
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức tuyên bố khẩn về mức độ nguy hiểm và xem Covid-19 là một đại dịch có tính toàn cầu. Tại Việt Nam, khả năng lây lan của dịch bệnh Covid-19 là tương đối cao khi vị trí địa lý của quốc gia nằm sát với Trung Quốc - nơi được xem là nguồn phát dịch đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, cơ sở vật chất và thiết bị y tế của Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng với tỷ lệ dân số đông hơn các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một kết quả ngoài mong đợi đó là Việt Nam đã gần như kiềm chế, kiểm soát được sự lây nhiễm của dịch bệnh này, nhận được sự đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế và dư luận thế giới.
Với mục tiêu chung là hạn chế tác động của dịch Covid-19 và đảm bảo quyền sức khỏe con người, các quốc gia hiện nay đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thông qua việc triển khai, chỉ đạo các chính sách, biện pháp thích hợp đến người dân cũng như tổ chức hoạt động giữa các cơ quan nhà nước. Trong đó, Việt Nam được xem là một tấm gương trong việc phòng chống dịch thành công trên thế giới khi tỷ lệ số ca nhiễm tương đối thấp dù cho công nghệ và thiết bị về y tế còn nhiều hạn chế.
Nội dung bài viết “Việt Nam là một hình mẫu trong phòng, chống đại dịch Covid-19”, tác giả Đinh Lê Oanh và Lê Hồ Trung Hiếu đã tập trung đánh giá các chính sách, biện pháp mà Chính phủ đã triển khai và những nhiệm vụ sắp tới mà Việt Nam thực hiện cần thực hiện nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại và duy trì một hình mẫu tốt. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.