Tóm tắt: Bài viết phân tích và đánh giá một số quy định của pháp luật về thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, đồng thời, nghiên cứu quy định pháp luật tố tụng hình sự của Hàn Quốc, Cộng hòa Croatia, Bosnia và Herzegovina, để đưa ra đề xuất hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam.
Abstract: The article analyzes and evaluates a number of legal provisions on criminal prosecution procedures against legal entities, and at the same time, studies the criminal procedure law of Korea, the Republic of Croatia, Bosnia and Herzegovina, to make a proposal to improve the provisions of the 2015 Criminal Procedure Code of Vietnam.
1. Những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp
Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân là một trong số các thủ tục đặc biệt được quy định tại Chương XXIX (từ Điều 431 đến Điều 446) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là những quy định phải được ưu tiên áp dụng khi tiến hành giải quyết các vụ án hình sự (VAHS) do pháp nhân thực hiện. Về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật lựa chọn những quy định khác biệt so với thủ tục tố tụng hình sự (TTHS) đối với cá nhân để đưa vào chương này; đồng thời, có thể dẫn chiếu đến một số điều luật trong các chương khác khi thật sự cần thiết.
Chương XXIX có tên gọi là “Thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân”. Việc sử dụng thuật ngữ “pháp nhân” trong chương này nói riêng và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nói chung là không bảo đảm tính đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Thi hành án hình sự năm 2019, nhà làm luật đều sử dụng thuật ngữ “pháp nhân thương mại”[1]. Về lý thuyết, luật hình thức (luật tố tụng hình sự) được xây dựng trên cơ sở luật nội dung (luật hình sự), do đó, cần phải thay thế tất cả cụm từ “pháp nhân” trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bằng cụm từ “pháp nhân thương mại”. Điểm hạn chế về kỹ thuật lập pháp này đã được nhiều tác giả phát hiện và đưa ra đề xuất khắc phục như trên[2].
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, còn có một thuật ngữ khác cũng cần phải điều chỉnh là thuật ngữ “pháp nhân phạm tội” được sử dụng tại các điều 18, 20, 55 và 444[3]. Trong đó, Điều 18 và Điều 20 ghi nhận hai nguyên tắc cơ bản của TTHS là: (i) Trách nhiệm khởi tố và xử lý VAHS; (ii) Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS. Thuật ngữ “pháp nhân phạm tội” trong hai điều luật này có thể chấp nhận được vì nội dung của chúng một phần hướng đến việc “xử lý” đúng người, pháp nhân phạm tội. Tuy nhiên, khoản 20 Điều 55 (quy định về người tham gia tố tụng) và khoản 2 Điều 444 (quy định về thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân) thì việc “gắn tên” pháp nhân phạm tội là không hợp lý, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội vì thời điểm này chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án đối với pháp nhân.
Cấu trúc Chương XXIX cũng cần điều chỉnh lại cho hợp lý và tương đồng với cấu trúc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Quy định chung nên được chuyển lên trước quy định điều chỉnh các giai đoạn tố tụng cụ thể. Ngoài ra, quy định điều chỉnh nhóm các vấn đề liên quan đến một đối tượng nên đặt ở các vị trí kế tiếp nhau. Theo đó, những điều luật sau đây cần được chuyển lên ngay sau Điều 431. Phạm vi áp dụng:
- Điều 434. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng;
- Điều 435. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Điều 440. Triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Điều 441. Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội;
- Điều 436. Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân.
Tiếp sau Điều 436 là các điều luật quy định về những biện pháp cưỡng chế cụ thể đối với pháp nhân. Sau khi kết thúc phần chung sẽ đến các điều luật quy định về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân.
Hiện nay, các điều luật trong Chương XXIX có thể được thiết kế theo lôgíc là phải khởi tố VAHS, khởi tố bị can đối với pháp nhân trước rồi mới đến những vấn đề khác như xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, triệu tập, lấy lời khai… Tuy nhiên, nếu dựa trên lôgíc này thì cả Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng phải sắp xếp lại. Rõ ràng cấu trúc này là không hợp lý về kỹ thuật lập pháp khi tạo nên sự pha trộn giữa quy định trong phần chung và phần riêng. Khi áp dụng pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT) chắc chắn sẽ phải biết lựa chọn “thứ tự” áp dụng các điều luật điều chỉnh từng hoạt động tố tụng cụ thể, vì vậy, không cần đặt các quy định về khởi tố vụ án, khởi tố bị can lên trước các quy định về địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng, những vấn đề cần phải chứng minh và biện pháp cưỡng chế.
Mặt khác, một vài điều luật hoàn toàn mang tính dẫn chiếu và không có sự khác biệt so với thủ tục chung cũng được đặt trong Chương XXIX. Cụ thể là, Điều 432 về Khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố VAHS. Toàn bộ nội dung của điều luật này chỉ đơn giản là sự viện dẫn quy định tại các điều 143, 153, 154 và 156 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong khi đó, Điều 431 về phạm vi áp dụng đã thể hiện rõ thủ tục tố tụng đối với pháp nhân tiến hành đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định tại Chương XXIX.
Nội dung Điều 433 về Khởi tố bị can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân cũng chỉ có một điểm khác duy nhất là quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân thì phải ghi “tên và địa chỉ pháp nhân theo quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền”. Tất cả những vấn đề còn lại đều được viện dẫn đến Điều 179, Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tương tự như vậy, Điều 445 về Thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân có ba khoản thì khoản 1 và 2 là quy định dẫn chiếu đến Luật Thi hành án dân sự và “quy định của pháp luật”[4] trong khi Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019[5] đã quy định chi tiết về vấn đề này.
Do đó, theo quan điểm của tác giả, nhà làm luật chỉ nên giữ lại trong Chương XXIX Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 những quy định khác biệt so với thủ tục chung và những quy định dẫn chiếu đến các điều luật của các chương khác khi thật sự cần thiết. Những điều luật nào mà nội dung hoàn toàn giống thủ tục thông thường hoặc đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật khác thì mạnh dạn xóa bỏ.
2. Những vấn đề liên quan đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng
2.1. Xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng
Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu TNHS được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Do đó, việc xác định đúng chủ thể này vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân, vừa bảo đảm quá trình TTHS được tiến hành thuận lợi, đúng thời hạn luật định. Người đại diện của pháp nhân bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền[6]. Tuy nhiên, để tham gia quá trình giải quyết VAHS đối với pháp nhân thì Điều 434 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ chấp nhận người đại diện theo pháp luật, có thể vì đây là người hiểu rõ và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến hoạt động của pháp nhân[7].
Về phía cơ quan có thẩm quyền THTT, việc xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, trong trường hợp thông thường, là đơn giản vì pháp luật dân sự và kinh tế đã quy định tương đối rõ. Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 434 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì pháp nhân có trách nhiệm cử và bảo đảm mọi điều kiện để người đại diện tham gia tố tụng có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng sẽ trở nên phức tạp. Nhà làm luật đã dự liệu trước và quy định[8]:
“Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng”.
Phân tích sâu những quy định trên cho thấy một số vấn đề sau cần bàn luận:
Thứ nhất, tại sao chỉ có người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mới có thể tham gia tố tụng còn người đại diện theo ủy quyền thì không?
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền THTT có quyền từ chối người đại diện theo pháp luật được pháp nhân cử không?
Thứ ba, “người khác” được cử tham gia tố tụng khi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng bị khởi tố có cần đáp ứng những điều kiện gì không?
Thứ tư, khi pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền THTT sẽ chỉ định một trong số họ làm người tham gia tố tụng. Tại sao trong trường hợp này, pháp luật không cho phép pháp nhân được lựa chọn và cử người đại diện mà giao trách nhiệm đó cho cơ quan có thẩm quyền THTT?
Để trả lời cho tất cả các câu hỏi trên cần xem xét từ nhiều góc độ bao gồm quyền lợi của pháp nhân và yêu cầu của quá trình giải quyết VAHS. Việc ưu tiên xác định người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng là người đại diện theo pháp luật dường như vừa có thể giúp thực hiện hiệu quả các quyền tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của pháp nhân, vừa cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền THTT nhiều thông tin cần thiết cho việc xác định sự thật vụ án. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một số vướng mắc đó là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đồng thời tham gia tố tụng với các tư cách khác như người làm chứng, đương sự trong VAHS được không?
Nếu triệu tập họ tham gia với tư cách người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì họ có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội” (điểm đ khoản 1 Điều 435 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Trong khi đó, nếu tham gia với tư cách người làm chứng thì họ có nghĩa vụ “trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án” (điểm b khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm về phần dân sự đối với những thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân thực hiện (liên quan đến việc khắc phục hậu quả, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại…). Do đó, rất có khả năng họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự và/hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Phải nhận thấy rằng, việc cử ai tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho pháp nhân trước hết phải do pháp nhân lựa chọn. Vì vậy, cơ quan lập pháp không nên quy định trong trường hợp pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì pháp nhân bị mất quyền cử người đại diện tham gia tố tụng. Thay vào đó, cơ quan có thẩm quyền THTT sẽ có trách nhiệm chỉ định người đại diện. Một vấn đề khác đó là Điều 434 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định thời hạn pháp nhân cử người đại diện tham gia tố tụng. Sự thiếu sót này sẽ gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền THTT vì không thể tạm ngưng quá trình tố tụng để chờ người đại diện được cử[9].
Ngoài ra, trong thực tiễn áp dụng, có thể suy đoán pháp nhân thường sẽ chọn người nào có đủ khả năng (đủ kiến thức pháp lý, sự hiểu biết về pháp nhân) thực hiện các quyền tố tụng để bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp người được chọn là người sẽ gây khó khăn, phức tạp cho việc giải quyết VAHS. Ví dụ, pháp nhân cử người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài, không biết tiếng Việt. Do đó, pháp luật cũng cần phải có những quy định về các trường hợp/căn cứ cho phép cơ quan có thẩm quyền THTT từ chối người đại diện được cử.
Liên quan đến người đại diện cho pháp nhân trong TTHS, pháp luật Hàn Quốc, Cộng hòa Croatia, Bosnia và Herzegovina có những quy định mà Việt Nam có thể tham khảo. Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1954 của Hàn Quốc quy định về người đại diện tạm thời (ad hoc representative) theo quyết định của Tòa án trên cơ sở đề nghị của Công tố viên cho đến khi có người đại diện chính thức[10]. Trong khi đó, Cộng hòa Croatia có một đạo luật riêng là Luật về trách nhiệm của pháp nhân đối với tội phạm (Act on the Responsbility of Legal Persons for the Criminal Offences) năm 2003[11]. Điều 27, Điều 28 của Luật này quy định khá chi tiết, cụ thể về những vấn đề liên quan đến người đại diện pháp nhân tham gia TTHS, điển hình là các quy định sau:
Điều 27. Người đại diện của pháp nhân bị buộc tội (Representative of the accused legal person):
“(2) Pháp nhân chỉ có thể có một người đại diện tham gia tố tụng. Người đại diện có thể là bất kỳ người nào có thẩm quyền hợp pháp (legally competent physical person) và nói tiếng Croatia.
(3) Người đại diện được chỉ định (be designated) bởi cơ quan của pháp nhân (legal person’s body) hoặc người đại diện theo pháp luật, theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của hiệp hội (articles of association), bảng ghi nhớ (memorandum) của doanh nghiệp hoặc một quyết định của cơ quan pháp nhân.
…
(5) Người đại diện của pháp nhân không thể là người đã được triệu tập với tư cách người làm chứng trong cùng vụ án hoặc người bị khởi tố về cùng tội phạm”.
Điều 28. Chỉ định người đại diện (Designation of Representative):
“(1) Trong những giấy triệu tập đầu tiên (the first summons), Tòa án phải cảnh báo pháp nhân về nghĩa vụ chỉ định người đại diện trong thời hạn 08 ngày kể từ ngày nhận được giấy triệu tập.
(2) Nếu pháp nhân không chỉ định người đại diện trong thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án có thầm quyền sẽ chỉ định người đại diện.
(3) Nếu pháp nhân không còn tồn tại trước khi có bản án cuối cùng, ví dụ, trước khi hoàn thành quá trình tố tụng hình sự và pháp nhân có doanh nghiệp kế nhiệm hợp pháp (legal successor), doanh nghiệp kế nhiệm hợp pháp có trách nhiệm chỉ định người đại diện trong thời hạn 08 ngày kể từ ngày chấm dứt của pháp nhân. Nếu không thì người đại diện sẽ được chỉ định bởi Tòa án có thẩm quyền.
(4) Nếu pháp nhân chỉ định người đại diện trái với quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 27 của Luật này, Tòa án có thẩm quyền sẽ yêu cầu pháp nhân chỉ định một người đại diện khác trong thời hạn 08 ngày và cung cấp cho Tòa án một bản tóm tắt thích hợp (appropriate brief). Nếu pháp nhân không chỉ định người đại diện trong thời hạn nói trên, Tòa án có thẩm quyền sẽ chỉ định người đại diện.
(5) Người đại diện của pháp nhân được chỉ định bởi Chánh án Tòa án thông qua một quyết định được gửi cho người này và pháp nhân. Người được chỉ định làm đại diện và pháp nhân có quyền khiếu nại (appeal) quyết định của Tòa án, mà không trì hoãn việc làm người đại diện”.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sửa đổi năm 2018) của Bosnia và Herzegovina đã dành một chương riêng (Chương XXVII) quy định về thủ tục tố tụng đối với pháp nhân[12]. Trong đó, Điều 379 quy định về những trường hợp không được làm người đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng bao gồm:
(1) Người đã được triệu tập lấy lời khai trong quá trình tố tụng.
(2) Người đang bị tiến hành tố tụng về cùng tội phạm trừ khi người này là thành viên duy nhất của pháp nhân.
(3) Trong các trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều này, Tòa án sẽ yêu cầu một cơ quan có thẩm quyền của pháp nhân chỉ định người khác làm người đại diện trong một thời hạn nhất định và thông báo cho Tòa án biết bằng văn bản. Nếu không, Tòa án sẽ chỉ định người đại diện.
Như vậy, pháp luật TTHS của ba quốc gia trên, đặc biệt là Cộng hòa Croatia, đã có những quy định mà Việt Nam có thể nghiên cứu và tiếp thu. Các nước này không bắt buộc người đại diện của pháp nhân tham gia TTHS phải là người đại diện theo pháp luật. Đặc biệt, quyền lựa chọn và cử người đại diện luôn được ưu tiên cho pháp nhân trong một thời hạn nhất định. Pháp luật Cộng hòa Croatia, Bosnia và Herzegovina cũng quy định khá rõ những trường hợp không đủ điều kiện trở thành người đại diện của pháp nhân tham gia vào quá trình tố tụng.
2.2. Quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có các quyền cụ thể được ghi nhận tại khoản 1 Điều 435 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nhà làm luật đã lựa chọn một số quyền của người bị buộc tội là cá nhân khi tham gia tố tụng với các tư cách khác nhau trong từng giai đoạn tố tụng (chủ yếu là quyền của bị can, bị cáo) và chuyển thành quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp luật Việt Nam, tương tự như pháp luật của các quốc gia châu Âu lục địa, không có sự phân biệt nhiều giữa quyền và nghĩa vụ tố tụng của pháp nhân với thể nhân[13]. Cũng vì vậy, mà có ý kiến cho rằng, nên loại bỏ Điều 435 và bổ sung khoản 3 Điều 434 với nội dung: “Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được thực hiện theo quy định tại các điều 57, 60, 61 của Bộ luật này, trừ những quy định chỉ áp dụng riêng cho cá nhân bị buộc tội”[14]. Tác giả bài viết không ủng hộ ý kiến này, vì chỉ khi nào thật sự thích hợp mới nên quy định mang tính dẫn chiếu. Hơn nữa, những quy định chỉ áp dụng riêng cho cá nhân bị buộc tội là những quy định nào? Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
Tuy nhiên, có thể thấy một quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) đã không được ghi nhận cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, đó là: “Quyền được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố”. Điều này là không công bằng cho pháp nhân bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Vì vậy, cần phải bổ sung vào khoản 1 Điều 435 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[15]. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người đại diện nói chung và người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nói riêng[16]. Về nguyên tắc, khi pháp nhân bắt đầu có tư cách tố tụng thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng được quyền tham gia vào quá trình TTHS.
3. Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân
Điều 436 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bốn biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng đối với pháp nhân bao gồm: (i) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (ii) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (iii) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (iv) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Nếu như hai biện pháp đầu tiên cũng đồng thời áp dụng với cá nhân thì hai biện pháp sau chỉ có thể áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (là bị can, bị cáo).
Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân, khoản 1 Điều 436 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định giao cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Tuy nhiên, khi xem xét các điều luật cụ thể quy định về thẩm quyền áp dụng từng biện pháp cưỡng chế thì chỉ có những người trong cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, mà không có người của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Như vậy, đã có sự không đồng bộ giữa phạm vi những chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân liệt kê tại khoản 1 Điều 436 và các điều 437, 438, 439. Có tác giả đã đưa ra hai phương án để khắc phục sự không đồng bộ này gồm: (i) Bỏ đi thẩm quyền này của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc (ii) Nếu giữ lại thẩm quyền này thì cần bổ sung cho đầy đủ, thống nhất trong các điều luật trên và điều luật dẫn chiếu[17]. Theo quan điểm của tác giả, xuất phát từ tính phức tạp của các VAHS do pháp nhân thực hiện; hệ quả của những biện pháp cưỡng chế; chức năng, nhiệm vụ và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan có thẩm quyền THTT, chúng ta chỉ nên trao thẩm quyền áp dụng các biện pháp này cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Nghiên cứu pháp luật nước ngoài, cụ thể là pháp luật TTHS của Bosnia và Herzegovina, cho thấy, bên cạnh các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân tương tự như của Việt Nam, còn có một biện pháp khác đó là cấm “những thay đổi liên quan đến hình thức tồn tại” (status-related changes). Cụ thể, khoản 3 Điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sửa đổi năm 2018) của quốc gia này quy định: “Trong quá trình tố tụng hình sự đối với pháp nhân, trên cơ sở đề nghị của Công tố viên, Tòa án có thể cấm việc thay đổi hình thức dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân”[18]. Tác giả bài viết cho rằng, đây là một biện pháp rất đáng để suy nghĩ và bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành của nước ta nhằm ngăn chặn tình trạng pháp nhân có thể tiến hành các hoạt động như hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể, tuyên bố phá sản (khoản 1 Điều 96 Bộ luật Dân sự năm 2015) để chấm dứt sự tồn tại, gây khó khăn cho việc truy cứu TNHS.
PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
Phó Trưởng khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
[2]. Trịnh Quốc Toản, “Nghiên cứu một số quy định đặc thù về thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, tập 34, số 3(2018), tr. 23; Hoàng Đình Thanh, Sửa đổi, bổ sung một số thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (ngày 15/5/2020), https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/sua-doi-bo-sung-mot-so-thu-tuc-to-tung-cua-bltths-nam-2015-nham-dap-ung-yeu-cau-cua-blhs-nam-2015, truy cập ngày 11/4/2021; Bạch Ngọc Du, Truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Tạp chí TAND điện tử (ngày 27/5/2019), https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi, truy cập ngày 11/4/2021.
[3]. Trần Bá Quang, Thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân luật, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016, tr. 53.
[4]. Thời điểm ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, dự án Luật Thi hành án hình sự mới thay thế Luật Thi hành án hình sự năm 2010 chưa hoàn thành nên nhà làm luật chỉ có thể tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 445 là: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật Hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật”.
[5]. Xem: Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[6]. Xem: Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7]. Xem: Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[8]. Xem: Đoạn 2, 3 khoản 1 Điều 434 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[9]. Tham khảo thêm Lê Huỳnh Tấn Duy, Nguyễn Trương Thanh Thảo (2022), “Người đại diện của pháp nhân trong tố tụng hình sự Croatia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 4 (59), tr. 63 - 64.
[10]. UNHCR, Republic of Korea: Penal Procedure Code https://www.refworld.org/docid/3ae6b5af0.html, truy cập ngày 13/4/2021.
[11]. Republic of Croatia, The Act on the Responsbility of Legal Persons for the Criminal Offences http://www.vsrh.hr/CustomPages/Static/HRV/Files/Legislation__Responsibility-Legal-Persons-CO.pdf, truy cập ngày 13/4/2021.
[12]. Legislation Online, Bosnia and Herzegovina, Criminal Procedure Code (2003, amended 2018) https://www.legislationline.org/documents/section/criminal-codes/country/40/Bosnia%20and%20Herzegovina/show, truy cập ngày 13/4/2021.
[13]. Nguyễn Hoàng Anh, Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân ở một số quốc gia và những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21(373), tháng 11/2018 http://www.lapphap.vn/Pages/ tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207650, truy cập ngày 12/4/2021.
[14]. Trịnh Quốc Toản, tlđd (chú thích số 02), tr. 24.
[15]. Lê Huỳnh Tấn Duy, Nguyễn Trương Thanh Thảo, tlđd (chú thích số 09), tr. 66.
[16]. Tham khảo thêm Lê Huỳnh Tấn Duy, Nguyễn Trương Thanh Thảo, tlđd (chú thích số 09), tr. 64.
[17]. Bạch Ngọc Du, tlđd (chú thích số 02).
[18]. Article 386. Security measure
“(3) When the criminal procedure is instituted against the legal person, the Court may, at the proposal of the Prosecutor, or ex officio, forbid status-related changes, the consequence of which would be deletion of the legal person from the Court registry. The decision on this ban is registered in the Court registry.”