
Abstract: The paper focuses on the study of fundamental solutions contributing to the effective implementation of goals on improving competition capability and logistics service development in Vietnam.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao (Điều 233 Luật Thương mại năm 2005).
Là quốc gia có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho hoạt động logistics, tuy nhiên trong nhiều năm trước đây, Việt Nam thiếu chiến lược rõ ràng nhằm phát triển dịch vụ logistics. Đến năm 2017, với Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định số 200/QĐ-TTg) thì những quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu đã được đặt ra mang tầm chiến lược.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy để triển khai thực hiện chiến lược của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics là một chặng đường dài nhiều khó khăn và phức tạp. Hoạt động đầu tiên phản ánh nỗ lực của Chính phủ là tổ chức thành công diễn đàn logistics Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” do Bộ Công Thương chủ trì được tổ chức ngày 15/12/2017 tại Hà Nội. Qua đó cho thấy bức tranh toàn cảnh về dịch vụ logistics của Việt Nam. Chi phí logistics ở nước ta còn ở mức cao, tương đương 20% GDP (trong khi các nước phát triển chỉ từ 9-14%) nhưng chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP. Tỷ lệ thuê ngoài khoảng 35 - 40%, số lượng doanh nghiệp logistics của nước ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics nhưng chỉ chiếm thị phần là 25%, trong khi đó chỉ với 30 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chiếm tới 75% thị phần logistics của Việt Nam [1]…
Như vậy, để đạt được các mục tiêu như Chính phủ đề ra là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên…[2], thì công việc đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương là khá nặng nề. Để phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam và hoàn thành các mục tiêu theo Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ logistics
Các quy định của pháp luật về dịch vụ logistics có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Ở Việt Nam, chưa có một cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hệ thống hóa, tập hợp hóa văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ logistics, mà mỗi cơ quan, mỗi ngành khác nhau lại có hệ thống tập hợp riêng, triển khai riêng. Do đó, việc nghiên cứu pháp luật dịch vụ logistics một cách đầy đủ và chính xác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Khó khăn, vướng mắc nữa cũng bắt nguồn từ các quy định của pháp luật là dịch vụ logistics rất rộng, trải dài trên nhiều ngành, nghề khác nhau. Vì vậy, các nhà làm luật đã không thể dự liệu hết được nên còn để lại những khoảng trống pháp lý nhất định. Bên cạnh đó, khi ban hành các quy định về logistics các cơ quan chủ quan, các nhà làm luật đã thiếu sự khảo sát thực tế, thiếu sự nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài và hạn chế trong tổ chức đối thoại, lấy ý kiến,... Do đó, còn có những quy định mang tính hình thức, thiếu tính thực tế và còn có những khoảng trống pháp lý nhất định cần thiết phải được hoàn thiện.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho việc nâng cao sức cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Về hướng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động logistics: Phải đảm bảo hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và không còn xung đột hay khoảng trống pháp lý. Do đó, giải pháp trước mắt Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp cần phối hợp rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hiệp định thương mại tự do (FTA),… để kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung và có các biện pháp đảm bảo tránh xung đột trong cam kết về logistics tại các diễn đàn quốc tế, tránh xung đột giữa cam kết quốc tế về logistics với pháp luật trong nước, giải quyết các mâu thuẫn của pháp luật trong nước với nhau và khỏa lấp khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam. Theo đó, tập hợp hóa, hệ thống hóa pháp luật điều chỉnh kinh doanh dịch vụ logistics nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ hệ thống pháp luật về kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Về lâu dài, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 theo hướng tách dịch vụ logistics khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại để xây dựng luật riêng - Luật Kinh doanh dịch vụ logistics. Theo đó, đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao hàm tất cả các dịch vụ logistics có liên quan từ đầu tư, kinh doanh cho đến các ngành nghề có liên quan như giao thông vận tải, kho bãi, hải quan,…
Thứ hai, giải pháp về thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài
Để thu hút được nguồn lực đầu tư nước ngoài bao gồm nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh nghiệm hoạt động logistics của các nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam cần phải có cơ chế, chính sách thật rõ ràng và minh bạch. Cơ chế, chính sách này cần tập trung vào đầu tư hạ tầng cơ sở. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng là cái quyết định kiến trúc thượng tầng, bảo đảm cho chiến lược về dịch vụ logistics của Việt Nam được thực hiện thắng lợi, thành công.
Quyết định số 200/QĐ-TTg thể hiện rõ quan điểm: “Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Cùng với quan điểm này là mục tiêu: “Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực”.
Cụ thể hơn, tại nhiệm vụ số 14 trong các nhiệm vụ cụ thể nâng cao năng lực cạnh trạnh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-TTg đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics. Trong đó, việc ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics và phát triển kết cấu hạ tầng logistics phải được hoàn thiện vào năm 2019.
Có thể nói, đây là giải pháp cơ bản nhằm thu hút được nguồn lực từ các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút hút được đầu tư vào hạ tầng logistics Việt Nam, ngoài chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thì việc quy hoạch hạ tầng cụ thể để quảng bá, mời chào các nhà đầu tư tham gia đấu thầu công khai, minh bạch là một giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả chiến lược logistics Việt Nam.
Vì vậy, giải pháp đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải quy hoạch và công khai quy hoạch các dự án hạ tầng logistics cần thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, trong đó xác định những dự án hạ tầng logistics cần phải làm ngay và các dự án hạ tầng logistics trong kế hoạch lâu dài để các nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị tham gia đầu thầu, liên minh, liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh một cách có hiệu quả nhất.
Thứ ba, vấn đề bảo hộ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước
Bất kỳ nước nào cũng xây dựng những chính sách bảo hộ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và lao động trong nước. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách đúng đắn trong mở cửa thị trường logistics cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng luôn bảo hộ những nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước. Đây luôn là hai mặt của một vấn đề, không dễ dàng để thực hiện khi mà hoạt động logistics của Việt Nam còn khá non trẻ, yếu kém từ vốn, kinh nghiệm cho tới nguồn nhân lực,…
Bên cạnh đó, hiện tại Việt Nam đã và đang phải thực hiện đúng các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường logistics thì việc bảo hộ cứng nhắc, mang tính cấm đoán, cho phép hoặc không cho phép kinh doanh dịch vụ logistics không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, Việt Nam cần phải có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Theo đó, giải pháp cho vấn đề chống cạnh tranh không lành mạnh, tránh việc chiếm lĩnh thị trường độc quyền logistic của các nhà đầu tư nước ngoài, bảo hộ thị phần logistics trong nước, thì Việt Nam phải thực hiện đồng bộ và tổng thế các giải pháp bao gồm: Xây dựng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó đặc biệt phải xây dựng được những tập đoàn logistics mạnh và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn trên thế giới; đào tạo nguồn nhân lực; thông tin, truyền thông về logistics;…
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh giải pháp cơ bản và hữu hiệu nhất là xây dựng những tập đoàn trong nước vững mạnh cả về vốn, mối quan hệ và nguồn nhân lực. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã trải qua. Những tập đoàn này là hạt nhân để liên kết, kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước lại với nhau tạo nên một hệ thống chỉnh thể và thống nhất để thực hiện logistics 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng), 4PL (logistics chuỗi phân phối hay nhà cung cấp logistics chủ đạo) và thậm chí là 5PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ năm). Việt Nam đang thuận lợi là một số doanh nghiệp có vốn sở hữu của nhà nước có nguồn lực khá tốt để thực hiện được chiến lược này.
Quyết định số 200/QĐ-TTG đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam là “tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế”[3]. Với mục tiêu là “hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp”[4]. Thực hiện tốt quan điểm và mục tiêu này, chính là giải pháp bảo đảm hiệu quả nhất thị trường logistics cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và vươn tầm ra thế giới.
Giải pháp đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics; Hình thành những doanh nghiệp/tập đoàn lớn về logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường logistics.
Thứ tư, về cơ sở hạ tầng logistics
Cơ sở hạ tầng logistics quyết định đến nhiều vấn đề quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, trong đó có vấn đề về giảm chi phí dịch vụ logistics,… Vì vậy, Việt Nam cần phải có chiến lược trước mắt cũng như lâu dài về hạ tầng logistics. Theo đó, chiến lược này phải đa dạng hóa các loại hình giao thông, kết nối giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không với các trung tâm logistics, kho vận,… Để thực hiện được chiến lược này, Việt Nam cần có nguồn vốn lớn của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, yêu cầu đặt ra là Việt Nam phải quy hoạch và xác định những dự án nào Nhà nước thực hiện, dự án nào dành cho doanh nghiệp trong nước và dự án nào cần phải thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, giới thiệu, mời chào để thu hút các nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào hạ tầng logistics.
Giải pháp này đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương là phải kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về logistics. Theo đó, Ban chỉ đạo này chỉ đạo/lãnh đạo thống nhất lập quy hoạch hạ tầng logistics Việt Nam trên phạm vi toàn quốc cần phải đầu tư, hoàn thiện. Từ quy hoạch này, những dự án nào cần phải xã hội hóa đầu tư, cũng như thu hút nguồn đầu tư nước ngoài thì tiến hành công bố/niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử của Ban chỉ đạo, của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để kêu gọi, mời gọi đầu tư.
Thứ năm, về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ dịch vụ logistics
Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực ngành logistics thiếu kiến thức toàn diện, trình độ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực theo dự báo đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics[5].
Vì vậy, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ dịch vụ logistics là đặc biệt quan trọng. Trong giải pháp này, việc đào tạo nguồn nhân lực từ trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học. Bên cạnh đó, đào tạo cần có sự hợp tác quốc tế, liên kết và có sự đặt hàng từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; phải đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng có sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về nhân lực đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Vì vậy, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ dịch vụ logistics. Trong chiến lược này, giao chỉ tiêu cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có năng lực thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực; có chính sách khuyến khích các trường hợp tác với các cơ sở đào tạo nhân lực logistics có uy tín trên thế giới để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Đinh Duy Bằng
Văn phòng Luật sư Trường Thành