
1. Rút khỏi hợp đồng hợp tác
Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Bộ luật Dân sự năm 2015 không thừa nhận tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự nên kết quả của hợp đồng hợp tác cũng không làm hình thành một chủ thể độc lập. Đây cũng chính là lý do khiến vị trí của hợp đồng hợp tác được thay đổi. Cụ thể, trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 thì kết quả của hợp đồng hợp tác là hình thành chủ thể “tổ hợp tác” để tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự nên các quy định về hợp đồng hợp tác được kết cấu tại phần các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, sự giao kết hợp đồng hợp tác chỉ thuần túy là việc xác lập hợp đồng nên các quy định về hợp đồng này được kết cấu trong Chương XVI. “Một số hợp đồng thông dụng”.
Đối với các hợp đồng khác, số lượng chủ thể của hợp đồng tương đối ổn định mà hầu như không có sự thay đổi từ lúc giao kết, thực hiện và đến giai đoạn chấm dứt hợp đồng. Ngược lại, số lượng chủ thể hợp đồng hợp tác lại thường xuyên có sự thay đổi do sự gia nhập của chủ thể mới hoặc sự rút khỏi hợp đồng hợp tác của chủ thể cũ. Do đó, số lượng chủ thể của hợp đồng hợp tác có thể tăng lên hoặc giảm đi so với số lượng các chủ thể giao kết ban đầu. Nhưng số lượng chủ thể của hợp đồng hợp tác luôn được duy trì tối thiểu là hai chủ thể để bảo đảm sự tồn tại của hợp đồng hợp tác. Pháp luật ghi nhận cũng như cho phép việc gia nhập hoặc rút khỏi hợp đồng hợp tác xuất phát từ chính mục đích của hợp đồng này là sự hợp tác của các bên chủ thể trên cơ sở đóng góp vốn, góp công sức để cùng nhau thực hiện công việc nhất định thu lợi nhuận và phân chia lợi nhuận đó. Với mục đích này, việc các chủ thể khác mặc dù không tham gia giao kết hợp đồng nhưng hoàn toàn có thể đóng góp tài sản hoặc công sức để gia nhập hợp đồng. Ngược lại, với các chủ thể của hợp đồng hợp tác, khi họ không có nhu cầu hợp tác với các chủ thể còn lại của hợp đồng thì họ có thể rút khỏi hợp đồng hợp tác và phần tài sản họ đã đóng góp được giải quyết theo quy định của pháp luật. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận cho các chủ thể được rút khỏi hoặc gia nhập hợp đồng hợp tác nhưng những sự thay đổi này được tiến hành theo các quy định của pháp luật để tránh sự tùy tiện của các chủ thể; qua đó, bảo đảm sự ổn định của hợp đồng hợp tác trong một giới hạn nhất định.
Rút khỏi hợp đồng hợp tác là việc chủ thể không tiếp tục tham gia hợp đồng hợp tác với tư cách chủ thể của hợp đồng. Sau khi rút khỏi hợp đồng hợp tác, chủ thể đã rút khỏi hợp đồng không còn là thành viên của hợp đồng, mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ của họ trong hợp đồng hợp tác đều được chấm dứt.
Điều 510 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong hai trường hợp sau đây:
Thứ nhất, theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác
Khi các chủ thể xác lập hợp đồng hợp tác thì họ có thể thỏa thuận luôn các điều kiện để một thành viên được quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác. Khi thực hiện hợp đồng hợp tác xảy ra các điều kiện mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì thành viên hợp tác có quyền xin rút khỏi hợp đồng hợp tác. Các điều kiện mà các bên thường thỏa thuận để thành viên có thể rút khỏi hợp đồng hợp tác như:
- Vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục thực hiện các công việc trong hợp đồng hợp tác. Điều kiện này thường được áp dụng đối với các thành viên có nghĩa vụ đóng góp công sức để thực hiện hợp đồng hợp tác;
- Vì lý do kết quả hợp tác thua lỗ;
- Vì lý do một thành viên hợp tác chuyển nơi cư trú. Điều kiện này thường được đặt ra khi việc tiến hành công việc hợp tác được xác định theo địa điểm nhất định;
- Các bên cũng có thể thỏa thuận về tỷ lệ đồng ý về việc cho rút khỏi hợp đồng hợp tác đối với thành viên có nguyện vọng xin rút...
Thứ hai, có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.
Trong trường hợp này, để rút khỏi hợp đồng hợp tác thì phải có đầy đủ hai điều kiện sau đây: (i) Bên xin rút có lý do chính đáng; (ii) Được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác. Số lượng hơn một nửa thành viên hợp tác phụ thuộc vào số lượng thành viên hợp tác trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Nếu số lượng thành viên hợp tác là 03 người thì khi một người muốn xin rút phải được sự đồng ý của 02 người; nếu số lượng thành viên hợp tác là 04 người thì khi một người muốn xin rút phải được sự đồng ý của 03 người; nếu số lượng thành viên hợp tác là 05 người thì khi một người muốn xin rút phải được sự đồng ý của 03 người...
Đây là hai điều kiện đồng thời và nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì thành viên xin rút sẽ không được phép rút khỏi hợp đồng hợp tác. Theo đánh giá của tác giả, quy định này còn tồn tại một số hạn chế sau đây:
Một là, điều luật chỉ quy định chung chung “có lý do chính đáng” mà không có bất cứ giải thích như thế nào là có lý do chính đáng gây ra khó khăn và thiếu thống nhất trong việc áp dụng điều kiện này. Hơn thế nữa, để thừa nhận lý do thành viên xin rút đưa ra là chính đáng hay không phụ thuộc phần lớn vào sự đánh giá chủ quan của các thành viên còn lại của hợp đồng hợp tác. Vì vậy, theo tác giả cần phải bổ sung quy định giải thích như thế nào là “có lý do chính đáng”, theo đó, đây là những lý do liên quan đến sức khỏe, công việc, nơi ở... của thành viên hợp tác khiến họ không thể tiếp tục thực hiện được việc hợp tác với các thành viên hợp tác khác.
Hai là, điều kiện được rút khỏi hợp đồng hợp tác là “được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác” không áp dụng được khi số lượng thành viên hợp đồng hợp tác chỉ có 02 chủ thể. Do đó, với trường hợp số lượng thành viên hợp tác chỉ có hai thành viên mà một chủ thể xin rút và được sự đồng ý của thành viên kia thì đương nhiên họ có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác và hậu quả tất yếu là chấm dứt hợp đồng hợp tác. Bộ luật Dân sự năm 2015 cần bổ sung thêm cho riêng trường hợp này.
Ba là, điểm hạn chế lớn nhất của quy định này là đặt ra yêu cầu phải đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện: Bên xin rút có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác. Trên thực tế sẽ tồn tại nhiều trường hợp một người có lý do chính đáng không thể tiếp tục tham gia hợp đồng hợp tác nhưng lại không được hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác đồng ý cho rút thì họ cũng không thể rút được. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi cũng như cuộc sống của họ. Ví dụ: A đang tham gia hợp đồng hợp tác cùng với B và C, theo đó công việc hợp tác là A, B, C cùng đóng góp công sức để đóng gạch bán chung. Hợp đồng hợp tác kéo dài 05 năm. Khi thực hiện hợp đồng được 02 năm, A bị đột quỵ, tai biến nằm liệt giường. A đã xin rút khỏi hợp đồng hợp tác nhưng không được sự chấp thuận của B và C. Xét theo quy định của luật, trường hợp này A không được quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác. Điều này không phù hợp với thực tế tình trạng của A. Đặc biệt khi công việc hợp tác lại liên quan đến việc đóng góp công sức mà A lại không còn khả năng lao động. Do đó, theo ý kiến tác giả, quy định để rút khỏi hợp đồng hợp tác thì phải có đầy đủ hai điều kiện bên xin rút có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác là không phù hợp và cứng nhắc. Bởi vậy, chỉ cần có một trong hai điều kiện này thì thành viên của hợp đồng hợp tác có quyền rút khỏi hợp đồng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thành viên chỉ được quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác theo một trong hai căn cứ trên. Nếu thành viên tự ý rút khỏi hợp đồng hợp tác không theo đúng các căn cứ do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì việc rút khỏi hợp đồng của thành viên đó bị xác định là vi phạm hợp đồng và họ phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan.
Khi thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác, họ có quyền và nghĩa vụ như sau:
- Về quyền của thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác: Họ được yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung. Quy định thành viên hợp tác được nhận lại tài sản đã đóng góp gây ra cách hiểu sai là thành viên được quyền nhận lại tài sản bằng với tài sản họ đã đóng góp. Điều này chỉ đúng khi việc hợp tác có lãi, tạo ra lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp việc hợp tác thua lỗ thì thành viên đã rút khỏi hợp đồng hợp tác không thể yêu cầu nhận lại toàn bộ số tài sản mà họ đã đóng góp khi giao kết hoặc khi gia nhập hợp đồng hợp tác. Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa quy định triệt để việc xác định giá trị tài sản nhận lại theo đúng thời điểm góp vào hay theo giá tài sản tại thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác. Ví dụ: 04 người bạn cùng góp tiền và vàng để hợp tác làm ăn chung. Tại thời điểm góp tài sản, anh M góp 15 cây vàng và số vàng này đã được bán để thực hiện công việc làm ăn chung. 03 năm sau, M xin rút khỏi hợp đồng hợp tác, trường hợp này M được nhận lại theo số tiền theo đúng thời điểm bán vàng hay được nhận lại số tiền tính theo giá trị 15 cây vàng tại thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác. Qua phân tích cũng như ví dụ minh họa đưa ra, tác giả cho rằng để tránh các tranh chấp phát sinh trên thực tế cũng như hạn chế việc giải quyết không thống nhất giữa các Tòa án, Bộ luật Dân sự năm 2015 nên quy định triệt để và chặt chẽ vấn đề này. Theo đó, giá trị tài sản mà thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác được nhận lại cần được xác định theo giá trị tại thời điểm họ rút khỏi hợp đồng hợp tác bởi lẽ giá trị của tài sản có sự thay đổi theo thời gian nên không thể tính theo thời điểm góp tài sản để trả lại cho thành viên rút khỏi hợp đồng, như vậy sẽ gây bất lợi cho thành viên đó. Hơn thế nữa, nhiều hợp đồng hợp tác có thời gian kéo dài lên tới vài chục năm thì việc xác định giá trị tài sản để hoàn trả cho người rút khỏi hợp đồng theo giá tại thời điểm đóng góp sẽ bất hợp lý. Ngoài ra, trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia.
- Về nghĩa vụ của thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác: Họ phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.
2. Gia nhập hợp đồng hợp tác
Ngược lại với quá trình rút khỏi hợp đồng hợp tác là việc gia nhập hợp đồng. Nếu như rút khỏi hợp đồng hợp tác là căn cứ chấm dứt tư cách chủ thể hợp đồng của bên rút khỏi thì gia nhập hợp đồng hợp tác là căn cứ để xác lập tư cách chủ thể hợp đồng của chủ thể đã gia nhập. Điều 511 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về vấn đề gia nhập hợp đồng hợp tác như sau: “Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định khác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác”. Theo quy định này, việc gia nhập hợp đồng hợp tác dựa trên hai căn cứ sau đây:
Một là, việc gia nhập hợp đồng hợp tác được thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hợp tác. Các chủ thể ký kết hợp đồng hợp tác được đặt ra các điều kiện để một người được gia nhập vào hợp đồng cũng như quy định tỷ lệ thành viên đồng ý để một chủ thể có thể được gia nhập hợp đồng. Trong hợp đồng hợp tác có thể có điều khoản để xác định điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác như điều kiện về việc đóng góp tài sản, công sức; điều kiện về độ tuổi; điều kiện về nghề nghiệp; điều kiện về giới tính; điều kiện về nơi cư trú, công việc… của người gia nhập. Các điều kiện này được đặt ra theo tính chất công việc của hợp đồng hợp tác. Ví dụ như 03 người bạn cùng ký kết hợp đồng hợp tác để mở salon tóc. Họ cùng đóng góp tài sản và công sức để mở salon và trực tiếp thực hiện công việc. Trong hợp đồng hợp tác quy định điều kiện gia nhập như về độ tuổi dưới 35 tuổi; có tay nghề và chứng chỉ liên quan đến hoạt động làm tóc…
Hai là, trường hợp các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác. Theo quan điểm của tác giả, quy định này không phù hợp bởi vì sự thỏa thuận hợp tác giữa các bên chính là hợp đồng mà theo nguyên tắc chung của hợp đồng, các nội dung của hợp đồng được thống nhất trên cơ sở của các bên chủ thể. Trong khi đó, việc một chủ thể xin gia nhập hợp đồng hợp tác có tác động lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ các thành viên hợp tác. Do đó, quan điểm của tác giả cho rằng, nếu một chủ thể muốn xin gia nhập hợp đồng hợp tác mà trong hợp đồng hợp tác các thành viên của hợp đồng chưa dự liệu, ghi nhận vấn đề này thì cần phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên của hợp đồng hợp tác. Quy định này vừa thể hiện đúng bản chất thể hiện ý chí của các bên chủ thể trong hợp đồng và đồng thời bảo đảm quyền của tất cả các thành viên trong hợp đồng hợp tác.
Khi một chủ thể được gia nhập hợp đồng hợp tác theo một trong hai căn cứ trên, họ được công nhận là thành viên của hợp đồng và có các quyền cũng như nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hợp tác./.
TS. Lê Thị Giang
Trường Đại học Luật Hà Nội