Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP; cơ chế cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin LLTP phải được quản lý thống nhất, hiệu quả trong phạm vi cả nước. Để từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp thì việc đánh giá hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, làm rõ những kết quả, hạn chế của hoạt động này, từ đó, đề ra những giải pháp nhằm triển khai các quy định của Luật Lý lịch tư pháp một cách hiệu quả.
1. Những kết quả đạt được
Theo quy định thì cơ sở dữ liệu LLTP là tập hợp các thông tin LLTP về án tích, về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp[1]. Cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý theo mô hình 02 cấp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp. Luật Lý lịch tư pháp cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP; theo đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước, Sở Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các cơ quan như Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quân đội, Thi hành án dân sự… có nhiệm vụ cung cấp thông tin LLTP cho Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP. Ngoài ra, còn có một số đơn vị có nhiệm vụ cung cấp thông tin khác về hộ tịch như Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện và cấp xã trong toàn quốc cho các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp[2]. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin LLTP do các cơ quan, tổ chức cung cấp để phân loại, xử lý, cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP theo yêu cầu của Luật.
Với sự nỗ lực, cố gắng của các Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và sự phối hợp của các ngành liên quan, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đã có một số kết quả nổi bật như sau:
1.1. Về công tác tham mưu, phối hợp
Công tác tham mưu, phối hợp của Bộ Tư pháp với các bộ, ngành ở trung ương đã được quan tâm kịp thời, đầy đủ để xây dựng thể chế ban hành văn bản hướng dẫn thi hành (đã ban hành trên 10 văn bản) và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương một cách cơ bản để các địa phương có đủ cơ sở phối hợp triển khai thi hành ở cấp dưới. Tại địa phương, ngay sau khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực, lãnh đạo thành ủy, tỉnh ủy và UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương phối hợp với Sở Tư pháp trong việc cung cấp thông tin LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP. Cho đến nay, tất cả các địa phương có Quy chế phối hợp cung cấp thông tin do UBND cấp tỉnh ban hành hoặc là do các cơ quan liên quan phối hợp ký kết để làm cơ sở cho các cơ quan liên quan tại địa phương trao đổi, xác minh, cung cấp thông tin LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và cấp phiếu LLTP. Các Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện công tác cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP cho Sở Tư pháp; tăng cường trao đổi thông tin dưới nhiều hình thức, phương thức như: Trực tiếp, qua bưu điện, qua mạng internet hoặc qua mạng máy tính.
1.2. Việc ứng dụng công nghệ thông tin
Nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin trong lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, ngay từ khi Luật Lý lịch tư pháp được ban hành và triển khai, Bộ Tư pháp đã quan tâm, chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này và đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Từ năm 2012, Bộ Tư pháp đã thực hiện triển khai phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho các Sở Tư pháp. Từ năm 2015, Bộ Tư pháp đã đưa vào sử dụng giải pháp trao đổi thông tin LLTP điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp thay thế việc gửi thông tin LLTP bằng văn bản giấy và hạn chế thông tin phải nhập lại nhiều lần, đến nay việc trao đổi thông tin LLTP giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã được thực hiện hoàn toàn qua đường điện tử.
1.3. Kết quả công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Với sự nỗ lực, cố gắng của các Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và sự phối hợp của các ngành liên quan, cho đến nay công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ như: Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đã được quan tâm, chú trọng thực hiện và đã dần đi vào nền nếp; nguồn thông tin LLTP đã được khai thông, số lượng thông tin LLTP từ các cơ quan có liên quan cung cấp nhiều hơn, thường xuyên, kịp thời hơn và cụ thể hơn; đã tiếp nhận và xử lý với số lượng thông tin tương đối lớn; chất lượng thông tin ngày một đảm bảo… đặc biệt là số lượng thông tin thiếu hụt trong những năm đầu triển khai thi hành Luật (2010 - 2011) đã được cung cấp về cơ bản đã đầy đủ; việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan, giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã được thiết lập ổn định, bài bản và kết quả. Tính đến ngày 31/06/2020, 63 Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận được trên 8.374.000 thông tin LLTP. Các Sở Tư pháp đã nhận được trên 6.500.000 thông tin LLTP (78%), Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nhận 1.873.975 thông tin LLTP (chiếm 22%). Tại các Sở Tư pháp số lượng thông tin do các cơ quan cung cấp có tỷ lệ như sau: 2.885.760 (47%) thông tin án tích đến từ các cơ quan Tòa án, 1.346.885 (22%) thông tin từ các cơ quan thi hành án dân sự… Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nhận được số lượng thông tin cụ thể: 1.269.084 thông tin (68%) từ các Sở Tư pháp; 576.688 thông tin (28%) từ các cơ quan Công an; 8.084 thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 9.347 thông tin do Tòa án Quân sự trung ương... Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp còn nhận được gần 778.576 thông tin về hộ tịch.
Trên cơ sở số lượng thông tin nhận được, Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã lập được 886.234 bản LLTP, trong đó các Sở Tư pháp đã lập được 878.598 bản LLTP (99%), Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia lập được 7.636 bản LLTP (1%); có nhiều Sở Tư pháp lập được số lượng tương đối nhiều như: Hà Nội (85.970); TP. Hồ Chí Minh (78.352); Thanh Hóa (34.202); Nghệ An (26.989); Đồng Nai (26.630); Hải Phòng (26.263); Nam Định (21.813); Đắk Lắk (21.562)[3]…
2. Một số vướng mắc, tồn tại
Bên cạnh những kết quả, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP còn một số vướng mắc, tồn tại chủ yếu như sau:
2.1. Về thể chế: Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành. Việc quy định nhiều loại thông tin cung cấp cho Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp (gần 100 loại) do nhiều cấp (từ trung ương đến cấp xã) và quá nhiều đầu mối cung cấp thông tin, thậm chí có một đầu mối (Công an cấp huyện) cung cấp cho Sở Tư pháp một số loại thông tin, cung cấp cho Bộ Tư pháp một số loại thông tin khác. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn chưa sát thực tế, thậm chí mâu thuẫn…, trong khi đó, chưa có quy định về cơ chế giám sát, bảo đảm thực hiện cũng như biện pháp chế tài.
2.2. Về tổ chức thực hiện: Có thể khẳng định là cho đến nay, công tác xây dựng thể chế mặc dù còn một số bất cập nhưng về cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng căn bản yêu cầu của việc thực hiện, triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp tại các địa phương. Vấn đề tồn tại chính còn lại ở đây là công tác triển khai thi hành, phối hợp thực hiện tại các địa phương, tập trung chủ yếu vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan có trách nhiệm chưa thực sự chặt chẽ. Số lượng thông tin được cung cấp chưa đầy đủ, kịp thời và có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng thông tin được cung cấp với số lượng thông tin do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP nhận được. Bên cạnh đó, hình thức thông tin được cung cấp chậm được đổi mới, hầu hết thông tin được cung cấp trong thời gian qua vẫn dưới dạng văn bản giấy qua đường bưu điện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp trao đổi thông tin chậm triển khai, chưa kết nối cụ thể; việc xây dựng, tích hợp, chia sẻ, rà soát thông tin giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau chưa được thực hiện nhất là trao đổi, cung cấp giữa các cơ quan liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an…
Thứ hai, số lượng lập LLTP còn hạn chế và đang có xu hướng ngày càng giảm về số lượng. Trong 10 năm qua, mặc dù các cơ quan trong Ngành Tư pháp đã nhận được rất nhiều thông tin (trên 08 triệu) nhưng mới chỉ xử lý lập được số lượng bản LLTP còn hạn chế (886.234 bản). Bên cạnh đó, các địa phương đã có tình trạng giảm dần về số lượng LLTP lập được, cụ thể: 63 Sở Tư pháp trong năm 2018 lập 105.402 bản LLTP, năm 2019 lập 82.887 bản LLTP (giảm 21%); 08 tháng đầu năm 2019 lập được 58.837 bản LLTP (giảm 5% so với cùng kỳ năm trước), 08 tháng đầu năm 2020 lập được 53.223 bản LLTP (giảm 11% so với cùng kỳ năm trước)[4]…
Thứ ba, số lượng thông tin hiện nay chưa được đầy đủ, kịp thời, chất lượng chưa bảo đảm. Các cơ quan cung cấp thông tin đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ nhưng do chưa có quy định về cơ chế bảo đảm, cũng như biện pháp chế tài nên tình trạng chậm gửi hoặc không gửi đúng thời hạn vẫn còn xảy ra. Số lượng thông tin được cung cấp chưa đầy đủ, kịp thời và có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng thông tin được cung cấp với số lượng thông tin do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP nhận được. Bên cạnh đó, do trình độ cán bộ xử lý thông tin và phần mềm dùng chung đã lạc hậu nên chất lượng cũng chưa được bảo đảm. Dữ liệu LLTP điện tử được tạo lập vẫn còn có sai sót, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, đầy đủ đã phần nào gây ảnh hưởng đến chất lượng cơ sở dữ liệu LLTP.
Thứ tư, số lượng thông tin tồn đọng còn nhiều. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP dẫn đến số lượng thông tin LLTP tiếp nhận và số lượng LLTP lập được còn rất hạn chế; công tác rà soát, đối chiếu giữa các cơ quan trao đổi, cung cấp thông tin chưa được hiệu quả, thường xuyên cho nên nhiều Sở Tư pháp không biết được số lượng của các cơ quan cung cấp, trao đổi đã đầy đủ, chính xác hay không; thông tin cung cấp thường xuyên bị chậm, không kịp thời; số lượng thông tin huy động được còn tồn đọng, chưa được xử lý tại các Sở Tư pháp còn khá lớn (10%, có Sở Tư pháp tồn 70%). Nhiều Sở Tư pháp có số lượng thông tin xử lý rất hạn chế, cụ thể: Đến nay vẫn còn 08 Sở Tư pháp có số lượng lập LLTP trong 10 năm chưa quá 6.000 bản LLTP. Cá biệt, có Sở Tư pháp được Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có công văn đôn đốc, nhắc nhở liên tục… nhưng không có chuyển biến, cho nên chỉ lập được số lượng hết sức khiêm tốn, thậm chí số lượng thông tin do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã cung cấp là giấy tha tù các loại… cho Sở Tư pháp còn nhiều hơn số LLTP mà Sở Tư pháp đã lập: Lào Cai (2.419/4.685); Thái Bình (5.583/9.277)[5]…
Vấn đề khó khăn nhất đối với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hiện nay là không nắm được chính xác số lượng thông tin tồn đọng thực tế tại các địa phương. Do nhiều lượng thông tin chưa được tiếp nhận vào phần mềm, nên chưa thể nắm rõ hết số lượng tồn đọng; chỉ khi các Sở Tư pháp cập nhật thông tin vào phần mềm dùng chung thì Trung tâm mới nắm được tình hình cơ bản. Thậm chí Sở Tư pháp đã vào phần mềm thì cũng không nắm được chính xác, nguyên nhân là hiện nay nhiều Sở Tư pháp không vào sổ tiếp nhận mà bổ sung trực tiếp thông tin vào cơ sở dữ liệu LLTP trên phần mềm (không qua sổ tiếp nhận theo quy định). Bên cạnh đó, số liệu báo cáo thống kê định kỳ của các Sở Tư pháp và báo cáo theo yêu cầu của Trung tâm phục vụ công tác sơ, tổng kết… thường “vênh” nhau, khó bảo đảm chính xác. Chính vì thế, hiện nay, số lượng thông tin LLTP còn tồn đọng tại Sở Tư pháp theo thống kê trên chỉ là tương đối.
Thứ năm, nhân lực và kinh phí đầu tư còn hạn chế. Để tiếp nhận và xử lý thông tin đảm bảo tiến độ quy định thì vấn đề nhân lực và kinh phí phải đáp ứng đầy đủ, nhất là về vấn đề nhân lực, con người nói chung có yếu tố quyết định. Tại các địa phương, biên chế cho công tác LLTP nói chung đã rất hạn chế thì nhân lực cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP nói riêng càng hạn chế hơn. Đa số các Sở Tư pháp chỉ có 01 biên chế được bố trí làm công tác này, có địa phương được bố trí trên 10 biên chế cho công tác LLTP thì tập trung hết cho công tác cấp phiếu LLTP. Kinh phí đặc thù tại các địa phương để chi cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP quá hạn chế, gần như không có. Trong khí đó, thì kinh phí trích lại từ công tác cấp phiếu LLTP không đáng kể. Việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị làm việc, bố trí kho lưu trữ và các trang thiết bị lưu trữ, bảo quản hồ sơ LLTP bằng văn bản giấy còn rất khiêm tốn cho nên công tác lưu trữ hồ sơ LLTP bằng văn bản giấy tại các địa phương gần như chưa được thực hiện theo đúng yêu cầu.
Ngoài ra, còn có một số bất cập khác như: Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP; các Sở Tư pháp sử dụng phần mềm dùng chung còn nhiều lúng túng; nhiều Sở Tư pháp không quản lý, nắm bắt được thực trạng cơ sở dữ liệu LLTP trên phần mềm dùng chung của Sở Tư pháp hiện nay. Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin còn rất khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP...
4. Nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên thì có nhiều, bao gồm cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên ở góc độ trực tiếp quản lý công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP thì có nguyên nhân chủ yếu sau:
4.1. Nguyên nhân khách quan
Một số nguyên nhân khách quan xuất phát từ vấn đề về thể chế, như: Nội dung cải cách tư pháp liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, cải cách mô hình tổ chức hệ thống đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đã có nhiều thay đổi nên Luật Lý lịch tư pháp chưa cập nhật được những nội dung, tư tưởng mới theo Hiến pháp năm 2013 cũng như những quy định mới có liên quan của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP là nhiệm vụ hoàn toàn mới được giao cho Ngành Tư pháp từ khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành nên việc triển khai thực hiện thời gian đầu còn nhiều khó khăn, lúng túng. Luật Lý lịch tư pháp được triển khai trong bối cảnh việc mua sắm tài sản, bố trí biên chế được thắt chặt, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên vô hình chung đã tạo ra nhiều thách thức, khó khăn.
4.2. Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu, quan trọng nhất tập trung vào khâu tổ chức thực hiện như:
- Nhận thức, quan điểm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp, nhất là các Sở Tư pháp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP còn hạn chế, chưa đầy đủ, đúng mức và chưa ý thức được nguy cơ phải đối mặt sắp tới nếu cơ sở dữ liệu LLTP yếu kém thì vẫn sẽ phụ thuộc hoàn toàn, lâu dài vào Ngành Công an trong khai thác cấp phiếu LLTP cho công dân. Hầu hết các địa phương yếu kém về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP thì lãnh đạo đơn vị đều nêu lên khó khăn về biên chế, kinh phí (trong khí đó nhiều Sở Tư pháp không chi tiêu hết số kinh phí được để lại từ cấp phiếu LLTP mà trả lại ngân sách). Có một số địa phương đã xuất hiện tâm lý ỷ lại, trông chờ vào “thiện chí” của các cơ quan liên quan hoặc các giải pháp từ cơ quan cấp trên đưa xuống mà chưa chú trọng vận động, tìm tòi các giải pháp để tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP.
- Do hạn chế nguồn lực con người nên cán bộ được phân công làm công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP rất hạn chế, nếu có thì các địa phương lại chủ yếu tập trung vào công tác cấp phiếu LLTP cho công dân. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ LLTP chưa được thực hiện thường xuyên; trong khi đó, tại nhiều địa phương, cán bộ sau khi tham gia khóa đào tạo về nghiệp vụ LLTP, khi trở lại địa phương công tác thì lại điều chuyển sang làm công việc khác.
- Kinh phí đặc thù cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP không có, trong khi đó, kinh phí thu được từ hoạt động cấp phiếu LLTP cũng rất khiêm tốn, nhất là các địa phương có số lượng cấp phiếu LLTP ít nên việc hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP rất hạn chế. Hiện nay, đa số các địa phương chỉ hỗ trợ bằng hình thức làm thêm giờ, bồi dưỡng thêm... nhưng cũng rất hạn chế và thực chất gần như không hỗ trợ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, tình trạng này dẫn đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP rất khó khăn.
- Việc phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP giữa các cơ quan hữu quan chưa thực sự chặt chẽ, đúng quy định. Đến nay vẫn còn địa phương chưa có quy chế phối hợp. Một số địa phương mặc dù đã có quy chế phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin LLTP nhưng việc thực hiện chưa được nghiêm túc, chưa đôn đốc, chậm rà soát, sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp lại thụ động trong việc đôn đốc các cơ quan có nhiệm vụ cung cấp thông tin, rất nhiều Sở Tư pháp chỉ ngồi chờ thông tin đến, nếu có đôn đốc thì chỉ là hình thức chung chung, chiếu lệ như ban hành công văn, gọi điện thoại...
5. Một số giải pháp cấp bách trước mắt
Để tăng cường hiệu quả công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, ngoài một số giải pháp lâu dài khắc phục, giải quyết đồng bộ các tồn tại, vướng mắc về thể chế..., thì trước mắt, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung cấp bách trong việc tổ chức thực hiện như sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Như phần trên đã khẳng định là công tác xây dựng thể chế mặc dù còn một số bất cập nhưng về cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng căn bản yêu cầu của việc thực hiện, triển khai thi hành. Bên cạnh đó, công tác phối hợp chỉ đạo của các cơ quan liên quan ở cấp trung ương đã đầy đủ, kịp thời… Vấn đề chính còn lại ở đây là công tác triển khai thi hành, phối hợp thực hiện tại các địa phương. Vì vậy, quan trọng nhất hiện nay là vấn đề nhận thức của lãnh đạo các địa phương để có giải pháp tổ chức thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP tại địa phương
Hai là, tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan: Sở Tư pháp cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án... để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bảo đảm cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP.
Ba là, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa hoạt động xây dựng, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (gọi tắt là giải pháp phần mềm “khắc nhập, khắc xuất”). Giải pháp này nếu được triển khai sẽ góp phần giảm gánh nặng biên chế cho các Sở Tư pháp, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP tại các địa phương sẽ bảo đảm sự chính xác của các thông tin.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia
[2]. Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP.
[3]. Tổng hợp từ báo cáo của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc về tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.
[4]. Tổng hợp từ báo cáo của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc về tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.
[5]. Tổng hợp từ báo cáo của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc về tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.