Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi mà tốc độ phát triển lớn mạnh về hệ thống công nghệ thông tin cùng với sự “vươn mình” mạnh mẽ của nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, quyền bí mật đời tư đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm tràn lan, có chiều hướng gia tăng ở mức độ tinh vi. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu về mặt lý luận lẫn thực tiễn thực hiện quy định của pháp luật về quyền bí mật đời tư và đề xuất giải pháp hoàn thiện là cần thiết và có giá trị ứng dụng thực tiễn.
1. Một số vấn đề cơ bản về quyền bí mật đời tư
1.1. Khái niệm quyền bí mật đời tư
Thuật ngữ “quyền bí mật đời tư” là thuật ngữ khá quen thuộc trong đời sống xã hội và trong khoa học pháp lý. Thế nhưng, cho đến nay, khái niệm quyền bí mật đời tư dường như chưa được hiểu rõ ràng và chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Do vậy, khái niệm quyền bí mật đời tư phải được làm rõ trên cơ sở tiếp cận từ các góc độ khác nhau.
Ở góc độ ngôn ngữ, “bí mật đời tư” là một cụm từ Hán - Việt, có nguồn gốc từ chữ Hán. Theo từ điển tiếng Việt, “bí mật” nghĩa là “được giữ kín không để lộ ra cho người ngoài biết”[1] và “đời tư” có thể hiểu là đời sống mang tính chất riêng tư. Vậy “bí mật đời tư” được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân (thông tin, tư liệu, hình ảnh, quan hệ gia đình, sức khỏe, thư tín, điện tín…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ.
Ở góc độ học thuật, quyền bí mật đời tư được nhiều học giả quan tâm, tìm hiểu nên còn nhiều cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất: Bí mật đời tư của cá nhân là những gì gắn liền với nhân thân của con người, bao gồm những thông tin, tài liệu, hình ảnh về cá nhân, việc làm, tình yêu, gia đình, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân mà người này giữ kín, không muốn để lộ ra cho người khác biết[2]. Cách hiểu thứ hai: Bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận[3].
Như vậy, tuy có các cách hiểu khác nhau về quyền bí mật đời tư nhưng các cách hiểu đều biểu thị rõ bản chất của quyền này: Đó là loại quyền gắn liền với nhân thân của một cá nhân mà cá nhân không muốn tiết lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, trong giới hạn về phạm vi quyền thì quyền bí mật đời tư lại không đồng nhất với quyền riêng tư của cá nhân. Theo đó, quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận, công khai trừ trường hợp được chính người này đồng ý hoặc được bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền[4]. Nói cách khác, quyền riêng tư là quyền yêu cầu chính đáng của cá nhân để xác định mức độ mà cá nhân muốn chia sẻ về bản thân với người khác và quyền kiểm soát của cá nhân đối với thời gian, địa điểm và hoàn cảnh để giao tiếp với người khác. Nó có nghĩa là cá nhân có quyền rút lui hoặc tham gia khi thấy phù hợp. Cá nhân cũng có quyền kiểm soát phổ biến thông tin về mình[5]. Như vậy, quyền riêng tư có những nét tương đồng và khác biệt so với quyền bí mật đời tư. Phạm vi của quyền riêng tư rộng hơn quyền bí mật đời tư (quyền riêng tư bao gồm cả sự riêng tư về thân thể trong khi quyền bí mật đời tư không bao gồm phạm vi này). Quyền riêng tư của cá nhân có thể trong phạm vi bí mật hoặc cả những thông tin không được xem là bí mật. Trong khi đó, quyền bí mật đời tư không bao gồm những thông tin mà cá nhân muốn chia sẻ ra bên ngoài xã hội.
1.2. Đặc điểm quyền bí mật đời tư
Trên cơ sở phân tích khái niệm về quyền bí mật đời tư, có thể kết luận quyền bí mật đời tư có những đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, quyền bí mật đời tư là loại quyền gắn liền với đời sống riêng tư của cá nhân. Bản thân cá nhân có nhiều loại quyền và mỗi loại quyền có đặc điểm khác nhau. Có loại quyền gắn liền với nhân thân của cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Có những quyền thuộc về cá nhân nhưng có thể chuyển giao (như quyền tài sản). Không phải quyền nào gắn với cá nhân cũng được xem là quyền bí mật đời tư. Quyền bí mật riêng tư của cá nhân là loại quyền gắn liền với bản thân của cá nhân và không thể chuyển giao.
Thứ hai, phạm vi của quyền là những thông tin, dữ liệu mà cá nhân mong muốn được giữ bí mật mà không phải là những thông tin, hiểu biết công cộng. Những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ ra ngoài xã hội bao gồm tất cả thông tin, dữ liệu, hình ảnh gắn liền với đời sống riêng tư của cá nhân như: Thông tin về nơi ở, mối quan hệ gia đình, thu nhập, thư tín, điện thoại, điện tín… Các thông tin khác mang tính chất công cộng, dễ dàng tìm hiểu không thuộc phạm vi quyền bí mật đời tư như: Mối quan hệ đồng nghiệp, nơi làm việc, địa điểm vui chơi, giải trí… Đôi khi, ranh giới xác định nội hàm những thông tin thuộc quyền bí mật đời tư tương đối khó khăn khi không có văn bản nào liệt kê chi tiết. Tuy vậy, dựa vào ý chí của cá nhân, có thể xác định được các thông tin cá nhân mong muốn giữ bí mật thuộc về bản thân của cá nhân đó có thể xem là thuộc phạm vi nội hàm của quyền bí mật đời tư.
Thứ ba, mục đích bảo vệ quyền gắn liền với sự tự do của cá nhân. Pháp luật quy định nhiều loại quyền khác nhau gắn với những mục đích khác nhau. Có những quyền được quy định nhằm mục đích thể hiện chủ quyền quốc gia và trách nhiệm bảo vệ công dân của Nhà nước (như quyền không bị trục xuất), hay nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (như quyền bất khả xâm phạm về thân thể), hay nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân (như quyền bầu cử và ứng cử)… Đối với quyền bí mật đời tư của nhân dân được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ xuất phát từ mục đích bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của cá nhân trong Nhà nước hiện đại. Với sự phát hiện nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật hiện đại thì nguy cơ xâm phạm vào các quyền tự do cá nhân (đặc biệt là quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư) ngày càng cao và cá nhân ngày càng có mong muốn được bảo vệ các thông tin cá nhân của mình. Có thể nói, quyền bí mật đời tư và quyền riêng tư là thước đo mức độ dân chủ của mỗi Nhà nước trong xã hội hiện đại.
1.3. Nội dung của quyền bí mật đời tư
Nội dung của quyền bí mật đời tư được hiểu là phạm vi các quyền liên quan đến bí mật đời tư được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ cho các cá nhân. Theo đó, quyền bí mật đời tư gồm các nội dung sau:
Một là, cá nhân có quyền đối với các thông tin, tư liệu của mình. Phạm vi các thông tin thuộc về cá nhân rất rộng lớn. Đó là các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như một câu chuyện, hình ảnh, những trang nhật ký, những kỷ vật... Cá nhân có quyền công bố hoặc không, khi cá nhân không công bố thì được xác định là bí mật đời tư. Khi ai đó cố tình tiết lộ, công khai các thông tin thì đó chính là xâm phạm quyền bí mật đời tư của họ.
Hai là, cá nhân có quyền bí mật đối với thư tín, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác. Thư tín, điện tín là nội dung thuộc phạm trù bí mật đời tư của cá nhân. Đây là các loại phương tiện chứa đựng những nội dung thông tin được chuyển tải giữa người gửi và người nhận. Chỉ hai chủ thể này mới nhận biết rõ nội dung của thư tín, điện tín, không ai được can thiệp hay cố ý nghe lén nội dung đó. Thế nhưng, trong giới hạn pháp luật, nội dung của thư tín, điện tín cũng có thể bị cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét để bảo đảm lợi ích công cộng, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Việc kiểm soát này là cần thiết và không có khía cạnh của sự xâm phạm quyền bí mật thư tín, điện tín.
Như vậy, nội dung của quyền bí mật đời tư bao gồm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và quyền bí mật thư tín, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin khác. Xét trong mối quan hệ với các quyền con người khác, quyền bí mật đời tư có những liên hệ tương hỗ nhất định.
1.4. Sơ lược quyền bí mật đời tư theo các bản Hiến pháp
Hiến pháp là văn kiện pháp lý quan trọng nhất, là đạo luật gốc trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên tinh thần kế thừa có chọn lọc các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 quy tụ nhiều điểm sáng và thể hiện những thành tựu rõ nhất trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. Dưới đây, nhóm tác giả sẽ trình bày sơ lược quyền bí mật đời tư theo các bản Hiến pháp:
Hiến pháp năm 1946: Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, có bối cảnh ra đời đặc thù, gắn liền với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Thế nhưng, nội dung và tinh thần của văn bản pháp lý này chứa đựng nhiều tinh hoa quý giá, thể hiện tư tưởng vì nhân dân, vì con người của Đảng và Nhà nước. Quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp này chưa rõ ràng, song cũng được đề cập là nền móng pháp lý cho sự ra đời của quyền này được cụ thể hơn trong tương lai: “Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Rõ ràng, điều này đã cho thấy có nội dung của quyền bí mật đời tư là quyền bất khả xâm phạm đối với thư tín của công dân.
Hiến pháp năm 1959: Bản Hiến pháp thứ hai của Việt Nam, ra đời trong bối cảnh miền Nam kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù vậy, Hiến pháp này vẫn tiếp tục kế thừa và giữ nguyên quy định về quyền bí mật đời tư như Hiến pháp năm 1946, tức chỉ bao gồm một nội dung về thư tín nhưng quy định rõ hơn “thư tín được giữ bí mật” (Điều 28).
Hiến pháp năm 1980: Thời điểm này, đất nước đã được thống nhất, tư tưởng lập pháp có sự đổi mới, quyền con người nói chung và quyền bí mật đời tư đã có sự mở rộng. Theo đó, quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín được bảo đảm. Cùng với đó, giai đoạn này có nhiều văn bản pháp quy khác quy định về quyền bí mật đời tư như Thông tư liên ngành số 249-HK-BĐ ngày 20/3/1981 của Tổng cục Hàng không - Tổng cục Bưu điện quy định về việc tổ chức vận chuyển túi, gói bưu phẩm, bưu kiện qua đường hàng không, Luật Báo chí năm 1989, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988... Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1980 còn hạn chế khi chỉ ghi nhận quyền bí mật đời tư của công dân mang tính khá chung chung và các văn bản pháp quy còn tản mạn.
Hiến pháp năm 1992: Được ban hành trong thời kỳ đổi mới, với sự phát triển nhanh chóng cả về khoa học và công nghệ cùng tư tưởng thúc đẩy quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác quốc tế toàn diện của nhà lập pháp. Do đó, việc quy định quyền con người, quyền công dân cũng đầy đủ và hoàn thiện hơn. Theo đó, quyền bí mật đời tư cũng được quy định theo hướng giải thích rõ hơn về nội dung và giới hạn thụ hưởng quyền: “Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật” (Điều 73). Thế nhưng, quy định này chỉ ghi nhận quyền bí mật đời tư của công dân mà không phải là cá nhân.
Hiến pháp năm 2013: Có thể nói đây là bản Hiến pháp có nhiều điểm tiến bộ khi ghi nhận về quyền bí mật đời tư. Theo đó, quyền bí mật đời tư được ghi nhận khá cụ thể, toàn diện, mang dấu ấn rất riêng theo hướng tiến bộ. Một là, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, cụm từ “đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân” được quy định rõ ràng. Hai là, quyền bí mật đời tư không chỉ giới hạn với đối tượng công dân mà được quy định chung cho “mọi người”. Ba là, phạm vi quyền không chỉ dừng lại đối với thư tín, điện thoại, điện tín mà được mở rộng đối với những hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác và các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nói chung và cả bí mật gia đình. Bốn là, quyền bí mật đời tư được quy định thành một điều khoản riêng không chứa nội dung chung với các quyền khác. Điều này giúp chuyển tải nội dung quyền minh thị, thấu đáo và khả thi hơn. Như vậy, theo Hiến pháp năm 2013, quyền bí mật đời tư được biểu thị khá toàn diện, là cơ sở cần thiết để các văn bản quy phạm pháp luật khác chi tiết hóa.
2. Thực trạng quyền bí mật đời tư ở Việt Nam hiện nay
Theo phân tích ở trên, quyền bí mật đời tư là quyền quan trọng được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 21. Quyền bí mật đời tư được tiếp cận ở hai nhóm quyền là: Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Theo đó, nhóm tác giả sẽ từng bước phân tích thực trạng của hai nhóm quyền này để làm nổi bật thực trạng quyền bí mật đời tư theo Hiến pháp năm 2013.
2.1. Thực trạng quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình
Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là nhóm quyền thuộc phạm trù quyền nhân thân của con người, là biểu hiện không thể thiếu của quyền bí mật đời tư. Việc Hiến pháp năm 2013 thừa nhận và quy định tại Điều 21 là một điểm mới có tính tiến bộ vượt bậc so với các bản Hiến pháp trước đây. Điều này không chỉ đặt nền tảng quan trọng để các văn bản pháp quy của nước ta triển khai, cụ thể hóa, chính thức thừa nhận và bảo đảm thi hành trong đời sống xã hội mà còn là tiền đề để công dân được bảo đảm các quyền vốn có của mình bằng cơ chế hiến định. Nhìn chung, trong những năm qua, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình đã được Nhà nước và mọi cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, hình ảnh cá nhân và những thông tin về đời sống riêng tư của mỗi cá nhân được bảo mật, các trường hợp cố tình xâm phạm bí mật đời tư của người khác đều được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, làm bài học để răn đe, giáo dục người khác, tiến tới xây dựng một xã hội lành mạnh, pháp luật được thượng tôn. Cùng với đó, hàng loạt các văn bản pháp luật của nước ta đã tiếp thu nhân tố của Hiến pháp, khẩn trương cụ thể hóa quyền riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình trong nội dung của mình, có thể kể đến là: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và một số đạo luật khác. Điển hình nhất, Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án”. Như vậy, ở chừng mực nhất định, khi gắn với bối cảnh hiện tại, có thể khẳng định, các nội dung trên đây là những dấu ấn biểu thị một số thành tựu khi nghiên cứu về thực trạng quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Tuy nhiên, xuất phát từ phạm trù lý luận về quyền bí mật đời tư nói chung và quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nói riêng còn chưa rõ ràng nên ở khía cạnh pháp lý lẫn khía cạnh thực tiễn thực hiện pháp luật còn có những hạn chế chưa hoàn thiện. Trước hết, về khía cạnh pháp lý, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung trong các đạo luật, chưa đủ cụ thể để điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tế cuộc sống. Các quy định còn mang tính khái quát, thiếu cơ chế pháp lý cụ thể, các hình thức xử lý chưa đủ nghiêm khắc để bảo đảm. Hơn nữa, hiện nay nước ta cũng chưa có một đạo luật riêng, đặc thù quy định bảo đảm về quyền bí mật đời tư nên nói chung nội dung của quyền bí mật đời tư còn “mơ hồ”.
Về mặt thực tiễn thực thi pháp luật cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Ở thời đại Công nghệ 4.0, nền công nghệ thông tin phát triển bùng nổ, nguồn tiếp cận thông tin đa dạng, việc bảo đảm quyền bí mật đời tư của mỗi cá nhân trong thực tiễn là một vấn đề khá phức tạp. Mặc dù pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền bí mật cá nhân, gia đình nhưng chúng ta thiếu thiết chế cụ thể về mặt thực tiễn để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, tuy báo chí (báo giấy, báo mạng) đã và đang làm khá tốt vai trò, trách nhiệm của mình, là diễn đàn của nhân dân, thông tin kịp thời các sự kiện, tình hình về mọi mặt của đời sống xã hội đến với nhân dân. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, một số tờ báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ và mục đích hoạt động, chạy theo trào lưu, thị hiếu lệch lạc, trở thành phương tiện thông tin sai sự thật, xâm phạm, phát tán thông tin đời tư cá nhân bất hợp pháp để “câu like”, “câu view” ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rõ trên các mặt báo, những thông tin về đời tư, nhất là “scandal” của người nổi tiếng xuất hiện với tần suất khá dày đặc, trong đó, có không ít thông tin là sai sự thật và không được sự đồng ý của người được đưa tin. Thậm chí, một số nhà báo, phóng viên biến chất sử dụng thông tin riêng cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tống tiền… gây bất bình trong dư luận[6].
Ngoài sự tác động của báo chí, sự tác động của các ứng dụng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Youtube, Tiktok… đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng cần được phân tích để làm rõ thực tiễn thi hành quy định của pháp luật về quyền bí mật đời tư ở Việt Nam. Về mặt tích cực, các loại ứng dụng nêu trên là hình thức rất thịnh hành hiện nay, giúp con người kết nối, chia sẻ thông tin, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, thậm chí còn là loại hình đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người. Song, bên cạnh các lợi ích đó, mặt tiêu cực của sự phát triển công nghệ đang hiện hữu, tác động đến đời sống con người, vi phạm quyền con người cũng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là các quyền liên quan đến bí mật đời tư, bí mật thư tín, danh dự, nhân phẩm… sự can thiệp trái phép vào hệ thống mạng, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân phục vụ cho mục đích xấu trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội và có tính lan truyền nhanh. Bí mật đời tư là quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ nhưng trong thực tiễn cuộc sống cho thấy, bí mật đời tư, bí mật gia đình vẫn có thể được khai thác khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tình trạng giả mạo thư điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức lấy cắp thông tin cá nhân…) gây tâm lý bất an cho mọi người. Liên tiếp có những vụ việc truy cập trái phép vào mạng internet, mạng cơ quan, tổ chức để thu thập thông tin trái phép, phát tán những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của cá nhân, thông tin sai sự thật về đời tư... gây ra những hậu họa khôn lường; các thiết bị, phần mềm nghe trộm được nhập lậu, không có tem hợp chuẩn rao bán, sử dụng công khai, tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Thông tin bôi nhọ, thông tin đời tư lan truyền rất nhanh qua mạng, tuy nhiên, việc phát hiện người vi phạm pháp luật trên không gian mạng toàn cầu lại rất khó khăn do vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý và địa lý của một nước. Về vụ việc cụ thể, thực tế có trường hợp như có hành vi, lời nói xúc phạm đời tư của một số diễn viên, ca sĩ trái pháp luật bằng hình thức livestream trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích “câu like”, tạo diễn đàn bàn luận cho nhiều cá nhân khác, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, danh dự cũng như thu nhập của các nghệ sĩ. Một vụ việc khác cũng rất “hot” xảy ra ở thời điểm dịch Covid-19, nhiều người dân đã tùy tiện chia sẻ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, số điện thoại, cơ quan công tác, tình trạng sức khỏe, tình trạng kinh tế, quan hệ gia đình… của những người thuộc nhóm F1, F2, F3 lên mạng xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư của những người này. Ngoài các vụ việc trên, còn khá nhiều trường hợp khác mang tính chất xâm phạm bí mật đời tư diễn ra trong xã hội ngày nay.
Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tuy là quyền hiến định, được cụ thể hóa trong một số văn bản quy phạm pháp luật nhưng cơ chế bảo đảm dường như chưa rõ ràng, mới dừng lại ở khía cạnh quy định, nguyên tắc, mang tính tuyên ngôn. Vì thế, thực tiễn thực thi pháp luật ở Việt Nam còn chưa hiệu quả, còn tồn tại nhiều hành vi xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của công dân, cá nhân và có xu hướng ngày càng phức tạp. Công tác xử lý các hành vi này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chế tài chưa đủ mạnh, thiếu kịp thời.
2.2. Thực trạng quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin khác
Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin khác là một phần trong nội dung quyền bí mật đời tư được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Trên tinh thần đó, hiện nay, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể quy định về ngăn chặn những trường hợp xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản… Nhận thấy, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa quyền bí mật thư tín, điện tín trong Hiến pháp năm 2013 khá đa dạng, các biện pháp chế tài đưa ra cũng có phần cụ thể, chi tiết. Đây là một trong những điểm tiến bộ đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, các văn bản đó còn là cơ sở pháp lý hữu hiệu để các cá nhân, tổ chức, cơ quan bảo vệ bí mật đời tư của mình, phải có nghĩa vụ tôn trọng bí mật đời tư của người khác, xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, mọi người sống có trách nhiệm với người khác và xã hội.
Khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.
Tiếp đến, Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác”.
Tiếp nữa, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Thông tin cá nhân theo Điều 3 Luật này được định nghĩa ngắn gọn: “Là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể” (khoản 15). Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định 05 nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng năm 2018 quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với quyền riêng tư, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng (Điều 17) và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Điều 29).
Ngoài ra, Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử: “1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. 2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử”.
Như vậy, về cơ bản, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác đã được cụ thể và bảo đảm bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đã có những biện pháp khá mạnh, cơ bản răn đe, xử lý tốt các hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của chủ thể khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó và gắn với nhu cầu của thực tiễn ở nước ta hiện nay, về việc bảo đảm quyền theo tác giả vẫn còn có một số điểm hạn chế đáng lưu ý sau:
Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung cụ thể hóa quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi khác còn thiếu toàn diện. Bởi lẽ, hiện nay tuy có khá nhiều văn bản pháp quy đề cập đến việc bảo đảm quyền bí mật thư tín, điện tín nhưng gần như các văn bản này cũng còn hạn chế. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 có đề cập đến quyền bí mật đời tư nói riêng và quyền riêng tư nói chung, trong đó, phải kể đến quyền bí mật thư tín, điện tín và các hình thức giao dịch khác. Tuy nhiên, đạo luật này đã sử dụng phương pháp liệt kê để biểu thị quyền trên. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác định những vấn đề có liên quan đến quyền bí mật đời tư. Đôi khi việc liệt kê không đủ, dễ bỏ sót, không đủ căn cứ pháp lý để hiểu thống nhất về các quyền con người, gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi pháp luật.
Không chỉ dừng lại ở đó, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng còn hạn chế, tuy đạo luật này có đề cập về quyền bí mật đời tư nói chung, quyền thư tín, điện tín nói riêng, song, Luật này chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn khi xác định, việc áp dụng pháp luật thiếu nhất quán, chưa bảo đảm điều chỉnh được các hành vi cụ thể ở thực tiễn.
Hình phạt theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với tội xâm phạm thư tín, điện tín còn khá nhẹ, chưa đủ mức để răn đe, trừng trị, chưa có hiệu quả cao trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm về thư tín, điện tín. Điểm đ khoản 1 Điều 159 Bộ luật này cũng thiếu cụ thể, chưa xác định rõ những hành vi nào là xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Trong khi đó, điều này rất quan trọng trong việc xác định hành vi khách quan của người phạm tội. Thực tế cho thấy, có rất nhiều hành vi có thể xâm phạm bí mật, gây mất an toàn thư tín, điện thoại, điện tín ngoài hành vi chiếm đoạt như hành vi tự tiện bóc thư, điện tín bằng văn bản của người khác để biết nội dung của thư tín, điện tín; đọc trộm, nghe trộm các loại thư tín, điện thoại, điện tín được lưu giữ, truyền gửi bằng các phương tiện viễn thông, thông tin khác; thay đổi, đánh tráo nội dung hoặc địa chỉ đến của thư tín, điện thoại, điện tín; xóa, hủy, cản trở việc chuyển gửi, ngăn chặn đường truyền thư tín, điện thoại, điện tín của người khác...
Thứ hai, thực tiễn thực hiện quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bí mật thư tín, điện tín còn tương đối phức tạp.
Về cơ bản, việc thực hiện quy định của pháp luật về quyền thư tín, điện tín đã dần có hiệu quả, mọi người có kiến thức pháp lý và tuân thủ pháp luật khá tốt, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, quyền con người phần lớn được tôn trọng. Song, trong xu thế phát triển chóng mặt của khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, thực tế này đã kéo theo nhiều hệ lụy xảy ra, tình trạng một số cá nhân xâm phạm bí mật thư tín, điện tín vẫn tồn tại, diễn ra có tính chất tinh vi hơn, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Tình trạng các tin nhắn rác, các cuộc gọi mạo danh đến các số thuê bao của người dùng điện thoại ngày nào cũng tràn lan, nhiều người thiếu hiểu biết đã thực hiện theo các hướng dẫn trong tin nhắn đó và để lại hậu quả là mất tài sản đáng kể trong tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, xã hội ngày nay còn xảy ra tình trạng các tội phạm máy tính xâm phạm quản trị mạng, lấy các dữ liệu thông tin của người khác để rao bán cho một số đối tượng lừa đảo. Đơn cử là vụ việc được đăng tải trên báo Tuổi trẻ online ngày 08/8/2023 lược kể về nhóm đối tượng chuyên nhận làm “tick xanh” cho các ca sĩ, diễn viên rồi dùng chính tài khoản đó đi lừa tiền hàng chục người khác. Cầm đầu nhóm này là PVT (19 tuổi), nhóm đối tượng này đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, tài khoản của người khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản[7].
Bên cạnh đó, tình trạng rao bán thông tin trên mạng cũng diễn ra tràn lan. Chỉ cần một thao tác đơn giản, đó là gõ từ khóa mua bán thông tin cá nhân trên trang tìm kiếm Google là đã xuất hiện các trang rao vặt, với vô số các loại danh sách thuê bao được chào bán với đầy đủ các ngành, nghề, chức vụ… được bán phân loại chi tiết theo từng nhóm khách hàng rất chuyên nghiệp. Danh sách khách hàng dạng này cơ bản có khá đầy đủ các thông tin cá nhân như mã số thuế, họ tên, email, số điện thoại cá nhân. Rất dễ dàng để có thể mua được những thông tin cá nhân, kể cả đó là những người lãnh đạo, khách hàng vip ở những ngân hàng. Người mua chỉ cần bỏ tiền từ vài trăm cho đến vài triệu đồng là có thể mua trọn bộ danh sách khách hàng. Đây thực sự là quyền bí mật đời tư đã bị xâm phạm, việc rao bán thông tin cá nhân của chủ thuê bao là trái pháp luật, tuy nhiên, việc xác định chính xác để xử lý lại rất khó khăn và không đơn giản.
3. Đề xuất bảo đảm quyền bí mật đời tư ở Việt Nam hiện nay
Bảo đảm quyền con người, quyền bí mật đời tư là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi pháp luật, củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả và minh bạch, trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Để bảo đảm quyền riêng tư của công dân trong bối cảnh đẩy mạnh đổi mới, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, hoàn chỉnh và cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền bí mật đời tư.
Trên cơ sở hiến định quyền bí mật đời tư, cần khẩn trương hoàn thiện tối ưu các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung hướng dẫn, cụ thể hóa quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp năm 2013.
Trước hết, về mặt chung nhất, chúng ta cần rà soát cụ thể và ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết hơn nội dung quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư. Vì Bộ luật này có phạm vi điều chỉnh cơ bản, tổng quan, tác động đến nhiều quan hệ xã hội nên cần thiết và tiên quyết xem xét hoàn thiện. Theo đó, văn bản hướng dẫn về quyền bí mật đời tư cần nêu cụ thể khái niệm bí mật đời tư, tạo sự thông hiểu cần thiết cho người dân, làm nền tảng để nhận biết các hành vi được cho là vi phạm quyền bí mật đời tư. Cùng với đó, cũng cần nêu cụ thể các thông tin được coi là bí mật đời tư, cần xác định rõ các hành vi bị coi là xâm phạm bí mật đời tư. Các biện pháp bảo vệ quyền bí mật đời tư cũng cần làm rõ.
Tiếp đó, nên nghiên cứu, có thể ban hành Luật về quyền riêng tư. Đây là một trong những chính sách cần thiết và được nhấn mạnh là cấp thiết trong xã hội ngày nay. Khi có đạo luật này, các quyền bí mật đời tư sẽ được bảo đảm cụ thể hơn, cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, đây cũng là mục tiêu để pháp luật nước ta có sự hội nhập với pháp luật của các nước khác trên thế giới đã có Luật về quyền riêng tư[8]. Thực tế với hoàn cảnh, điều kiện của nước ta thì việc ban hành Luật về quyền riêng tư sẽ có những khó khăn nhất định, tuy nhiên, về lâu về dài với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà ở đó, quyền con người, quyền công dân là chủ đạo nhất nên việc ban hành Luật về quyền riêng tư cần thiết và có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến việc thực hiện các nội dung cụ thể về quyền bí mật đời tư như Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin, Luật Xuất bản, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính...
Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện các biện pháp giáo dục, tuyên truyền về quyền bí mật đời tư.
Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật là một trong những nội dung không thể xem nhẹ. Pháp luật chỉ thực sự đi vào cuộc sống là chuẩn mực trong cách ứng xử của con người nếu mọi người đều biết đến nó. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước ta những năm trở lại đây đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng còn một số hạn chế cần khắc phục. Theo đó, tác giả đề xuất như sau: (i) Đưa nội dung giảng dạy về quyền bí mật đời tư vào trong chương trình đào tạo bắt buộc đối với một số ngành, nghề mà việc thực thi công việc rất dễ có thể có hành vi xâm phạm đến quyền bí mật đời tư như những người làm các công việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, làm nghề báo, nghề y, các công việc quản lý nhân sự, quản trị mạng, bưu chính, viễn thông…; (ii) Tuyên truyền bằng các hình thức nói chuyện pháp luật, đố vui pháp luật, lồng ghép trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật… về quy định liên quan đến bí mật đời tư; (iii) Phát tờ rơi, xuất bản các ấn phẩm định kỳ, trong đó có chuyên mục về đời tư, bí mật đời tư.
Thứ ba, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn cho các cán bộ Tòa án trong việc xét xử các vụ án có liên quan đến bí mật đời tư.
Xuất phát từ góc độ pháp luật quy định chưa rõ ràng về bí mật đời tư nên khi xét xử các vụ án có liên quan đến bí mật đời tư, các thẩm phán đôi khi còn thiếu kỹ năng đánh giá xem vấn đề đó có phải thuộc phạm trù quyền bí mật đời tư hay không. Do vậy, để khắc phục các hạn chế này, nhóm tác giả cho rằng, hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao cần phải có những buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về bí mật đời tư thường xuyên để các thẩm phán được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phán đoán quyền liên quan đến bí mật đời tư, bảo đảm việc xét xử cho phù hợp, hiệu quả, bảo đảm quyền bí mật đời tư của đương sự trong vụ án.
Thứ tư, tích cực tham gia ký kết các điều ước quốc tế có liên quan đến bí mật đời tư để dung hòa giữa pháp luật nước ta và các nước khác.
Quyền con người, quyền công dân và vấn đề bảo đảm là nội dung đặc biệt quan trọng trong mọi chính sách của quốc gia. Thực tế, Việt Nam đã tham gia ký kết khá nhiều các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền bí mật đời tư. Tuy nhiên khi cả thế giới đang có những bước phát triển mới, Việt Nam cũng cần phải có sự mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật dân sự nói chung, pháp luật liên quan đến bí mật đời tư nói riêng. Theo đó, thiết nghĩ, Việt Nam có thể tham gia ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về quyền con người. Các giải pháp về pháp luật trong việc hoàn thiện quy định liên quan đến quyền bí mật đời tư phải được thực hiện một cách đồng bộ, nhằm bảo đảm hiệu quả quyền bí mật đời tư.
Tóm lại, quyền bí mật đời tư và các quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bí mật đời tư không phải là nội dung quá mới ở nước ta. Với truyền thống tôn trọng quyền con người, quyền công dân, những năm qua, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước đều thực hiện vì nhân dân, bảo đảm tuyệt đối các quyền của nhân dân, trong đó có quyền bí mật đời tư. Thế nhưng, khi xã hội phát triển, một số quy định của pháp luật về quyền bí mật đời tư còn thiếu cụ thể, việc thể chế quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền bí mật đời tư còn chậm, chưa kịp thời. Vì vậy, nhóm tác giả đã đề xuất những giải pháp phù hợp để các quyền con người nói chung, quyền bí mật đời tư nói riêng được bảo đảm hiệu quả.
ThS. Lê Thị Mơ & ThS. Mai Thị Lâm
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: internet
[1] Hoàng Phê (chủ biên) (2021), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, tr. 75.
[2] Hoàng Lê Minh (2016), Quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn tại Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Luật Hà Nội, tr. 11.
[3] Lê Văn Sua, Quyền bí mật đời tư theo quy định của pháp luật dân sự: Cần được hướng dẫn, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1946, truy cập ngày 17/9/2023.
[4] Thái Thị Tuyết Dung (2012), Quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư ở Việt Nam và một số quốc gia, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 115.
[5] Adam Carlyle Breckenridge (1970), The right to privacy, Publishers on the Plains, pp.1.
[6] Đinh Tiến Dũng (2016), Quyền riêng tư trong Hiến pháp năm 2013 và các biện pháp bảo đảm bằng pháp luật, Tạp chí Thông tin và truyền thông, tr. 20.
[7] Đan Thuần, Làm “tick xanh” facebook cho người nổi tiếng rồi mạo danh lừa đảo, https://tuoitre.vn/lam-tick-xanh-facebook-cho-nguoi-noi-tieng-roi-mao-danh-lua-dao, truy cập ngày 20/9/2023.
[8] Hiện nay trên thế giới có khá nhiều quốc gia có ban hành Luật về quyền riêng tư như: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản...