
Trong hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), thì “kiểm soát nội bộ là một chuỗi hoạt động kiểm soát hiện diện ở mọi bộ phận, mọi hoạt động của tổ chức”. Đó là quá trình giám sát thường xuyên, là phương tiện để các cấp quản lý trong tổ chức kiểm soát hoạt động của đơn vị mình nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn cho hoạt động, tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo sự tin cậy của những thông tin tài chính. Hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả sẽ là cánh tay phải đắc lực của nhà quản trị trong quản lý và điều hành hoạt động của ngân hàng, cung cấp các thông tin đáng tin cậy về báo cáo tài chính, tính tuân thủ pháp luật trong các hoạt động của tổ chức.
Qua công tác kiểm tra nội bộ về kế toán của Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Đà Nẵng (SCB Đà Nẵng), tác giả Phan Ngọc Hà với bài viết “Kiểm soát nội bộ về kế toán của ngân hàng – Những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện” đã chỉ ra những lỗi thường gặp của Ngân hàng này về hệ thống chứng từ, sổ sách và báo cáo tài chính; kiểm soát kế toán lưu động; kế toán tiền vay... Qua đó, tác giả đưa ra các biện pháp pháp lý để hạn chế rủi ro trong hoạt động kế toán và nhấn mạnh, từ thực tiễn hoạt động kiểm soát nội bộ của SCB Đà Nẵng, có thể rút ra một số kinh nghiệm để hoàn thiện các biện pháp pháp lý nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động kế toán của ngân hàng TMCP. Tuy nhiên, để các biện pháp pháp lý mang tính thiết thực, cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ chất lượng cao, hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro mất mát tài sản và cung cấp thông tin tài chính đáng tin cậy.
Để tìm hiểu thêm về nội dung chi tiết của bài viết, chúng tôi xin trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc bài viết này trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 7 (268) của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Minh Minh