
Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là đăng ký đất đai) là một trong các nội dung quản lý nhà nước về đất đai; một mặt, giúp cho Nhà nước nắm chắc thông tin để quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài nguyên đất, ra các quyết định quản lý và thực hiện việc thu các nghĩa vụ tài chính liên quan đến sử dụng, giao dịch về đất đai cho ngân sách nhà nước; mặt khác, cung cấp thông tin, chứng cứ pháp lý cho các chủ thể sử dụng đất và các bên liên quan để thực hiện các quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, có các quyết định hợp lý trong sử dụng và giao kết dân sự về đất đai và tài sản, có cơ sở pháp lý bảo đảm cho các khoản vay phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Do gắn với việc công nhận quyền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận lần đầu, nên đăng ký đất đai ở Việt Nam cũng là một hoạt động công quyền.
Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với mọi trường hợp sử dụng đất, kể cả các trường hợp không được cấp giấy chứng nhận hoặc người sử dụng đất chưa có nhu cầu cấp giấy chứng nhận, nhằm đảm bảo thông tin về hiện trạng sử dụng đất được ghi nhận đầy đủ trong hệ thống đăng ký đất đai.
Tác giả Nguyễn Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết nghiên cứu trao đổi về “Thực tiễn công tác tổ chức đăng ký đất đai hiện nay ở Việt Nam” với những nội dung trao đổi cơ bản như sau: (1) Khái quát những vấn đề nền tảng của hệ thống đăng ký đất đai ở Việt Nam; (2) Kết quả công tác đăng ký đất đai và khó khăn, vướng mắc; (3) Một số kiến nghị.
Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả đã đề cập, bạn đọc có thể xem thêm nội dung của bài viết được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề “Pháp luật về đăng ký giao dịch đảm bảo” tháng 10/2014.
Hải Việt