinh sống thích hợp hoặc cũng có thể là sự trợ giúp bằng tinh thần để đối tượng được giúp đỡ có thể phát huy khả năng tự lo liệu cuộc sống cho mình và gia đình, sớm được trở lại với cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng.
Hoạt động cứu trợ thường được thực hiện dưới hai phương thức chính: Cứu trợ thường xuyên và cứu trợ đột xuất.
- Cứu trợ thường xuyên là cứu trợ cho những người hoàn toàn không thể tự lo liệu cuộc sống cho mình, phải có sự giúp đỡ thường xuyên như người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, trẻ em trong các gia đình túng thiếu hoặc dân cư ở những khu vực nghèo đói.
- Cứu trợ đột xuất là sự giúp đỡ đối với những người không may chịu ảnh hưởng của thiên tai hoặc mất mùa mà cuộc sống bị đe dọa nếu không có sự trợ giúp của xã hội, cộng đồng một cách khẩn cấp.
Như vậy, có thể hiểu hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện là các hoạt động cá nhân, tổ chức lên tiếng động viên, đóng góp hoặc vận động đóng góp tiền của để cứu giúp, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ diễn ra một cách tự nguyện, phi lợi nhuận và tuân theo quy định của pháp luật.
1.2. Quy định pháp luật hiện hành về hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ từ thiện
1.2.1. Chủ thể tham gia hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ
Theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (Nghị định số 64/2008/NĐ-CP) thì đối tượng được tổ chức vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
- Cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Ngoài ra, Nghị định cũng nhấn mạnh, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Có thể thấy, chủ thể được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ đều là các tổ chức, cơ quan nhà nước, ngoài những đối tượng này thì các cá nhân, tổ chức khác đều không được tổ chức, tham gia tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Như vậy, theo quy định này thì “cá nhân” không thể là chủ thể trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai.
1.2.2. Điều kiện thực hiện hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ
Điều kiện được tổ chức vận động đóng góp ủng hộ cũng được nêu ra ở Nghị định số 64/2008/NĐ-CP một cách khá rõ ràng, đó là: Việc tổ chức vận động đóng góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân; các tổ chức vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng; việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện.
1.2.3. Hoạt động kêu gọi, đóng góp cứu trợ dưới góc độ pháp luật dân sự Việt Nam
Bản chất của hoạt động quyên góp cứu trợ trong từ thiện là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà ta xác định hoạt động đó là loại giao dịch dân sự nào.
Trường hợp thứ nhất: Đây là hợp đồng tặng cho tài sản.
Trong trường hợp này, cần làm rõ đâu là bên tặng cho, đâu là bên được tặng cho, đối tượng của hợp đồng tặng cho, sự tặng cho này có dựa trên ý chí tự nguyện hay không?
Theo Từ điển tiếng Việt thì “tặng” có nghĩa là cho, trao cho để khen ngợi, khuyến khích hoặc tỏ lòng quý mến; “cho” là chuyển cái sở hữu của mình sang người khác mà không đổi lấy gì cả. Có thể thấy tặng cho là hợp đồng bởi việc tặng cho không chỉ xuất phát từ mong muốn của bên tặng cho mà còn phải có sự chấp thuận của bên nhận. Hợp đồng tặng cho tài sản là một trong các phương thức chuyển giao tài sản của cá nhân; tặng cho luôn là việc không lấy tiền và được phân định thành tặng cho bất động sản và tặng cho động sản[3]. Theo Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận. Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù. Đặc điểm này được thể hiện ở việc một bên chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho, còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại cho bên tặng cho bất kỳ lợi ích nào[4].
Đối tượng của hợp đồng tặng cho có thể là động sản (Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015) và có thể là bất động sản (Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015). Để có thể trở thành đối tượng tặng cho thì tài sản phải thỏa mãn các điều kiện: Tài sản tặng cho phải được phép giao dịch; tài sản tặng cho phải thuộc sở hữu của người tặng cho tài sản; tài sản tặng cho không đang bị tranh chấp về quyền sở hữu; tài sản tặng cho không bị kê biên để thi hành án.
Chủ thể trong hợp đồng tặng cho tài sản đối với trường hợp quyên góp cứu trợ trong từ thiện là cá nhân, pháp nhân trực tiếp quyên góp từ thiện mà không qua bên trung gian (bên trung gian: Ví dụ như người đứng ra kêu gọi hay pháp nhân có quyền vận động, phân phối…) - là bên tặng cho; còn các cá nhân, pháp nhân được quyên góp - là bên được tặng cho.
Bên tặng cho là cá nhân, pháp nhân có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Đối với bên tặng cho là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp với loại hợp đồng tặng cho được xác lập. Đối với bên tặng cho là pháp nhân thì thường xác lập, thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản thông qua công tác làm từ thiện, trao học bổng,... Bản chất của việc làm từ thiện chính là việc xác lập hợp đồng tặng cho tài sản giữa cá nhân, pháp nhân làm từ thiện với các cá nhân, pháp nhân được nhận quà từ thiện.
Bên được tặng cho tài sản cũng bao gồm cá nhân hoặc pháp nhân. Về nguyên tắc, mọi cá nhân đều có thể trở thành bên được tặng cho tài sản. Với những cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì họ tự bằng hành vi của mình để xác lập, thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản. Còn với những cá nhân có năng lực hành vi dân sự một phần hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì việc xác lập, thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản có thể phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp thứ hai: Việc kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện là hợp đồng ủy quyền.
Trong trường hợp này, cần làm rõ đâu là bên ủy quyền, đâu là bên được ủy quyền, thẩm quyền của bên được ủy quyền đến đâu? Hậu quả pháp lý của việc bên được ủy quyền vượt quá phạm vi được ủy quyền?
Thực tiễn cho thấy không phải lúc nào bên quyên góp, cứu trợ cũng thể trao tặng tiền, hiện vật ủng hộ đến tận tay người nhận, có thể là do điều kiện giao thông không thuận lợi, khoảng cách giữa người quyên góp, cứu trợ và người nhận rất xa hay cũng do hoàn cảnh thiên tai, thời tiết khắc nghiệt... mà bên cứu trợ, quyên góp ủng hộ không thể thực hiện, xác lập giao dịch dân sự này nên họ sẽ gửi tiền, hiện vật cho một cá nhân, tổ chức đại diện ủy quyền để trao đến những người đang lâm vào cảnh khó khăn, hoạn nạn nhằm phần nào có thể khắc phục cuộc sống của họ. Những cá nhân, tổ chức này là bên trung gian được ủy quyền nhận, vận chuyển và giao tài sản đến những người được tặng cho tài sản. Từ đó, các bên chủ thể sẽ thực hiện, xác lập hợp đồng ủy quyền.
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Bên ủy quyền phải trả thù lao nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định[5]. Trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền đại diện cho người ủy quyền thực hiện các hành vi pháp lý trong phạm vi thẩm quyền. Vì vậy, đại diện theo ủy quyền có hai mối quan hệ pháp lý cùng tồn tại:
Thứ nhất, quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Trong quan hệ này, người được ủy quyền có nghĩa vụ phải thực hiện hành vi pháp lý trong phạm vi ủy quyền.
Thứ hai, quan hệ giữa người được ủy quyền với bên thứ ba của giao dịch. Người được ủy quyền với tư cách của người đã ủy quyền giao kết hoặc thực hiện các giao dịch dân sự với người thứ ba. Người được ủy quyền có những quyền và nghĩa vụ nhất định với người thứ ba của giao dịch.
Chính vì thế khi không thể trực tiếp quyên góp, ủng hộ cứu trợ cho người khác thì những người tham gia quyên góp, ủng hộ có thể ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức khác để có thể nhanh chóng khắc phục sự cố, cứu trợ người khác. Ở giao dịch này, người uỷ quyền là người quyên góp, ủng hộ cứu trợ, còn người được ủy quyền có chính là người đứng ra kêu gọi quyên góp cứu trợ hoặc có thể là Mặt trận Tổ quốc, quỹ từ thiện… Những người quyên góp, ủng hộ có quyền đóng góp tài sản, tiền, hiện vật cho những người đứng ra kêu gọi quyên góp để những người này sẽ đại diện cho những người quyên góp, ủng hộ trao tiền, hiện vật đóng góp cho những người khó khăn, hoạn nạn cần hỗ trợ, giúp đỡ. Ngược lại, bên được ủy quyền là những người đứng ra kêu gọi quyên góp có nghĩa vụ thực hiện công việc mà bên ủy quyền giao, đó là, phải chuyển hàng đóng góp cho những người được hỗ trợ, giúp đỡ. Để có thể xác định hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện là một loại hợp đồng tặng cho tài sản hay hợp đồng ủy quyền còn phải dựa vào từng trường hợp và đối tượng, chủ thể tham gia giao dịch. Nếu người quyên góp, ủng hộ trực tiếp trao tiền, hiện vật đến tận tay những người được giúp đỡ thì có thể xác định đó là một hợp đồng tặng cho. Còn nếu người quyên góp, ủng hộ ủy quyền cho người đứng ra kêu gọi quyên góp để họ trao cho những người được giúp đỡ thì có thể xác định đây là một hợp đồng ủy quyền.
2. Thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động kêu gọi quyên góp, cứu trợ từ thiện
Kể từ ngày Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hoạt động từ thiện trong xã hội do Nhà nước quản lý có tổ chức, sử dụng và phân phối các nguồn tiền, hiện vật đóng góp một cách có chặt chẽ, minh bạch hơn…
Trên thực tế trong nhiều năm qua, đóng góp từ thiện ở Việt Nam thường được huy động qua các kênh chính thức hoặc các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Việc kêu gọi, quyên góp cứu trợ thường tập trung vào một số lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, cứu trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, cứu trợ trẻ em, người già neo đơn, hỗ trợ người tàn tật, nạn nhân của các vụ bạo hành, lạm dụng hay tổ chức truyền thông, vận động các chiến dịch, tình nguyện viên trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, môi trường. Các sự kiện từ thiện diễn ra ngày càng nhiều với nhiều phương thức gây quỹ khác nhau, có thể kể đến như: Các trận đấu thể thao giao hữu, các chương trình ca nhạc, các chương trình triển lãm và bán tranh ảnh nghệ thuật gây quỹ... Bên cạnh đó, những người nổi tiếng, bao gồm các ngôi sao thể thao, diễn viên, nghệ sĩ tham gia vào các sự kiện quyên góp từ thiện ngày một tích cực. Các chủ thể này cùng với sự ảnh hưởng của mình trên các phương tiện truyền thông đã và đang kêu gọi được rất nhiều những tấm lòng hảo tâm cùng nhau quyên góp tiền và các vật phẩm nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Cách thức gây quỹ thông qua các trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức ngày càng trở nên phổ biến và được lan tỏa rộng rãi vì những ưu điểm mà nó mang tới: Cách thức kêu gọi đơn giản, không tốn nhiều công sức nhưng có sức lan tỏa rất nhanh, dễ dàng cho các nhà hảo tâm trong việc quyên góp, số tiền đóng góp của từng người tuy không nhiều nhưng số lượng tham gia lại rất đông, thời gian kêu gọi và quyên góp linh hoạt. Qua mỗi đợt thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các cá nhân và tổ chức ngoài nhà nước đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong việc giúp đỡ nạn nhân cải thiện đời sống.
Có thể thấy, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ra đời phần nào khuyến khích người dân ủng hộ đồng bào khu vực thiên tai và gặp khó khăn đặc biệt; việc vận động quyên góp, phân bổ tiền, hàng được thực hiện theo quy định là quy vào các đầu mối lớn như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, chính quyền các cấp ở địa phương và các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân. Mục đích của việc này nhằm tạo hành lang để hoạt động cứu trợ diễn ra có tổ chức, phân phối hợp lý tiền và hàng cứu trợ, giảm thiểu các rủi ro khi cá nhân, nhóm từ thiện vào vùng thiên tai, tránh các hiện tượng cá nhân lợi dụng từ thiện để vụ lợi...
Tuy nhiên, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã bộc lộ những hạn chế, không phù hợp thực tiễn, không phát huy hiệu quả quản lý, cụ thể là:
Thứ nhất, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chưa điều chỉnh đối với cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà chỉ quy định thẩm quyền vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước. Điều này chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự, làm cho hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ chưa phát huy được đúng tinh thần của hoạt động từ thiện và tính hiệu quả trong việc cứu trợ chưa cao.
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP tập trung vào việc quy định trách nhiệm kêu gọi và tiếp nhận cứu trợ thuộc về Nhà nước, hạn chế việc kêu gọi và tiếp nhận cứu trợ của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, việc Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ trao quyền cho một số tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ lại khiến những nơi này gánh thêm nhiều việc khó kham nổi, thậm chí đã từng xảy ra trường hợp từ chối tiếp nhận đồ cứu trợ vì thiếu kho bãi, phương tiện vận chuyển, người quản lý. Vì vậy, việc này chỉ quy định riêng cho cơ quan nhà nước sẽ làm mất đi hiệu quả từ công tác từ thiện do xã hội mang lại.
Thực tiễn còn cho thấy khi thực hiện các quy định này còn có những vướng mắc, bất cập có thể dẫn đến hiểu sai, áp dụng sai quy định này, thậm chí có thể biến một người “có công” thành “có tội”. Hiện nay, đã có cả một hệ thống pháp luật để phòng, chống những hành vi phạm tội, người lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm đã có những quy định pháp luật cụ thể để chế tài, xử phạt, các hành vi cố ý làm trái cũng có quy định xử lý. Vì thế, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, phải tạo ra cơ chế để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, các thành viên trong xã hội đều có thể tham gia thiện nguyện, huy động nguồn lực xã hội để xử lý các vấn đề mang tính cấp bách như lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.
Thứ hai, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chưa bao quát hết công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn cho người dân do tác động của dịch bệnh.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là hoạt động tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nhân dân trong các trường hợp: Khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước; khắc phục hậu quả do hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, các trường hợp ủng hộ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như đại dịch Covid-19 vừa qua không thuộc vào trường hợp điều chỉnh bởi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Điều này dẫn đến việc kêu gọi, quyên góp cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả không cao. Thông thường, dịch bệnh dẫn đến những thiệt hại rất lớn và nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh thì hậu quả gây ra khó có thể đo đếm được.
Thứ ba, thời gian để tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố còn ngắn, dẫn đến khó khăn trong công tác tiếp nhận tiền, hiện vật, ngoài ra còn có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP thì thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp. Khoảng thời gian này được các địa phương nhận định là còn ngắn, đặc biệt là đối với công tác tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài. Đối với một số đợt thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức. Đồng thời, tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện được các tổ chức, cá nhân đóng góp cụ thể cho cá nhân, địa bàn, nội dung nào thì cần được tiếp nhận, phân phối và sử dụng đúng địa chỉ. Thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động kêu gọi, quyên góp cứu trợ trong từ thiện
Thứ nhất, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật đối với mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều được tham ra vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp, hỗ trợ
Ngoài bó hẹp phạm vi đối tượng được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp hỗ trợ là các cơ quan, tổ chức nhà nước như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì cần mở rộng phạm vi điều chỉnh ra mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có quyền tham gia vào hoạt động nhân văn này. Tuy nhiên, việc cho phép các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động này phải có sự kiểm soát chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhà nước để không diễn ra một cách tự phát, nhỏ lẻ, khiến việc từ thiện không đạt được hiệu quả cao và có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Cá nhân, tổ chức khi tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp, hỗ trợ để khắc phục hậu quả của dịch bệnh, sự cố trong nước thì cần thông báo với cơ quan chính quyền địa phương - nơi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sự cố, thiên tai cần cứu trợ về mục đích, phạm vi, hình thức vận động... Đồng thời khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện thì cá nhân, tổ chức tham gia cũng cần phải báo với chính quyền địa phương nơi tiếp nhận để được hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện để đảm bảo an toàn, trật tự xã hội... Những cá nhân, tổ chức tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn hàng cứu trợ hầu hết đều từ những nơi khác đến, không phải người dân địa phương nơi cần cứu trợ nên việc nắm bắt thông tin cụ thể về địa điểm, những người cần hỗ trợ là rất khó khăn. Các cá nhân, tổ chức tham gia phải phối hợp với chính quyền địa phương để có thể tiến hành quyên góp, cứu trợ kịp thời, bảo đảm an toàn cho người tham gia cứu trợ và cả người được nhận cứu trợ, không bỏ sót ai, tất cả mọi người đều được nhận cứu trợ, giúp đỡ. Như vậy, hoạt động cứu trợ mới thực sự có hiệu quả.
Thứ hai, cần mở rộng phạm vi đối tượng cần hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà trong xã hội vẫn còn rất nhiều trường hợp cần hỗ trợ, giúp đỡ
Ngoài phần hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành thì cần hỗ trợ thêm từ nguồn đóng góp cứu trợ từ thiện để thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ cho người bị thương nặng, thân nhân người mất tích; chi phí mai táng cho gia đình có người bị chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố (bao gồm cả lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, sự cố); hỗ trợ cho đối tượng thiếu lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ hộ gia đình xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn; sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân; dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà; vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt trong thời gian cách ly y tế cho các đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly; hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố; phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu để phục hồi sản xuất (ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kinh phí cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân có lao động chính bị chết để mua hoặc sửa chữa công cụ, phương tiện sản xuất chủ yếu bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo tại vùng thường xuyên bị thiên tai; đối tượng, điều kiện hỗ trợ nhà ở theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo; hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực (không do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý), trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại... Trường hợp khoản đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể theo cam kết như sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, hạ tầng phát thanh - truyền thanh) thì phải thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế công trình và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, cần quy định cụ thể về các mức độ nghiêm trọng của sự cố, thiên tai, hỏa hoạn gây thiệt hại về người và của để có những mức hỗ trợ phân phối, sử dụng phù hợp, không lãng phí nguồn đóng góp
Để việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp cứu trợ, từ thiện được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả thì phải dựa trên các nguyên tắc căn cứ vào mức độ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và căn cứ vào các khoản đóng góp cứu trợ, từ thiện và kết hợp với nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân, hộ gia định bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố (không qua tiếp nhận của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối). Đối với việc phân phối nguồn đóng góp, cứu trợ, từ thiện thì dựa trên mức đóng góp, tiếp nhận và mức độ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh thì Ban vận động, tiếp nhận và phân phối trung ương thống nhất với các cơ quan thuộc Chính phủ, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối các cấp ở địa phương thống nhất với chính quyền địa phương để phân phối nguồn đóng góp sao cho phù hợp với mức độ thiệt hại trên thực tế. Còn đối với việc sử dụng nguồn đóng góp, cứu trợ từ thiện thì cũng căn cứ vào nguồn đóng góp nhận được và mức độ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh (bao gồm cả nguồn đóng góp chung cho cộng đồng và những khoản hỗ trợ tổ chức, cá nhân có địa chỉ cụ thể theo cam kết), Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Ban vận động, tiếp nhận và phân phối cùng cấp tổ chức họp với các thành viên, cơ quan liên quan để thống nhất nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ cho các đối tượng, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức trong xã hội đứng lên kêu gọi, vận động quyên góp cứu trợ cũng cần phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhà nước để có thể thống kê nguồn đóng góp và phân phối, sử dụng một cách hợp lý với các đối tượng cần được cứu trợ, giúp đỡ.
Đối với trường hợp vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần quy định thêm về các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp từ thiện để có thể quản lý và thực hiện các hoạt động trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể.
Thứ tư, cần kéo dài thêm thời gian để vận động, tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp, cứu trợ
Thời gian để tổ chức vận động, tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp cứu trợ, từ thiện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố, hỏa hoạn theo quy định hiện hành (Nghị định số 64/2008/NĐ-CP) là không quá 60 ngày. Thời gian tiếp nhận này còn ngắn, gây khó khăn trong trong việc vận động, kêu gọi, tiếp nhận nguồn đóng góp, nên cần phải quy định thêm về số ngày các cá nhân, tổ chức có thể vận động, kêu gọi, tiếp nhận nguồn đóng góp. Thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp cứu trợ, từ thiện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố kéo dài không quá 90 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động. Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận. Cuộc vận động, kêu gọi được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống nhân dân nhằm có thể khắc phục nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai, sự cố, hỏa hoạn gây ra.
Thứ năm, quy định cụ thể về việc công khai trong công tác vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn hàng đóng góp cứu trợ, từ thiện
Đối với công tác tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp cứu trợ, từ thiện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ.
Đối với cá nhân, tổ chức trong nước tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp cứu trợ, từ thiện. Khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật). Các cá nhân, tổ chức cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân, tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Đối với việc về vận động, tiếp nhận, sử dụng các khoản đóng góp cứu trợ, từ thiện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được phép vận động, đóng góp để thực hiện các hoạt động trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể. Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng cụ thể; thông báo công khai kết quả vận động, tiếp nhận, sử dụng trên các phương tiện truyền thông hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời có văn bản thông báo cho chính quyền địa phương nơi có bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo biết. Cá nhân tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và có trách nhiệm phản ánh đầy đủ thông tin về kết quả vận động, tiếp nhận, số tiền đã giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Kết thúc quá trình vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân báo cáo chính quyền địa phương nơi cư trú về kết quả hỗ trợ (nếu được yêu cầu). Các khoản đóng góp tự nguyện do tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận và sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.
Khoa Pháp luật dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội